Mỹ - Trung vượt khuôn khổ xung đột thương mại

Thứ Ba, 14/07/2020, 07:28
Tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc đang vượt ra ngoài khuôn khổ những lời đe dọa thương mại để tiến tới sự phân ly chấn động, tạo ra nguy cơ lớn tới không chỉ thị trường hai bên mà cả tới triển vọng kinh tế thế giới.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, quan hệ thương mại Trung-Mỹ đã gặp phải những khó khăn và thách thức chưa từng có trong lịch sử với sự cạnh tranh kinh tế tăng lên rõ rệt. Giờ đây, trong bối cảnh Mỹ phải đối mặt với một loạt vấn đề do dịch COVID-19 và cuộc bầu cử tổng thống bước vào giai đoạn then chốt, các thế lực cứng rắn của Mỹ đang đẩy mạnh việc tách rời kinh tế thương mại với Trung Quốc, và chuyển từ giai đoạn chuẩn bị trong thời gian dài trước đây sang giai đoạn thúc đẩy nhanh chóng, làm tăng rủi ro khó đoán định trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương.

Mỹ đang đẩy mạnh việc tách rời Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực tái tạo chuỗi sản xuất, giới chiến lược Mỹ đã dần phác thảo ra “Chiến lược tách rời 3 cấp” đối với Trung Quốc: Một là, rút về nước bằng mọi giá những dây chuyền sản xuất mà Mỹ cho là vô cùng quan trọng; hai là, khuyến khích các doanh nghiệp di dời nhà máy từ Trung Quốc đến các nước đồng minh chủ yếu đối với những chuỗi ngành nghề ít quan trọng hơn; ba là, có ý định di dời các ngành nghề không yêu cầu cao về cơ sở hạ tầng, công nhân kỹ thuật sang các khu vực như Nam Á, Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ đang đẩy mạnh việc tách rời với Trung Quốc từ ba phương diện là hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, tăng cường kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao, và loại bỏ các sản phẩm của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất của Mỹ. Còn trong lĩnh vực đầu tư, Mỹ đã âm thầm thúc đẩy cắt giảm đầu tư đối với Trung Quốc nhằm thắt chặt, thậm chí cắt đứt các kênh để doanh nghiệp Trung Quốc phát triển và hội nhập thông qua thị trường vốn của Mỹ.

Việc Mỹ đẩy mạnh quá trình tách rời về thương mại với Trung Quốc không phải tự nhiên bùng phát mà xuất phát từ nhiều động cơ. Theo giới phân tích, hiện nay, các yếu tố bất lợi ở trong nước Mỹ như khủng hoảng dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, thất nghiệp gia tăng và bạo loạn leo thang khiến người dân tỏ ra không hài lòng với sự phản ứng chậm chạp và quản lý không đúng cách của chính quyền Tổng thống Trump.

Việc Mỹ đẩy mạnh tách rời thương mại với Trung Quốc làm tăng rủi ro khó đoán định với nền kinh tế hai nước và thế giới.

Để đánh lạc hướng những chỉ trích trong nước, củng cố sự ủng hộ của người dân và xoay chuyển tình thế bầu cử, ông Trump đã coi hành động cứng rắn với Trung Quốc là chìa khóa và tia hy vọng duy nhất để giải quyết vấn đề. Trong khi đó, với tiêu chí coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong Báo cáo an ninh quốc gia, Mỹ hy vọng có thể duy trì ưu thế của mình, giảm thiểu sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua hàng loạt biện pháp gây sức ép và tách rời. Những biện pháp mà Mỹ thực hiện nhằm giúp loại bỏ cơ sở ràng buộc lợi ích giữa hai nước, thực hiện cạnh tranh chiến lược toàn diện, sâu sắc với Trung Quốc.

Trước xu hướng Trung Quốc và Mỹ tách rời về thương mại, không chỉ Trung Quốc sẽ phải đối diện với các cục diện như môi trường xuất khẩu ngày càng xấu đi, chi phí vận hành kinh tế và rủi ro tài chính tăng lên, kết cấu ngành nghề điều chỉnh bị động, mà ngay cả Mỹ cũng khó có thể lo được cho mình.

Thứ nhất, kinh tế Mỹ sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn do tách rời. Biện pháp gây sức ép và tách rời của Mỹ đối với Trung Quốc càng làm tăng rủi ro khó đoán định về kinh tế và thương mại giữa hai nước. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế Mỹ đến bờ vực suy thoái. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa vào giữa tháng 3 đến nay, đã có 41 triệu người bị mất việc làm.

Thứ hai, các doanh nghiệp Mỹ đối diện với chi phí điều chỉnh rất lớn. Việc chuỗi ngành nghề tăng tốc điều chỉnh sẽ khiến doanh nghiệp buộc phải hy sinh hiệu quả và lợi ích kinh tế nhất định, thậm chí phải đối điện với chi phí điều chỉnh rất lớn. Thứ ba, rủi ro tài chính tiềm ẩn tăng lên. Điều quan trọng nhất khiến thị trường tài chính Mỹ có sức hút trên toàn cầu nằm ở mức độ mở cửa và sự minh bạch của nó, nhưng khi cơ quan quản lý giám sát của thị trường vốn Mỹ chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, cắt giảm nguồn vốn với Trung Quốc, thì uy tín của thị trường Mỹ cũng bị tổn hại.

Các biện pháp gây sức ép tiếp theo của Mỹ đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này chắc chắn ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Thứ tư, kinh tế Mỹ sẽ bước vào thời kỳ tăng trưởng bình thường.

Theo tính toán của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng của Mỹ giai đoạn 2008-2018 chỉ là 1,6%, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân dài hạn 3,2% sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tách rời về kinh tế sẽ khiến kinh tế Mỹ càng trở nên bình thường hơn.

Bên cạnh đó, việc Mỹ đẩy mạnh tách rời thương mại với Trung Quốc cũng tác động nghiêm trọng đến sự tin tưởng lẫn nhau về thương mại. Việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không phải là chuyện dễ dàng, là yếu tố vô cùng quan trọng để hai nước ngừng va chạm thương mại và ổn định quan hệ. Tuy nhiên, việc Mỹ áp dụng hàng loạt biện pháp tách rời về thương mại và gây sức ép với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến sự tin tưởng thương mại, gia tăng yếu tố cạnh tranh và đấu đá giữa hai nước.

Trong khi đó, nền kinh tế thế giới gặp phải rủi ro khó đoán định lớn hơn. Do tác động của dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới đang trong thời khắc u ám nhất kể từ năm 2008 đến nay. Thời điểm này, các nước lớn trên toàn cầu nên gánh vác trách nhiệm dẫn dắt thế giới vượt qua khủng hoảng, cung cấp các sản phẩm ổn định cho nền kinh tế và tài chính toàn cầu.

Việc Mỹ đẩy nhanh tách rời quan hệ với Trung Quốc có thể tác động tới mong muốn cùng hợp tác và quản lý nền kinh tế toàn cầu trong thời kỳ khủng hoảng, đồng thời làm chậm tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, mọi bước đi cần phải được các bên cân nhắc.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.