"Nàng thơ" trong tranh Bùi Xuân Phái

Thứ Ba, 09/01/2018, 10:55
Nữ họa sĩ Văn Dương Thành là nguyên mẫu của hơn 300 bức tranh lớn nhỏ của họa sĩ Bùi Xuân Phái, trong số đó, có những bức tranh như "Cô gái dưới trăng" hiện đang được trưng bày tai Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, nữ họa sĩ Văn Dương Thành đã quyết định trở về Hà Nội, mảnh đất đã cho chị nguồn cảm hứng bất tận trong những tác phẩm nghệ thuật suốt mấy chục năm qua. Chị là mẫu người hiện đại, nhưng tâm hồn chị lại thường có những hồi ức đậm sâu về quá khứ. Bởi thế mà tranh của chị có sự cuốn hút lòng người.

Họa sĩ Văn Dương Thành trong phòng tranh cá nhân.

Điều đặc biệt hơn nữa, nữ họa sĩ Văn Dương Thành là nguyên mẫu của hơn 300 bức tranh lớn nhỏ của họa sĩ Bùi Xuân Phái, trong số đó, có những bức tranh như "Cô gái dưới trăng" hiện đang được trưng bày tai Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

Nữ họa sĩ Văn Dương Thành quê gốc Phú Yên nhưng lớn lên ở Hà Nội và chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Hà thành. Chị làm quen với cây cọ vẽ từ năm lên 7 tuổi. Hồi ấy, làm gì có giấy bút để vẽ, nên chị thường lấy những tờ giấy đã viết một mặt để vẽ lên mặt phía sau như một trò chơi con trẻ.

Thật may mắn, cha chị đã mường tượng ra hình ảnh một cô gái Văn Dương Thành họa sĩ mai này nên ông đã động viên, khuyến khích để chị nỗ lực thi vào trường mỹ thuật danh giá. Chưa thực hiện được ước mơ thì người cha thân yêu mất sớm.

Để làm vui lòng vong linh người cha, chị đã thi và đỗ Đại học Mỹ thuật Việt Nam (thường gọi là trường Mỹ thuật Yết Kiêu), khi mà thời ấy, chỉ có những người thực sự giỏi và tài năng, mới có thể bước chân vào ngôi đền thiêng ươm mầm nghệ thuật ấy. Văn Dương Thành đã thi đỗ vào trường đúng như ước nguyện.

Nữ họa sĩ Văn Dương Thành bảo rằng, cuộc đời chị, có những điều may mắn đến bất ngờ. Và có lẽ, điều may mắn nhất đó là định mệnh đã cho chị một cuộc gặp gỡ ngay từ thuở ban đầu với họa sĩ Bùi Xuân Phái khi mới bước chân vào trường.

Chị vẫn nhớ như in cái thuở xa xưa ấy, khi chị mới là cô học trò 10 tuổi nhịn ăn sáng, lấy tiền mẹ cho để mua Báo Văn nghệ. Chị mua báo chỉ vì mê mẩn những bức ký họa trên báo, cắt phẳng phiu và dán vào một quyển sổ như những điều bí mật của đời mình. Khi gặp Bùi Xuân Phái, chị đưa cuốn sổ tay cho ông xem và như một mối duyên, kể từ ngày đó cho đến ngày họa sĩ Bùi Xuân Phái qua đời, trong hơn 21 năm trời, ông đã có 300 bức vẽ, ký họa về chân dung Văn Dương Thành như một "nàng thơ" trong các tác phẩm hội họa của ông.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái đang vẽ Văn Dương Thành.

Bức họa đầu tiên Bùi Xuân Phái vẽ Văn Dương Thành có tên “Cô gái dưới trăng”. Chị bảo, đó là một đêm trăng rất đẹp, chị đang ngồi chải tóc bỗng nhiên Bùi Xuân Phái cầm một bức tranh đến. Bức tranh huyền ảo đến nỗi chị không tin được là ông vẽ mình. Đặc biệt hơn, bức tranh được hoàn thành chỉ trong chưa đầy một tuần trà. Hiện tại, bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Văn Dương Thành kể lại rằng, chị đã được họa sĩ Bùi Xuân Phái xem như con cháu trong nhà. Ông mời chị đến nhà chơi thường xuyên và thân thiết với cả gia đình ông. Đó là một ngôi nhà nhỏ 24 mét vuông ở phố Thuốc Bắc. Căn phòng nhỏ thế mà có 7 người sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Sính, vợ họa sĩ Bùi Xuân Phái, là một y tá. Bà là một người hiền thục, tảo tần. Dù không hiểu nhiều về hội họa nhưng bà hết lòng lo lắng cho gia đình để chồng được toàn tâm sáng tác. Bà là y tá nên vẫn có những người bệnh tìm đến bà để tiêm.

