Mối tình trăm năm của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh
Hai cây bút, một tổ ấm
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh năm nay đã tròn 100 tuổi, còn bà, nhà văn Cẩm Thạnh, kém ông 7 tuổi, cũng đã ngót 93. Điều tuyệt vời nhất là trong ngần ấy năm trời, ông bà đi đâu cũng có nhau, cùng chăm sóc nhau tối lửa tắt đèn.
Ông ốm đã mấy năm nay, chỉ nằm một chỗ để cô con gái cả là Việt Triều chăm sóc. Chị thuê thêm người giúp việc. Còn bà, dù vừa bị tai biến năm ngoái, song ơn giời vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, đi lại, ăn uống ngon miệng, một bữa hơn lưng bát cơm. Hỏi bà chuyện văn, chuyện đời, chuyện tình yêu một thời của hai người, bà vẫn nhớ như in.
Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (năm 1961). |
Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh người gốc Quảng Bình. Sau khi học hết tiểu học ở Quảng Bình, bà vào học Trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế). Tại đây, bà đã sớm tham gia cách mạng và hoạt động bí mật trong phong trào học sinh. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, bà là Bí thư Tỉnh đội Phụ nữ cứu quốc đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.
Sau đó, bà được điều ra công tác phụ nữ ở Liên khu 4. Sau này, bà làm biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng và tuần báo Văn học. Bà cũng là người phụ nữ hiếm hoi được làm ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2 (1963-1983), ủy viên ban phụ trách tuần báo Văn nghệ trong nhiều năm.
Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh bây giờ đã ở tuổi 93, trí nhớ dù có suy giảm nhưng hỏi chuyện về văn chương, cuộc đời, bà vẫn đong đầy những ký ức. Bà kể: "Tôi lớn lên giữa một làng biển Quảng Bình, dưới chân đèo Lý Hòa có danh thắng Đá Nhảy, cảnh sắc tuyệt đẹp, nhưng thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Quanh tôi là bà con ngư dân quần quật lam lũ.
Thuở tôi mới nhỉnh ngang cọc chèo, tóc còn để trái đào, tận mắt tôi chứng kiến những cơn bão biển khủng khiếp với ánh mắt đầy lo âu, đau khổ của những người đàn bà trong làng, của các dì ruột tôi, có chồng và con bị bão sóng đánh quần quật vào bờ, tơi tả.
Tôi cũng tận mắt chứng kiến những cơn gió cuồng thổi loạn, bốc lửa đồi cát làm gần một nửa làng cháy trụi tro than. Tiếng khóc than buốt nhức trái tim bé nhỏ. Đó cũng chính là lý do các sáng tác văn xuôi của tôi chủ yếu đi sâu vào hai mạch nguồn viết về những vấn đề của phụ nữ và những ngư dân vùng biển...”.
Thời của bà, viết nên các tác phẩm truyện ngắn của như “Những người bạn gái”, “Làng cát”, “Chớp nguồn” hay các tiểu thuyết “San hô đỏ”, “Âm vang biển sóng”... đều thể hiện được tư tưởng ấy.
Các văn nghệ sĩ kháng chiến, hàng đứng từ trái sang: Nguyễn Đỗ Cung, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài. Hàng ngồi từ trái sang: Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nam Cao. |
Đặc biệt, tiểu thuyết "Âm vang biển sóng" là cuốn sách rút ruột của bà, được bà viết năm 1972. Có thể nói đây là cuốn sách "rút gan rút ruột" của bà, với lối viết giản dị, trong sáng. Tất cả những nhân vật chính diện, phản diện đều nói lên tình yêu mãnh liệt với mảnh đất quê hương tươi đẹp, nên thơ với những người dân vùng biển chất phác và vất vả.
Có lẽ bởi vậy mà sau này, khi kết hôn cùng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, thì bà là người vị nể chồng và chiều chuộng chồng hết mực. Là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát nhưng dường như bà chấp nhận làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp văn chương của chồng thăng hoa. Là hai người viết văn, hai cá tính văn khác nhau, nhưng bà và nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh có điểm chung là tôn trọng tác phẩm của nhau. Thường thì họ sẽ gợi mở cho nhau những cảm xúc, mạch văn và là độc giả đầu tiên của nhau.
"Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà"
Đó là câu thơ đặc sắc của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được văn đàn nhắc đến nhiều nhất. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy gọi “Xuân Thu nhã tập” (1942) là khúc hát Thiên Nga, tiếng kêu cuối cùng của con Phượng Hoàng, để từ đống tro hồi sinh một Thi Điểu mới.
Và ông khẳng định, người bắc nhịp cầu đầu tiên trong thơ mới sang thơ hiện đại không ai khác là Nguyễn Xuân Sanh (sinh 1920), người chưa phải là tài năng nhất trong bộ ba thi sĩ của nhóm. Hai người kia là Đoàn Phú Tứ và Phạm Văn Hạnh. Ngoài tập thơ văn xuôi “Đất thơm” (viết 1940-1945, in 1995), thơ Nguyễn Xuân Sanh chỉ vẻn vẹn có mấy bài: “Buồn xưa”, “Hồn ngàn mùa”, “Bình tàn thu”...
Vợ Chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (hiện nay). |
Trong đó, “Buồn xưa” là tiêu biểu: “Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi/ Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y/ Rượu hát bầu vàng cung ướp hương/ Ngón hường say tóc nhạc trầm mi/ Lẵng xuân/ Bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm/ Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa/ Buồn hưởng vườn người vai suối tươi/ Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời/ Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu/ Duyên vàng da lộng trái du ngươi/ Ngọc quế buồn nào gội tóc xưa/ Hồn xa trĩu sách nhánh say sưa/ Hiến dâng/ Hiến dâng quả bồng hường/ Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa/ Đường tàn xây trái buổi du dương/ Thời gian ơi tưới hận chìm tường/ Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi/ Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương”.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh ra trong một gia đình nhà nho ở Quảng Bình, sau di cư vào Đà Lạt. Nhà thơ đã được sinh ra và lớn lên trên xứ sở mộng mơ nhưng lại học trung học và đại học ở Hà Nội. Ông làm thơ sớm, năm 16 tuổi đã có truyện thơ "Lạc loài" đăng nhiều kỳ trên báo.
Năm 1939, ông và các văn nghệ sĩ cùng chí hướng sáng tác, gồm các nhà văn, nhà thơ Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc; họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm "Xuân Thu nhã tập". Đến tháng 6-1942, thì nhóm này xuất bản tập sách có cùng tên là "Xuân Thu nhã tập" (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm.
Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Sau đó, trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Đoàn Văn nghệ liên khu IV, phụ trách Tạp chí Sáng tạo.
Từ năm 1950, ông ra Việt Bắc tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông lần lượt được cử làm ủy viên Ban chấp hành hội các khóa I, II và III. Từ năm 1966 đến 1975, ông làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ và làm Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch.
Trong thơ, nhà văn Nguyễn Xuân Sanh coi trọng cấu trúc, đặc biệt thận trọng từng chữ, từng lời. Từ một nhà thơ thuộc nhóm "Xuân Thu nhã tập" với những câu thơ bảng lảng theo chủ nghĩa "bí hiểm", "tượng trưng" như: "Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa", "Anh đợi đầu sân, em đứng đâu mà câu hát đưa anh vào ngõ trúc", hay "Chiếc lá cuối cùng vừa mới rụng/ Thế là đã hết gió thu qua...".
Nhưng khi đến với cách mạng chưa bao lâu ông đã rũ bỏ mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, đi vào cuộc sống phản ánh hiện thực. Song cho dù đi theo hướng nào, sáng tác của ông vẫn hướng tới con người, vì con người và giải thoát con người để tiến lên cuộc sống mới của cách mạng, của quê hương.
Ông chia sẻ: "Nghệ sĩ ngày nay phải chịu trách nhiệm tạo thành những rung cảm ngày sau, những xúc động sau, những vô biên mới, những vĩnh viễn ngày mai. Nghệ thuật trộn vào chút đau hay vui, chút lạnh hay ấm đều góp vào sức sống có một mà gấp nhiều".
