Cha và con cùng cháy bỏng đam mê
Đạo diễn NSND Nguyễn Hải Ninh, bậc trưởng lão, người xây những viên gạch đầu tiên nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, và con trai ông, đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân, một cá tính sáng tạo độc đáo của nền điện ảnh thời kỳ đổi mới.
Đạo diễn NSND Hải Ninh và đạo diễn NSND Thanh Vân. |
Hà Nội, một ngày đông lạnh, đạo diễn Thanh Vân đang bộn bề với công việc cuối năm, nhưng sắp tới là kỷ niệm 22-12, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ký ức dội về với biết bao kỷ niệm. Cả hai bố con anh không hẹn mà gặp đều làm về đề tài chiến tranh. Nếu trong thời chiến, đạo diễn NSND Hải Ninh đã dùng những thước phim để tả về cuộc chiến đấu trực diện của người dân Việt Nam trước kẻ thù xâm lược, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Đất mẹ”… thì ngược lại ở thời bình, đạo diễn NSND Thanh Vân lại làm những bộ phim về thân phận con người đằng sau cuộc chiến: “Đời cát”, “Người đàn bà mộng du”, “Cây bạch đàn vô danh”...
Lịch sử có số phận của nó, xã hội cũng có số phận của nó và mỗi một con người đều có số phận riêng. Số phận riêng của bố anh, đạo diễn NSND Hải Ninh đi theo con đường duy nhất là điện ảnh, và chắc chắn không bao giờ có con đường thứ hai. Anh kể, khi còn là một cậu bé con gầy nhẳng, cứ đến kỳ nghỉ hè, sợ anh ở nhà đi chơi mà vô tình sa sẩy ngã xuống sông, (nhà gần bãi sông Hồng) nên đạo diễn Hải Ninh thường đem cậu con trai nhỏ lên đường đi làm phim. Và, chuyến đi đầu tiên ấy là đến vùng Hải Hậu, Nam Định được tận mắt thấy cảnh quay khi bố anh làm “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, bộ phim quay trong 2 năm 1970 - 1972.
Cảnh trong phim “Em bé Hà Nội” của NSND Hải Ninh. |
Bất kỳ một cậu bé nào, chơi bao giờ cũng thích hơn việc học nên anh cũng vậy, luôn mong ngóng đến 3 tháng hè để được đi theo đoàn làm phim cùng với bố. Cậu có một nhiệm vụ quan trọng trong đoàn làm phim là đi báo họp. Đạo diễn Thanh Vân nhớ lại: Hồi đấy, ngày làm phim mệt bơ phờ đến tối thì mọi người xăng xái họp, các cuộc họp diễn ra liên tiếp, họp Đoàn, họp Đảng, họp để rút kinh nghiệm…
Trong tâm trí của cậu bé 10 tuổi nhớ có cảnh quay huy động được cả 1.000 người dân. Hồi đấy, mọi người thấy quay phim ủng hộ ghê lắm. Để huy động cả ngàn người dân, từ ủy ban xã, thôn đều kêu gọi vậy mà loáng chốc người kéo đến ùn ùn, trẻ già trai gái, đàn ông, đàn bà, toàn người là người, rần rần khí thế. Năm 1972, bộ phim đã bấm máy xong chỉ còn làm hậu kỳ, bố con anh ở Hà Nội, đúng lúc này máy bay Mỹ ném bom 12 ngày đêm ở thủ đô Hà Nội. Sau đợt dội bom B-52, xác chết được xếp thành hàng trên khu phố Khâm Thiên.
Bố anh đã lặng lẽ khóc khi nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát và xác những đứa bé nằm bất động bọc vải bên đường, và ý tưởng về phim "Em bé Hà Nội" ra đời từ đó. Ngày bố làm phim “Em bé Hà Nội”, cậu bé ngoài giờ học ở trên lớp cũng rong ruổi theo bố đến trường quay. Những xót xa, những xúc động, giọt nước mắt ở trường quay tác động mạnh vào tâm hồn của Thanh Vân.
