NSND Xuân Huyền: Mây vẫn còn bay

Thứ Hai, 05/08/2013, 21:30

Tóc bạc trắng đầu, dáng cao lòng khòng, bước đi chậm rãi, khuôn mặt thoáng chút mệt mỏi, hai khuỷu tay của ông trồi lên cục thịt to dễ đến bằng quả ổi bát. Thầy đây ư? NSND Xuân Huyền đây ư? Cơn bệnh đổ ập xuống cách đây 5 năm đã lấy đi sinh lực, sức vóc của thầy. Sau trận tai biến đó, sức khỏe của ông sa sút hẳn. Từ ngày ông đổ bệnh, đám trò nhỏ, mà nay đa phần thành danh hết cả, thi thoảng vẫn kéo đến thăm và dù có xót xa thương cảm cho ông thì mọi người chỉ biết động viên thầy và an ủi nhau mà thôi.

Hình ảnh của ông trong những năm qua, bị quật ngã bởi cơn tai biến, ốm đau, tật bệnh cũng không khiến đám trò nhỏ lưu giữ mãi vào trong ký ức một người thầy cao to nhanh nhẹn phong độ khi xưa, ân cần mà gần gũi. Vượt lên trên hết đó là tư chất thông tuệ của người đạo diễn tài hoa, phẩm chất đạo đức của người thầy, một tài năng, một nhân cách - tất cả những gì tốt đẹp đều hội tụ đầy đủ trong ông. Người tốt và tài, vậy mà… Chúng tôi, đám học sinh ngày ấy mỗi lần nghĩ về ông, hay nói về ông đều thốt lên hai tiếng: "Thầy ơi!"...

Trên con đường đến nhà ông ở khu chung cư Mỹ Đình 2, tôi đi qua khu Mai Dịch, qua Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh Việt Nam. Giờ đây, trường đã xây cao và bề thế hơn rất nhiều, đám cỏ dại mọc ngoài bãi đất hoang ngày xưa nay đã là sân bóng với thảm cỏ tự tạo xanh rì, mềm mượt. Đường vào trường rải nhựa bóng loáng, sinh viên vào trường hết lứa này rồi lứa khác nối tiếp nhau để cho ra những cử nhân nghệ thuật. Thầy tôi, NSND Xuân Huyền hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngôi trường này, từ năm 17 tuổi ông đã là thế hệ diễn viên đầu tiên của Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh.

Năm 1971, ông được nhà trường chọn mặt gửi vàng để đi học đạo diễn ở nước bạn Liên Xô. Năm 1977 ông về nước, quay lại trường làm giảng viên. Và từ đó cho đến ngày đổ bệnh, 30 năm ông vẫn mãi là giảng viên trong trường, miệt mài rèn giũa đào tạo bao thế hệ học trò. Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh ngày đó và sau này có nhiều học sinh được cử sang Liên Xô học chuyên ngành đạo diễn.

Sau này, nhiều người trong số họ ngoài công việc chuyên môn còn giữ những chức vụ cao trong ngành nghệ thuật. Ngay cả đám trò nhỏ do ông chăm chút đào tạo năm nào lần lượt lên NSƯT, NSND, giám đốc hoặc phó giám đốc nhà hát, cục trưởng, trưởng đoàn, giám đốc sở… Còn ông, người thầy xứ Nghệ, không chức sắc nhưng là con người danh tiếng. Chúng tôi nghĩ về ông với một sự kính trọng tài năng và nhân cách, thốt nhiên bật lên hai tiếng gọi thiết tha: "Thầy ơi!".

