Lối thoát nào cho ca khúc thiếu nhi Việt Nam?
- Thị trường âm nhạc thiếu nhi: Sân chơi bị lãng quên?
- Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích: Kỷ lục gia giải thưởng âm nhạc thiếu nhi
Làm gì còn nhạc "đúng tuổi"!
Không có dòng nhạc cho đúng lứa tuổi của mình, ở độ thiếu nhi và chuẩn bị chập chững vào tuổi mới lớn, các em giờ chỉ thích nghe nhạc Hàn, nhạc tiếng Anh và một vài bài nhạc trẻ đang "hot" trên thị trường. Còn nhớ trong buổi sinh hoạt ngoại khóa mỗi tháng một lần của trường Tiểu học Đông Thái, các em học sinh cùng đồng thanh hát "Chắc ai đó sẽ về" - một bản hit của Sơn Tùng MTP đã khiến dư luận khi ấy không khỏi xôn xao.
Thực ra từ nhiều năm nay, chuyện trẻ con thích hát nhạc người lớn không còn là chuyện hiếm, cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Bởi nhìn đi nhìn lại, thì ca khúc cho thiếu nhi gần như không có bài mới. Nói không có bài mới thì cũng chưa chính xác, nhưng để có những bài hát hay, trở thành hit, được các em yêu mến thực thụ thì ngoài những bài hát bị bắt buộc hát trong nhà trường thì những ca khúc này không hề xuất hiện.
Sơ tuyển Đồ rê mí. |
Bỏ qua lứa tuổi mới lớn, ca khúc dành cho từ lứa tuổi mầm non trở lên đều rất hiếm. Ngoài những bài hát xưa cũ của những năm 50-60-70-80, nhạc dành cho thiếu nhi đã hoàn toàn "tắt lịm". Điểm qua các chương trình cho nhi đồng được chiếu trên truyền hình như Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí... những ca khúc cho thiếu nhi rất bèo bọt, không cũng chỉ toàn các bài hát rất cũ, bài hát đi cùng năm tháng.
Các bé phải hát những bài cao vút như "Bóng cây Kơ nia", rồi cuộc thi Đô rê mí mới đây nhất, bé Bảo Ngọc đã phải gồng mình hát một bài hát mà ở độ tuổi như em cứ hát và không hiểu gì - "Sống như những đóa hoa”, một sáng tác của Tạ Quang Thắng. Bởi khi giám khảo Xuân Bắc hỏi: "Con có biết bài hát mang ý nghĩa gì không?", cô bé 6 tuổi đã thành thật: "Con không biết!".
Còn các bài hát trong chương trình Giọng hát Việt nhí tới 80% nếu không là nhạc người lớn cũng là nhạc quốc tế, hoặc những bài mà đến lứa tuổi thiếu niên cũng không biết: "Chú hai lúa", "Phương xa nhớ mẹ"... Rồi thậm chí trong vòng thi đối đầu của Giọng hát Việt nhí 2015, huấn luyện viên Dương Khắc Linh đã chọn một bài đang làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng "Say you do" - một ca khúc vui nhộn đáng yêu về tình yêu tuổi mới lớn. Và đương nhiên để phù hợp với các bé, nhạc sĩ Khắc Linh đã phải viết lại phần lời.
Không ngạc nhiên khi tiết mục này đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả trong trường quay và khi được đưa lên mạng cũng tạo nên cơn sốt. Thế mới thấy, những bài hát người lớn vẫn có một sức hút không hề nhỏ trong một sân chơi thiếu nhi. Và người ta vẫn phải dựa vào đấy để thu hút sự quan tâm của dư luận
Đấy là ở các cuộc thi các sân chơi dành cho thiếu nhi. Còn trong cuộc sống hàng ngày, để nói về nhu cầu giải trí mà ở đây là âm nhạc của các em. Hội chứng cuồng nhạc Hàn và nhạc thần tượng Hàn đang len lỏi vào từng nhà trường, lớp học. Học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang nghe gì.
Không có một con số cụ thể hay thống kê cụ thể nào nhưng phải khẳng định tới hơn 70% các em giờ không còn tìm kiếm nhạc thiếu nhi để nghe nữa. Trong Top 100 các ca khúc nhạc thiếu nhi được phổ biến trên mạng, những bài hát đó có lẽ phù hợp với các bé mầm non và tiểu học, còn lớn hơn ở tuổi trung học cơ sở, không còn mấy ai tìm nghe các ca khúc đó nữa.
Các em bây giờ nghe nhạc quốc tế, nhạc Hàn, nhạc Thái, nhạc Nhật... Và những ca khúc quốc tế thì tất nhiên không phải ở lứa tuổi các em mà cũng là ca khúc tình yêu khá mãnh liệt: “See you again”, “Try”, “Super bass”... (những ca khúc được các em chọn biểu diễn trong vòng Giấu mặt - Giọng hát Việt nhí 2015). Xa rồi cái thời nhà nhà, người người nghe nhạc Xuân Mai, các bé mầm non giờ cũng nghe nhạc tiếng Anh cho trẻ, rồi cũng nhún nhảy theo nhạc người lớn. Điệu nhảy “Gangnam Style” cũng len lỏi tới cả các bé mầm non, mẫu giáo.
