Liên minh châu Âu: Nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế
Hy Lạp thứ 2, thứ 3 và hơn thế nữa
Cơn địa chấn khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới năm 2008 đã khiến EU xuất hiện nhiều điểm yếu. Hàng loạt các quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha, Italia... bị nêu tên như là những quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Khi cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, đầu năm 2010, Hy Lạp chính thức tuyên bố bên bờ vực phá sản vì chính phủ nước này không có tiền trả cho các chủ nợ. Trong cơn nguy khốn, Liên minh châu Âu rồi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ra tay cứu trợ khẩn cấp Athens. Trong khi Hy Lạp vẫn chưa ngoi được đầu lên khỏi mặt nước thì hàng loạt các thành viên khác của EU lại bắt đầu chìm.
Theo nhận định của giới quan sát, tại Hy Lạp, tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ. Chính phủ Athens thừa nhận chỉ có thể cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 9,4%, thay vì mục tiêu 7,8% trước đây. Nợ công của Hy Lạp năm 2010 đã cao hơn 144% thu nhập của nước này và Hy Lạp đang chuẩn bị nhận đợt hỗ trợ thứ ba trong gói giải cứu tài chính 150 tỉ USD hồi tháng 5/2010.
Trong những ngày qua, các chuyên gia kinh tế của Ủy ban châu Âu bắt đầu nhận thấy rằng, tình hình nợ công của Ireland đang gây ra những căng thẳng và lo ngại đối với sự ổn định tài chính của toàn thể khu vực đồng euro. Vào tuần trước, theo các số liệu được công bố, nợ công của Ireland tăng lên mức cao chưa từng thấy, ước tính tương đương 32% GDP, cao hơn mức trần được 16 nước thành viên khối sử dụng đồng euro quy định gần 10 lần và cao hơn mức thâm thủng của Hy Lạp 3 lần. Ireland là nước vay nợ lớn nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khoảng 177 tỉ USD.
Giới đầu tư lo ngại bán tháo các công trái của Ireland. Lãi suất trái phiếu của Ireland đã tăng mạnh trong tuần lễ vừa qua làm cho giá trị các công trái sụt giảm thê thảm. Trong khi Hy Lạp nhận được một gói cứu nguy 150 tỉ USD thì Chính phủ Ireland không có ý định tìm một gói cứu nguy của quốc tế. Ireland cố gắng đánh lừa - nếu có thể nói như thế - khi chính quyền Dublin tìm cách trấn an thị trường.
Phát ngôn viên Bộ Tài chính Ireland cho biết là nước này vẫn hoàn toàn có khả năng chi trả từ nay đến giữa năm 2011 và trước mắt, chính phủ chưa cần huy động vốn trên thị trường hoặc sự trợ giúp của bên ngoài. Điều mà chính quyền Ireland lo ngại là nếu phải nhờ trợ giúp từ bên ngoài thì khả năng huy động vốn trên thị trường của nước này sẽ càng bị suy giảm trước sự lo ngại của giới đầu tư.
Đối với nhiều người, đây không khác gì một cơn ác mộng giống như cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp hồi đầu năm, mà Bồ Đào Nha là quốc gia mới nhất cần được báo động. Lisbon cho biết chắc sẽ phải cầu viện đến một sự hỗ trợ tài chính quan trọng từ phía 15 nước đối tác trong khu vực đồng euro, thậm chí có thể từ IMF. Lo sợ cơn chấn động này trong tương lai có thể đe dọa đến các nền kinh tế quan trọng hơn như Italia hay Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... các nước châu Âu tìm cách trấn an thị trường.
Ngày 16/11, Bộ trưởng Tài chính các nước EU đã nhóm họp khẩn cấp để tìm cách cứu trợ Ireland. Tuy đã được dự kiến trước từ lâu, nhưng lần này hội nghị diễn ra trong bối cảnh rất nhạy cảm. Ireland đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng do quả bóng địa ốc bùng nổ, và sức ép của nhiều đối tác về việc nhận trợ giúp tài chính từ bên ngoài, để tránh trường hợp như Hy Lạp trước đây đã làm ảnh hưởng đến toàn khu vực.
Sau cuộc họp khẩn trên, các Bộ trưởng Tài chính khối EU nhất trí cử một phái đoàn công tác tới Ireland, mở đường cho một chương trình giải cứu nhằm ngăn khủng hoảng nợ của nước này lan rộng sang các quốc gia khác trong khối mà trọng tâm là giải cứu hệ thống ngân hàng của Ireland, nếu Dublin đề nghị giúp đỡ. Động thái cử phái đoàn tới Ireland của châu Âu có thể được xem là một dấu hiệu rõ nét về một gói giải cứu sắp đưa ra.
Trước khi Hy Lạp được cứu, châu Âu cũng đã cử một phái đoàn gồm đại diện EU, IMF và ECB tới Athens. Chương trình giải cứu này sẽ không chỉ bao gồm cứu các ngân hàng, mà là cứu cả chính phủ nặng nợ của Ireland. Nguồn tin này cũng cho biết, trị giá gói giải cứu đang được bàn thảo dao động trong khoảng 45-90 tỉ euro.
