Libra - tham vọng lớn của Facebook

Thứ Ba, 25/06/2019, 13:18
Sau nhiều tháng từ khi xuất hiện các tin đồn, cuối cùng Facebook cũng tiết lộ nhiều chi tiết về đồng tiền số Libra sẽ ra mắt vào nửa đầu năm 2020. Kế hoạch lấn sân sang ngành tài chính của mạng xã hội có 2,38 tỷ người dùng đang gây xôn xao thế giới.

Đồng tiền số Libra là gì?

Tên Libra xuất phát từ một từ dùng để chỉ đơn vị đo cân nặng La Mã. Facebook muốn người nghe có cảm giác tự do tài chính khi nghe từ “Lib”, tức là tự do.

Facebook kỳ vọng Libra sẽ là một tiêu chuẩn tiền tệ toàn cầu mới như đồng đôla Mỹ nhưng ổn định hơn và dễ giao dịch hơn. Libra là một đồng tiền số nhưng không hề giống với Bitcoin, loại tiền số nổi tiếng nhất hiện nay nhưng vẫn không được sử dụng rộng rãi trong giao dịch hàng ngày.

Thanh toán bằng Libra cũng sẽ dựa trên blockchain nhưng người dùng phải mua Libra, chứ không thể “đào” như với Bitcoin. Giá trị của Libra được đảm bảo bằng dự trữ tài sản thực của các đối tác tham gia Hiệp hội Libra của Facebook. Nhờ đó, Libra được cho là ổn định hơn.

Hiện nay, các đối tác hay còn gọi là thành viên sáng lập Hiệp hội Libra gồm những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ, tài chính như Mastercard, Visa, Uber, Lyft, Spotify, eBay, PayPal, Union Square Ventures và Andreessen Horowitz. Mỗi thành viên phải đóng 10 triệu USD để tham gia. Facebook hy vọng sẽ có ít nhất 100 đơn vị đóng góp tài chính và sau này, họ cũng sẽ trở thành thành viên ban quản trị có quyền bỏ phiếu trong Hiệp hội Libra.

Theo Facebook, động cơ xây dựng đồng Libra chủ yếu là nhằm phục vụ thế giới đang phát triển và một số khu vực trên thế giới phát triển khó tiếp cận ngân hàng. Giao dịch bằng đồng Libra của Facebook sẽ gần như không mất phí. Do đó, mục đích của Facebook là “bao trùm tài chính”, tức là ai cũng có thể sử dụng, trên quy mô toàn cầu dựa trên lực lượng người dùng khổng lồ và hùng mạnh của Facebook.

Tất nhiên để dùng Libra làm phương thức tiền tệ cơ bản, người dùng phải có điện thoại thông minh hoặc máy tính. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, ước tính hơn 5 tỷ người trên toàn thế giới có một loại thiết bị di động nào đó và con số này đặc biệt tăng nhanh với người trẻ ở những nước đang phát triển. Facebook muốn trở thành thực thể kết nối những người dùng điện thoại này với cơ hội tài chính rộng mở hơn.

Facebook sẽ lập công ty chi nhánh tên là Calibra để xử lý các giao dịch tiền số và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Để đăng ký tài khoản ngân hàng qua Calibra, người dùng có thể sẽ cần chứng minh thư. Các thanh toán bằng Libra không trộn lẫn với dữ liệu Facebook để tránh quảng cáo. Danh tính thật của người dùng không bị ràng buộc với các giao dịch công khai.

Facebook và Calibra cũng như các thành viên sáng lập Hiệp hội Libra sẽ hưởng lãi suất với số tiền mà người dùng gửi vào dự trữ để duy trì giá trị đồng Libra ổn định. Hiệp hội Libra vẫn đang tìm cách xác định giá trị khởi đầu cho đồng Libra.

Mọi thanh toán bằng Libra sẽ dựa trên Libra Blockchain, một sổ cái trực tuyến công cộng được thiết kế để xử lý 1.000 giao dịch/ giây. Blockchain này được các thành viên Hiệp hội Libra điều hành và liên tục xác minh.