Tốt nghiệp phổ thông trung học Thanh Vân thi đỗ vào Trường đại học Kiến trúc. Năm 1980, bố anh lên biên giới phía Bắc làm phim “Đất mẹ”. Lúc này đang học đại học nên anh không thể đi theo. Mấy người trong đoàn làm phim nhắn về, đạo diễn Hải Ninh say mê làm phim, quên ăn quên ngủ, làm đến kiệt sức nên cứ ngất lên ngất xuống ở trường quay. Ông hăng say làm việc đến kiệt cùng sức lực. Cả hai mẹ con cuống cuồng lo bố cha nhưng cũng chỉ biết viết thư động viên. Sau này, khi hoàn thành xong bộ phim, những người trong đoàn làm phim chứng kiến đã phải quay bộ phim trong điều kiện vất vả, khổ đến độ nào, mọi người thường trêu đùa bảo: "Phim “Đất mẹ” hay là phim Bỏ mẹ".
Một lần khác, anh theo bố đi làm phim, những buổi ra trường quay, bố anh khỏe mạnh sung sức, khỏe đến nỗi mọi người trong đoàn làm phim ngơ ngác thì thầm: Bình thường sức khỏe của đạo diễn Hải Ninh không được khỏe lắm hay là ông đạo diễn uống sâm?! Mọi người đồn đoán thế vì thấy lúc nào ông có đeo chiếc bi đông bên người, thỉnh thoảng lại mở ra uống vài ngụm. Một cô diễn viên trong đoàn làm phim muốn điều tra vụ này đã đến xin ông nước sâm ông đang đựng trong bi đông. Đến khi cô gái mở ra uống thì mới biết đấy là nước trà, chứ không có sâm nào hết. Chính tình yêu điện ảnh đã cuốn ông đi, khiến cho ông say sưa miệt mài, nhấn chìm và cuốn phăng mệt mỏi. Chiếc bi đông đựng nước cho bố anh dọc ngang hành trình của nhiều bộ phim ngày đấy, anh vẫn còn lưu giữ nâng niu như một kỷ vật.
Cảnh trong phim “Đời cát” của NSND Thanh Vân. |
Có một thứ mất đi làm cho cả hai bố con anh rất buồn, đó là những năm 1980, gia đình anh sống ở khu tập thể Trung Tự, chiếc xe đạp biển số T 241 để ở hành lang đã bị kẻ trộm bẻ khóa dắt đi. Mất chiếc xe đạp, kỷ vật quan trọng anh ngẩn ngơ hàng tháng trời. Đó chính là chiếc xe đạp bố anh dùng để đi thực tế 3 tháng trời ở tuyến lửa Vĩnh Linh khi làm phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm". Trong chuyến đi thực tế, đường bị dính bom mìn, bố anh phải dắt xe vào nhà dân ở hai bên đường xin tá túc, có khi mất đến 20 ngày sửa xong đường, bố anh mới đạp xe đi tiếp.
Trong tâm hồn chàng sinh viên kiến trúc bắt đầu có suy nghĩ, mình cũng yêu điện ảnh, cũng tha thiết phim trường, mình có đi nhầm nghề chăng?! Sau đó Thanh Vân thi vào Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, nhận được giấy báo trúng tuyển, mặc dù đang là sinh viên năm thứ 4 Trường Kiến trúc anh đã bỏ sang học đạo diễn Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội mà không chút vấn vương, luyến tiếc.
Anh nhớ mãi, ngày anh đỗ vào Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, bố anh lúc đó vừa đi nước ngoài dự liên hoan phim về đã tặng cho anh một cuốn sách. Trong trang đầu cuốn sách, bố anh ghi dòng chữ: "Con sẽ đi khắp thế giới này bằng chính năng lực của con". Đến năm 1988, anh ra trường và về tại nơi bố anh làm việc là Hãng phim truyện Việt Nam. Và sau này ngẫm lại dòng chữ mà bố đã ghi trên cuốn sách, anh thấy lời bố nói hoàn toàn đúng. Đúng là nhờ những bộ phim tâm huyết tự tay làm mà anh đã tham dự các kỳ liên hoan phim ở các nước. Anh đã sang các quốc gia khác bằng chính tác phẩm của mình.
