Lễ hội đua voi ở huyện Buôn Đôn: Ngày vui mang thông điệp buồn
Tháng 3, mùa con ong đi lấy mật là lúc cộng đồng các dân tộc Ê-đê, M'nông, Jarai ở huyện Buôn Đôn bước vào tháng say tháng quên. Trong cái tháng mà người Tây Nguyên nói chung gọi là Nao Dring này, khi đã rảnh việc đồng áng, gác lại những lo toan, lúc này người bản xứ chìm trong không gian của núi rừng ngạt ngào hương rượu cần ngọt ngây cùng tiếng cồng chiêng sôi động, giục giã.
Ai say cứ say, ai vui cứ vui, đến với Tây Nguyên, đến Buôn Đôn vào cái thời khắc tươi vui rộn ràng nhất trong năm này, không chỉ được thưởng thức những món ngon vật lạ mang phong vị bản xứ đặc trưng mà khách đường xa còn được sống trong không khí lễ hội tưng bừng với điểm nhấn là lễ cúng bến nước và lễ cúng sức khỏe cho voi. Vào lễ, chiếc thủ cấp của con heo đã qua thui lông được vị chủ tế lần lượt trao cho từng nài voi rồi rẩy nước phép và đọc lời khấn.
Lễ cúng voi diễn ra rất sôi động với nhiều thanh âm, sắc màu của các chiến tượng hùng dũng nhưng ai tinh ý sẽ thấy phía sau bức tranh giàu sắc màu tươi vui kia vẫn có những dấu lặng của cung bậc cảm xúc… trĩu lòng người.
Khác với mọi lần, lễ cúng voi năm nay không có bóng dáng của dũng sĩ Amakông, con người từng là huyền thoại sống của núi rừng Yok Đôn kỳ vĩ với chiến tích săn bắt và thuần dưỡng 298 con voi rừng. Không có bóng dáng của Vua săn voi để làm lễ cúng thần voi, nhiều người thương, nhiều người nhớ và nhiều người buồn. Buồn vì trong quá trình diễn ra lễ cúng voi không thấy Ban tổ chức nhắc gì, nói gì về con người đã mang lại nhiều danh tiếng cho quê hương Đắk Lắk.
Có lẽ người ta đã lãng quên Vua voi dù rằng ông mất chỉ mới hơn 1 năm. Thời khắc này, ở dưới mồ sâu của ngôi mộ tháp to lớn nhất Tây Nguyên, hẳn dũng sĩ săn voi Amakông buồn lắm. Và đó không phải là nỗi buồn duy nhất mà chúng tôi ghi nhận tại lễ hội voi lần này.
1. "Cùng với văn hóa cồng chiêng đặc sắc thì voi là biểu tượng bất biến trong tâm thức của người dân Tây Nguyên. Sức mạnh của voi là biểu tượng của sức mạnh đặc biệt cộng đồng, của gia đình với buôn làng. Đã bao đời nay, Buôn Đôn là địa phương có nhiều voi nhất Đắk Lắk. Voi đã đi vào trong tâm thức người Đắk Lắk nói chung và Buôn Đôn nói riêng như một biểu tượng bất biến. Voi gắn bó với người Buôn Đôn được săn bắn từ đại ngàn hùng vĩ bởi những gru (dũng sĩ săn voi) dũng mãnh, được thuần dưỡng và nuôi như người bạn lớn trong mỗi gia đình M'nông, Ê-đê, Jrai… Cúng sức khỏe cho voi là thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của đồng bào"…
Những hình ảnh trong lễ cúng sức khỏe cho voi. |
Lễ cúng voi diễn ra vào chiều 12/3 ở xã Krông Ana - nơi phát tích nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng tại Đắk Lắk, ngay sau khi đọc lời vinh danh loài voi, người dẫn chương trình giới thiệu thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng sức khỏe cho voi là già làng Y ban E Bê. Ông từng là gru có danh tiếng với những chiến tích săn voi lẫy lừng và có nhiều uy tín trong cộng đồng, am tường các lễ cúng, luật tục cổ xưa. Do già làng E Bê bận với việc hành lễ và do không còn gru huyền thoại Amakông để hỏi những chuyện liên quan đến các ông Bồ (cách mà người Chơ-ro ở vùng núi rừng Mã Đà - Đồng Nai, nói về voi nhằm tránh kị húy), nên tôi hỏi thăm nhiều người rằng, ngoài già làng E Bê, còn có ai là "từ điển sống" về voi ở Buôn Đôn thì được giới thiệu gặp bà Amí Phương.
