Mỹ ra đòn mới giáng vào doanh nghiệp Trung Quốc

Thứ Năm, 26/11/2020, 11:34
Trong khi bận rộn tìm cách thách thức kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump vẫn không quên mở một mặt trận mới, ký sắc lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty dính líu đến quân đội Trung Quốc, bao gồm cả việc mua cổ phiếu của công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong.

Mặc dù động thái này chưa gây ra cú sốc lớn ngay lập tức trên thị trường chứng khoán Hong Kong nhưng chúng cho thấy rủi ro chính sách về căng thẳng địa chính trị đang gia tăng.

Theo sắc lệnh được ông Trump ký ngày 12-11 và có liệu lực từ ngày 11-1-2021, người Mỹ bị cấm đầu tư vào tổng số 31 công ty Trung Quốc nằm trong “danh sách đen” mà Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hồi tháng 6 và tháng 8 năm nay. Sắc lệnh cũng yêu cầu các nhà đầu tư Mỹ phải bán toàn bộ cổ phần, cổ phiếu đang nắm giữ tại các công ty này trong vòng 1 năm.

Trụ sở chính của Hikvision tại Trung Quốc.

Các công ty bị ảnh hưởng chủ yếu là những “ông lớn” của Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đóng tàu, viễn thông, đường sắt và công nghệ, bị cáo buộc có quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc như Hikvision, China Mobile, China Unicom, China Telecom, China Communications, China Railway Construction...

Ông Trump không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các công ty liên quan bị quân đội Trung Quốc kiểm soát hoặc nhận được sự hậu thuẫn từ phía quân đội Trung Quốc nhưng trong đoạn đầu của sắc lệnh hành chính, tổng thống thứ 45 của nước Mỹ tuyên bố phát hiện “Bắc Kinh đang lợi dụng tiền bạc của nước Mỹ để cung cấp tài nguyên và tạo điều kiện phát triển, hiện đại hóa bộ máy quân sự, tình báo cũng như các bộ máy an ninh khác".

Nếu nhìn ở khía cạnh này, chỉ cần các công ty Trung Quốc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chiến lược quan trọng cho quân đội Trung Quốc, họ có thể trở thành mục tiêu trừng phạt của Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20ở Osaka, Nhật Bản (Nguồn:Kevin Lamarque | Reuters).

Kế hoạch được nung nấu từ lâu

Sắc lệnh hành pháp vừa được ông Trump ký thông qua là động thái leo thang mới nhất trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn khởi đầu vào ngày 22-3-2018 khi Tổng thống Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Kể từ sau đó, Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều động thái trả đũa lẫn nhau, đánh thuế đối với nhiều mặt hàng, như nông sản, ô tô, hóa chất, máy móc, kim loại và thiết bị y tế.

Bất chấp việc hai nước đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu năm nay, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại rất nhiều những mâu thuẫn kinh tế chưa được giải quyết. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu và càng khiến cho những bất đồng giữa hai nước trở nên nghiêm trọng hơn. Washington ngày càng lo ngại về các công nghệ của Trung Quốc và khả năng các công nghệ này được sử dụng để do thám người Mỹ.

Chính điều này đã khiến các nghị sĩ Mỹ - của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa - đánh giá Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ. Điều này được thể hiện rõ qua sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với lệnh trừng phạt mà Washington áp dụng với công ty Huawei và những biện pháp mà các chính trị gia Mỹ đang thúc đẩy để khiến các công ty của Trung Quốc khó có hoạt động trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Đòn trừng phạt về vốn đối với các công ty Trung Quốc không phải là một ý tưởng bất chợt trong giới chính trị Mỹ mà đã được nung nấu từ lâu. Đầu năm nay, Tổng thống Trump đã yêu cầu các quỹ hưu trí liên bang hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong Chính phủ Mỹ lập luận rằng tiền lương hưu của nhân viên Liên bang Mỹ không nên dùng để đầu tư cho các công ty phục vụ quân đội của Trung Quốc.

Vào tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thúc giục các trường đại học kiểm tra quỹ tài trợ và giảm lượng nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc. Ngoài ra, Washington cũng đang cân nhắc việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi các sản chứng khoán Mỹ nếu các công ty này không tuân thủ quy tắc kiểm toán của Mỹ.