Facebook muốn Libra một ngày nào đó trở thành lựa chọn thanh toán cơ bản cho cả việc mua bán hàng hóa trên mạng và ngoại mạng cũng như trở thành phương thức gửi tiền giữa các thành viên gia đình, bạn bè ở mọi nước. Với đồng tiền Libra, bạn có thể mua sắm và gửi tiền cho mọi người mà gần như không mất đồng phí nào. Bạn có thể mua ẩn danh hoặc rút tiền Libra trực tuyến hoặc rút tại các điểm đổi tiền như cửa hàng tạp hóa, có thể tiêu tiền bằng các ứng dụng ví điện tử của bên thứ ba hoặc bằng ví Calibra của Facebook.

Tiền Libra sẽ được chuyển đổi dễ dàng sang các tiền tệ khác với phí giao dịch và chuyển đổi rất thấp. Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm của Calibra, ông Kevin Weill, cho biết Calibra sẽ khởi động trên Facebook Messenger và WhatsAp, sau đó chuyển sang các ứng dụng độc lập khác.

Tổng Giám đốc Facebook Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ năm 2018.

Facebook sẽ không kiểm soát hoàn toàn Libra mà sẽ cùng quản trị đồng tiền này cùng các thành viên sáng lập của Hiệp hội Libra. Hiệp hội sẽ thúc đẩy nguồn mở Libra Blockchain và nền tảng phát triển bằng ngôn ngữ lập trình Move riêng, đồng thời vận động các công ty đăng ký chấp nhận thanh toán bằng Libra hoặc giảm giá hay thưởng cho khách hàng.

Thông qua Calibra, đồng Libra cũng sẽ được dùng để thực hiện hầu hết chức năng của một thể chế tài chính, như mở tài khoản ngân hàng, quản lý khoản vay và tín dụng, kết nối với máy ATM của Calibra. Calibra có thể thực hiện chức năng tổng hợp của cả Western Union, Venmo, tài khoản, tiền mặt cho người dùng trong cả cuộc đời. Nói tóm lại, Facebook muốn Libra trở thành tiền số chính thống thực sự đầu tiên của thế giới.

Facebook cam kết Libra sẽ đảm bảo quyền riêng tư và phi tập trung hóa hơn nhiều so với nhiều người nghĩ. Thay vì tìm cách thống trị tương lai Libra hoặc hốt hàng tấn tiền từ đồng tiền số này, Facebook đang tính tới cuộc chơi lâu dài khi kéo các giao dịch thanh toán về nền tảng trực tuyến của mình.

Mối lo Facebook có quyền lực quá lớn

Ngay sau khi thông báo sắp ra mắt đồng Libra, Facebook đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích về việc tìm cách thống trị thế giới. Trước khi có đồng Libra, Facebook đã bị chỉ trích là làm gián đoạn mọi thứ, từ ngành truyền thông cho tới nền dân chủ, gây ra nhiều vụ bê bối liên quan quyền riêng tư của người dùng.

Mặc dù cam kết sẽ tách biệt thông tin giữa Calibra và Facebook nhưng theo tờ Business Insider, điều khoản dịch vụ của Calibra cho thấy có những trường hợp dữ liệu tài khoản Libra ở Calibra có thể được chia sẻ với Facebook để ngăn chặn tội phạm. Hơn nữa, Facebook có thể chia sẻ thông tin với Calibra để thực hiện nâng cấp nếu người dùng cho phép.

Điều đáng lo hơn là động cơ của Facebook khi gia nhập thị trường thanh toán. Không có gì sai trái với việc cung cấp tiền số cho những người không có tài khoản ngân hàng, nhưng đồng tiền số Libra có thể củng cố quyền lực trực tuyến của Facebook. Zuckerberg có thể muốn Facebook trở thành WeChat, một nền tảng di động Trung Quốc cung cấp dịch vụ tổng hợp, toàn diện từ nhắn tin, gọi xe cho tới thanh toán điện tử.

