Nạn sư giả, đồ lễ quay vòng: Đừng để lòng tin bị lợi dụng
Một thẻ hương, bó hoa, đôi nến đã bị không ít người sử dụng quay vòng hết vào ban thờ lại ra gian hàng. Hay hình ảnh một số kẻ lợi dụng vào sự tin tưởng của các phật tử kính quý với các quý thầy giả làm sư để đi xin ăn và bán kinh sách... Những câu chuyện nhộn nhạo chốn linh thiêng, hay lợi dụng niềm tin tôn giáo vẫn đang xảy ra...
Những nhộn nhạo chốn tâm linh
Vào những ngày cuối năm, một số đền to, phủ lớn, hay nhiều chốn tâm linh có tiếng náo nức dập dìu khách thập phương rồng rắn đến lễ tạ. Gọi là lễ tạ vì đầu năm đến “vay”, cuối năm đến hạn phải “trả”. Hoặc không vay, không trả thì cũng là lòng thành của du khách thập phương tới để gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình vào chốn tâm linh mong cầu một sự bình an, êm ấm.
Có rất nhiều nơi đền, phủ tấp nập. Không ít du khách thập phương thấy xót xa cho việc mình vừa mua hương hoa, oản quả bày lễ xong, chưa đầy dăm bảy phút đã bị nhà đền hạ xuống để nhường chỗ cho người khác đặt lễ. Hay hình ảnh quen thuộc ở những đền to phủ lớn ngay bên cạnh ban thờ Tam tòa thánh mẫu, hay ban công đồng, ban sơn trang đã thấy một cái sọt mây to.
Trong sọt ngổn ngang đôi nến, thẻ hương, bó hoa tươi của người dâng lễ. Không ít khách ngơ ngẩn nhìn đồ lễ của mình hoa tươi roi rói vừa mới đặt lên ban thờ, nhang chưa cháy hết đã bị nhà đền hạ xuống, trút cái rầm vào sọt. Họ không biết những đồ lễ kia sẽ được mang đi đâu. Nhiều người nghi ngại rằng, liệu đồ thờ cúng kia lại có bị tuồn ra ngoài bán cho du khách thập phương nữa hay không.
Hàng vạn người đổ về đền Bà Chúa kho lễ bái dịp cuối năm. |
Theo Đại đức Thích Quảng Tiếp (Phó Trưởng ban Giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình): Khi đến đền, phủ lễ thì khách hành hương muốn lễ nghi đó được phật, thánh chứng giám lòng thành. Người ta thường mua hương, hoa, nến là những vật dụng gửi gắm tâm của người sắm lễ đến với một vị thánh thần, siêu nhiên nào đó.
Và nếu nơi tâm linh thờ tự đó có quá nhiều hương, hoa, nến của người dâng lễ, người nhà đền thấy đồ dâng cúng này nhiều quá không có chỗ để chứa, để lâu không dùng đến sẽ bị hỏng, để tránh lãng phí, người ta thường có mấy phương án.
Thứ nhất là người ta để đồ lễ: hương, nến đấy vào một cái kho khi có điều kiện sẽ chở đồ đó chia bớt cho những nơi tâm linh (đền, phủ...) ít người đến lễ. Hoặc cũng có thể người ta bán đi cho người nào đó đến mua với mục đích là mua mang đi nơi khác dâng cúng, số tiền đó được sử dụng vào việc trùng tu, tôn tạo, hay việc tâm linh của nhà đền thì điều đó tốt. Hay có người đến mua về nhà để dâng trong gia đình, còn nhà đền dùng số tiền bán được ấy để làm quỹ phúc lợi, từ thiện thì điều đó tốt, hành động rất linh hoạt.