Bấm chuông, chị giúp việc ra mở cửa, căn phòng thoáng rộng xung quanh bốn bề là cửa sổ. Căn hộ bài trí đơn giản, gọn gàng. Thầy đi chậm rãi đặt mình trên bộ xa lông. Thoáng nhìn qua biết là sức khỏe của thầy đã khá hơn rất nhiều cái ngày cách đây 5 năm khi thầy bị tai biến phải nằm liệt và lúc đó nói năng rất khó khăn. Giờ, thầy đã đi lại được, tiếng nói cũng dễ hơn, duy chỉ có đôi mắt vẫn còn rất yếu. Thầy bảo, thầy không đọc báo được vì chữ in trên báo bé tí xíu, nó như những con kiến ngoằn ngoèo trên lá khoai mà thầy không thể nào bắt được. Ngoài lúc chơi với cháu nội, cậu bé mới 3 tuổi, thầy bật ti vi nhưng cốt cũng chỉ để nghe thời sự, thỉnh thoảng thầy coi phim.

Một thú vui khác của thầy là ngồi ở bộ xa lông, trên tường treo hai bức ảnh được phóng to hết cỡ, người bạn đời, cô đã bỏ thầy để đi vào miền cực lạc cách đây 6 năm; và tấm ảnh của thầy; Ngoài ô cửa kia là bầu trời xanh với cuộc sống vô vàn hỗn độn. Thầy trong này yên tĩnh đến độ nghe được tiếng lách cách của bánh răng đồng hồ rồi lại đắm mình thưởng thức những tác phẩm nhạc không lời, những bản giao hưởng của Mozart, Beethoven, Tchaikovsky… Dù sao đi nữa thì âm nhạc cũng là loại thần dược hữu hiệu nhất để chữa bệnh tinh thần.

Phòng khách còn có một cái giá bày nhiều bức tượng với hình khối, dáng vẻ khác nhau, và vô vàn thứ ngộ nghĩnh, lạ mắt khác. Đó là của các đoàn nghệ thuật hay học sinh nào có dịp sang nước ngoài có chút quà nhỏ để tặng người thầy, người đạo diễn yêu mến. Thầy cất đồ kỷ niệm vào cái tủ riêng biệt đó với sự trân trọng. Thầy có hai người con, một trai và một gái. Con gái đang sống bên Australia đã từ cả chục năm nay. Thầy sống với người con trai. Con trai thầy có hai đời vợ, người vợ trước sang định cư tại Australia, khi đi đã kịp mang theo cháu trai của thầy. Thầy nhớ thằng bé lắm. Thầy có hai cháu nội và hai cháu ngoại.

Để cho mình đỡ cô quạnh, để cho cái cảm giác dạt dào của tình người máu mủ, của lửa lòng, của tri kỷ tri âm, thầy tôi trong căn phòng riêng đó, ngay trên đầu giường nằm mé bên tay phải treo ảnh chụp cháu trai, con của người con trai với người vợ đầu tiên. Thằng bé chừng 5 - 6 tuổi. Lâu lắm rồi thầy không gặp thằng bé. Ngày ngày, nhớ đến quay quắt lòng. Bên tay phải là bức ảnh cô con gái mà từ lâu đã ở trời Tây xa xôi. Cạnh ảnh cô con gái yêu là bức tranh vẽ ông và người thầy Nga của mình. Tất cả những thân thiết, máu mủ ruột rà, ông treo ảnh ở gần ông, như ngày ngày ông có thể đối diện để nhìn ngắm và chuyện trò.

Tủ trưng bày đồ lưu niệm của các đoàn nghệ thuật tặng NSND Xuân Huyền.

Thẳng trên đầu giường của thầy trang trọng một tấm bằng khen khá to được đóng khung treo rất cẩn thận, ghi: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho ông Ngô Xuân Huyền đã có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc". Bằng khen đó được đóng dấu vào tháng đầu tiên của năm 2007. Thầy tôi, khi nhận được tấm bằng đó cũng là lúc lâm trọng bệnh.

Nói về các nam đạo diễn của sân khấu phía Bắc, có bộ ba đạo diễn mà người ta hay nhắc tới, đó là: "NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng". Tại sao lại dùng chữ nam đạo diễn sân khấu, bởi vì, ngoài 3 người tài hoa kia còn có hai nữ đạo diễn tên tuổi cũng không kém đó là NSND Phạm Thị Thành và NSƯT Tú Mai.