Có khi là tiêm phòng, có khi là tiêm bệnh, nhưng nhiều người đến lắm. Căn phòng vừa ăn, vừa ngủ, vừa là chỗ bà tiếp khách, nhưng có một góc nhỏ chừng 10 mét vuông là khu vực "bất khả xâm phạm", đó là nơi bà dành riêng để ông ngồi vẽ và tiếp khách là bạn bè hội họa tới thăm ông.

Bà tôn trọng ông lắm, chăm chút ông từng li từng tí. Hồi ấy tranh của ông bán chưa nhiều, nên chủ yếu, bà là người chịu thương chịu khó để nuôi sống gia đình, giúp gia đình vượt qua cái đói, cái khó khăn. Bà cũng yêu thương Văn Dương Thành như người trong nhà. Bà đan áo len tặng chị mặc trong mùa đông lạnh giá.

Bởi thế sau này, khi chị đi nước ngoài, thấy trời lạnh, nghĩ về Hà Nội và gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái, chị đã gửi về tặng bà áo dạ, gửi tặng ông một chiếc mũ dạ màu ghi. Chiếc mũ ấy gắn bó như một vật "bất li thân" mà ông yêu quý. Rất nhiều bức ảnh, bức họa vẫn chụp và vẽ ông có đội chiếc mũ ấy.

"Chân dung nhớ" Văn Dương Thành vẽ Bùi Xuân Phái.

Ngày Bùi Xuân Phái qua đời, bà Phái đã quàn chiếc mũ vào quan tài cho ông. Lễ đưa tang ông vào ngày 24-6-1988, chính Văn Dương Thành cùng họa sĩ Thành Chương và 4 người khác đã khiêng quan tài ông ra xe đưa về nơi yên nghỉ. Đó cũng là ngày ghi dấu rất nhiều kỷ niệm buồn trong cuộc đời họa sĩ Văn Dương Thành. Chị mất đi một người bạn tri âm tri kỷ, một người bạn vong niên, lúc nào cũng lắng nghe và thấu hiểu chị như đọc được tâm can.

Họa sĩ Văn Dương Thành luôn tự nhận chị là một người phụ nữ kém nhan sắc, nhưng chính sự đặc biệt trên gương mặt của chị lại là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều họa sĩ. Chị hiện lên trong những bức họa của Bùi Xuân Phái rất đỗi quen thuộc với mái tóc dài, nét mặt hồn hậu và một gương mặt đầy nỗi niềm. Người xem nhận ra chị trong ánh mắt buồn vời vợi, ánh mắt đầy ám ảnh mà có lần họa sĩ Bùi Xuân Phái đã mô tả nó là “những dòng sông màu đen nhiều xúc cảm và bí mật”.

Văn Dương Thành bảo rằng, người ta thường chỉ biết đến tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái nhưng ít người biết ông là họa sĩ vẽ chân dung bậc thầy của Việt Nam. Hàng trăm bức chân dung ông vẽ vợ và các con, cũng như các bạn thân thiết, bức nào cũng diễn đạt sâu sắc cá tính và ngoại hình của từng người mà không bao giờ lặp lại.

Chị luôn mang nỗi biết ơn sâu sắc về ông. Và nỗi biết ơn, sự nhớ thương dường như nói bằng lời chưa bao giờ đủ, trong mấy chục năm qua, chị vẫn vẽ về ông, cho tới nay, chị đã vẽ hơn 100 bức chân dung về họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Họa sĩ Văn Dương Thành cho tôi xem bức tranh mới nhất chị vẽ Bùi Xuân Phái, một bức chân dung mà chỉ vừa ráo mực đã có nhà sưu tập tìm đến mua ngay. Chị bảo rằng, dù chị chưa một ngày nào được học chính thức họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhưng tầm ảnh hưởng của ông đối với chị là rất lớn và rõ ràng. Ông không cần phải chỉ cho chị từng nét vẽ, chỉ cần ngồi xem ông vẽ, chị đã cảm thấy lớn khôn rất nhiều trong nghề nghiệp của mình.

