Lệnh tái trừng phạt Iran tác động giá dầu thế giới
Giá dầu thậm chí còn giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng. Có phải những biện pháp trừng phạt của chính quyền Mỹ đã không còn “linh nghiệm”?
Theo gói biện pháp trừng phạt Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran, sẽ có hơn 700 cá nhân và thực thể của Iran bị liệt vào danh sách trừng phạt. Động thái này được cho là sẽ gây hậu quả lớn đối với nguồn cung dầu mỏ của thế giới, bởi Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Tuy nhiên, thay vì tăng như những vòng trừng phạt trước, giá dầu thế giới đã giảm gần 15 USD/thùng trong chưa đầy một tháng qua. Từ thời điểm đạt mức đỉnh của 4 năm do lo ngại nguồn cung sẽ giảm bởi sự gián đoạn trong xuất khẩu dầu của 2 nước sản xuất dầu lớn là Iran và Venezuela, sau khi Mỹ chính thức áp dụng lệnh trừng phạt, giá dầu không những không tăng mà còn giảm.
Ngày 6-11, đúng thời điểm các lệnh trừng phạt có hiệu quả, giá dầu thế giới đóng cửa ở mức thấp nhất trong 7 tháng. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng giá dầu đã giảm khoảng 20%.
Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến giá dầu đi xuống một phần là do nhu cầu dầu trên thế giới giảm. Mà một trong những nhân tố tác động chính là do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã lây lan từ thị trường chứng khoán sang thị trường nguyên, nhiên liệu. Nếu kinh tế thế giới rơi vào tình trạng khó khăn, nhu cầu dầu toàn cầu cũng sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, thị trường dầu thế giới đã chuẩn bị từ lâu cho việc Mỹ thực hiện lệnh trừng phạt Iran. Từ tháng 5 tới tháng 10 năm nay, xuất khẩu và sản lượng dầu mỏ của Iran giảm liên tục.
Cùng thời gian, nhu cầu dầu của thế giới cũng đi xuống. Do tăng trưởng kinh tế giảm, tiêu thụ dầu mỏ cũng giảm và việc này cũng có thể nhìn thấy từ sự sụt giảm về lợi nhuận của ngành luyện dầu.
Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến giá “vàng đen” sụt giảm lần này lại chính từ lệnh trừng phạt Iran nới lỏng hơn dự kiến. Với quyền miễn trừ Mỹ dành cho 8 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Italy, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), các nước này vẫn được phép tiếp tục mua dầu của Iran. Rõ ràng, với quyết định này, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có sự nới lỏng hơn so với suy nghĩ trước đây rằng Mỹ sẽ gây sức ép đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức 0. Tại sao Mỹ lại có lòng “từ bi” như vậy?
Có thể quyết định trao quyền miễn trừ cho một số nước và vùng lãnh thổ của Mỹ tương đối hợp logic vì nếu ngay từ đầu đã cắt đứt hoàn toàn nguồn cung dầu mỏ từ Iran cho các nước thì sẽ khiến giá dầu tăng cao. Điều này đương nhiên không có lợi cho kinh tế thế giới, bao gồm cả Mỹ trong bối cảnh lo ngại tăng trưởng đi xuống.
Giá dầu mỏ thế giới đang đi xuống. |
Một yếu tố khác nữa là các nước sản xuất dầu mỏ chủ yếu đã gia tăng sản lượng, làm lắng dịu lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ. Thống kê cho thấy tổng sản lượng dầu mỏ hằng ngày trong tháng 10-2018 của Nga, Mỹ và Saudi Arabia trung bình là hơn 33 triệu thùng, tăng 10 triệu thùng/ngày so với năm 2010. Trong khi đó, sản lượng dầu mỏ của 3 nước này đủ để đáp ứng 1/3 nhu cầu của thế giới. Như vậy, thế giới về cơ bản có thể không cần tới nguồn cung dầu mỏ từ Iran.
Chỉ tính riêng sự bùng nổ về sản lượng của ngành năng lượng Mỹ đã có thể đủ thỏa mãn nhu cầu toàn cầu. Tháng 8 vừa qua, Mỹ lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới kể từ năm 1973. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Mỹ, dù thiếu nguồn cung dầu mỏ từ Iran, song thế giới vẫn có thể bình thản bước qua năm 2019.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng tình hình giá dầu sụt giảm như hiện nay nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, do quyết định miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran chỉ kéo dài 180 ngày, sau đó sẽ là thời điểm thiếu nhiên liệu lại xảy ra. Về dài hạn, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các đối tác nhập khẩu dầu của Iran vẫn đe dọa sự cân bằng của thị trường dầu mỏ thế giới vốn luôn trong trạng thái bất ổn và giá mặt hàng này có nguy cơ bị đẩy lên cao, khi đó giá dầu có thể vượt mức 100 USD/thùng.
Quả thực, sản lượng dầu mỏ của Mỹ đang có bước đại nhảy vọt. So với năm 2017, sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng trung bình 2,1 triệu thùng/ngày, hơn nữa, dư địa gia tăng vẫn còn nhiều. Dự kiến tới năm 2020, lượng xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng gấp đôi. Như vậy có thể thấy Mỹ đang trỗi dậy trở thành nhà lãnh đạo trong thế giới năng lượng.
Điều này khiến Mỹ hoàn toàn không sợ ảnh hưởng tiêu cực từ việc trừng phạt Iran, sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên Iran. Lệnh trừng phạt mới của chính quyền ông Donald Trump đối với Iran đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng nếu Tehran không thay đổi thì hãy gánh chịu hậu quả.