“Mùi cỏ cháy” ngợi ca máu của những vị thánh

Thứ Hai, 19/12/2011, 06:35

Nhìn sự khốc liệt của chiến tranh qua tấm gương nhân văn với cảm hứng "Tìm lại thời gian đã mất" của M.Prous, "Mùi cỏ cháy" đã cho ta thấy những mất mát lớn lao của tuổi trẻ một thời, những mất mát không ai giống ai, không thể đo đếm bằng con số trong những bản tổng kết chiến tranh.

Nhưng khi được những người làm phim soi chiếu bằng thứ ánh sáng nghệ thuật tinh tế và trong sáng, những mất mát tưởng như lẻ tẻ, nằm trong góc khuất của hàng triệu số phận riêng bỗng trở nên kỳ vĩ, sừng sững như những tượng đài nhân văn bi tráng tưởng niệm sự hy sinh của tuổi trẻ một thời và chia sẻ những khát vọng sống dở dang của họ.

Bài thơ bi tráng về những khát vọng sống

Xem “Mùi cỏ cháy” (kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Hữu Mười) khán giả được dẫn dắt theo số phận của 4 anh lính trẻ Hoàng, Thành, Thăng, Long - những chàng trai "tân" trước khi nhập ngũ đã ra công viên chụp một bức ảnh kỷ niệm, nghịch ngợm tranh nhau đặt tay vào bầu vú nở nang của bức tượng cô gái đang đọc sách.

Phim dõi theo 4 chàng trai dọc đường ra chiến trận, mô tả một cách sinh động sự hồn nhiên trẻ thơ của những anh lính trẻ trong đội ngũ, với những trò tinh nghịch trẻ con, những khoảnh khắc run sợ đào ngũ, những giây phút run rẩy  bên ngưỡng của tình yêu… đến những ngày chiến đấu đẫm máu, họ lần lượt hy sinh bên thành cổ Quảng Trị, cái "cối xay thịt" của một thời. Các tác  giả phim  đã không cố gắng tái hiện toàn cảnh cái khốc liệt của "cối xay thịt" đó theo cách làm phim của phương Tây, mà chấm phá một cách ấn tượng cái khốc liệt đó để chia sẻ những khát vọng sống của tuổi trẻ một thời.

Đó là khát vọng làm con sâu sắc của Thành, một anh lính vui tính hay hát chèo, luôn ân hận vì những lỗi lầm đã làm mẹ giận trước đây, day dứt vì khi mẹ giận lại không chịu nằm yên cho mẹ đánh, đến bây giờ ra trận anh ước mong ngày chiến thắng trở về để nằm xuống cho mẹ đánh thật đau.

Đó là khát vọng sum họp của Long, người trước giờ nhập ngũ đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ ly dị trong tòa án, nhưng vẫn  hy vọng bố mẹ sum họp nên đã chạy về nhà xếp hai cái giường ly thân làm một và mang theo ra trận tấm ri-đô ngăn đôi căn phòng nhỏ, để trong giây phút hoảng loạn giữa đạn bom anh đã phải gối đầu lên chiếc ri-đô ấy vĩnh viễn nằm xuống dưới bùn lầy Quảng Trị, mang theo ước mơ về một tương lai sum họp gia đình, mang theo cả khát vọng tình đầu vừa chớm nở bên bờ giếng trong những ngày anh tạm nghỉ tại nhà dân giữa chặng đường ra trận.

Đó cũng là khát vọng hòa bình của Thăng, người mang bóng dáng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, viết nhật ký miệt mài với những dòng tiên tri tháng 4/1975 sẽ là ngày toàn thắng, nhưng đã ngã xuống trên sông Thạch Hãn khi đứng giữa đạn bom cắn răng vào dây điện nối liên lạc cho đài chỉ huy. Đó là khát vọng tình yêu và ký ức văn hóa của Hoàng, bóng dáng tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, với bóng dáng người yêu "phương ấy" và hình ảnh chú ve con của tuổi thơ Hà Nội lây lan trong tâm hồn của những anh lính trẻ suốt chặng đường ra trận và trở thành đàn ve khổng lồ bay  trên sông Thạch Hãn như lời kể của nhân vật trong phim.

Đây không phải là những bi kịch của những anh hùng, mà là những bi kịch đời thường, nằm trong góc khuất của những số phận bình thường nhỏ bé. Những bi kịch kiểu này ở ta trước đây thường bị gạt ra khỏi tầm ngắm của nghệ thuật, dành chỗ cho những bản hùng ca, những tượng đài  kỳ vĩ. Mãi đến gần đây ta mới thấy văn chương nghệ thuật có quyền được buồn, được chia sẻ với những bi kịch của số đông, của những phận người bé nhỏ. Trong bối cảnh cởi mở đó của đời sống nghệ thuật, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã có ý nguyện viết một bài thơ điện ảnh ca ngợi "máu của những vị Thánh", gửi gắm vào phim tinh thần trong sáng thánh thiện của tuổi trẻ thời chiến tranh đã từng thể hiện trong các cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm cùng những ký ức tình bạn, tình thơ với liệt sĩ Vũ Đình Văn. 