Đạo diễn Thanh Vân kể, về cách dạy con, bố anh không bao giờ nói con phải làm thế này, hay làm thế kia. Cách sống của ông, hành động của ông là tấm gương để anh noi theo. Cả cuộc đời của đạo diễn Hải Ninh là những câu chuyện xoay quanh chủ đề phim ảnh, ông chưa bao giờ nói chủ đề gì khác ngoài phim. Trong những khi bố con, gia đình ngồi với nhau để bàn luận về một bộ phim nào đó, tất nhiên, mỗi người mỗi ý và thường thì có các nhận định không giống nhau. Đạo diễn Thanh Vân làm phim về đề tài hậu chiến khá nhiều, nhưng đạo diễn Hải Ninh chưa bao giờ khen con trai mình quá. Khi xem phim của con xong, ông chỉ nói từ tốn nhỏ nhẹ: "Cũng được, nhưng mà theo bố thì nên thế này… thế này…".
Có một sự trùng lặp giữa hai bố con đó là bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ mất 5 năm để viết và 2 năm để quay xong bộ phim. Bộ phim ám ảnh về phận người sau chiến tranh của đạo diễn Thanh Vân là “Đời cát”. Bộ phim bắt đầu từ năm 1993 khi đọc được truyện ngắn "Ba người trên sân ga" đăng trên Tuần báo Văn nghệ, anh đã say sưa nghiền ngẫm và ấp ủ chuyển thể tác phẩm này sang điện ảnh suốt 3 năm trời. Năm 1999, bộ phim ra mắt trong nước và quốc tế, được đánh giá cao và mang lại nhiều giải thưởng danh giá. Vậy là anh phải mất ngót nghét 7 năm tính từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thành bộ phim “Đời cát”. Phim của bố anh "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" cũng mất 7 năm. Câu chuyện một bộ phim làm trong 7 năm cũng đủ để thấy rằng con đường điện ảnh không hề đơn giản, dễ dàng mà đòi hỏi sự theo đuổi kiên trì với niềm đam mê và cách làm việc thật sự nghiêm túc hết mình. Có lẽ anh cũng được thừa hưởng tất cả tình yêu say mê điện ảnh, sự kiên trì, kiên định trong công việc của bố.
Anh bảo: Bố anh rất quý trọng những đạo diễn có tiềm năng, chính vì vậy mà đạo diễn Lưu Trọng Ninh sau khi tốt nghiệp ra trường, bố anh đã nhận ngay về hãng phim, và hết lòng tạo điều kiện để cho làm phim, cả đạo diễn Trần Quốc Huấn cũng vậy….
Không khí xuân sang tưng bừng khắp phố, một cái Tết lại đang đến thật gần, chuẩn bị đến ngày giỗ bố anh. Ông mất vào ngày 27 tháng Chạp năm 2013. Anh bảo, đến Tết này là tròn 2 năm bố mất. Hai năm cuối đời NSND Hải Ninh đón Tết trong bệnh viện. Lúc còn khỏe, bố anh sống ở ngôi nhà không gian rộng rãi thoáng đãng bên Ngọc Thụy, Gia Lâm. Cứ mỗi độ gần Tết là bố anh mong ngóng con trai mang được cành đào rừng về nhà. Tết năm nào anh cũng cố gắng chở bằng được cành đào rừng cho bố. Bố anh lại không thích quất, ông chỉ thích đào rừng, thứ hoa màu hồng tươi, có 5 cánh khỏe mạnh.
Anh bảo: Có những năm chưa đến ngày 20 âm tháng Chạp là bố anh đã giục anh mua cành đào rừng. Bây giờ cứ đến dịp Tết mua hoa về nhà mà không còn bóng dáng bố đâu. Ông đã đi rất xa, nhưng tác phẩm điện ảnh của ông là những thước phim quý còn mãi cho cuộc đời này.
NSND Trà Giang hay tin NSND Hải Ninh mất ngậm ngùi khóc suốt, lần nào ra Hà Nội, bà cũng ghé thăm gia đình và ra thăm mộ ông. Lúc trước khi mất, bố anh đã kịp làm xong cuốn sách viết về NSND Lâm Tới, sau khi hoàn thành cuốn sách, ông lại viết cuốn sách hồi ký về NSND Trà Giang, đáng tiếc là trong khi bản thảo còn đang dang dở thì ông ra đi. Ông ra đi khi chỉ còn 3 ngày nữa là đêm giao thừa.