Thầy Thích Quảng Tiếp cho biết: “Chúng ta đang lên án câu chuyện quay vòng, một thẻ hương, một bó hoa dâng vào cúng lễ xong lại mang ra bán ngay tại nơi tâm linh ấy điều đấy đáng lên án. Việc này từng xảy ra ở một vài nơi rồi, đã có câu chuyện một thẻ hương người ta quay vòng bán cả tháng. Khách thập phương vào nơi thờ tự đặt đồ dâng cúng lên là có bà lại “xin” thẻ hương mang ra bán... tiền bán được lại rơi vào túi của mấy bà bán hàng bên ngoài cửa đền, cửa phủ. Chính những điều như thế làm mất đi tính thiêng của lễ nghi”.
Thành tâm dâng cúng của các du khách hành hương về cửa đền, cửa phủ. |
Thầy Thích Quảng Tiếp khẳng định: “Người hành động như vậy không phải là người mộ đạo vì nếu là một người bình thường, hiểu biết, chả ai dám làm chuyện đó cả. Câu chuyện đồng tiền mờ mắt đối với một thẻ hương, một bó hoa, đôi nến chả đáng bao nhiêu. Vì đồng tiền mờ mắt thì phải là số tiền nhiều ít nhất là tiền triệu, còn thẻ hương, 25.000 đồng/bó.
Đối với những người đấy không phải câu chuyện của đồng tiền mờ mắt. Hình thức này bảo là lừa đảo thì cũng không hẳn mà gọi là lợi dụng lòng tin của người đi lễ đối với một vị thánh, thần thì đúng hơn. Hương, hoa, nến là những thứ dễ bán thì người ta lợi dụng lòng tin của người khác để trục lợi về kinh tế. Điều đó không thể chấp nhận được. Thường những người lợi dụng trục lợi như thế là những người thần kinh có vấn đề!?”.
Lại là câu chuyện giả sư
Có đợt người ta bắt gặp hình ảnh của một vị “chư tăng” áo nâu hoặc áo vàng tay cầm giỏ bánh, tay xách giỏ kinh mang đi “tặng” phật tử. Vị “sư” sau khi giới thiệu là nhà sư cần tiền làm từ thiện cho một ngôi chùa nào đó đang xây dựng, miệng nói, tay làm “nhà tu hành” rút trong làn “tặng” quyển kinh, quyển lịch, gói bánh để đàn na tín thí hoan hỉ đưa tiền. Trên gói bánh có in chữ Phúc, Lộc, Thọ.
Còn quyển lịch có in hình một địa chỉ nhà hàng cơm chay nào đó. Đôi khi quyển kinh chỉ có giá 20.000 đồng nhưng khách thập phương nghĩ đây là việc phúc thiện nên sẵn sàng trả 50.000 đồng hoặc rút ra 100.000 đồng, thậm chí 200.000, 500.000 đồng cho vị sư tăng - ni mà sung sướng nghĩ rằng mình vừa làm việc phúc thiện.
Có người thấy nghi ngờ liền hỏi nhà sư này tu tại chùa nào, ở đâu, số điện thoại là bao nhiêu thì vị sư liền bịa ra một ngôi chùa nào đó, nhăn mặt đáp gọn lỏn: “Thầy không dùng điện thoại” rồi lỉnh đi ngay.
Việc giả sư để lợi dụng lòng tin tín ngưỡng kiếm tiền đã nhiều lần xảy ra ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Ngày 26-2-2018, Ban chỉ đạo lễ hội rằm tháng Giêng Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã phối hợp với các hiệp sĩ Bình Dương đưa hai người đàn ông giả nhà sư đi khất thực, xin tiền khách hành hương ở chùa Bà Thiên Hậu (TP Thủ Dầu Một) về trụ sở làm việc. Hai vị sư giả được xác định là ông Lê Văn Sinh (50 tuổi) và Nguyễn Minh Thành (45 tuổi) cùng quê tỉnh Tiền Giang.
