Lời kêu cứu của các di sản thế giới
Theo thông tin mới nhất, tuyệt tác kiến trúc La Mã Tetrapylon hình lập phương có niên đại từ năm 270 sau Công nguyên và nhà hát La Mã cổ đại ở thành phố ốc đảo cổ xưa Palmyra, từng một thời được mệnh danh là “Thành Venice cát”, đã bị cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tàn phá không thương tiếc. Cụ thể, các kẻ khủng bố đã phá hủy phần tiền sảnh của nhà hát La Mã và một số cột trong số 16 cây cột của công trình kiến trúc Tetrapylon.
Theo người Hy Lạp, Tetrapylon chỉ là cổng chào các thầy tế lễ trước khi họ bước vào đền thờ nữ thần tình yêu Aphrodite. Tuy vậy, nhiều người vẫn nhầm khi khoe với bạn bè những bức ảnh Tetrapylon và gán cho nó tên “đề thờ nữ thần tình yêu”. Kiến trúc này ngay từ tên gọi là miêu tả được hình dáng của nó: Pylon là cổng chào, Tetra là bốn tương ứng với bốn nhóm, mỗi nhóm bốn cột hình thành nên khải hoàn môn.
Tuyệt tác kiến trúc La Mã Tetrapylon ở Palmyra hiện đã không còn nguyên vẹn. |
Cùng với nhà hát La Mã và tuyệt tác kiến trúc Tetrapylon, trên các tảng đá dẫn lối vào đền Bel 2.000 năm tuổi, dòng chữ xấu xí màu đen của IS vẫn còn hiển hiện: “Nhà nước Hồi giáo. Dân thường hay các tay súng không được phép bước vào”.
Không mấy khá khẩm hơn, căn phòng của đền Baal Shamin giờ cũng chỉ là bốn cây cột còn trơ lại và Cổng chào Triumph cũng đã nằm xuống mặt đất. Và đâu chỉ riêng Palmyra. Thành phố cổ Aleppo, nơi được mệnh danh là “viên ngọc Trung Đông” tồn tại từ thời Trung cổ và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, cũng đã biến mất khỏi Trái đất này bởi bom đạn chiến tranh. Aleppo “gục ngã”, kéo theo cả khu chợ có mái lợp lớn nhất thế giới mang tên Al-Madina Souk, được xây dựng từ thế kỷ XIV và từng là trung tâm thương mại lớn dành cho hàng hóa nhập khẩu hạng sang, như lụa thô từ Iran, gia vị, thuốc nhuộm từ Ấn Độ và nhiều sản phẩm khác.
Tính tới nay, 5/6 công trình kiến trúc cổ của Syria có giá trị lớn trong kho tàng văn hóa cổ vùng Trung Đông và từng được mô tả là “được gìn giữ tốt nhất thế giới” đã bị phá hủy, khiến “mảnh đất của các nền văn minh” thực sự lâm nguy và khó có thể “đứng lên một lần nữa” như lời Giám đốc Cổ vật Syria Maamoun Abdulkarim từng tuyên bố.
Phá hủy các di sản thế giới là một tội ác chiến tranh và phải bị trừng phạt nghiêm minh. Cộng đồng quốc tế cũng cần phải có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tội ác này. Nếu không, những giá trị văn hóa, lịch sử mà con người phải mất hàng trăm, hàng ngàn năm hình thành nên sẽ nhanh chóng biến mất. Cuộc chiến bảo vệ các di sản cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế với những giải pháp pháp lý mạnh mẽ hơn.