Một lần với Giáo sư Trần Văn Khê

Thứ Tư, 01/07/2015, 17:25
Vào lúc 2h55 ngày 24/6, Giáo sư Trần Văn Khê đã qua đời tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định hưởng thọ 94 tuổi. Theo di nguyện của Giáo sư (GS), tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại nhà số 32 - Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP HCM. Trong hành trình làm báo của mình, năm 2010, chúng tôi may mắn được gặp và làm việc với GS Trần Văn Khê, người mà theo thiển ý của chúng tôi là “báu vật” của nền âm nhạc dân tộc bởi kiến thức uyên bác, tình yêu và sự cống hiến dành cho âm nhạc dân tộc của ông khiến mọi người ngưỡng mộ, kính trọng.

Căn nhà trên đường Huỳnh Đình Hai của GS Trần Văn Khê  là căn nhà do Nhà nước cấp khi ông trở về nước vào năm 2004 và GS đã biến nơi này thành nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa dân tộc trong nhiều năm qua. Được biết theo di nguyện của ông, căn nhà này sẽ là khu lưu niệm lưu giữ toàn bộ di sản nghiên cứu của cả cuộc đời ông để các thế hệ sau có thể tới học tập, nghiên cứu tìm hiểu về âm nhạc dân tộc. Bài viết này như một nén tâm hương xin tưởng nhớ đến ông.

1. Khi chúng tôi gặp, ông đã vào tuổi 91, nhưng GS vẫn còn rất tinh anh, minh mẫn và làm việc không ngừng. Khi chúng tôi đến, phải chờ một lúc vì ông đang có khách. Khoảng 20 phút sau, ông được thư ký dìu ra phòng khách gặp chúng tôi. Trong buổi nói chuyện gần một tiếng đồng hồ đó, chúng tôi đã được nghe ông nói về âm nhạc dân tộc với sự say mê, hào hứng đầy tâm huyết.

Kiến thức uyên bác về âm nhạc dân tộc, GS Trần Văn Khê dành trọn cuộc đời và tâm huyết của mình để chấn hưng, truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam cho công chúng, đặc biệt là công chúng và giới chuyên môn ở nước ngoài. Với chúng tôi, GS Trần Văn Khê như là “báu vật” sống của nền âm nhạc dân tộc.  

Sống trong gia đình có 4 đời là nhạc sĩ, GS đã thụ hưởng niềm đam mê âm nhạc dân tộc và bộc lộ tài năng âm nhạc từ nhỏ. Khi trưởng thành, ông vừa học ngành Y vừa theo đuổi sự nghiệp âm nhạc.

Qua Pháp du học, tưởng chừng như ông dứt duyên nợ với âm nhạc, nhưng rồi bước chân số phận lại dẫn dắt ông trở lại với âm nhạc, và từ đó, ông đã đem hết tâm sức, trí tuệ để quảng bá, chấn hưng âm nhạc dân tộc.

Sự uyên bác về âm nhạc dân tộc của ông từng khiến bao người say mê, nay lại đến lượt chúng tôi ngưỡng mộ, kính phục ông. Để có sự uyên bác, niềm say mê đó quả không dễ, nếu không có một tình yêu lớn dành cho nó.

Giáo sư Trần Văn Khê và tác giả.

2. Niềm say mê âm nhạc dân tộc ở GS Trần Văn Khê có từ sớm. Từ nhỏ, ông đã được cô, cậu dạy chơi đàn kìm, đàn tranh. Lúc mẹ ông mang thai ông, cậu Năm Khương đã tới thổi sáo cho ông nghe. Khi ông sinh ra, cậu cũng đến thổi sáo để mừng ông. Nhưng ông và hai người em sớm mồ côi cha mẹ. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Dành, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bị thương rồi mất năm 1930. Một năm sau, vì thương nhớ vợ mà cha ông qua đời. Ông và hai em trai được cô Ba Viện nuôi nấng, cho đi học võ, học đàn.

Từ nhỏ, Trần Văn Khê đã học rất giỏi. Ông từng được cấp học bổng, cấp phần thưởng đi du lịch nhiều nơi từ Sài Gòn ra Hà Nội. Năm 1934, ông vào trường Trung học Trương Vĩnh Ký. Ở đây, ông lập ban nhạc với hy vọng lấy nhạc Tây làm mới nhạc dân tộc. Học xong tú tài, ông ra Hà Nội theo học ngành Y. Cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước…  ông hoạt động trong phong trào của Tổng hội Sinh viên.

Năm 1949, ông qua Pháp học và chữa bệnh. Thời gian này, ông tham gia cuộc thi biểu diễn nhạc cụ âm nhạc dân tộc quốc tế. Ông đoạt giải nhì với tiết mục biểu diễn đàn tranh và đàn cò. Đồng giải nhì với ông là người biểu diễn đàn Mã đầu cầm của Mông Cổ. Liên Xô đoạt giải nhất với tiết mục biểu diễn đàn Balalaica...

