Mong đợi những tác phẩm tầm vóc
- NSND Trà Giang: Ngôi sao sáng trên bầu trời điện ảnh Việt Nam
- Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khó khăn
- Mở thêm những “cánh cửa” mới cho điện ảnh Việt Nam
Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc này và cũng là một trong những Đại hội điện ảnh toàn quốc nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh khóa VIII tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội cho tới khi Ban Chấp hành (BCH) khóa mới bầu ra người kế nhiệm.
Những ký ức đẹp của thế hệ đi trước
Được thành lập từ năm 1970, đến nay, Hội Điện ảnh đã trải qua 9 kỳ đại hội với nhiều thách thức, trách nhiệm cũng như vinh quang nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nước nhà.
NSND, Đạo diễn Ngô Mạnh Lân (Ủy viên BCH Đại hội Hội Điện ảnh lần I) chia sẻ: “Đại hội Hội Điện ảnh lần I diễn ra vào năm 1969 như một điều tất yếu cần phải có với anh chị em nghệ sĩ, để chúng tôi có một nơi giao lưu, học tập và đào tạo ra được nhiều nghệ sĩ tài năng trong bối cảnh đất nước cần lắm hơi thở của nghệ thuật song hành cùng Cách mạng.
Tôi còn nhớ ngày đó mình được giao rất nhiều việc, phải làm một mình nhưng chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì cứ nghĩ đến việc sau này anh em Hội Điện ảnh, dưới sự chỉ đạo lúc bây giờ của những tên tuổi như nhà phê bình Hà Xuân Trường, đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi, đạo diễn Bùi Đình Hạc... rồi sẽ được tiếp cận những thành tựu mới của điện ảnh trong tâm trạng hết sức phấn khởi thì mọi thứ với tôi lại thật dễ dàng”.
Các nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. |
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh (nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa III và IV) nhớ lại: “Sau khi làm Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam 2 nhiệm kỳ trong 10 năm (Khóa III và IV), đến Khóa V, tôi chủ động xin rút lui mặc dù được phiếu tín nhiệm cao và tiếp tục được Đại hội đề cử. Tôi nhớ khi nghe tôi tuyên bố như vậy, nhiều người rất bất ngờ và hết sức ngạc nhiên.
Giờ giải lao, khi bước ra hành lang thì đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi là người đầu tiên bắt chặt tay tôi nói một câu mà đến nay tôi còn nhớ đinh ninh: “Cậu đúng là con ông Ngữ (tức GS - BS Đặng Văn Ngữ, thân sinh của tôi). Lát sau ông Trần Hoàn - Phó Ban Tư tưởng, Văn hóa, người trực tiếp chỉ đạo Đại hội cũng nói với tôi một câu như vậy. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi sau 2 nhiệm kỳ công tác ở Hội Điện ảnh Việt Nam.
Sau nhiều năm làm việc và theo dõi công việc của Hội, tôi có một vài suy nghĩ như sau: Thực ra ai làm lãnh đạo Hội cũng được. Công việc của Hội khóa nào cũng như khóa nào, cũng từng ấy đầu việc. Những việc này thực chất đều do Văn phòng Hội trực tiếp làm từ bao năm nay như một guồng máy đã được lập trình sẵn. Cứ có người bấm nút và có kinh phí trên rót xuống thì nó chạy, mà chạy rất nhịp nhàng vì đã quá quen việc. Hội thực ra cũng chẳng có nhiệm vụ gì cụ thể được Nhà nước giao.
Quản lý về nhà nước đã có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh. Nhưng, theo như điều lệ thì cứ 5 năm tổ chức Đại hội một lần để bầu ban lãnh đạo mới của Hội. Vậy những người chúng ta bầu ấy thực chất là ai? Đó là những người mà chúng ta muốn họ đại diện cho chúng ta, bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta mà cao nhất là ông Chủ tịch Hội (chứ không phải bầu họ ra để làm những công việc mà Văn phòng Hội vẫn thường làm).