Nhiều lần rong ruổi khắp núi rừng Tây Nguyên nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp trưởng buôn là phụ nữ. Ở tuổi 62, người đứng đầu Buôn Đôn nhanh nhẹn, hoạt bát và vui tính. Biết tôi quan tâm đến voi, trong âm thanh cồng chiêng vang sông dội núi, trong ngày vui nhưng bà Amí Phương trĩu giọng khi nhắc chuyện về những ông Bồ.
Bà nói ngày trước, hầu như nhà nào cũng có voi, nhà nhiều có đến hàng chục con, nhà ít cũng 1-2 con. Bây giờ thì cả buôn với 144 hộ nhưng chỉ còn có 5 con voi và bà lo sợ con số này trong nay mai sẽ không còn do voi chết vì già, voi chết vì lao lực do phải phục vụ khách du lịch và chết do đám người săn trộm.
Trong 3 hình thức sợ voi chết ấy, bà Amí Phương đặc biệt lưu ý đến những kẻ săn trộm voi. Bà nói không chỉ các "ông Bồ" thông minh, hiền lành và trung thành, ngay cả các chủ voi cũng khiếp sợ bọn người vô lương tâm. Bà Amí Phương cho biết, để voi được ăn no, được thoải mái thì chủ voi thả voi vào rừng cho voi kiếm thêm thức ăn.
Đi ăn như vậy voi được no, và được khỏe mạnh hơn nhờ ăn những cây cỏ có tác dụng chữa bệnh: "Nhưng thả voi vào rừng nguy hiểm lắm, voi sẽ bị người ta giết hại bất kỳ lúc nào. Giữa rừng sâu, trong bóng đêm, người ta rình rập săn voi thì làm sao biết mà ngăn chặn" - bà Amí Phương cho biết.
Vẫn biết rằng kẻ thủ ác rình rập chờ cơ hội giết voi để khoét lấy cặp ngà và chặt đuôi lấy lông bán cho du khách nhưng tôi vẫn hỏi bà Amí Phương để được rõ hơn rằng: "Người ta giết voi nhằm mục đích gì? Sau câu hỏi, tôi thấy ánh mắt của "nữ thủ lĩnh" Buôn Đôn đỏ hoe.
Tuy không trả lời câu hỏi của tôi nhưng lời tâm sự đầy phẫn nộ của bà cũng là câu trả lời: "Voi hiền lắm, voi có trí khôn, voi như người, voi là anh em. Ngày trước voi chết thì chủ voi mang voi vào rừng làm lễ y như người. Còn bây giờ, sợ kẻ xấu moi lấy xương, lấy da, lấy lông đuôi, lấy ngà nên có chủ voi chất lửa đốt voi để bọn người kia không quật mồ moi xác".
Từ con số hàng ngàn, đàn voi ở Đắk Lắk nay chỉ còn vài mươi con, và đến dự lễ cúng voi có chưa đến 20 con. |
Ông Y Non K'ra, Trưởng ban mặt trận buôn Trang Phúc (Krông Ana) ở gần đấy kể chuyện an táng voi như người với thái độ nghiêm cẩn. Ông nói khi voi chết, chủ voi cùng vợ con rất đau buồn, khóc lóc thảm thiết như mất đi người thân: "Voi chết thì đem chôn thôi, chôn voi trong rừng sâu, rồi cũng chia của cho voi, làm lễ cúng, mang đồ ăn ra mộ nuôi voi, tâm tình với voi, làm lễ bỏ mả cho voi. Làm lễ cho người chết ra sao thì lễ an táng voi cũng như vậy".
Từ bà Amí Phương, ông Y Non K'ra và nhiều người dân Buôn Đôn mà tôi gặp ở lễ hội, có một điều buồn toát lộ là hầu như những cư dân ở xứ voi khi được hỏi thăm ai nấy đều rành rẽ các vụ voi bị kẻ ác xử tử, quật mồ để lấy các cơ phận bán buôn. Buồn và khiếp đảm làm sao khi được biết ở Buôn Đôn, có chủ voi vì sợ voi bị quật mồ nên khi an táng cho voi đã đổ mấy lượt bê tông, cắt cử người trông coi, vậy nhưng vẫn không giúp được con vật thân yêu của gia đình tránh được kẻ ác quật mồ. Thế nên mới có chuyện như bà Amí Phương nói, gia chủ phải chất củi đốt voi để không còn gì cho bọn kẻ cắp quật mộ voi tìm xương cốt!
Khi đến tham gia lễ hội voi, lúc ghé Khu du lịch Buôn Đôn, tôi thấy có rất nhiều quầy hàng lưu niệm bày bán lông đuôi voi, lược xương voi, dây nịt da voi… Ai bán hàng cũng khẳng định sản phẩm mình chào bán là từ "voi thứ thiệt". Cần nói rõ đa phần người bán là dân bản xứ, điều này quả là chuyện trái khoáy bởi như bà Amí Phương nói, người Buôn Đôn không ai làm hại, mua bán các bộ phận từ cơ thể của voi.
