Lò phản ứng mini dành cho các hộ gia đình
Các công ty công nghệ hạt nhân hàng đầu ở Mỹ và Nhật Bản đang tập trung giới thiệu một mô hình sản xuất điện mới, với giá thành rẻ dành cho những địa bàn dân cư xa xôi cách biệt. Đó là nhà máy điện nguyên tử "bỏ túi", với một lò phản ứng siêu nhỏ đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật hạch tâm.
Thị trấn Galena ở tiểu bang Alaska (Mỹ) nằm giữa chốn heo hút, cách xa điểm phát điện gần nhất hàng nghìn kilômét lâu nay vẫn phải mua điện với giá thành đắt đỏ do chi phí truyền tải tốn kém.
Trung tuần tháng 3 vừa qua, Thị trưởng Russ Sweetsir thay mặt Hội đồng thị trấn Galena đã ký biên bản ghi nhớ với đại diện Công ty Toshiba của Nhật Bản, để được cung cấp một lò phản ứng mini dạng "4S" gồm các tiêu chí theo Anh ngữ là siêu an toàn (super-safe), nhỏ (small) và đơn giản (simple), nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng cho quần thể dân cư chưa tới 700 người.
Theo giải trình của nhóm chuyên gia kỹ thuật thuộc Công ty Toshiba, thì lò phản ứng 4S sẽ được chôn 30m ngay bên dưới thị trấn Galena, nối trực tiếp bằng đường ống cách nhiệt tới phần trên mặt đất là một cỗ máy tua-bin, có nhiệm vụ chuyển đổi nhiệt năng thu được từ phản ứng nguyên tử thành điện năng sinh hoạt. Trung bình sau 30 năm mới phải thay thế các thanh nhiên liệu hạt nhân trong lò phản ứng 4S.
"Nhà máy điện nguyên tử bỏ túi không thải khí C02 độc hại vào bầu khí quyền, thuộc dạng năng lượng sạch như điện mặt trời hay điện gió vậy - đại diện Công ty Toshiba nhấn mạnh - Điểm vượt trội hơn cả là lò phản ứng 4S có thể tạo ra điện năng suốt 24/24 giờ với giá thành rẻ hơn nhiều lần so với một cơ sở phát điện chạy dầu diesel".
Thời gian bảo hành lò phản ứng siêu mini là 3 năm, đồng thời trong giai đoạn này Hãng Toshiba cam kết sẽ cung cấp điện miễn phí cho người sử dụng.
Nhà máy điện nguyên tử 4S "bỏ túi", hay còn được gọi theo cách khác là "pin hạch tâm" có công suất tối đa là 10MW (1MW = 1 triệu watt), tương đương khoảng 1% tổng công suất của một nhà máy điện hạt nhân thông thường. Với các quần thể dân cư ở vùng sâu vùng xa, hay trên các hòn đảo tách biệt với đất liền, việc cung cấp điện luôn là một vấn đề nan giải. Sự xuất hiện mô hình lò phản ứng mini đã góp phần giải quyết thỏa đáng nhu cầu điện năng của các địa phương nói trên.
Sơ đồ lắp đặt và cung cấp năng lượng của một lò phản ứng 4S. |
Nhiều công ty đa quốc gia khác cũng tham gia vào thị trường phát triển "pin hạt nhân". Tiêu biểu trong số này là 2 công ty Mỹ hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp lò phản ứng hạch tâm cho các mục đích khác nhau như sản xuất điện, nhiệt năng, khử mặn, biến nước biển thành nước ngọt...
Lò phản ứng Hyperion "bỏ túi" cao 3m, được lắp đặt dưới lòng đất cung cấp điện năng cho 20.000 hộ gia đình.
Còn Công ty NuScale Power trụ sở đặt tại thành phố Corvallis (tiểu bang Oregon), đã hoàn chỉnh việc vận hành thử nghiệm kiểu lò LWR siêu nhỏ mới. Ông Bruce Landry, Giám đốc tiếp thị của NuScale Power cho biết, rằng thiết kế kiểu lò phản ứng "bỏ túi" dựa trên công nghệ nước nhẹ mang tính ứng dụng thương mại cao.
Tuy nhiên bất cứ hoạt động sản xuất hạch tâm nào muốn triển khai trên đất Mỹ, đều phải vượt qua "rào cản cuối cùng" là được Ủy ban Điều tiết hạt nhân Liên bang (NRC) thông qua. Về phần mình đại diện Hãng Toshiba cho biết, chậm nhất là vào quý II - 2014, sẽ đệ trình lên NRC tất cả hồ sơ tài liệu kỹ thuật liên quan đến thế hệ lò phản ứng 4S.
"Tôi hy vọng sẽ được NRC chấp thuận, đáp ứng nhu cầu của dân chúng ở Galena", đại diện Công ty Toshiba phát biểu với giới truyền thông tiểu bang Alaska