Chị bảo, ảnh hưởng về quan điểm sống, về tư duy, nhưng về phong cách thì khác nhau. Chẳng hạn, phố của Bùi Xuân Phái khác với phố của Văn Dương Thành. Phố Phái tĩnh, màu ghi, nâu buồn và cô đơn, thì phố của Văn Dương Thành lại nhộn nhịp đầy màu sắc, đầy sự chuyển động. Họ cũng đã cùng nhau đi vẽ các đề tài Ô Quan Chưởng, các phố cổ Hà Nội nhưng khi trở về thì mỗi người đều có những bức họa thể hiện cá tính riêng của từng người.

Họa sĩ Văn Dương Thành có lẽ là người phụ nữ duy nhất may mắn được gần gũi, thân thiết với gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái và là một nguyên mẫu còn giữ được những bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái vẽ mình.

Họa sĩ Văn Dương Thành và tác phẩm mới của mình.

Chị cũng là người họa sĩ còn lưu giữ được đủ đầy những kỷ niệm, những ký ức, thậm chí là cả những ký họa, những bức tranh vẽ của các bậc thầy hội họa của cái “nôi” Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... Cũng dường như không phải ai khác, mà là chị, một người phụ nữ đầy nội lực với bút vẽ của mình, đã giữ ngọn lửa đam mê và nguồn sáng tạo vô hạn, để có thể vẫn vẽ tranh hằng ngày như cách chị vẫn làm trong suốt mấy chục năm qua.

Sau nhiều năm sống và làm việc tại nước ngoài, chị quyết định trở về Việt Nam sống với niềm đam mê cả đời theo đuổi, đó là hội họa. Có người lo lắng chị sống một mình sẽ buồn, sẽ cô đơn, nhưng không phải vậy. Chị không có thời gian để buồn, để cô đơn, vì hầu hết, chị sống với những khoảng khắc bên toan màu, chị sống với những ký ức đậm nét về một thời đẹp đẽ không thể nào quên trong cuộc đời.

Chị bảo, hồi còn bé, chị trông buồn cười lắm, chẳng có bạn trai gì cả vì các bạn chê chị... xấu. Nhưng rồi khi được ngồi làm mẫu cho các họa sĩ nổi tiếng, họ lại khen chị có nét của người Hà Nội cổ. Các bạn cũ khi nghe nói vẽ Văn Dương Thành thì ngạc nhiên lắm. Sau rồi thành quen, nhìn tranh là biết vẽ Văn Dương Thành.

Chị bảo, một trong những lý do mà họa sĩ Bùi Xuân Phái thường vẽ chân dung chị vì chị vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp nên ngồi làm mẫu thì người vẽ rất sướng. Chị cứ ngồi, người vẽ muốn vẽ thế nào thì vẽ, xấu như ma cũng chẳng có ý kiến gì và đa phần là chị không xem các thầy đã vẽ mình thế nào. Vì bức tranh là sản phẩm tự do sáng tạo, hoàn toàn cá nhân, người mẫu chỉ là cái cớ thôi.

Bùi Xuân Phái bảo sợ nhất vẽ mấy bà mấy cô xinh đẹp, vẽ được một lúc lại ra ngó xem có xinh không, có giống không, có cô xem tranh xong thì dỗi vì sao lại xấu thế. Đến mệt! Vẽ Văn Dương Thành thì thoải mái hơn nhiều vì chị không quan tâm đến việc người trong tranh sẽ có một dung mạo thế nào, vì đó là một sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ.

Dù rất thoải mái khi làm mẫu vẽ, nhưng nhiều người vẫn cho rằng, trong sáng tạo, chị là một trong những họa sĩ khá kỹ tính nếu như không muốn nói là khó tính. Trong nghệ thuật, chị không thích sự cẩu thả, chính vì thế chị luôn có cách làm cho đời sống nghệ thuật của chị đầy sự viên mãn. Căn nhà ở Tây Hồ lộng gió cũng là một thiên đường nghệ thuật để chị thả sức sáng tạo và sống một cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn với chính mình mà không cần phải thêm bất cứ một sự ràng buộc nào nữa.

Chị vẫn thường đến thăm bà Phái như mấy chục năm trước, ngày họa sĩ Bùi Xuân Phái còn sống. Vẫn giữ chiếc áo len bà Phái đan cho chị từ những ngày tuổi trẻ. Có tiền bán tranh, tiền in sách về Bùi Xuân Phái, chị mang tới biếu bà như là một sự bù đắp của người họa sĩ nghèo một thời chưa thể làm được cho người vợ tần tảo. Chị bảo, đó là những gì tốt đẹp nhất mà bà Phái đáng được nhận từ người chồng tài hoa của mình...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.