Mua vé online về quê ăn Tết?

Thứ Hai, 16/11/2015, 12:00
Khi các bến xe và doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh tại TP HCM vẫn còn khá kín tiếng với kế hoạch phục vụ tết thì thời điểm này, nhiều người có nhu cầu đi xe dịp tết từ thành phố về quê đã bắt đầu nhấp nhổm, đứng ngồi không yên với việc kiếm một suất chắc chân trên chuyến xe ngày cuối năm…

Xưa rồi, xếp hàng mua vé!

Với hơn một triệu lượt hành khách về quê chỉ trong vòng nửa tháng, lại chủ yếu dồn về 2 bến chính của TP HCM để đi xe trong vòng 10 ngày giáp tết, từ nhiều năm qua, áp lực hành khách tập trung về bến, vật vã xếp hàng chờ đợi tìm mua trước vé tết là việc năm nào cũng diễn ra.

Theo đại diện Bến xe Miền Đông, trước nay bến chỉ bán vé trực tiếp, tức thấy xe, thấy người mới bán vé. Vào dịp cao điểm, lễ, tết, khi có sẵn xe tăng cường, bến mới tổ chức bán vé trước cho hành khách. Nguyên do là bởi bến không có xe để vận chuyển.

Trong khi đó, trên một tuyến đường có nhiều doanh nghiệp, nhà xe cùng tham gia; thời gian lên tài, chất lượng xe, chủng loại xe giường nằm và ghế ngồi cũng như giá vé đều khác nhau. Không sở hữu xe, bến không thể tự ý bán trước, bởi nếu xe hư hỏng không vào bến, không có xe thay thế việc điều động xe khác phù hợp với loại vé đã bán trước hộ doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn?

Thực tế cho thấy, tuy số lượng vé do bến bán trực tiếp cho khách đi ngay trong ngày lên đến vài chục ngàn vé những lúc cao điểm, thì cũng ít xảy ra hiện tượng dồn ứ khách. Nhưng rất nhiều trong số khoảng 100 doanh nghiệp vận tải, nhà xe thương hiệu tại bến tự tổ chức bán vé; nhận đặt vé qua điện thoại với khả năng chỉ cung cấp được một vài ngàn vé trong những ngày cao điểm tết đã gây không ít ồn ào, khiến hành khách đổ dồn về bến xe chờ nhận số thứ tự, đợi mua vé sáng đêm.

Áp lực bán vé trực tiếp ngày giáp Tết ở bến xe.

Với nhận định xe khách - loại phương tiện giao thông được sử dụng rộng rãi nhất và đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân cần một kênh bán vé trực tuyến để giảm tải việc mua vé xe vào dịp cao điểm, đã có đơn vị, doanh nghiệp đứng ra với mong muốn tạo cuộc thay đổi trong ngành vận tải khách đường bộ: Chuyển từ đặt vé qua điện thoại sang đặt vé online. Từ đó tiết kiệm hàng triệu giờ công lao động, người dân phải bỏ ra để đi lại, chờ đợi mua vé xe mỗi dịp lễ, tết.

Theo hình thức này, với người mua vé, ngồi một chỗ thực hiện xong các thao tác đặt vé xe online, hành khách sẽ nhận được tin nhắn qua điện thoại và email xác nhận đã đặt vé thành công với một mã code cùng thông tin về tên hành khách, tên nhà xe, tuyến đường giờ khởi hành, số ghế… giống như đặt vé máy bay. Giá vé được niêm yết công khai trên mạng. Những khi hệ thống kết hợp cùng các nhà xe thực hiện chương trình khuyến mại vào dịp đặc biệt, giá vé sẽ rẻ hơn.

Hệ thống bán vé xe trực tuyến còn giúp hành khách nắm rõ thông tin về số lượng vé còn trống, số tài, giờ xe chạy của các doanh nghiệp vận tải trên tuyến. Mua vé trực tuyến, khách đi xe còn có cơ hội để tìm vé và biết thêm thông tin về các hãng xe khác cùng chạy trên tuyến, nắm được cả chất lượng phục vụ của từng nhà xe thông qua ý kiến đánh giá phản hồi của hành khách đã đi xe trước đó.

Để khắc phục vấn đề còn vướng mắc với người mua vé trực tuyến hiện nay là hầu hết các bến xe khách liên tỉnh ở TP HCM vẫn chưa áp dụng hình thức kiểm tra vé điện tử hoặc mã code vé trong tin nhắn điện thoại, đơn vị bán vé trực tuyến thường khuyến cáo hành khách ra bến hoặc điểm khởi hành trước giờ xe chạy sớm hơn, xuất trình tin nhắn để đổi vé giấy trước khi lên xe.