Hiện nay, Facebook phần lớn dựa vào quảng cáo để kiếm tiền. Với Libra, Facebook có thể trở thành một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số. Libra có thể còn lâu mới mang lại lợi nhuận nhưng nó có tiềm năng trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi với một mạng xã hội 2,38 tỷ người dùng như Facebook.

Với quy mô đó, Zuckerberg sẽ không gặp vấn đề gì khi thuyết phục người dân nhiều nước sử dụng hệ thống thanh toán dùng Libra, khiến dịch vụ này và cả Facebook đều trở nên ngày càng cần thiết. Sau này, bỏ tán gẫu trên Facebook có thể sẽ dễ hơn nhiều so với bỏ thói quen thanh toán trên Facebook.

Libra cũng có thể khiến đế chế kỹ thuật số của Zuckerberg an toàn hơn với các nhà quản lý. Có không ít người muốn chia nhỏ Facebook thành nhiều công ty để tránh độc quyền và dễ quản lý. Một khi Libra ra mắt, đồng tiền này có thể là nhân tố gắn kết các ứng dụng của Facebook, là lưới mắt cáo khiến cơ quan chức năng không thể động vào.

Rủi ro khi bị đánh cắp

Ngoài vấn đề củng cố quyền lực của Facebook, đồng Libra còn có thể tiềm ẩn rủi ro về an ninh. Facebook luôn là một mục tiêu khổng lồ của tin tặc. Khi ra mắt đồng tiền số có giá trị như Libra, Facebook chắc chắn lại càng thu hút tin tặc hơn, chưa kể nhiều đối tượng muốn phá hoại, gây rắc rối cho đồng tiền của Facebook.

Để ngăn chặn điều này, Facebook để Libra Blockchain ở dạng nguồn mở và thử nghiệm trước với một phiên bản mẫu. Bản beta này cùng với một chương trình bug bounty (thưởng cho cá nhân phát hiện lỗi bảo mật) kết hợp với đối tác HackerOne sẽ phát hiện mọi lỗ hổng và chỗ dễ bị tổn thương trước khi Libra ra mắt chính thức và kết nối với tiền thật.

Thế nhưng, Libra vẫn có thể bị lạm dụng trên nền tảng của Facebook. Vì Libra Blockchain ở dạng mở cho tất cả mọi người, từ người tiêu dùng, nhà phát triển cho tới doanh nghiệp, cộng với rào cản không cao, nên những vụ bê bối như vụ Công ty Cambridge Analytica đánh cắp dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook để dùng cho mục đích chính trị có thể sẽ xảy ra.

Facebook sẽ ra mắt đồng tiền số Libra vào năm 2020.

Với Libra, thứ bị đánh cắp không còn là ngày sinh hay sở thích người dùng, đó sẽ là những đồng Libra trị giá hàng trăm hay hàng nghìn đôla. Một nhà phát triển mờ ám có thể xây dựng một ví điện tử để moi sạch tài khoản của người dùng, chuyển tiền của người dùng không đúng người nhận, đào bới lịch sử mua bán của người dùng để tìm dữ liệu tiếp thị hoặc dùng để rửa tiền…

Sau vụ bê bối Cambridge Analytica, Facebook nhanh chóng khóa nền tảng ứng dụng, hạn chế giao diện lập trình ứng dụng, kiểm tra gắt gao các nhà phát triển mới và kiểm toán những nhà phát triển có vẻ mờ ám. Giả sử Libra bị đánh cắp, Facebook có hành động tương tự không?

Ông Kevin Weil trả lời: “Hiệp hội Libra không định đóng vai trò trong chủ động kiểm tra nhà phát triển. Ngay lúc bạn bắt đầu hạn chế nhà phát triển sẽ là lúc bạn bắt đầu quay trở lại hệ thống ngày nay với hệ sinh thái đóng và ít người cạnh tranh, khi đó, bạn sẽ thấy phí tăng lên”. Điều đó có nghĩa là nếu Facebook xác minh các nhà phát triển ứng dụng Libra, mọi thứ sẽ bắt đầu đắt đỏ, phức tạp và bực mình với người dùng tiền số.