Trong 3 nam đạo diễn gạo cội của làng sân khấu, NSND Doãn Hoàng Giang được mệnh danh là "Vua hổ", trong lĩnh vực sân khấu ông cầm tinh con hổ gầm thét vang lừng suốt Nam - Bắc. NSND Lê Hùng thì đóng đô ở Nhà hát Tuổi trẻ. Có thời ông đã làm giám đốc của cả hai nhà hát, Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ. Ông được mệnh danh và cũng tự nhận mình là "Vua rồng". Vì ông cầm tinh con rồng. Ông bảo mình không phải là rồng đất mà là rồng lửa, lúc nào cũng có đủ năng lượng để phun lửa bỏng da.

Thầy Xuân Huyền, không phải là “vua hổ” cũng chả phải “vua rồng”. Thầy tôi tuổi Ngọ, cầm tinh con ngựa. Loại động vật phi rất nhanh và hiền từ. Thầy tôi cặm cụi, cần mẫn làm việc và đi theo con đường riêng của mình, nhẹ nhàng tiến bước, không chen lấn, xô đẩy, giành giật…

Rất khác hai đạo diễn kia tấp nập với vai trò đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang chỉn chu, chăm chút cho từng vở diễn nếu như đoàn nào mời được ông. NSND Lê Hùng thì lao mình ngốn ngấu các vở diễn ở các đoàn nghệ thuật miền Bắc, tấp nập, xô bồ. Ông dựng tất cả, từ chính kịch, hài kịch, bi kịch. Còn thầy tôi, vẫn mang tính cách ngang tàng, sóng gió của dân miền biển đất Nghệ An. Thầy khe khắt, nghiêm túc, cẩn trọng với chính mình, với kịch bản, với tất cả những gì thầy làm.

Nếu "Vua rồng" có tháng cao điểm dựng một lúc 3 vở cho cả ba đoàn nghệ thuật thì thầy tôi tỉ mẩn, cần mẫn, khắt khe chọn lọc, một năm chỉ dựng 3 vở. Dựng ít vở nhưng vở diễn của thầy bao giờ cũng rất sâu sắc, cô đọng súc tích và ám ảnh. Khi vở diễn rơi vào tay thầy, đó chắc chắn phải là một kịch bản hay với dàn diễn viên diễn rất ấn tượng. Chẳng phải vậy mà nghiễm nhiên trong suy nghĩ của số đông người làm nghề công nhận, gọi thầy là "người gác đền chính kịch".

Tôi hỏi với khả năng và danh tiếng như thầy, tất nập đoàn mời mà sao thầy dựng ít kịch thế? Thầy bảo: "Mình không chỉ là một đạo diễn mà còn là một thầy giáo. Thầy giáo khi ra tác phẩm phải để cho học trò phục. Chứ mình làm dở, nói làm sao sinh viên nghe mình. Nghề này không nói hay nói tốt được, nghề này thể hiện bằng tác phẩm, bằng những cái người ta nhìn và cảm nhận được rất rõ rệt…".

Nếu như sở trường của "Vua hổ" là sân khấu lúc nào cũng bục bệ hoành tráng, mỹ thuật, phục trang linh đình. Nếu "Vua rồng" hay quay ra chọc ghẹo khán giả bằng mảng miếng vụn vặt, dí dỏm duyên dáng, thì các vở diễn của thầy lại cuốn hút khán giả bằng sự tinh tế, sắc sảo mà người đạo diễn khác khó lòng chạm vào được.

Trước nay, NSND Xuân Huyền luôn kỹ tính trong việc chọn lựa kịch bản, rèn giũa học trò. Chính vì vậy, sinh viên nào may mắn được học thầy, ngoài tài năng về nghề nghiệp, thầy còn truyền cho học trò của mình một ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết. Nếu không có ngọn lửa đó, người làm nghệ thuật sẽ chẳng thể đến được bến bờ nào, sẽ chẳng đi được đến đâu. Thầy thắp và đốt lên ngọn lửa đó cho học trò của mình.