Phải bầu chọn làm sao để chúng ta có thể hãnh diện khoe với mọi người rằng, tôi có những người như vậy đại diện cho tôi, lãnh đạo Hội của tôi. Nếu ai cũng nhận thức như vậy thì các cuộc bầu bán sẽ không còn là những cuộc đấu đá của các phe nhóm để tranh giành quyền lợi, không còn những âm mưu vận động chạy cửa trước cửa sau..., lúc đó chúng ta mới thực sự bầu ra được những người đại diện xứng đáng cho Hội xã hội, nghề nghiệp của mình”.
NSND Trà Giang cũng chia sẻ: "Tôi còn nhớ những ngày đầu Hội Điện ảnh được thành lập năm 1970. Thời đó, có rất nhiều ngành nghề khác như múa... đã gửi thư lên Bộ Văn hóa xin phép được thành lập Hội nhưng chỉ có Hội Điện ảnh được cấp phép thành lập. Đây là điều vô cùng vinh dự, điều này cho thấy Đảng, các ban ngành đã quan tâm đến tình hình điện ảnh nước nhà và coi đây là một ngành nghề đặc biệt quan trọng.
NSND Trà Giang. |
Đại hội khóa IX với những điều "đặc biệt"
Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và cả thế giới phải đối mặt với những tác động sâu rộng của dịch COVID-19 đang hoành hành, sau khi hoãn đi hoãn lại 3 lần. Tuy nhiên, đại biểu khắp mọi miền đất nước đã quy tụ về tại Hà Nội để gặp gỡ giao lưu và bầu ra những đại diện cho mình.
Sau 2 ngày, danh sách BCH khóa IX của Hội gồm 15 thành viên đã có sự "trẻ hóa" với các nghệ sĩ: Quyền Linh, Công Hậu, Đỗ Thanh Hải, Nguyễn Văn Tân, Dương Cẩm Thúy, Lê Hồng Chương, Mai Thu Huyền, Đỗ Lệnh Hùng Tú, Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Thanh Vân, Huỳnh Văn Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Phạm Thị Tuyết, Trịnh Lê Văn, Châu Ngọc Ẩn.
Điều khiến dư luận quan tâm là Đại hội lần này tuy đã bầu ra BCH 15 người và bế mạc sáng 21/9 mà vẫn chưa bầu được nhân sự cho vị trí Chủ tịch Hội. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc này.
Với BCH mới đủ các độ tuổi và tên tuổi trong Nam, ngoài Bắc, đây là thời điểm để đánh giá, tổng kết những việc đã làm được trong 5 năm nhiệm kỳ đã qua, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm đề ra phương hướng cho một nhiệm kỳ mới. BCH là những người đại diện cho quyền lợi của anh chị em hội viên nên cần những người đủ tâm, tài, kết hợp hài hòa giữa già và trẻ có khả năng tập hợp, đoàn kết nghệ sĩ dưới một mái nhà chung, hỗ trợ nghệ sĩ sáng tạo cho ra đời những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, tạo ra những thay đổi mang tính đột phá khi điện ảnh Việt đang đối mặt phải rất nhiều khó khăn, mang tiếng nói của Việt Nam đi khắp thế giới.
Nhiều hội viên vẫn cho rằng, những người lãnh đạo Hội phải tạo ra được một "sân chơi" có tầm vóc cho điện ảnh nước nhà cũng như tạo được điều kiện và cảm hứng làm nghề của những tài năng.
Ban Chấp hành Hội điện ảnh Việt Nam Khóa IX nhiệm kỳ 2020-2025. |
Diễn viên, NSND Minh Châu (Chi hội Hãng phim truyện Việt Nam) chia sẻ: "Tôi cảm nhận Hội Điện ảnh trong những năm qua vẫn đang cố gắng duy trì không khí ấm áp trong các hoạt động để nghệ sĩ chúng tôi lại có dịp được bầu bạn, kết nối và giao lưu cùng nhau.
Nhưng, quả thực, thế vẫn là chưa đủ khi ngày này qua ngày khác, gần như vẫn là những khuôn mặt gạo cội, chưa có lấy một bầu không khí mới mẻ và rõ ràng nó phải tới từ người trẻ. Theo tôi, cần lắm tạo điều kiện ứng cử cho những người trẻ tuổi, nhất là những người đang mang về những thành tựu mới cho điện ảnh nước nhà và nhất quyết phải có trong mình sự năng động, tháo vát."
