Mặt trái của chính sách “Hộ chiếu Vàng”

Thứ Ba, 06/11/2018, 15:37
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố (hôm 31-10) đang chuẩn bị ban hành văn bản chấm dứt chính sách “quyền công dân khi sinh” dành cho trẻ em sinh trên đất Mỹ bất kể cha mẹ chúng không phải là công dân Mỹ.

Tuyên bố này cho thấy ông Trump đang theo đuổi lập trường cứng rắn trong vấn đề nhập cư, trong khi Quốc hội Mỹ cũng đang chuẩn bị gia hạn thời gian áp dụng chính sách “thị thực vàng” EB-5 cho phép những nhà đầu tư nước ngoài được cư trú và trở thành công dân Mỹ.

Là một chính sách được nhiều nước phương Tây áp dụng nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, chất xám phục vụ cho sự phát triển kinh tế của mình, gần đây chính sách “thị thực vàng”, hay “hộ chiếu vàng”, đã bị một số doanh nghiệp, doanh nhân lợi dụng để trục lợi, gây ra những hệ lụy tai hại về chính trị, xã hội, thậm chí trở thành mối đe dọa về an ninh cho các quốc gia châu Âu.

Jareed Kushner, con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump, từng bị chỉ trích vì lạm dụng chương trình “thị thực vàng” EB-5.

Công cụ thu hút nguồn lực nước ngoài

Tháng 5-2017, Jared Kushner, con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump, từng bị dư luận Mỹ chỉ trích vì một kế hoạch thu hút nguồn lực từ Trung Quốc. Ngày 6-5-2017, chị gái Kushner là Nicole Kushner Meyer lên diễn đàn tại một sự kiện ở Bắc Kinh công khai kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc ủng hộ một dự án mang tên One Journal Square.

Bà Meyer đưa ra điều kiện rằng nếu các nhà đầu tư chịu đầu tư một khoản tiền tương đương nửa triệu USD vào dự án, họ sẽ được cấp quyền cư trú tại Mỹ, theo một chương trình di dân đầu tư, gọi nôm na là “thị thực vàng” hay “hộ chiếu vàng”. Để gia tăng tính thuyết phục, bà Meyer còn trình bày các tài liệu cho thấy Tổng thống Trump là người chủ trì chương trình này.

Các chuyên gia về di trú chỉ trích hành động “rao bán” quyền cư trú để đổi lấy đầu tư, cho rằng hành động “rao bán” đó của bà Meyer có thể khiến nhiều người hiểu rằng bà đang bán quyền tiếp cận Jared Kushner, con rể Tổng thống Trump, chứ không chỉ đơn thuần là một sự lạm dụng chính sách thu hút nguồn lực nước ngoài của Mỹ.

Chương trình mà bà Meyer “rao bán” tại Bắc Kinh chính là Chương trình di dân đầu tư EB-5, ra đời theo đạo luật Di trú năm 1990 của Mỹ. Theo chương trình này, công dân của bất kỳ quốc gia nào có đủ tiền để đầu tư một khoản tương đương 500.000 USD vào một doanh nghiệp hay một dự án mang lại lợi ích kinh tế trên lãnh thổ Mỹ sẽ được cấp “thẻ xanh” và trở thành “thường trú nhân” ở Mỹ.

Trong thời gian dài, chương trình này được xem là một công cụ của nước Mỹ nhằm thu hút nguồn lực từ người giàu ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Theo một thống kê của FBI, 85% số người tham gia chương trình visa EB-5 đến từ Trung Quốc. Chỉ có 350 “thị thực vàng” được cấp vào năm 2005 nhưng đến năm 2015, con số đã tăng lên 9.500.

Christian Kalin, ông chủ của Công ty Henley & Partners.

Trong những năm gần đây, số lượng “thị thực vàng” đã bùng nổ mạnh, lên trên 10.000 do kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, người Trung Quốc ngày càng giàu và sẵn sàng bỏ tiền ra để “mua cả thế giới”. Giá trị nguồn tài chính đầu tư vào nước Mỹ theo chương trình EB-5 là không nhỏ, đạt 16,8 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2016.

Đã có nhiều lời cảnh báo được gióng lên cho rằng sự bùng nổ “thị thực vàng” đã vượt quá nhu cầu sử dụng nguồn vốn đầu tư cho các dự án và đã đến lúc phải chấm dứt chương trình này. Thực tế cho thấy chương trình EB-5 đang ngày càng trở thành “miếng mồi” cho sự lạm dụng để trục lợi bởi các tổ chức, cá nhân. Thượng nghị sĩ Chuck Grassley của bang Iowa cảnh báo: “Chương trình EB-5 đã chất chứa quá nhiều gian lận và gây nguy hại cho an ninh quốc gia”.

