Mặt tối của công nghiệp nhạc pop Hàn Quốc
Công nghiệp nhạc pop Hàn Quốc K-Pop, được coi là lớn nhất châu Á. K-Pop từ lâu nay còn có tham vọng chinh phục châu Âu và Mỹ. Việc bán đĩa đơn không còn là cách kiếm tiền đối với một ngôi sao nhạc pop Hàn Quốc trong thời buổi này...
Phần đông nghệ sĩ trẻ nhận thấy con đường lưu diễn để bán đĩa là béo bở hơn. Vì thế mà họ luôn tìm đến những buổi ca nhạc quy mô lớn. Đó là lý do tại sao ngày trọng đại nhất trong lịch biểu diễn của nghệ sĩ nhạc pop Hàn Quốc - gọi là Dream Concert với sự tham gia của 20 nhóm nhạc - được tổ chức ở Sân vận động World Cup 66.800 chỗ ngồi ở thành phố
K-Pop là ngành kinh doanh âm nhạc khổng lồ với doanh thu toàn cầu trị giá đến trên 30 triệu USD trong năm 2009, và con số tăng gấp đôi trong năm 2010, theo một trang web Hàn Quốc. Mặc dù vậy giới lãnh đạo ngành công nghiệp giải trí hái ra tiền này cũng hết sức tham lam với kế hoạch đưa những ngôi sao Hàn Quốc đến Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Trong tháng 6 năm nay, công ty sản xuất âm nhạc lớn nhất Hàn Quốc là SM Entertainment sẽ tổ chức cuộc biểu diễn ca nhạc đầu tiên ở Paris và đây là một phần trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới kéo dài một năm của công ty.
Tháng 4/2011, vua nhạc pop Hàn Quốc Bi Rain được độc giả Time Magazine bầu chọn là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm. Và đầu năm nay, nhóm nhạc nam Big Bang lọt vào Top 10 album trên iTunes của Mỹ.
Nhóm nhạc nữ gợi cảm Girls' Generation của K-pop trên sân khấu Seoul. |
Nhưng một số câu chuyện thành công lớn nhất của K-Pop được xây dựng trên những hợp đồng được gọi là nô lệ, trói buộc giới nghệ sĩ trẻ với điều khoản thời gian kéo dài và lại không có được nhiều tiền. Cách đây 2 năm, một trong số nhóm nhạc thành công nhất của K-Pop là Dong Bang Shin Ki đã kiện công ty quản lý họ ra tòa án trên cơ sở là hợp đồng kéo dài đến 13 năm là quá dài, không mang về cho họ khoản lợi nào xứng đáng cho thành công của họ. Kết quả là tòa án đã trừng phạt công ty và quy định phải có "hợp đồng mẫu" nhằm cải thiện những ký kết của nghệ sĩ với công ty quản lý họ.
Người trong cuộc của ngành công nghiệp giải trí nhận định sự thành công đang lên của K-Pop ở nước ngoài cũng giúp thúc đẩy sự thay đổi này. Sang-hyuk Im, luật sư đại diện cho mạng lưới công ty âm nhạc lẫn nghệ sĩ trẻ, thừa nhận bộ mặt ca nhạc Hàn Quốc đang thay đổi song vẫn còn nhiều hạn chế. Như trường hợp nhóm nhạc nữ 5 thành viên Rainbow (Cầu Vồng), trong đó mỗi ca sĩ được đặt tên theo màu tóc khác nhau. Nhưng Rainbow - hiện đang có hợp đồng 7 năm với Công ty quản lý DSP - cho biết họ kiếm được tiền chẳng nhiều nhặn gì bất chấp nhiều giờ liền luyện tập kéo dài trong gần 2 năm. Về phía mình, đại diện của DSP tuyên bố công ty luôn chia đều lợi nhuận với Rainbow, song cũng thừa nhận là sau khi trừ ra mọi khoản phí tổn thì đôi khi ca sĩ nhận được... không nhiều tiền lắm!.
K-Pop tiêu tốn rất nhiều tiền để sản xuất âm nhạc. Các nhóm nhạc phải được đào tạo kỹ lưỡng, đòi hỏi cả một đội ngũ các chuyên gia quản lý, biên đạo múa, nhà thiết kế trang phục cũng như nhiều năm luyện giọng, tập nhảy múa và còn thêm nhiều chi phí cho ăn ở vốn khá đắt tiền. Hóa đơn có thể lên đến vài trăm ngàn USD. Tùy thuộc vào nhóm nhạc, một số người cho rằng hóa đơn có thể đến 1 triệu USD. Trong khi đó, kinh doanh âm nhạc chỉ riêng ở trong nước thì không thể bù đắp được khoản đầu tư quá lớn này, bởi vì đám đông người hâm mộ không đem lại nhiều tiền cho K-Pop. Việc bán CD thì không đi đến đâu, còn các trang web nhạc kỹ thuật số được coi là quá rẻ, chỉ vài xu một bài hát.
Theo Bernie Cho, lãnh đạo Công ty Phân phối âm nhạc DFSB Kollective, những nhà bán nhạc trực tuyến phải hạ giá đến mức thấp nhất trong nỗ lực cạnh tranh với những trang nhạc ăn cắp bản quyền. "Như vậy thì anh cắt một phần tiền để đưa cho nghệ sĩ như thế nào?". “Với áp lực hạ giá trong nước như thế, nhiều nghệ sĩ hàng đầu của K-Pop khi biểu diễn một tuần ở Nhật Bản sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi họ hát một năm trong nước", Bernie Cho cho biết