PGS.TS, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chi hội Hãng phim TP Hồ Chí Minh thì kỳ vọng: "Tôi kỳ vọng ở tập thể ban lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới với sức mạnh của đoàn kết, chia sẻ, tương tác, kết nối thường xuyên với các chi hội trực thuộc. Hoạt động của các chi hội chính là "cánh tay nối dài" của Hội tại các tỉnh thành, địa phương. Sự liên kết của các chi hội với nhau càng nhân thêm sức mạnh cho hoạt động Hội. Nếu khắc chế được mặt trái của mạng xã hội thì môi trường thông tin có kiểm soát sẽ gia tăng bội phần hiệu quả hoạt động Hội.
Các nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm. |
Khi ấy, mỗi niềm vui, nỗi buồn, hoàn cảnh khó khăn, đau yếu... của từng hội viên sẽ được dễ dàng chia sẻ cùng nhau hoặc riêng tư giữa cá nhân với cá nhân hay cùng với nhóm. Có thể dễ dàng chọn chế độ thông tin, công khai hoặc chỉ riêng tư trong nhóm nhỏ với nhau...".
Nhà quay phim, NSƯT Phạm Thanh Hà - Chi hội Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cũng đầy tâm huyết và trăn trở sau Đại hội: Điện ảnh Việt Nam đang ở trong một giai đoạn thử thách mang tính sinh tồn. Điện ảnh kỹ thuật số, thị trường điện ảnh buộc phải thay đổi phương thức sản xuất phim, để thu hút người xem đến rạp cần có những cách kể chuyện, hình thức mới lạ.
5 năm qua đã có quá nhiều thay đổi. Thay đổi đến mức có những bộ phim nếu thử không nghe tiếng, chỉ nhìn hình thì không ai nhận ra đó là phim Việt đương đại. Sự bùng nổ của truyền thông một mặt kích thích sự phát triển sản xuất và quảng bá phim, giúp khán giả tiếp cận nhanh hơn tới các tác phẩm điện ảnh. Dẫu vậy có những lúc truyền thông quá mức biến những bộ phim nịnh mắt về hình nhưng bạo lực và thiếu tính nhân văn thành "hiện tượng điện ảnh”!
Công nghệ điện ảnh phát triển rất đáng mừng vì nó làm cho số lượng phim phát triển. Nhưng, nhiều phim như phim nước ngoài, chỉ khác là trong phim cảnh Việt và người Việt. Chất liệu cuộc sống hiện nay rất phong phú cho các nhà làm phim khai thác, hơn là vay mượn những ý tưởng kịch bản từ bên ngoài.
Mặt khác công nghệ điện ảnh hiện nay phát triển, ranh giới kỹ thuật giữa phim điện ảnh và truyền hình không khác mấy nếu nhìn vào thiết bị. Nhưng, thủ pháp điện ảnh cũng như các hình thức biểu hiện ngôn ngữ vẫn nguyên vẹn. Tiếc là nhiều phim điện ảnh làm chẳng khác phim truyền hình khiến khán giả xem phim lẫn lộn giữa phim điện ảnh và phim truyền hình nếu bộ phim đó được đưa lên sóng...
Hội Điện ảnh không phải là tập đoàn sản xuất phim của cả nước. Tự thân hội nghề nghiệp không thể thay đổi được những tồn tại, yếu kém của ngành điện ảnh trong một giai đoạn. Nhưng, Hội là một diễn đàn nghề nghiệp có thể định hướng thông qua các cuộc hội thảo, xuất bản, đăng tài liêu về học thuật, ngôn ngữ, khuynh hướng phim.
Hy vọng BCH khóa tới sẽ là cầu nối giữa các nghệ sĩ điện ảnh trong và ngoài nước hướng đến những giá trị thẩm mỹ, khuyến khích những phong cách làm phim hiện đại nhưng mang bản sắc Việt trên màn ảnh. Các trại sáng tác của Hội hiện chủ yếu hướng đến các nhà biên kịch.
Nếu có những hình thức tương tự cho các đạo diễn, những người sáng tác hình ảnh là quay phim họa sĩ thiết kế thì chắc chắn hoạt động của Hội sẽ còn phong phú, sinh động hơn. Và cũng từ đó, mang tới cho khán giả những thước phim có giá trị trường tồn...