Hai người giả sư bị mời về trụ sở làm việc. |
Tiếp đến, ngày 15-4-2018, Công an xã Phước Lai, huyện cần Giuộc, tỉnh Long An đã bắt đối tượng Phan Thành Tem (ngụ tại xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) giả sư để lừa tiền xây chùa. Tên này đã lừa thu của mỗi gia đình dân từ vài chục đến một trăm ngàn đồng.
Cách đây không lâu, ngày 10-8-2019, tại đồn Công an xã Kim Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đối tượng Trần Văn Việt đã bị bắt vì hành động giả sư để đi xin tiền công đức. Cụ thể là anh T cách đây 2 năm đã bị đối tượng này lừa “xin” 50 triệu xây chùa. Lừa anh T xong, tên này tiếp tục lừa đảo ở nhiều nơi khác cũng với chiêu bài cần tiền để làm chuông, đúc tượng, xây chùa...
Những hiện tượng giả sư để trục lợi đã không còn hiếm gặp và sự việc lừa đảo này xuất hiện ngày càng nhiều vào những ngày cuối năm hoặc vào dịp đầu xuân năm mới, khi người dân muốn làm việc phúc thiện để mong một năm mới an lạc, hạnh phúc.
Đại đức Thích Thanh Phương (Trưởng Ban Giáo hội Phật giáo huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ: Việt Nam là một nước có đông tín đồ Phật giáo nhất so với các tôn giáo khác trong nước, nên điều đó cũng khiến hình ảnh của các sư thầy dễ bị lợi dụng. Người ta cắt tóc, mặc áo của nhà tu hành để giả sư đi khất thực, hay rao bán kinh sách... Những câu chuyện như thế này đã từng xảy ra.
Chúng ta thường thấy kinh sách có tại các cửa hàng phục vụ tự do tín ngưỡng những ngôi chùa nào hoặc những nơi tâm linh có nhiều khách thập phương thì người ta bán kinh sách là chuyện bình thường. In ấn kinh sách để mọi người tụng kinh niệm phật cầu cho xã hội được an lạc, cầu cho tha nhân mọi người đều được bình an trong một mùa xuân năm mới thì người ta lợi dụng điều đấy đóng giả sư để đi ăn xin, hay đi bán kinh sách. Đó là giả danh tôn giáo, nhất là Phật giáo, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của các nhà sư.
Mình lên án việc khuyên giáo mọi người cúng tiền cho tôi (hình ảnh của một thầy sư giả), để người ta bán, làm như thế đã sai. Sai ngay cả về góc độ in ấn kinh sách, làm việc lợi dụng như thế đối với người mộ phật. Đầu năm người ta không tiếc tiền mua một quyển kinh nhưng quyển kinh đó phải thực thụ là đem sự an lạc cho người ta.
Chúng ta lên án việc lợi dụng niềm tin tín ngưỡng tâm linh để làm ảnh hưởng đến Phật giáo và không đúng như lời phật dạy in ra mà cúng dường thì sẽ được bao nhiêu phúc đức cho mình và cho người thân. Nhưng, chọn hình thức đóng giả thành nhà tu hành đi bán kinh, bán lịch là hành động đánh lừa, nói dối. Anh kiếm tiền bằng phương tiện dối trá là mục đích và hành động sai lầm.
Những thứ mà một trường hợp sư giả mang đi phát cho tín đồ |
Đại Đức Thích Thanh Phương nêu giải pháp: “Xin đề nghị bất cứ một tu sĩ nào khi gặp hình ảnh chư tăng - ni đi khất thực, thấy nghi ngờ có thể nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ bằng cách hỏi giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận tăng - ni, hiện đang tu học ở chùa, tịnh xá, tịnh thất hay niệm phật như thế nào... Có như vậy mới giảm bớt những con người biếng nhác, lợi dụng màu áo tu sĩ, phá hoại phật pháp.
“Vấn đề giả sư là vấn đề phải lên án, điều đó không đúng, không thể chấp nhận được. Giả sư là việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một vị tu sĩ mà nhất là Phật giáo hiện nay”, sư thầy Phương nhấn mạnh.