"Do hoàn cảnh khó khăn, có thời gian tôi phải đi đánh đàn tranh ở các tiệm ăn để có tiền ăn học. Năm 1951, tôi thi đậu vào Trường Chính trị Khoa Giao dịch quốc tế. Vì bệnh nặng, tôi phải chữa bệnh đến năm 1954 mới ra viện. Trong lúc nằm ở bệnh viện, nhớ lại thời gian qua, tôi thấy mình như có lỗi với âm nhạc dân tộc. Tôi suy nghĩ muốn làm một điều gì đó để chuộc lỗi. Tôi tìm đọc các loại sách về lịch sử cổ của Việt Nam như “Đại Việt sử ký toàn thư”… Và từ đó tôi nảy sinh ý định nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc" - GS Trần Văn Khê tâm sự.

Năm 1958, ông theo học Khoa Nhạc học tại Đại học Sorbonne, bảo vệ luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của các giáo sư: Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6 năm đó, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne…

Năm 2004, ông chính thức trở về sống tại Việt Nam. Bên cạnh công việc tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc, ông cũng đem về rất nhiều tự liệu quý như sách, video, tài liệu khoa học… về văn hóa dân tộc. Trong những năm sống tại quê nhà, ông tích cực ủng hộ việc xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc thông qua những dự án về ẩm thực, dự án âm nhạc cổ truyền. Đặc biệt, ông đã góp công rất lớn trong việc đưa đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

GS Trần Văn Khê từng đoạt Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970, Tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada, 1975), Giải thưởng lớn về Âm nhạc UNESCO và Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (1981), Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Cấp Officier, Bộ Văn hóa Pháp tặng (1991), Giải thưởng quốc tế về Dân tộc Nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật 1995), Tiến sĩ danh dự về Dân tộc Nhạc học Đại học Moncton (Canada, 1999).

3. Trò chuyện với GS Trần Văn Khê, chúng tôi nhận ra nhiệt huyết muốn truyền thụ, quảng bá âm nhạc dân tộc trong con người ông quả là lớn lao. Nhiều năm liền, ông biểu diễn và quảng bá âm nhạc dân tộc tại 67 quốc gia, giảng dạy âm nhạc dân tộc tại 17 trường đại học. Khi về nước, dưới sự hỗ trợ của UNESCO, ông cùng cộng sự thử nghiệm giảng dạy âm nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học và tổ chức nhiều chương trình giới thiệu biểu diễn, quảng bá âm nhạc dân tộc.

Điều tha thiết nhất của ông là được nhìn thấy âm nhạc dân tộc Việt Nam hưng phát. "Muốn vậy, trước hết cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước từ chủ trương chiến lược phát triển và cả ngân sách. Chúng ta phải đem âm nhạc dân tộc vào trường học dạy cho các em để các em biết cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc. Từ đó mới hiểu mà yêu nó, tìm cách phát triển nó" - GS Trần Văn Khê thổ lộ. Tài trí và tâm huyết dành cho âm nhạc dân tộc của GS Trần Văn Khê khiến bao người cảm phục.

Ông Lê Ngọc Đình đã viết tặng GS bài thơ “Cảm xúc Trần Văn Khê” để tỏ lòng ngưỡng mộ ông. Xin dẫn ra đây để bạn đọc thưởng lãm: "Nụ cười gửi khắp trời Âu/ Mang tình đất Á thắm mầu quê hương/ Một phím nhớ, một cung thương/ Một thang âm mở con đường từ tim/ Đây tiếng tranh, nọ tiếng kìm/ Cho bâng khuâng cả nỗi niềm tri âm/ Phải đâu Tư Mã khúc cầm/ Mà nghe như dạ ước thầm Văn Quân/ Phải đâu đàn Bá xuất thần/ Mà trong thiên hạ chồn chân Tử Kỳ/ Giai âm lắng buổi tương tri/ Trần Văn Khê khúc cầm thi tuyệt vời".

Nhận xét về GS Trần Văn Khê, GS Francois Picard trong tạp chí Cahiers de Musiques Traditionnelles 2-1989 (Tạp chí Âm nhạc Truyền thống, xuất bản tại Thụy Sĩ) viết: "Ngoài tài năng đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Khê còn là một nhà nghiên cứu âm nhạc có mặt trong nhiều hội nghị quốc tế từ mấy chục năm nay, một giáo sư hoàn toàn tận tụy với học sinh của mình. Là một người tiếp nối công việc làm của những người tiền bối trong lĩnh vực Dân tộc nhạc học của nước Pháp. Giáo sư Trần Văn Khê đã biết phối hợp nhuần nhuyễn phương pháp nghiên cứu của phương Tây với một phong cách đặc biệt chứng tỏ rằng ông đã thấm nhuần văn hóa truyền khẩu của châu Á và tỏ ra được sự tôn trọng truyền thống của nước ông".

Còn với chúng tôi, GS Trần Văn Khê quả là “báu vật” của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. 

Huy Văn
.
.