Tháng 4-2017, FBI đã tiến hành lục soát một tổ chức chuyên thực hiện dịch vụ “thị thực vàng” EB-5 cho người Trung Quốc ở Thung lũng San Gabriel, bang California, vì các cáo buộc gian lận. Luật sư Shae Armstrong của Trung tâm Nghiên cứu di dân (bang Texas) đã cung cấp cho FBI những tài liệu cho thấy có việc các tổ chức, công ty ở Mỹ đã lại quả cho các đầu mối ở Trung Quốc để họ cung cấp khách hàng cho dịch vụ EB-5.

Tuy nhiên, việc FBI lục soát một tổ chức làm dịch vụ “thị thực vàng” ở California dường như mang tính hình thức nhiều hơn thực chất, được tiến hành ngay trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái. Trên thực tế, các cơ quan bảo vệ pháp luật Mỹ không thể nào kiểm soát hết được các gian lận và lạm dụng chương trình EB-5.

Dù vậy, nước Mỹ dường như vẫn còn luyến tiếc nó nên Quốc hội đang chuẩn bị bỏ phiếu cho phép chương trình tiếp tục được thực hiện, có sự điều chỉnh mức đầu tư từ nửa triệu USD lên 1,35 triệu USD.

Ngoài Mỹ, các quốc gia châu Âu như Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Malta, Monaco, Síp và Hy Lạp cũng áp dụng chương trình “đổi đầu tư lấy quyền công dân”. Để thực hiện chương trình này, chính phủ các quốc gia nêu trên tìm đến các tập đoàn, doanh nghiệp tư vấn đa quốc gia để tham vấn ý kiến trước khi thực hiện. Chính phủ Anh vào cuối năm 2010 đã tổ chức một hội nghị tham vấn quy tụ đại diện của hàng chục tập đoàn tư vấn kinh tế đa quốc gia, trong đó có những tên tuổi lớn như KPMG, Pricewaterhouse Coopers, EY, Clifford Chance, HSBC,...

Sau hội nghị, London thuê một công ty chuyên về vấn đề “hộ chiếu vàng” để làm cố vấn thực hiện. Đó là Công ty Henley & Partners, một cái tên đang được chú ý trong vụ bê bối “hộ chiếu vàng” ở vùng Caribbean. Chi phí cho việc cố vấn này không hề thấp. Tháng 3-2011, London chính thức triển khai chương trình “hộ chiếu vàng” và đưa ra mức đầu tư khá cao đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc một dự án, doanh nghiệp đang hoạt động tại Anh.

Ngay trong năm đầu tiên, đã có 211 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký chương trình “hộ chiếu vàng” của Anh, chủ yếu là những nhà giàu Nga và một số quốc gia khác ở Trung Đông. Chỉ 3 năm sau, năm 2014, số lượng “hộ chiếu vàng” đăng ký vào Anh đã tăng lên 1.172, phổ biến nhất là người Nga và Trung Quốc.

Tháng 10-2012, đến lượt Bồ Đào Nha theo gót Anh triển khai chương trình “thị thực vàng” (vistos dourados) với mục tiêu tăng thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng và ngăn chặn sự chảy máu dòng vốn ra nước ngoài. Chương trình của Bồ Đào Nha đưa ra điều kiện người nước ngoài mua tài sản là bất động sản ở Bồ Đào Nha trị giá từ 500.000 euro trở lên sẽ được cấp thị thực thời hạn 5 năm, nếu đầu tư 1 triệu euro sẽ được cấp thị thực Schengen - có quyền tự do đi lại 26 quốc gia châu Âu.

Malta được xem là một trong những quốc gia có chương trình “hộ chiếu vàng” gây tranh cãi.
Hộ chiếu của St Kitts and Nevis.

Cho đến nay, sau 6 năm triển khai, chương trình “thị thực vàng” của Bồ Đào Nha đã cấp thị thực cho 356 công dân nước ngoài, trong đó đông nhất là người Trung Quốc (279 người), Nga (16), Brazil (10) và Angola (9).

Trong bối cảnh vấn đề di dân trở thành tâm điểm của những biến động chính trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt đời sống chính trị, xã hội hầu hết các quốc gia ở châu Âu, việc nhiều nước vẫn triển khai chương trình “thị thực vàng”, “hộ chiếu vàng” được xem như hành động “trái khoáy”.

Tuy nhiên, xét về góc độ kinh tế thì các quốc gia đều có cái lý để theo đuổi. Đối với Bồ Đào Nha, nguồn lực đầu tư từ chương trình “thị thực vàng” có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh nước này vào thời điểm triển khai chương trình vừa thoát khỏi cuộc khùng hoảng tài chính năm 2011 nhờ nguồn cứu trợ 78 tỉ euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Lisbon xác định mục tiêu là Bồ Đào Nha phải tự mình đứng dậy, không trông chờ vào sự trợ giúp quốc tế nữa. Tương tự Bồ Đào Nha, hầu hết các quốc gia châu Âu có triển khai chương trình đều xác định mục tiêu lấy nguồn lực đầu tư từ nước ngoài để lấp đầy những khoản thâm hụt ngân sách, những khoảng trống trong nền kinh tế do hậu quả của khủng hoảng.