Cảnh trong phim “mùi cỏ cháy”.

Cú lội ngược dòng ngoạn mục

“Mùi cỏ cháy” là một dự án tâm linh văn hóa, một đài tưởng niệm bè bạn cùng thế hệ đã được Hoàng Nhuận Cầm ấp ủ hàng chục năm trời với bao nhiêu tâm huyết và hy vọng. Trong  rất nhiều cuộc diễn thuyết về thơ Hoàng Nhuận Cầm đã xi-nê miệng về bộ phim tương lai với những cảnh độc đáo, xúc động như cảnh các anh lính trẻ Thủ đô vội lên tàu ra trận khi tàu chạy qua Cửa Nam đã ném hàng trăm phong thư xuống cho những người hai bên đường nhờ bỏ hộ vào hòm thư hoặc chuyển cho gia đình, hay cảnh một anh lính trẻ đang chạy trong lửa đạn cúi xuống nhặt một cuốn Kinh Thánh và bị trúng đạn trong phút ấy, cuốn Kinh Thánh từ từ rơi xuống đất nhuốm máu của anh…

Nhưng rồi, những tham vọng nghệ thuật cứ tự rút dần xuống vì những khó khăn kéo dài nhiều năm trong việc tìm kinh phí làm phim. Cho đến khi Hoàng Nhuận Cầm và êkíp từ bỏ nguyện vọng được nhà nước đặt hàng, chấp nhận một khoản tiền tài trợ làm phim như nhiều phim bình thường khác, cứ tưởng "Mùa cỏ cháy" sẽ khó thành công vì sự chênh lệch quá lớn giữa quy mô, ý đồ và kinh phí trong thời buổi trượt giá hôm  nay. Thế nhưng, Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn  Hữu Mười cùng êkíp làm phim đã làm một cú lội ngược dòng ngoạn mục, kịp thời trình làng một bộ phim nghệ thuật bi tráng, tài hoa, giàu ấn tượng làm người xem xúc động mạnh mẽ. Mặc dù, nhiều cảnh hay trong kịch bản đã không được thực hiện hoặc quay không đúng với ý đồ do hạn chế về kinh phí (như cảnh ném thư của đoàn tàu ra trận giữa phố đã chuyển thành một cảnh quay lướt loãng giữa cánh đồng), nhưng "Mùi cỏ cháy" đã thực sự thành công, tràn đầy tâm huyết, thấm đẫm chất thơ, tràn căng sức trẻ, tràn ngập tiếng cười trong sáng lạc quan, xứng đáng là một bài thơ "ca ngợi máu của những vị Thánh" như họ từng ước vọng.

Xem “Mùi cỏ cháy” thấy rõ những người làm phim không bận tâm tới việc  làm  thế nào để máu của tuổi trẻ một thời trở thành một hàng hóa giật gân  lôi khán giả vào rạp trong cơ chế thị trường. Trái lại, họ cố gắng xé toang những lớp bao bì tem nhãn của những thương hiệu giải trí, để máu của tuổi trẻ, khát vọng tình yêu, những day dứt gia đình và những niềm vui trẻ thơ  hiện ra trần trụi. Nói theo ngôn ngữ Thiền thì các tác giả đã vượt qua những lớp vỏ khái niệm, khẩu hiệu và công thức để  nỗ lực làm cho cái "bản lai diện mục" của một thế hệ hiện ra khá ấn tượng trên phim. Vì thế, mặc dù chiến tranh được tái hiện có phần ước lệ, nhưng “Mùi cỏ cháy” đã lay động khán giả sâu sắc, gần như tất cả người xem đều hơn một lần ứa nước mắt khi chứng kiến những bi kịch đời thường và những hy sinh tức tưởi của tuổi trẻ thời xưa, mang theo xuống đất đen bao nhiêu khát vọng về gia đình, tình yêu, tình bạn.

Đối trọng với "Giải cứu binh nhì Ryal"

“Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Hữu Mười dường như đối trọng về nhiều mặt với bộ phim lừng danh “Giải cứu binh nhì Ryal” của  đạo diễn Steven Spielberg. Cùng tôn vinh chủ nghĩa nhân văn trong chiến tranh, nhưng một phim là bom tấn, còn một phim thì xinh xắn nhẹ nhàng như một  bài thơ. Một phim thì dùng quyền lực của hình ảnh áp đặt vào người  xem tinh thần nhân văn của người Mỹ làm ta cảm động sâu sắc, còn một phim thì xâu chuỗi những tình tiết chân thực hài hước và sinh động, chấm phá những chân dung tuổi trẻ trong lửa đạn, khơi gợi dần những tình cảm nhân văn, thức dậy trong ta một niềm day dứt với sự hy sinh của tuổi trẻ Việt Nam những năm tháng chiến tranh.

