Loài ong sát thủ
Đối mặt với một kẻ thù hoàn toàn lạ lẫm có lẽ đã đến Pháp vào cuối năm 2004, lũ ong mật ở Pháp chưa tìm được phương cách để tự vệ. Và các nhà nuôi ong đang lo ngại sẽ có một thảm họa sinh thái. Loài ong velutina còn tấn công cả các giống ong vò vẽ, bướm và mọi loài côn trùng gây thụ phấn khác.
Bay một chỗ như trực thăng cách tổ khoảng 20cm, con ong velutina đang chực chờ một con ong mật trở về tổ, mình nặng trĩu phấn hoa. Khi con này sắp sửa chui vào tổ, con velutina lao vào quắp lấy con mồi và dùng đôi hàm giết chết nó ngay. Trong lúc nó mang xác con mồi đến một cái cây gần đó để hưởng thụ, những con velutina khác đang xếp hàng chờ đợi lại tiến vào thay chỗ của nó trước tổ ong.
Tổ của loài velutina có kích thước to lớn (cao 1m và đường kính 80cm) nhưng lại nằm tít trên ngọn cây, cách mặt đất từ 10 đến 20m. Phần lớn thời gian trong năm tổ bị lá cây che khuất và chỉ thấy được vào mùa đông, lúc mà ong thợ bị chết đi một cách tự nhiên, chỉ còn lại những con ong cái mang bầu. Mỗi tổ có đến hàng ngàn con ong và chúng là một đại họa đối với môi trường.
“Sự hung hăng của chúng không nhằm vào con người nhưng lại nhắm đến mọi nguồn prôtêin, chẳng hạn như ong mật, bướm, ong bầu và mọi loài côn trùng có cánh gây thụ phấn. Mà công việc thụ phấn lại rất quan trọng cho sinh thái” - chuyên gia về côn trùng cánh màng Claire Villemant cho biết.
Đáng nói hơn nữa là người ta lại biết rất ít về loài ong velutina. Người ta chỉ biết một kẻ thù của loài này, cũng là một loài ong bầu dài 5cm sống tại châu Á. Ngoài ra, loài ong mật ở Nhật cũng tìm ra cách tự vệ. Khi thấy kẻ thù xuất hiện, chúng sẽ tụ tập chung quanh thật đông, bao vây lấy kẻ thù rồi vỗ cánh liên tục. Lúc ấy nhiệt độ ở giữa sẽ tăng lên, và tên sát thủ sẽ chết vì... nóng: nó không chịu được nhiệt độ trên 450C.
Có lẽ giải pháp hiện thời là nhập loài ong biết tự vệ này vào Pháp.
Một phương cách khác do các nhà khoa học đề nghị là dùng đến phéromone để bẫy chúng. Nhưng cách này sẽ rất tốn kém khi nghiên cứu vì phải tìm ra phéromone rồi tổng hợp chất này.
Hiện nay, các nhà nuôi ong đang khổ sở và chờ đợi. Mỗi năm có 1.500 người phải ngưng hoạt động. Từ năm 1996 đến 2006, sản lượng mật đã giảm từ 43.000 tấn xuống 33.000 tấn.
Tất nhiên không phải loài velutina là thủ phạm duy nhất. Phải kể đến cả tình trạng hạn hán hay loài ký sinh varroa đã tiêu diệt hàng ngàn trại ong từ thập niên 80. Và có cả các loại thuốc trừ sâu Gaucho và Regent Ts cũng góp phần tiêu diệt ong mật trước khi bị cấm sử dụng vào năm 2004