NSND Xuân Huyền và những người bạn.

Còn một điều này nữa cũng thật lạ, người ta thường nói đến mối quan hệ luyến ái giữa đạo diễn và diễn viên. Với một số đạo diễn khác, các bóng hồng vụt đến rồi vụt đi như những con chim nhanh chóng rời khỏi tổ. Với họ, chẳng xa lạ gì những scandal tình ái nóng bỏng, tràn lan như bộ phim truyền hình dài tập, thì thầy tôi lại hoàn toàn khác. Dáng vẻ cao lớn, hùng dũng, uy phong, khuôn mặt điển trai, phong trần, trước kia thầy là diễn viên bộ môn nghệ thuật truyền thống - tuồng, tài năng đạo diễn lẫy lừng như vậy nhưng tuyệt nhiên, suốt mấy chục năm, không ai nghe dù chỉ một câu về mối tình ngoài luồng của thầy với bất kỳ một bóng hồng nào. Thầy tuyệt đối chung thủy với người vợ của mình.

Đám học trò chúng tôi đôi khi cũng ngơ ngác hỏi: "Ồ! Tại sao thầy lại không rung động với một nhan sắc nào đó?!". Vì thường thì gái ham tài, trai ham sắc. Thầy lại thường xuyên gần gũi thị phạm cho diễn viên các đoàn nghệ thuật mà ở đó không ít các mỹ nhân yêu kiều tha thướt. 40 năm trên bục giảng, 30 năm làm đạo diễn, thầy chưa có bất kỳ điều tiếng nào về chuyện tình cảm nam - nữ. Kể từ ngày đó đến khi thầy ngã bệnh lúc nào cũng vẫn nghiêm túc tư cách đạo thầy - trò, quan hệ đúng mực của đạo diễn - diễn viên.

Giờ đây, thầy ngồi đó, mái tóc bạc trắng đầu, dáng người vạm vỡ khi xưa giờ liêu xiêu vì bệnh tật, khuôn mặt ít nhiều chịu sự khắc nghiệt của tuổi tác và thời gian, cơn đau ốm giày vò khiến đôi mắt của thầy không còn được tinh tường. Trong câu chuyện của thầy là niềm đau đáu với loại hình nghệ thuật mà nửa thế kỉ thầy đã gắn bó thăng trầm. Thầy nói, chưa lúc nào đời sống nghệ thuật lại hỗn loạn như bây giờ, cũng chưa lúc nào cuộc sống lại xô bồ như bây giờ. Tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, cơ hội, móc túi, cờ bạc, mại dâm, cướp giật…, đủ các loại nạn đang hoành hành vậy mà chúng ta đang thiếu các nhà biên kịch thật sự tài năng. Thầy bảo: "Thiếu quá. Không lấy đâu ra kịch bản hay".

Chả ai đủ giỏi để có thể tải nổi đời sống xã hội đang cuộn chảy, các khúc mắc đang hiện hữu rất rõ rệt, bộn bề ngoài kia. Có bác Sĩ Hanh (nhà biên kịch) viết hay đấy, nhưng nay đã về già. Một vài nhà văn tên tuổi khác họ đang mải lo cái gì đấy, chưa toàn tâm toàn ý vào sân khấu. Kịch bản hay không có thì lấy đâu ra vở diễn hay".

Kể từ ngày đó cho đến nay, 5 năm ngã bệnh, thầy không còn dựng kịch cho nhà hát. Thi thoảng, học trò đến tận nhà đón thầy đi xem kịch của mình mong được chỉ giáo. Thầy vẫn thế, nhiệt tình tận tâm với đám trò nhỏ. Sắp tới đây, đầu tháng 9 có Hội diễn Sân khấu kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ, nếu sức khỏe như hiện nay, thầy sẽ đến dự. Trong thân thể đau yếu, thầy vẫn canh cánh, nặng lòng son sắt với “người tình” sân khấu. Thầy tôi - NSND Xuân Huyền là thế đó!

Trần Mỹ Hiền
.
.