Sắc lệnh hành pháp cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty dính líu đến quân đội Trung Quốc là sáng kiến chính sách lớn đầu tiên của ông Trump kể từ sau cuộc bầu cử hồi đầu tháng 11. Sắc lệnh này cho thấy nhiều khả năng ông Trump sẽ tận dụng những tháng tại nhiệm còn lại của mình để gây sức ép lớn hơn với Trung Quốc.

Một gian hàng của China Telecom tại triển lãm 5G Thế giới tại Trung tâm triển lãm Quốc tế Etrong tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tác động có như mong muốn?

Theo hãng tin Reuters, Công ty China Telecom ước tính sắc lệnh hành pháp mới được ban hành của Tổng thống Trump sẽ tác động tới giá cổ phiếu của công ty này, vốn đã giảm 7,8% trên thị trường Hong Kong vào cuối ngày giao dịch 13-11.

Một công ty viễn thông khác của Trung Quốc, China Unicom Hong Kong Ltd, cho biết sắc lệnh mới của Tổng thống Mỹ đã gây ảnh hưởng tới công ty này và cả công ty mẹ là China United Network Communications Group Co Ltd, khiến giá cổ phiếu của họ giảm 6,7% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 13-11.

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro ước tính rằng những công ty Trung Quốc nói trên cùng các công ty con của họ có tổng giá trị vốn hóa thị trường ít nhất 500 tỷ USD. Reuters dẫn lời ông Navarro nói với các phóng viên: “Đây là một sắc lệnh có tính bao quát được thiết kế để chặn nguồn vốn tư bản Mỹ đầu tư vào các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sắc lệnh vừa được ban hành không thể tạo ra được đón giáng mạnh vào các công ty của Trung Quốc, bởi sắc lệnh này chỉ có quy mô hạn chế và các quỹ của Mỹ hiện không còn nắm giữ nhiều cổ phần trong các công ty bị nhắm mục tiêu. Sắc lệnh này không “chặn đứng” các công ty Trung Quốc, vốn là công cụ trừng phạt khắc nghiệt hơn, trong đó bao gồm cả việc phong tỏa tài sản và cấm thực hiện mọi giao dịch với Mỹ.

Sắc lệnh sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 11-1-2021, tuy nhiên nó không cấm người Mỹ tiếp tục mua các cổ phiếu mới cho tới tận tháng 12-2021 và cho phép các nhà đầu tư Mỹ tiếp tục sở hữu hoặc bán cổ phiếu mà họ đang nắm giữ ở các công ty nằm trong  “danh sách đen”, từ đó làm dấy lên nhiều câu hỏi về tác động của sắc lệnh này.

Matthew Tuchband, một luật sư làm việc cho hãng Arent Fox ở Washington và từng là cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, nói: “Sắc lệnh này có khả năng sẽ ngăn chặn đầu tư vào các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách nhưng không có khả năng gây ra tác động nghiêm trọng hay thiệt hại lớn như khi áp dụng biện pháp phong tỏa hoàn toàn các công ty này”.

Chỉ thị này là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm gia tăng sức ép đối với Trung Quốc bằng cách hạn chế quyền tiếp cận Phố Wall, do quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã trở nên tồi tệ vì các vấn đề liên quan tới đại dịch COVID-19 và cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Hong Kong.

Mặc dù vậy, tác động của sắc lệnh này cũng có thể bị giảm bớt do thực tế là trong khi hàng trăm quỹ của Mỹ tiếp tục sở hữu cổ phần trong các công ty bị nhắm mục tiêu, nhưng chúng chỉ ở mức khá nhỏ. Một chủ sở hữu nước ngoài hàng đầu của China Telecom, Vanguard Total International Stock Index Fund, chỉ sở hữu 68 triệu USD (tính tới ngày 30-9) so với tổng tài sản 400 tỷ USD của công ty này.

Dave Nadig, Giám đốc nghiên cứu của ETF Trends, một công ty chuyên nghiên cứu về các quỹ hoán đổi danh mục, ước tính rằng các quỹ của Mỹ sở hữu số cổ phần trị giá khoảng 8,2 tỷ USD trong 13 công ty nằm trong “danh sách đen” và đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số đầu tư của các công ty Trung Quốc.