Hỏi vì sao lại có hiện tượng đáng buồn này, trái với nghĩ suy của tôi rằng "đó là những người vì hám lợi mà biến chất", bà Amí Phương tế nhị bảo chỉ những nhà nuôi voi mới tuân thủ chuyện tôn kính voi: "Còn những người không nuôi nên không yêu, không thương voi nên biết làm sao được".
Khoan nói đến chuyện các sản phẩm từ voi là thật hay dỏm, đúng là biết làm sao được khi voi là linh vật được tôn thờ và được Sách đỏ bảo vệ nghiêm ngặt nhưng người ta vẫn thoải mái mua bán những món đồ lưu niệm từ xương cốt, ngà, da… của chúng. Và biết làm sao được trước hình ảnh ngược đời, không ít du khách khi đến dự lễ hội tôn vinh loài voi sau khi dự lễ cúng voi đã thản nhiên ghé các quầy lưu niệm mua nhẫn lông đuôi voi, trâm cài tóc, lược chải đầu bằng xương voi... với các màn mặc cả ầm ĩ! Trong ngày loài voi được tôn vinh mà người ta hành xử như thế quả thật đáng buồn và đáng trách.
2. Cuộc trò chuyện với bà Amí Phương gián đoạn khi bà có những việc liên quan đến lễ hội cần giải quyết. Đợi đến chiều tà, khi lễ cúng voi khép lại, tôi mạn phép đến nhà bà tiếp tục hỏi thăm chuyện về những con thú khổng lồ nhưng hiền lành, thông minh nhất rừng già.
Tôi hỏi bà Amí Phương rằng lúc hoàng kim, bà có nghe cha ông nói đàn voi nhà lẫn voi rừng ở Đắk Lắk có bao nhiêu con? Lập tức bà trưởng buôn bật miệng ngay. Bà nói rất rõ con số "phải đến hàng ngàn" với giải thích: "Hồi xưa núi rừng rậm rì, cây cối muôn trùng, rừng không chỉ có voi mà có heo rừng, bò tót, cọp beo nhiều vô kể".
Tôi nhẩm tính cụ Sun-khu-Sôp, ông tổ của nghề săn voi rừng tại Buôn Đôn khi về với rừng để lại chiến tích săn bắt thuần dưỡng đến 500 con voi rừng. Dũng sĩ Amakông lập chiến tích săn được 298 con. Cụ thân sinh của bà Amí Phương được 200 con. Chỉ riêng 3 gru ấy thôi đã săn được 1.000 con voi rừng. Mà núi rừng Buôn Đôn tính từ đó đến bây giờ trải qua biết bao thế hệ gru với muôn vàn chiến tích săn voi thì con số voi rừng từng hiện diện ở núi rừng Đắk Lắk nói riêng, khắp Tây Nguyên nói chung. Do vậy như bà Amí Phương nói lên đến hàng ngàn thì chẳng có gì lạ. Và càng lạ hơn khi con số ấy giờ đây chỉ còn vài mươi con và con số vài mươi này như đã nói, đang sút giảm từng ngày!
Đến dự lễ hội voi với điểm nhấn lễ cúng voi, trong ngày vui ấy, tôi ghi nhận nhiều nỗi ưu tư của những người con Buôn Đôn, những người yêu voi, thương voi nhưng bất lực trước lòng tham và sự tàn ác của một số người. Chợt nghĩ nếu ngày này, nếu như Ban tổ chức bên cạnh ngày vui hãy gióng lên những thông điệp về sự tồn vong của các "ông Bồ" trong tương lai thì ý nghĩa biết bao nhiêu. Với thông điệp ấy, hẳn những ai có ý định sau khi dự lễ ghé các quầy lưu niệm mua các sản phẩm từ voi sẽ chùn tay. Và biết đâu, khi ý thức được việc mua lông đuôi, trâm cài tóc, lược ngà voi là tiếp tay cho tội ác tàn sát loài voi, thì những người dự lễ hẳn sẽ tuyên truyền lại cho người thân thì lễ hội sẽ trọn vẹn và ý nghĩa siết bao!
Vì những dấu lặng chưa trọn vẹn và đong đầy nỗi lo sợ ám ảnh từ các chủ voi và những người yêu voi ấy, mới thấy trong lễ hội voi năm nay, tiếng là ngày vui nhưng nỗi buồn vẫn còn… nhiều lắm!