Mỹ Latinh: Bong bóng nợ chực phát nổ
Số nước có khả năng kiểm soát nợ tốt rất ít. Khối nợ của khu vực này luôn trong tình trạng chực phát nổ đã đe dọa sự ổn định của toàn bộ các nền kinh tế.
Gia tăng nợ công và tư
Trong 20 năm qua, các nền kinh tế chính tại Mỹ Latinh đã ghi nhận nợ chính phủ tăng mạnh. Năm 1998, nợ chính phủ của Argentina tương đương 33% GDP, trong khi năm 2018 chỉ số này đã lên mức 55%. Tại Brazil, con số này tăng từ 41% lên 83%, Chile là 10% lên 25%, Colombia là 16% lên 49% và Mexico là từ 21% lên 35%. Tương tự, xu hướng này cũng diễn ra trong các ngân hàng và các doanh nghiệp phi tài chính.
Mức tăng nợ công trong những năm qua được giải thích chủ yếu do việc rớt giá của các mặt hàng nguyên liệu và nhu cầu giảm mất cân bằng các con số vĩ mô. Nhịp độ gia tăng giá trị các tín chỉ nợ tại các nước trong khu vực trong thập niên là không đều: từ 2008 tới 2018, tổng giá trị nợ chính phủ đạt 683 tỷ USD và 33% trong số đó được phát hành từ năm 2013.
Ngược lại, từ năm 2008 tới nay, Chile đã phát hành các trái phiếu nợ với tổng trị giá 57 tỷ USD, trong đó có tới 63% là trong 5 năm cuối. Một dữ liệu quan trọng khác cần quan sát là thời điểm đáo hạn nợ và tỷ trọng nợ phải trả bằng USD. Ví dụ, trong năm 2019 Colombia sẽ phải trang trải tới 80% các khoản nợ đáo hạn của mình bằng USD. Chỉ số này là 60% tại Chile, 40% tại Brazil, 80% tại Argentina và 50% tại Mexico.
Đây là một điểm yếu cho các nền kinh tế khu vực nhưng tất nhiên không phải là điểm nổi bật duy nhất. Sự thay đổi thành phần chủ nợ, trong đó các chủ nợ quốc tế ngày càng chiếm nhiều vai trò hơn, là một trong những yếu tố gây phụ thuộc khác cho các nền kinh tế Mỹ Latinh.
Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ nợ công có bảo đảm bằng tài sản công của khu vực Mỹ Latinh nằm trong tay các chủ nợ tư nhân đã tăng từ 65% lên 74% trong giai đoạn 2000-2015. Đồng thời, các trái phiếu như hình thức nợ cũng gia tăng tỷ lệ trong hình thức nợ công, nhích từ mức 49% lên 52% trong cùng thời kỳ.
Điều này đồng nghĩa với việc khu vực ngày càng phụ thuộc vào những chủ trái phiếu tư nhân quốc tế, những chủ thể - khác với các tổ chức tín dụng đa phương, mang tính chất ẩn danh. Nói cách khác là các chính sách của họ không minh bạch và không phải trình báo bất cứ ai.
Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên Hiệp Quốc (CEPAL), 17 trong số 18 quốc gia, nền kinh tế chủ chốt của khu vực Mỹ Latinh có phát hành trái phiếu tự chủ trong năm 2017, đưa mức nợ công của cả khu vực lên 38% GDP.
Còn lần theo những khoản nợ ký kết gần đây giữa các nước với các tổ chức quốc tế, điển hình là IMF, Argentina có lẽ là trường hợp cực đoan nhất. Tiếp đó là Ecuador, quốc gia dù không đàm phán “chính thức” một khoản tín dụng với IMF nhưng những cải cách theo hướng thắt lưng buộc bụng được áp dụng trùng khớp với các chuyến thăm của các quan chức tổ chức này để “đánh giá” các điều kiện kinh tế vĩ mô của “đất nước Xích đạo”.