Những mặt trái

Các vấn đề về an ninh chính trị, kinh tế phát sinh từ “hộ chiếu vàng” đã được báo chí và giới chức an ninh châu Âu, Mỹ đặt ra. Véra Jourová, Ủy viên Tư pháp của EU, đã lên tiếng cảnh báo các chương trình “hộ chiếu vàng” tại nhiều quốc gia châu Âu đang gây rủi ro cao cho an ninh châu lục.

Bà cho rằng việc các quốc gia dễ dàng “bán” quyền công dân hay quyền cư trú cho các cá nhân có nhiều tiền là một việc không công bằng và tiềm ẩn nguy cơ tạo nơi trú ẩn an toàn cho bọn tội phạm kinh tế hay tội phạm khác. Bà Jourová cho biết, EU sẽ xem xét việc siết chặt kiểm soát các chương trình này vào cuối năm nay.

Như để minh họa cho lời cảnh báo của bà Jourová, ngày 16-10, Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã công bố báo cáo về tình trạng trốn thuế ở châu Âu. Đáng chú ý là báo cáo của OECD gọi tên 21 quốc gia ở nhiều châu lục, trong đó có Malta và Síp, là những quốc gia vận hành chương trình “hộ chiếu vàng” có nguy cơ tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức trốn thuế.

Không chỉ vấn đề trốn thuế, “hộ chiếu vàng” còn có nguy cơ tạo thuận lợi cho tội phạm rửa tiền. Síp được xem là đảo quốc của những tỉ phú, bởi nước này đang ngày càng có nhiều tỉ phú người nước ngoài đầu tư vào bất động sản hay các lĩnh vực kinh tế khác và được cấp hộ chiếu để trở thành công dân. Hàng trăm triệu phú và tỉ phú nước ngoài, trong đó nhiều nhất là người Nga và Ukraina, hiện đang đầu tư hàng tỉ USD tại Síp.

Năm 2011, Alexander Ponomarenko, một nhà công nghiệp người Nga với tài sản 3 tỉ USD, đã chịu bỏ ra 350 triệu USD mua một tòa biệt thự hạng sang làm nơi nghỉ mát, đến năm 2016 trở thành công dân Síp. Gennady Bogolyubov và Igor Kolomoisky từng cùng nhau hợp tác làm ăn và đã lập ra ngân hàng PrivatBank vào thập niên 1990 và làm chủ ngân hàng này cho đến khi nó bị quốc hữu hóa vào năm 2016. Trước khi PrivatBank về tay nhà nước, hai ông chủ của nó đã kịp bòn rút 4,2 tỉ euro.

Luật sư đại diện cho hai ông Bogolyubov và Kolomoisky đều thừa nhận cả hai ông đã mang tiền từ Ukraina sang đầu tư mạnh vào Síp và đã được cấp “hộ chiếu vàng” từ năm 2010. Tuy nhiên, việc đầu tư này bị chính quyền Ukraina lên án như một hành vi rửa tiền khi họ chạy trốn khỏi đất nước.

Một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất của “hộ chiếu vàng” chính là việc các nhà đầu tư, tài trợ nước ngoài thò tay can thiệp vào chính trị nội bộ quốc gia. Trong một vụ bê bối “hộ chiếu vàng” ở vùng Caribbean, công ty tư vấn Henley & Partners được nhắc đến như một mắt xích quan trọng. Và ông chủ của nó, Christian Kalin được tôn xưng là “vua hộ chiếu”.

St. Kitts là khách hàng lớn đầu tiên của Công ty Henley. Công ty này làm dịch vụ môi giới đưa hàng trăm nhà đầu tư giàu từ nhiều quốc gia trên thế giới đến St. Kitts. Qua tư vấn của Henley, những người này chấp nhận bỏ hàng trăm triệu USD tài trợ cho các quỹ quốc gia hoặc đầu tư vào bất động sản hay trái phiếu chính phủ. Đổi lại, họ được cấp “hộ chiếu vàng”, có quyền công dân và được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế.

Henley và Công ty SCL (công ty mẹ của Công ty Cambridge Analytica trong vụ bê bối thu thập dữ liệu khách hàng Google cách đây vài tháng) có mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Cả hai từng bắt tay nhau cùng thao túng cuộc bầu cử Tổng thống St. Kitts năm 2010.

SCL được trả tiền để làm dịch vụ bầu cử cho ứng cử viên Denzil Douglas, còn Henley vận động các khách hàng “hộ chiếu vàng” ủng hộ ứng cử viên Arnhim Eustace, bởi Eustace ủng hộ chương trình “hộ chiếu vàng”, còn Douglas thì không quan tâm, mặc dù ông ta cũng không phản đối hợp đồng triển khai chương trình “hộ chiếu vàng” đã ký với Henley.

Kết quả, ông Eustacve thất bại, Douglas lên làm tổng thống. Và chương trình “hộ chiếu vàng” của Công ty Henley kết thúc ngay sau đó.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.