Một khi những sự cố kiểu như một gia đình hay doanh nghiệp nhỏ mất toàn bộ tiền Libra, mọi người sẽ đổ lỗi lên đầu Facebook, chứ không phải là Hiệp hội Libra. Khi đồng Libra ra mắt, chắc chắn sẽ có những người dùng không hiểu sự khác nhau giữa ứng dụng ví Calibra của Facebook và ứng dụng khác được xây dựng cho Libra. Nếu người dùng giữ tiền trong ví Calibra mà bị mất tiền, họ sẽ được hoàn lại. Calibra sẽ hỗ trợ khách hàng 24/7 để giúp người dùng tiếp cận lại tài khoản.

Nhưng nếu giữ tiền Libra trong các ví khác, sẽ không có cách nào lấy lại tiền đã mất hoặc gửi nhầm. Không có dịch vụ hỗ trợ khách hàng như ví Calibra. Chắc chắn sẽ có nhiều người dùng ít kinh nghiệm trở thành con mồi cho những kẻ lừa đảo.

Về rủi ro tiền Libra bị đánh cắp, ông Weil nói: “Như mọi thứ khác, hệ sinh thái tài chính hiện nay có gian lận và có âm mưu lừa đảo… Tiền Libra cũng sẽ như vậy. Không có gì đặc biệt hay kỳ diệu có thể ngăn chặn lừa đảo. Nhưng tôi cho rằng những điểm cộng lớn hơn rất nhiều so với điểm trừ”.

Rắc rối với nhà quản lý

Từ trước tới nay, thế giới blockchain vốn đa số chỉ dành cho các nhà công nghệ, ngoại trừ trường hợp đồng Bitcoin tăng giá mạnh khiến nhiều người bình thường cũng đầu tư đào Bitcoin. Vậy nên khi Facebook mới vừa thông báo kế hoạch đưa 2,38 tỷ người dùng vào thế giới tiền số, các nhà quản lý đã cảm thấy lo lắng.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Sherrod Brown đăng trên Twitter: “Chúng ta không thể để Facebook điều hành một đồng tiền số mới và rủi ro bên ngoài một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ mà không có giám sát”.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu với đài phát thanh Europe 1 rằng không thể để Libra trở thành một tiền tệ tối cao.

Gay gắt nhất là bình luận của nghị sĩ Mỹ Maxine Waters: “Với quá khứ rắc rối của Facebook, tôi yêu cầu rằng Facebook phải đồng ý tạm ngừng bất kỳ động thái nào tiến tới phát triển tiền số cho tới khi Quốc hội và các nhà quản lý có cơ hội kiểm tra vấn đề này và hành động”.

Facebook dường như đã lường trước điều này. Trong một thông báo nhằm “phủ đầu” các chỉ trích từ nghị sĩ Mỹ, Hiệp hội Libra viết: “Chúng tôi hoan nghênh giải trình trách nhiệm và công chúng đặt câu hỏi. Chúng tôi cam kết đối thoại với nhà quản lý và nghị sĩ. Chúng tôi cũng quan tâm tới sự ổn định tiền tệ quốc gia như các nghị sĩ”.

Trong thực tế, Facebook và Calibra mỗi bên cũng chỉ có một phiếu bầu, tức 1% tổng lượng phiếu bầu trong Hội đồng Hiệp hội Libra. Sự phi tập trung hóa này giúp ngăn chặn khả năng Facebook hoặc bất kỳ đối tác nào cướp đồng Libra. Do không phải là bên duy nhất sở hữu và kiểm soát đồng Libra, Facebook có thể không bị các nhà quản lý soi xét kỹ.

Thùy Dương
.
.