Dù thời nào thì âm nhạc vẫn luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Thế nên nếu không có nhạc hay đúng tuổi thì các em sẽ chọn dòng nhạc người lớn, nhạc quốc tế để giải trí mỗi ngày. Để âm nhạc đưa về đúng độ tuổi có lẽ càng ngày càng khó. Chúng ta vẫn cứ chỉ biết than thở một điệp khúc muôn thuở mà thôi: đó là trẻ con đang lớn trước tuổi. Chứ chẳng có cách nào để kéo các em về đúng cái tuổi trong sáng, ngây thơ và hồn nhiên vốn có.
Nhạc sĩ "ngại"... sáng tác
Những ca khúc rất nổi tiếng dành cho thiếu nhi như: “Cánh én tuổi thơ” (Phạm Tuyên), “Trường làng tôi” (Phạm Trọng Cầu), “Em là bông hồng nhỏ” (Trịnh Công Sơn), “Em yêu trường em” (Hoàng Vân), “Đi học” (Bùi Đình Thảo)... đã in sâu vào ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam, thế nhưng qua bao nhiêu năm, ngoảnh đi ngoảnh lại vẫn chỉ có chừng ấy tác phẩm gắn với chừng ấy nhạc sĩ. Nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, những bài hát hay dành cho thiếu nhi đang có xu hướng chững lại và không có nhiều sự đổi mới.
Vũ Song Vũ biểu diễn ca khúc "Mẹ yêu con" trên sân khấu Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên - sáng tác của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý từng được NSND Thu Hiền biểu diễn thành công. |
Dẫn chứng là trong sách giáo khoa môn Âm nhạc dành cho học sinh tiểu học hay trong những tuyển tập ca khúc thiếu nhi được xuất bản gần đây chủ yếu là các sáng tác đã có cách đây đến 20 - 30 năm.
Hay trong những cuộc thi âm nhạc như Vietnam's got talent, The voice kid các em thường biểu diễn ca khúc của người lớn hoặc nhạc ngoại. Điều đó cho thấy một thực trạng là trong khi đội ngũ sáng tác nói chung đang phát triển mạnh thì những tác phẩm dành cho trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chúng ta hoàn toàn thiếu vắng một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp cho thiếu nhi.
Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Phạm Tuyên - người dành cả cuộc đời cho các em nhỏ và là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng dành cho thiếu nhi tỏ ra xót xa: "Kho tàng ca khúc cho thiếu nhi của chúng ta không thiếu những ca khúc hay nhưng lại ít có những sáng tác mới và phù hợp với các em.
Chính sự thiếu thốn này sẽ dẫn đến những lỗ hổng và lệch chuẩn về văn hóa âm nhạc của cả một thế hệ. Mà như chúng ta đã biết, âm nhạc là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là các em nhỏ.
Thực trạng chúng ta đang thấy hiện nay là trong các cuộc thi âm nhạc, nhiều em lựa chọn những ca khúc của người lớn và chính sự tán thưởng của người lớn đã vô tình khiến các em lầm tưởng về tài năng, dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và sự phát triển. Từ đó làm xuất hiện nhiều em bé được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và chuyên biểu diễn dòng nhạc già dặn hơn tuổi. Tình trạng này đáng được báo động và chúng ta nên quan tâm hơn đến việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi hiện nay".
Chia sẻ của nhạc sĩ Phạm Tuyên cho thấy một thực tế là lực lượng các nhạc sĩ trẻ được đào tạo bài bản hiện nay không mấy mặn mà với việc sáng tác cho thiếu nhi. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà vấn đề đầu tiên phải được nói đến là sáng tác ca khúc cho thiếu nhi không hề đơn giản.
Theo nhạc sĩ Thái Nghĩa - Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng thì đề tài khai thác cho thiếu nhi rất phong phú nhưng để chuyển tải được bằng hình ảnh sinh động qua lời hát là điều rất khó. Bởi những người chuyên viết về thiếu nhi tuy am hiểu "sư phạm âm nhạc", nhưng chính sự am hiểu này lại khiến các nhạc sĩ khó "mạnh tay" viết vì có sự bám chặt của các tiêu chí và bên cạnh đó, chuyện thù lao cũng tác động không nhỏ đến động lực sáng tác của họ.
Sáng tác nhưng chưa được... phổ biến
Không thể phủ nhận có một bộ phận nhạc sĩ quan niệm sáng tác cho thiếu nhi là "nghề tay trái", bởi thù lao sáng tác quá thấp. Điều này cho thấy tính thị trường chi phối không nhỏ đến các nhạc sĩ và họ chỉ nhận khi có đơn đặt hàng phù hợp. Điều này dễ hiểu bởi một ca khúc tạo hit cho ca sĩ được trả vài chục triệu đồng, thậm chí đến hàng trăm triệu trong khi một ca khúc cho thiếu nhi chỉ nhận được vài triệu, có khi vài trăm nghìn mà còn chưa chắc đã bước khỏi bản tổng phổ.