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh thành công trong chặng đường văn nghiệp không chỉ bởi những sáng tác thơ văn, tiểu luận, mà với văn học dịch, ông cũng đã có đóng góp một số lượng không nhỏ các tác phẩm dịch thuật. Năm 1982, ông được nhà nước Ba Lan tặng Huân chương công trạng, tổ chức tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội).
Mối tình bách niên giai lão
Người ta có nhiều cách định nghĩa về tình yêu, nhưng yêu thương chung sống trọn cả một đời, thấu hiểu và đầy cảm thông như nhà văn Nguyễn Xuân Sanh và Nguyễn Thị Cẩm Thạnh thì không phải là nhiều. Sự nhẹ nhàng của bà, sự đắm đuối của ông làm cho mối tình ấy có một kết dính bền chặt, gắn bó yêu thương dài lâu mà vẫn nhịn nhường nhau, kề vai sát cánh cùng nhau.
Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh chia sẻ: “Hai chúng tôi cùng ở Quảng Bình. Nhưng ngày đó anh Sanh đã rất nổi tiếng, còn tôi mới 17 tuổi, đang học Trường Đồng Khánh, Huế. Có lần về nhà, thầy mẹ tôi nói nhà anh Sanh xin cưới tôi. Tôi phản đối vì tôi chưa gặp anh Sanh, chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Ngày đó tôi nghĩ, con trai đi học ở Hà Nội về, đôi khi lại nhiễm thói chơi bời.
Bốn năm sau, tôi đi học lớp bồi dưỡng Huyện ủy viên Khu 4, thì anh Sanh lại là người tổ chức lớp học ấy. Đúng như mẹ tôi nói, có duyên thì còn gặp lại, vậy là bén duyên nhau. Đám cưới của tôi và anh Sanh do anh Nguyễn Chí Thanh làm chủ hôn, khách dự chủ yếu là anh em văn nghệ sỹ. Đám cưới giản dị, đầm ấm. Và chúng tôi giữ nếp giản dị từ bấy đến tận bây giờ”.
Câu chuyện tình yêu của hai người sau này đã được bà viết thành cuốn tiểu thuyết tình yêu dày gần 500 trang “Âm vang biển sóng” với tiêu đề được lấy câu thơ của Pierre Reverdy: “Một trái tim nơi mỗi từ còn hằn vết cắt/ nơi mỗi lúc cựa mình rỏ máu cuộc đời tôi”. Cuốn sách kể lại một mối tình nhưng trong cái riêng có cả cái chung, có những bước thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, có chia xa, có ngậm ngùi, có khổ đau... Nhưng tất cả đã vượt qua để có một ngày hạnh ngộ.
Bây giờ, điều may mắn nhất của hai ông bà là có người con gái, chị Việt Triều chăm sóc những lúc ốm đau, già yếu. Ông hoàn toàn nằm trên giường, ăn uống bằng đường xông qua dạ dày. Còn bà, dù vẫn tỉnh táo song bà bị ảnh hưởng của đợt tai biến, nên cũng yếu đi nhiều.
May mắn ông bà vẫn có lương hưu để đỡ đần con cháu. Chị Việt Triều chia sẻ, cha mẹ chị, là một tấm gương cho con cháu. Trong cuộc sống đời thường cũng như trong công việc, ông bà luôn nhường nhịn, tôn trọng nhau, chẳng mấy khi to tiếng hay để con cái phải phiền lòng.
Thời còn trẻ, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh là người quán xuyến công việc trong gia đình, con cái, còn nhà văn Nguyễn Xuân Sanh miệt mài suốt ngày bên những trang văn. Ông là một nhà văn theo chủ nghĩa lãng mạn, nên cuộc sống gia đình hòa thuận và ấm áp. Nhớ lại những ngày thơ ấu, chị vẫn cảm thấy hạnh phúc với những điều nhỏ nhặt mà cha mẹ mang lại cho các con cũng như cho riêng chị.
Đó vẫn là điều chị lưu giữ trong ký ức, để thỉnh thoảng sẻ chia cùng cha mẹ mình, dù ông hiện tại, chẳng thể trò chuyện, nhưng chị biết, ông hiểu và cảm nhận được mọi điều xung quanh từ sự linh cảm và nhạy cảm của một hồn thơ bay bổng...