Lý giải về quy định khách phải có vé giấy cầm trên tay mới được qua cổng nhà ga để vào khu vực cách ly chờ lên xe, đại diện Bến xe Miền Đông cho biết, mỗi ngày tại bến có vài chục ngàn lượt người qua lại. Không kiểm soát chặt chẽ, ai cũng có thể vào khu vực cách ly là không ổn nên bến xe làm vậy cũng nhằm bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho hành khách và nhà xe?

Cần sự kiểm soát kịp thời

Theo đại diện một doanh nghiệp tiên phong trong việc hướng hoạt động vận tải khách liên tỉnh đường bộ chuyển từ mô hình nhận đặt vé qua điện thoại sang bán vé qua mạng, hầu như toàn bộ thông tin về hàng ngàn hãng xe khách liên tỉnh, tuyến đường, lịch trình chạy xe hoặc tên các bến xe… có được để đưa lên hệ thống bán vé trực tuyến nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho hành khách. Việc này đến nay chủ yếu là do doanh nghiệp tự thu thập, tự mời gọi các nhà xe, doanh nghiệp vận tải và hành khách tham gia cung cấp.

Hiện tại chưa được hỗ trợ nhiều từ các cơ quan quản lý vận tải địa phương hoặc bến xe. Phần mềm quản lý đặt vé để biết ghế nào còn trống, ghế nào đã bán trên hành trình hiện cũng do doanh nghiệp cung cấp.

Đưa vé xe lên bán trên mạng trực tuyến, cả về số ghế còn trống lẫn giá vé  đều được công khai. Điều này vừa hỗ trợ chủ xe, doanh nghiệp vận tải kiểm soát hoạt động bán vé từ xa một cách chặt chẽ, lại còn giúp hành khách có thể dễ dàng chọn được hãng xe và số ghế ngồi trên xe theo ý muốn. Đồng thời còn góp phần ngăn chặn tình trạng cò vé, đầu cơ nâng giá bán vé xe khách vào dịp cao điểm "cháy" vé.

Với nhà xe, sử dụng phần mềm bán vé trực tuyến, ngoài giảm được nhân viên bán vé, còn giảm được chi phí, tránh thất thoát và thống kê được doanh thu lập tức trong việc bán vé. Do vậy, việc bỏ ra vài triệu đồng để được sở hữu phần mềm đặt vé trực tuyến, quản lý vé của các nhà xe không phải là lớn. Vấn đề lớn hơn là bỏ ra chừng ấy tiền, các nhà xe thương hiệu và doanh nghiệp bến xe sẽ không còn "hành" khách mua vé phải bỏ việc, tốn thời gian công sức đi lại, chầu chực lấy số thứ tự mới có thể mua được vé xe trong những dịp cao điểm.

Nhà xe đã công bố hết vé và không còn số thứ tự, nhưng hàng trăm người vẫn kiên nhẫn chờ đợi để mong có được chiếc vé xe Tết.

Xác định việc bán vé xe khách qua mạng vẫn là vấn đề mới với nhiều hành khách, nên những vướng mắc, tranh chấp phát sinh khác trong quá trình đặt vé, đi xe đều có thể xảy ra. Các điều khoản liên quan đến việc đặt vé online, thanh toán hay chính sách hủy vé, hoàn tiền… đều đã được công bố công khai trên hệ thống bán vé trực tuyến để khách tìm hiểu nhưng có lẽ vẫn còn cần sự giám sát, đảm bảo của cơ quan nhà nước có chức năng, thẩm quyền đối với những thông tin này?

Bán vé trực tuyến tập trung vào nhóm đối tượng khách đi xe là giới trẻ, từ 18-35 tuổi rành về sử dụng điện thoại, mạng máy tính. Song để đưa mạng vé xe online lan tỏa rộng, ngoài việc cung cấp phần mềm cho đại lý cấp dưới và đã xây dựng được hệ thống đối tác bán vé xe trực tuyến có đại lý rộng, vẫn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bến xe khách, nhà xe và đơn vị quản lý vận tải khách liên tỉnh để đảm bảo quyền lợi của hành khách và doanh nghiệp một khi có phát sinh. Đây cũng là việc làm cần thiết để cùng hợp tác kiểm soát chặt chẽ tình trạng xe trá hình ngoài bến cũng được hỗ trợ việc bán vé trên mạng.

Thái Bảo
.
.