Như chia sẻ rất thẳng thắn của nhạc sĩ Hoàng Lân: "Sáng tác cho thiếu nhi ít được ưu đãi về vật chất. Tôi từng sáng tác nhiều bài hát cho thiếu nhi được đưa vào tuyển tập nhưng mỗi bài hát được in, tôi chỉ nhận được 50 nghìn đồng nhuận bút. Vì vậy khó trách các nhạc sĩ trẻ không mặn mà với việc sáng tác ca khúc trẻ em. Hội Nhạc sĩ hằng năm vẫn trao giải cho bài hát thiếu nhi nhưng không ai có trách nhiệm phổ biến. Còn tác giả thì sao phổ biến được".
Việc các nhạc sĩ "lực bất tòng tâm" cũng xuất phát từ cơ chế thị trường hiện nay khi mà doanh thu đóng vai trò quyết định với các nhà sản xuất âm nhạc. Vì thế không khó hiểu khi họ hướng về thị hiếu âm nhạc của số đông và tạo bệ đỡ cho nhạc thị trường lên ngôi. Nhiều khi các nhà sản xuất cũng vì sức ép từ thị trường mà phải gạt phăng nhạc thiếu nhi để thực hiện những sản phẩm dễ làm, ít bị kiểm duyệt mà vẫn nắm chắc về doanh thu.
Điều đó cho thấy, chính sự hỗn độn thật giả cùng với phông văn hóa, thẩm mỹ nghệ thuật chưa tới đã khiến nhiều nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ và một bộ phận công chúng vẫn lưu hành và sử dụng thứ âm nhạc rẻ tiền khiến cho ca khúc thiếu nhi không được quan tâm đúng mức và đúng tầm.
Thêm vào đó, trong khi việc đầu tư phát triển âm nhạc cho trẻ xứng đáng được coi là một vấn đề quan trọng và bức thiết thì sân chơi dành cho trẻ trên truyền hình lại vô cùng ít ỏi. Phần đất dành cho thiếu nhi chỉ dừng ở chương trình Đồ rê mí của Đài Truyền hình Việt Nam, Em yêu làn điệu dân ca, Kể chuyện bài hát em yêu hay mới đây là The voice kid được mua bản quyền format nước ngoài.
Nguyên nhân cũng do từ sức ép kinh tế, khi các chương trình của nhà đài buộc phải có tài trợ, mà muốn thu hút nhà tài trợ thì phải hướng đến đối tượng tiêu thụ là số đông. Vì thế, các chương trình dành cho thiếu nhi không thể mở rộng và ca khúc thiếu nhi vốn thiếu lại càng thiếu hơn.
Nhạc sĩ Hoàng Lân tỏ ra xót xa: "Có một nền "âm nhạc lớn" mà các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam tiếp nối đã dày công vun đắp bao nhiêu năm nay, thì cũng có một nền "âm nhạc nhỏ", khiêm tốn, đang phục vụ cho yêu cầu của khối lượng công chúng khổng lồ hàng chục triệu học sinh rất cần được chú trọng. Thế nhưng, tình hình sáng tác bài hát cho tuổi hồng gần đây khá thưa thớt, đi tìm bài mới rất khó và thiếu bài hay".
Tất cả những điều kể trên cho thấy, để đưa nhạc thiếu nhi trở lại với đúng vị trí vốn có của nó, trước hết là vai trò của đội ngũ sáng tác. Nhạc sĩ phải thay đổi tư duy sáng tác để bắt kịp với "gu" âm nhạc ngày càng năng động và hiện đại của thiếu nhi hiện nay và sau đó là vai trò của những người làm về âm nhạc cùng các nhà quản lý. Nếu không có sự bắt tay đồng bộ này thì có lẽ thực trạng vừa yếu vừa thiếu của ca khúc thiếu nhi hiện nay sẽ khó được khắc phục.
Ảm đạm âm nhạc thiếu nhi Đó là câu chuyện buồn của nhạc sĩ Phạm Tuyên khi năm 1997, đại diện NXB Kim Ðồng tới gặp ông và ngỏ ý muốn xin các bài hát thiếu nhi để in thành tuyển tập 100 bài, lúc đó ông đã cảm thấy rất vui và hãnh diện. Mười năm sau đó, lại một lần nữa đơn vị này ngỏ ý muốn xin thêm 100 bài của ông để làm thành tuyển tập 200 bài hát thiếu nhi, ông lại càng vui và xúc động hơn. Nhưng niềm vui đã bay hơi và chỉ nỗi buồn còn ở lại khi năm 2012, vẫn là NXB này tìm gặp ông để bày tỏ mong muốn được tái bản tuyển tập đã in vào năm 2007. Nhạc sĩ không khỏi xót xa vì ở thời điểm nhu cầu giải trí được nâng lên một tầm cao mới và đội ngũ nhạc sĩ trẻ đã xuất hiện ngày một đông, nhưng số người dành tâm huyết cho nhạc thiếu nhi lại quá ít, trong khi chính các em mới là đối tượng cần được thụ hưởng và định hướng về thẩm mỹ âm nhạc. |