Colombia và Mexico đã thỏa thuận các khoản tín dụng linh hoạt trong năm 2016 vẫn chưa được sử dụng; từ năm 2014 tới năm 2016, Jamaica và Honduras đã thỏa thuận một khoản tín dụng dự phòng như khoản mà Argentina vừa thỏa thuận với IMF, với giá trị tương đối thấp như trong trường hợp của Honduras (110 triệu USD) và cao hơn là trường hợp của Jamaica (1,67 tỷ USD).
Tháng 2 vừa qua, Haiti cũng đạt thỏa thuận với IMF về việc triển khai các điều khoản của thỏa thuận này, bao gồm việc cắt bỏ trợ giá khiến giá nhiên liệu trong nước tăng gấp đôi, đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất tại đảo quốc nghèo đói này trong nhiều năm.
Đã có nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở Mỹ Latinh liên quan tới nợ. Ảnh: Foreign Brief. |
Theo CEPAL, những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới xu hướng gia tăng nợ công là thâm hụt ngân sách cơ bản, hình thức hối đoái thực (đặc biệt trong các năm 2015 và 2016) và tỷ giá hối đoái thực. Hệ quả là dịch vụ nợ tăng mạnh trong những năm qua; tới trong năm 2017 chỉ riêng việc thanh toán lãi suất các khoản nợ đã có mức chi trung bình tương đương 2,3 GDP, trong đó nước có tỷ lệ này cao nhất là Brazil, với chi phí lãi suất nợ công tương đương 5,7% GDP.
Tiếp đó lần lượt là Cộng hòa Dominica, Costa Rica, Honduras và Argentina, đều với mức xấp xỉ 3,1% GDP. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng Brazil và Argentina vẫn có mức thu thuế cao hơn, do đó có tình thế khả quan hơn so với những nước đã nêu còn lại.
Còn về mức nợ tư nhân, con số này từ năm 2006 tới năm 2016 đã gia tăng đáng kể, cho thấy tương quan tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế: Những nước mở rộng quy mô kinh tế của mình nhất trong những năm qua cũng có chỉ số mắc nợ tư nhân cao hơn. Mức tăng trưởng nợ tăng đáng kể nhất trong giai đoạn này được ghi nhận tại Chile, Peru, Paraguay và Colombia, với mức nợ tư lần lượt đạt 51%, 30%, 36% và 23% của GDP.
Rủi ro tiềm ẩn
Những rủi ro tiềm ẩn của việc này có thể đến là gia tăng nợ, tăng trưởng toàn cầu mong manh và kinh tế các nước lớn suy yếu. Khi những nguồn trả nợ trở nên không an toàn thì một mức độ nợ cao hơn sẽ làm gia tăng tính mong manh của hệ thống kinh tế. Việc tăng trưởng nợ ở cấp toàn cầu và khu vực trùng khớp với thời điểm nền kinh tế thế giới tăng trưởng nhưng cũng tạo nhiều hoài nghi về tính bền vững.
Ngoài ra, nó diễn ra trong giai đoạn khu vực Mỹ Latinh phục hồi chậm lại từ giai đoạn suy thoái trước đó mà không được hỗ trợ từ giá cả thuận lợi của các mặt hàng nguyên liệu, kim ngạch xuất khẩu chủ chốt của cả khu vực. Cuối cùng, nó cũng trùng khớp vào thời điểm cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ khiến nhiều người tin sẽ có một cuộc khủng hoảng vay nợ và nhu cầu ở Mỹ Latinh.
Mỹ Latinh đã từng vướng vào cuộc khủng hoảng nợ của những năm 1980, bất lực trong việc tung ra những khoản dự trữ ngoại tệ vào thời điểm cần thiết đã gây ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản ở phần lớn các nền kinh tế của khu vực. Liệu lịch sử có thể lặp lại? Rất khó để biết điều đó.