Một phim kể chuyện người Mỹ đi ngược chiến tranh, chịu hy sinh hàng chục người để giải cứu binh nhì Ryal - người con trai cuối cùng của một bà mẹ Mỹ đã có 3 người con hy sinh - ra khỏi cuộc chiến, một phim thì kể chuyện một thế hệ trẻ đi xuôi theo cuộc chiến để giải cứu một miền đất, một lý tưởng định hình với những cái chết bất ngờ tức tưởi. Một phim khi bấm máy đạo diễn đã có thể biết chắc tác phẩm của mình sẽ  được khán giả Mỹ chia sẻ, tôn vinh, một phim lại làm ra trong nỗi lo âu sợ khán giả quay lưng khi lời rủa "phim cúng cụ", "phim xếp kho đắp chiếu"  treo lơ lửng trên đầu các bộ phim về chiến tranh cách mạng khiến ngay cả những người chịu trách nhiệm định hướng cũng nhiều phen run sợ và thỏa hiệp.

Đạo diễn Hữu Mười và êkíp làm phim đã thể hiện rõ  tay nghề khi làm chủ được cách kể chuyện phức điệu của mình, tiết chế được tham vọng thi ca, tạo những tiếng cười chân thực hồn nhiên, tả chiến tranh chết chóc theo kiểu phương Đông, tập trung vào những khoảnh khắc bạo liệt để điểm huyệt gây ấn tượng, tạo nên những điểm nhấn nghệ thuật kết nối tất cả những ký ức hồn nhiên  dễ thương của nhân vật làm người xem phải trào nước mắt.

Các diễn viên hầu hết chưa phải ngôi sao, thậm chí lần đầu đóng phim, nhưng diễn xuất của họ thật dung dị tự nhiên lột tả được sự trong sáng hồn nhiên và tính cách riêng của 4 nhân vật chính. Lê Chí Kiên trong vai Đại đội trưởng với cách diễn tưng tửng, tự nhiên diễn tả một cách khá hài hòa sinh động thái độ nghiêm khắc và tấm lòng nhân hậu. Ống kính của Phạm Thanh Hà kết hợp được chất thơ của tuổi trẻ và sự dữ dội khốc kiệt của chiến tranh, những cảnh quay giả đêm có tính nghệ thuật cao. Họa sĩ Phạm Quốc Trung đã tạo dựng bối cảnh chính như một bức tranh giàu chất tượng trưng ước lệ, phảng phất chất thơ của ký ức xa xăm. Âm nhạc của Đỗ Hồng Quân cũng như tìm lại được cái da diết trữ tình trong sáng và thánh thiện từng thấy trong “Thị trấn yên tĩnh” và “Thằng Cuội”.

Dựng phim cũng tìm được giải pháp hợp lý cho cách kể chuyện khi nhấn khi lướt, khi hài khi bi, khi tượng trưng khi tả thực để tạo nên một dòng chảy khá tự nhiên, nhất quán cho phim. Âm thanh cũng gây được ấn tượng và mỹ cảm, làm tròn nhiệm vụ cho một phim thơ-chiến tranh-tâm linh cần âm thanh vừa tinh tế, vừa bay bổng, vừa hoành tráng. Nếu soi xét kỹ từ góc độ nghề nghiệp thì cũng có thể chỉ ra những hạt sạn trong phim, nhưng về đại thể, “Mùi cỏ cháy” đã gây ấn tượng như một tượng đài bi tráng, cuốn khán giả đi theo một dòng chảy lớn để chạm đến những cái đích cao cả, thiêng liêng nên không ai muốn dừng lại để săm soi những hạt sạn li ti lẫn vào máu của những vị Thánh. Đó cũng là một quyền lực mà bộ phim đã đạt tới, một quyền lực nghệ thuật làm bằng tài năng và tâm huyết, không phải thứ quyền lực gây sức ép thô thiển trong đời sống.

Hội tụ được tâm huyết tài năng của các nghệ sĩ, với những hình ảnh chân thực tài hoa và ấn tượng mang hồn vía của tuổi trẻ thời chiến tranh làm đông đảo người xem xúc động, “Mùi cỏ cháy” có thể coi là một ứng viên nặng ký cho Giải Bông sen Vàng của LHP Việt Nam lần thứ  17  sắp diễn ra tại tỉnh Phú Yên

Đỗ Minh Tuấn
.
.