Các Bộ trưởng Tài chính EU bàn cách cứu Ireland hôm 16/11. |
Ireland cho hay, những nỗ lực cứu hệ thống ngân hàng ở nước này có thể tiêu tốn trên 50 tỉ euro, nhưng người ta lo ngại con số thực tế có thể lớn hơn nhiều. Giới đầu tư thì nhận xét rằng lần này lại là một giải pháp tình thế, vì quỹ chống khủng hoảng chính thức của châu Âu chỉ thực sự hoạt động được trong vòng ít nhất hai năm tới.
Mối lo khủng hoảng nợ của Ireland có thể lan rộng sang các nền kinh tế yếu khác trong khối EU đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo trong phiên giao dịch ngày 16/11. Giá cổ phiếu lao dốc, giá hàng hóa cơ bản tụt giảm mạnh. Trong khi đó, các nhà phân tích nói rằng, các nước thành viên khác của EU đang phải vật lộn với vấn đề tài chính như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, cũng sẽ thấy khó khăn hơn và đắt đỏ hơn để tài trợ cho việc thanh toán nợ nần của họ. Đó là lý do tại sao một số nhà phân tích e ngại rằng nếu không được trợ giúp thì những khó khăn về tài chính của Ireland có thể lan truyền.
Cũng giống như Ireland, lãi suất trái phiếu của Bồ Đào Nha mới đây cũng tăng cao. Thâm thủng ngân sách của Bồ Đào Nha là 9% GDP, cao hơn 3 lần giới hạn của khu vực đồng euro. Như vậy sau Ireland, rất có thể sẽ đến lượt Bồ Đào Nha sẽ là một Hy Lạp thứ 3.
Phục hồi: Viễn cảnh ngày càng xa vời
Từ đầu tháng 11, những tin không hay dồn dập ập đến với khối 16 nước thành viên châu Âu sử dụng đồng euro: trước hết trong lĩnh vực tiền tệ, đồng euro hiện ở mức 1 euro đổi lấy 1,4USD. Vào lúc Mỹ hạ giá đồng tiền để thúc đẩy khu vực xuất khẩu; tỉ giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc được coi là ở mức thấp hơn từ 30 cho đến 40% so với giá trị thực sự của nó, Ngân hàng Trung ương của Nhật Bản và Hàn Quốc không ngần ngại can thiệp để làm hạ nhiệt đơn vị tiền tệ quốc gia.
Chỉ riêng khối EU bị bó tay: Bruxelles gần như đã phó mặc cho hai người khổng lồ Mỹ và Trung Quốc trực diện với nhau trong cuộc chiến hối đoái tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Seoul vừa qua. Ngân hàng Trung ương châu Âu không thể tùy tiện bơm thêm tiền vào guồng máy kinh tế như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ hôm 3/11, cũng không ồ ạt tung euro ra mua USD để làm tăng giá đồng tiền Mỹ như Tokyo hay Seoul đã làm trong những tuần lễ qua, và cũng đã không chỉ đạo hạ lãi suất để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư hòng giảm nhẹ bớt thất thoát mậu dịch.
Hậu quả trực tiếp là nếu trước đây một chiếc áo sơmi của Pháp bán ra khoảng 40 USD trên thị trường Mỹ thì với tỉ giá 1 euro ăn 1,4 USD, muốn dùng hàng made in France, người tiêu dùng ngoài khối euro phải chi ra 46 USD. Tại Pháp hay Italia thì hàng Mỹ hoặc hàng Trung Quốc nhập vào lại hạ giá và càng thêm hấp dẫn.
Trong bối cảnh đó, giới sản xuất ở châu Âu phải điều chỉnh lại các khoản chi tiêu có nghĩa là giảm bớt lực lượng lao động, hoãn các kế hoạch đầu tư để có thể còn trụ được trên thị trường và để có thể cạnh tranh được với hàng hóa từ những nơi khác nhập vào.
Khối EU trước nguy cơ tái diễn khủng hoảng. |
Một trong những điểm mạnh đem lại tăng trưởng kinh tế cho khối EU là xuất khẩu như vậy đã gặp trở ngại. Nhìn đến động lực tăng trưởng thứ nhì là tiềm năng tiêu thụ nội địa thì giới phân tích cũng không thấy khả quan. Trong tháng 9 vừa qua, tỉ lệ thất nghiệp trung bình của khu vực đồng euro vượt quá mức 10%. Đây là mức kỷ lục kể từ khi khối này được hình thành vào năm 1999. Như vậy là có tới 15.917.000 người trong tuổi lao động không có việc làm. Nội trong một tháng, khối EU đã đánh mất 67.000 chỗ làm. Trong 7 tháng liên tiếp, tỉ lệ thất nghiệp của khối EU giao động trên dưới 10%. Với nạn thất nghiệp kéo dài chắc chắn sức tiêu thụ của các hộ gia đình không thể là đòn bẩy để đem lại một luồng sinh khí mới cho con tàu kinh tế của châu Âu.
