Liên hoan phim Cannes khốn khổ vì COVID-19
Nỗ lực cứu vãn
Ban tổ chức (BTC) chính thức thông báo LHP sẽ không diễn ra từ ngày 12 đến ngày 23-5 tại miền Nam nước Pháp vì sự lây lan nhanh chóng của đại dịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 73 năm hình thành và phát triển, LHP Cannes bị hoãn tổ chức. Lần gần đây nhất, LHP bị gián đoạn là vào năm 1968, khi các cuộc đình công của công nhân và biểu tình của sinh viên diễn ra mạnh mẽ tại Pháp.
Dẫu vậy, trưởng ban giám khảo LHP Cannes - đạo diễn Mỹ Spike Lee nhận định rằng BTC vẫn đang xem xét để tổ chức LHP vào thời điểm thích hợp nhất, có thể là cuối tháng 6 hay đầu tháng 7 tới. “Ngay khi tình hình y tế của Pháp và quốc tế tiến triển khả quan, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định của mình”, BTC nói thêm.
Thậm chí, ông Thierry Frémaux, Giám đốc nghệ thuật của LHP Cannes chia sẻ trên tờ Le Figaro rằng, LPH Cannes có thể liên kết với LHP Venice, diễn ra từ ngày 2 đến 12 tháng 9 tới.
Tạm thời, các nhà tổ chức chưa đưa ra được lựa chọn mới cho LHP Cannes. Dựa trên tình hình diễn biến của dịch bệnh, Trưởng BTC vẫn nhấn mạnh: “Tương lai chưa bao giờ bất định như bây giờ. Kịch bản đen tối nhất chính là tất cả các liên hoan đều bị hủy, kể cả những sự kiện vào mùa thu. Tính mạng của công chúng vẫn là ưu tiên hàng đầu”.
Đạo diễn Bong Joon-ho đoạt giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes 2019 với phim “Parasite”. |
Kịch bản nào nếu Cannes bị hủy?
LHP Cannes ra đời năm 1946, là một trong 3 LHP lớn nhất thế giới, bên cạnh LHP Venice và LHP Berlin. Sự kiện điện ảnh đình đám này diễn ra vào tháng 5 hằng năm. Tại đây, hàng nghìn nhà làm phim, diễn viên trên thế giới hội tụ với các tác phẩm chất lượng. Thảm đỏ của lễ khai mạc, bế mạc và các buổi chiếu phim cũng trở thành sàn diễn thời trang để các người đẹp khắp thế giới khoe váy áo và phụ kiện đắt đỏ.
Đối với giới làm phim thế giới, việc hủy tổ chức LHP Cannes chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt đối với các đại lý và nhà phân phối phim. Tờ LesEco.ma (Pháp) thừa nhận, một trong những cú hích nặng nề của ngành công nghiệp điện ảnh nước này là việc hoãn LHP Cannes.
Trong thời điểm BTC LHP Cannes đang bế tắc, các LHP lớn như Venice, La Mostra (liên hoan phim lâu đời nhất trên thế giới - 1932), Toronto... vẫn giữ kế hoạch như dự kiến. Cụ thể, LHP Venice dự kiến kéo dài từ ngày 2 đến 12-9. LHP quốc tế Toronto (TIFF), dự kiến từ ngày 10 đến 20-9, chưa kể Liên hoan phim Pháp Angoulême (25-8 đến 3-9), và LHP Mỹ Deauville (từ ngày 4 đến 13-9). Trong đó, LHP Venice đã có thị trường phim riêng từ năm 2012, cũng như liên hoan phim Đức, đã đạt được uy tín trong một thời gian dài. Đây cũng là trường hợp của Toronto khi ngày càng có uy tín hơn.
Kênh France Info (Pháp), cho rằng tất cả những sự kiện này rõ ràng là đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ và đe dọa sức ảnh hưởng đối với LHP Cannes, ngay cả khi Cannes vẫn là sự kiện hàng đầu thế gới. France Info đề xuất, trong bối cảnh này, giải pháp tối ưu để cứu vãn LHP Cannes 2020 đó là hợp tác với các LHP khác.
Ra mắt thị trường ảo
Đã có nhiều phương án được đề xuất song, dường như BTC vẫn không muốn để mất “cánh đồng màu mỡ” tại LHP Cannes. Còn nhớ, ông Thierry Frémaux từng khẳng định không muốn tổ chức Cannes như “một sự kiện ảo”. Đến nay, tương lai của LHP Cannes vẫn còn mờ mịt, BTC dường như buộc phải ra mắt một thị trường phim ảo của Marché du Film Online (bộ phận chuyên kinh doanh phim thuộc khuôn khổ LHP Cannes) để “chạy song song với thị trường thật”. Thị trường này được thực hiện với dịch vụ kỹ thuật số Cinando dành cho các chuyên gia trong ngành, những người không thể tham dự thị trường này.
Tại đây, các nhà sản xuất và nhà phân phối sẽ có quyền truy cập vào các gian hàng ảo để “chào hàng” các sản phẩm và dự án mới mình đến với chuyên gia. Các cuộc họp video sẽ được tổ chức thông qua ứng dụng Match & Meet, các buổi chiếu phim trực tuyến có tính bảo mật cũng sẽ được thực hiện, bao gồm tính toán sự chênh lệch múi giờ của mỗi quốc gia.
Thierry Frémaux khẳng định, việc tổ chức LHP là cơ hội tái khởi động nền kinh tế của ngành công nghiệp điện ảnh với hệ thống tác phẩm, nghệ sĩ, các nhà kinh doanh từ khắp nơi trên thế giới vốn bị đình trệ suốt thời gian qua. Cannes là một trong những LHP lớn để đưa các tác phẩm điện ảnh tới gần công chúng.
Đây được coi là giải pháp hữu hiệu vì Marché du Film thường thu hút số lượng người rất lớn tại LHP hằng năm. Năm ngoái, tại đây thu hút lượng người tham gia kỷ lục, 5.528 công ty, 12.527 người. Theo đó, Marché du Film Online được hình thành như một kế hoạch dự phòng trong trường hợp LHP Cannes bị hủy bỏ hoặc hoãn lại lâu hơn vì cuộc khủng hoảng COVID-19.
“Có lẽ, Cannes 2020 có thể là sự pha trộn giữa thị trường thật và ảo. Chúng tôi đang làm việc như thể LHP sẽ diễn ra. Nhưng, đối với các bộ phim tác giả, thay vì LHP diễn ra mà không có báo chí, không có tiếng vang, chúng tôi vẫn có thể chờ đợi sau kỳ nghỉ dài này”, Cécile Gaget, giám đốc sản xuất và phân phối quốc tế tại Gaumont nói trên France Info.
Trên The Hollywood Reporter, Thierry Frémaux hào hứng cho biết, khi ông chia sẻ kế hoạch này với các nhà sản xuất, có đến 99% đơn vị bày tỏ sự phấn khích. Trong đó, có một vài người không đồng tình vì: “Cannes đối với tôi là nơi gặp gỡ khách hàng và đối tác mới trong các bữa tiệc cocktail, và tôi không thể làm điều đó trực tuyến”, Frémaux thuật lại lời của một số đối tác.
Đến hiện tại, Marché du Film Online vẫn đang được hoàn thiện để chính thức vận hành từ ngày 22 đến ngày 26-6. Thierry Frémaux nhận định, nếu thành công, đây sẽ là bản thử nghiệm beta cho ngành công nghiệp phim quốc tế, vốn đang bị “mắc kẹt” bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.