Judith Lee, một luật sư về thương mại của Công ty Gibson, Dunn & Crutcher, cho biết đây là những công ty đã nằm trong “danh sách xám” (danh sách của Lầu Năm Góc liệt kê các công ty có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc) và họ đã giảm bớt cổ phần trong các công ty này.

Công ty xây dựng đường sắt Trung Quốc (China Railway Construction) được đánh giá là một trong những đơn vị xây dựng hạ tầng đường sắt hàng đầu trên thế giới.

Triển vọng thực hiện

Khả năng sẽ có sự thay đổi nhân sự tại Nhà Trắng vào đầu năm tới làm dấy lên nhiều câu hỏi về triển vọng thực hiện sắc lệnh vừa được Tổng thống Trump ban hành.

Ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ đưa tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, nếu chiến thắng chung kết thì ông sẽ nhậm chức vào ngày 20-1 tới đây. Xuất thân từ giới tinh hoa của đảng Dân chủ, quan điểm của ông Biden đối với Trung Quốc về cơ bản chịu ảnh hưởng bởi những nhận thức của đảng Dân chủ về nước này.

Trong những năm gần đây, đảng Dân chủ đã nhận thức rõ tình trạng suy giảm ảnh hưởng của Mỹ và sự thất bại của chiến lược tiếp cận đối với Trung Quốc. Trên cơ sở đó, đảng Dân chủ đã khởi động một loạt cuộc thảo luận về các vấn đề thương mại Trung-Mỹ, tách rời vấn đề công nghệ và nhân quyền. Sự bất đồng giữa các chính trị gia đảng Dân chủ về những vấn đề này không những là có mà còn là rất lớn, song phần lớn các đảng viên Dân chủ vẫn tin tưởng vào giá trị của hợp tác và chuẩn mực quốc tế.

Điều này có nghĩa là nhiều khả năng ông Biden sẽ ngăn chặn nhưng "tật xấu" của ông Trump trong chính sách đối với Trung Quốc, chẳng hạn như việc "vũ khí hóa" thuế quan.

Ngoài ra, ông Biden sẽ điều chỉnh các ưu tiên trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Ông Trump luôn coi các vấn đề kinh tế và thương mại là cốt lõi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và không quan tâm đến các vấn đề khác. Ông Biden lại thể hiện rõ việc phải xây dựng chiến lược Trung Quốc của Mỹ xuất phát từ nhiều góc độ.

So với chủ nghĩa đơn phương kinh tế mà ông Trump theo đuổi, ông Biden cho rằng cơ chế thương mại đa phương hiện có là một công cụ đắc lực của Mỹ trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Do đó, có thể thấy sau khi lên nắm quyền, ông Biden sẽ lại coi trọng vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc định hình các cơ chế hợp tác đa phương, lợi dụng các cơ chế đó để gây sức ép đối với những kẻ thù mà Mỹ cho là mối đe dọa.

Ông Biden từng nói: "Câu trả lời để ứng phó với những mối đe dọa này là cởi mở hơn, chứ không phải là khép kín hơn. Chúng ta cần nhiều tình bạn hơn, nhiều hợp tác hơn, nhiều đồng minh hơn, dân chủ hơn".

Nếu lên làm Tổng thống Mỹ vào đầu năm tới, ông Biden sẽ có quyền thu hồi hoặc thay thế sắc lệnh mà Tổng thống Trump vừa ban hành nếu ông muốn. Hãng tin Reuters cho biết, một quan chức đương nhiệm trong chính quyền Mỹ thông thạo với việc triển khai các sắc lệnh hành pháp, yêu cầu giấu tên, tỏ ra nghi ngờ về việc ông Biden sẽ nghiêm ngặt thực hiện sắc lệnh này.

Luật sư Tuchband làm việc cho hãng Arent Fox nói: “Một số nhà đầu tư có thể sẽ nín thở chờ xem liệu ông Biden có đảo ngược hay sửa đổi hướng đi này cùng những hạn chế khác đối với Trung Quốc dưới thời ông Trump hay không”.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.