Đáng lo ngại hơn nữa là các nước thành viên khối này đồng loạt quyết định áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu vào năm tới. Nền kinh tế số 1 của EU là Đức vừa công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu công cộng 80 tỉ euro trong 4 năm sắp tới. Riêng trong năm 2011, Chính phủ của Thủ tướng Merkel sẽ giảm hơn 11 tỉ euro chi tiêu.
Tại Pháp, chính phủ nước này dự trù giảm 40% thâm hụt ngân sách nhà nước trong năm tới. Từ Riga (thủ đô của Latvia) tới Lisbon, từ Dublin tới Athens các cụm từ như là "thu hẹp ngân sách nhà nước", "cắt giảm chi tiêu" được nhắc tới nhiều nhất.
Thế nhưng biện pháp đó trên thực tế là gì và ảnh hưởng thế nào tới đà phục hồi kinh tế của khu vực dùng đồng tiền chung châu Âu? Nicolas Bouzou, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Dự báo kinh tế châu Âu, giải thích: "Khó có thể giải thích về chính sách thắt lưng buộc bụng đối với công chúng. Đó có thể là các biện pháp cắt giảm chi tiêu - thường là các khoản trợ cấp xã hội, hoặc là nhà nước phải tăng thuế. Trong cả hai trường hợp một chính quyền chỉ áp dụng các biện pháp này khi họ bị bắt buộc. Ai bắt buộc các nước trong khối EU phải cắt giảm chi tiêu, hạn chế thâm hụt ngân sách nhà nước? Đó chính là những tập đoàn tài chính, các ngân hàng cho các quốc gia này vay tiền. Thâm thủng ngân sách càng lớn thì chính phủ càng phải đi vay với lãi suất càng cao. Như vậy, nhiều chính phủ bị đặt trước sự đã rồi và buộc phải cắt giảm chi tiêu. Việc một vài quốc gia quá mạnh tay trong việc cắt giảm chi tiêu làm phương hại đến đà tăng trưởng kinh tế quốc gia, đó lại là một chuyện khác và điều đó hoàn toàn có thể xảy ra".
Một câu hỏi khác, đó là các biện pháp cắt giảm chi tiêu nêu trên phải chăng là hậu quả của khủng hoảng kinh tế tài chính mà châu Âu còn đang phải hứng chịu hay đấy là dấu hiệu cho thấy cơ cấu hoạt động của khối EU đang gặp trở ngại? Về điểm này theo ông Nicolas Bouzou, có lẽ là cả hai. Từ cuối thập niên 70 thế kỷ trước, vai trò của nhà nước tại các nước châu Âu ngày càng lớn. Các khoản chi tiêu công qua đó cũng lớn theo. Điều ấy không có nghĩa là ngày nay EU phải quay lưng lại với mô hình đó để xây dựng lại tất cả từ đầu. Nhưng EU cần xét lại chính sách chi tiêu của các nhà nước.
Ngoài ra, khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu từ hơn 2 năm nay đã buộc các chính phủ phải tung ra những gói kích cầu hàng tỉ USD. Điều này càng khiến thâm hụt nhà nước thêm nghiêm trọng. Trong khi đó chính phủ lại phải bơm thêm tiền để hỗ trợ khu vực tư nhân. Hậu quả là thiếu hụt ngân sách nhà nước ngày càng lớn. Đối với một vài quốc gia mà tình trạng ngân sách nhà nước đã khá nghiêm trọng, khủng hoảng năm 2008 là giọt nước làm tràn ly.
Tất cả vấn đề đặt ra là khối EU phải thắt lưng buộc bụng vào một thời điểm không thuận lợi, kèm theo đó là tác động về mặt xã hội. Điều giới chuyên gia lo ngại hơn cả là EU phải cùng một lúc đối mặt với hai vấn đề: đồng tiền chung tăng giá và chính sách thắt lưng buộc bụng được áp dụng đồng loạt. Rõ ràng đó là một trở ngại lớn. Đồng euro hiện đang lên giá trong lúc tất cả mọi khu vực kinh tế trên toàn cầu đều muốn hạ giá đơn vị tiền tệ để xuất khẩu. Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu đều muốn như vậy. Tiếc là đơn vị tiền tệ chung của khối EU đang tăng giá so với các đồng tiền khác.
Chính sách thắt lưng buộc bụng là điều cần thiết nhưng áp dụng chính sách đó vào thời điểm mà ngành xuất khẩu của châu Âu bị khó khăn, điều đó có nghĩa là châu Âu không thể tìm được đà tăng trưởng ở ngoài thị trường khối EU. Với tỉ giá hối đoái ở mức 1 euro tương đương với khoảng từ 1,4 hay 1,5USD, cộng thêm vào đó là các chương trình cắt giảm chi tiêu công cộng, thật sự không biết khối EU làm thế nào để tạo ra tăng trưởng kinh tế