Nepal với dự án đường sắt xuyên Hy Mã Lạp Sơn

Thứ Sáu, 01/02/2019, 08:16
Sáng kiến “nhất đới nhất lộ” (Vành đai và con đường - BRI) của Trung Quốc đã đặt ra rất nhiều tham vọng nhằm định hình nền kinh tế toàn cầu của nước này bằng cách kết nối với hơn 60 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và thương mại.

Nói dễ hình dung hơn thì gần 2/3 dân số thế giới theo một số cách sẽ được kết nối thông qua các dự án BRI trong tương lai. Một số nhà kinh tế ước tính rằng BRI có thể làm tăng hoạt động mậu dịch toàn cầu lên 12%.

Bên cạnh những lời thuyết trình có cánh thì cũng không ít câu hỏi dấy lên về những động cơ chính của Trung Quốc đằng sau BRI, rằng liệu Bắc Kinh có đủ số tiền 1.000 tỷ USD như họ cam kết cho những dự án cơ sở hạ tầng và các đối tác của họ liệu có đủ khả năng để trả nợ?

Một số chuyên gia lo rằng BRI có thể là một dạng thức khác của “con ngựa thành Troja” cho sự chiếm hữu nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc thông qua vô số bẫy nợ. Sri Lanka là một minh chứng hay được cảnh báo: Không thể trả nổi số tiền vay 1,5 tỷ USD, thế nên Chính phủ Sri Lanka bất đắc dĩ phải miễn cưỡng cho Trung Quốc thuê lại một cảng biển quan trọng với thời hạn 99 năm.

Thông tin này đã được đích thân Bộ trưởng Tàu biển và Hải cảng Sri Lanka tuyên bố với truyền thông nước này.

Tuyến đường sắt Kerung (Tây Tạng) kết nối với thủ đô Kathmandu (Nepal) được hứa hẹn sẽ mang lại luồng gió tiềm năng cho ngành công nghiệp du lịch của Nepal. Ảnh: Kathmandu Post.

Tuyến đường sắt nhạy cảm

Dù sợ hãi các khoản vay có thể không trả nổi, nhưng nhiều quốc gia nhỏ vẫn chấp nhận BRI là con đường nhanh nhất để mang lại triển vọng kinh tế phồn thịnh cho họ. Nepal là một điển hình như thế: năm 2017, quốc gia này đã tiến vào BRI với sự nhiệt tình cao độ.

Tháng 6-2018, Thủ tướng Nepal, K.P. Sharma Oliđã có chuyến công du Trung Quốc để ký kết các thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD cho các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng nhằm tái thiết xây dựng hậu thiên tai. Điểm nổi bật trong số các giao dịch này là một kế hoạch táo bạo: xây dựng tuyến đường sắt xuyên rặng Hy Mã Lạp Sơn. Tuyến đường sắt này sẽ kết nối thị trấn biên giới Kerung (Tây Tạng) với thủ đô Kathmandu (Nepal), cùng với 2 thành phố du lịch sầm uất là Pokhara và Lâm Tỳ Ni (nơi đức Phật Thích Ca chào đời).

Tuyến đường sắt này đang được hứa hẹn sẽ mang lại luồng gió tiềm năng cho ngành công nghiệp du lịch của Nepal, với ước tính khoảng 2,5 triệu lượt du khách Trung Quốc đặt chân tới Nepal mỗi năm.

Nếu tuyến đường sắt này được xây dựng thì Nepal sẽ trở thành một trung tâm quá cảnh quan trọng cho các hoạt động mậu dịch giữa Trung Quốc và đối thủ Ấn Độ. Một nghiên cứu gần đây đã tiết lộ ra rằng hoạt động mậu dịch của Nepal có thể tăng lên từ 35% đến 45% khi tuyến đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng BRI khác được hoàn thiện. Chính phủ Trung Quốc thật sự đã tiến hành nghiên cứu tiền khả thi về tuyến đường sắt Kerung-Kathmandu.

Ước tính rằng tuyến đường sắt dài 72,25km từ biên giới Trung Quốc đến thủ đô Kathmandu sẽ tiêu tốn số tiền xây dựng trị giá 2,25 tỷ USD. Giới chức đường sắt Nepal cho hay rằng 98,5% cơ sở hạ tầng đường sắt sẽ chạy xuyên qua các đường hầm và băng qua những cây cầu do địa hình đồi núi tương đối phức tạp.

Rơi vào bẫy nợ?

Hiện giờ cuộc tranh luận chính ở thủ đô Kathmandu là liệu tuyến đường sắt này có khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính hay không, và nếu một ngày nào đó nó hoàn thiện thì liệu nó có thể trở thành con voi trắng – một cơ sở hạ tầng đắt tiền nhưng sử dụng đìu hiu hay không?

Tiếp đó là câu hỏi về chi phí. Trong khi Nepal đang vật lộn để trả số tiền trị giá 8 tỷ USD vốn mượn từ các công ty Trung Quốc, thì nhiều quốc gia khác cũng đang ì ạch theo vết xe đổ tương tự. Còn ở quốc đảo Maldives, đảng đối lập tuyên bố nước họ đang đối mặt với một bẫy nợ lờ mờ, khi họ phải trả số tiền vay mỗi năm khoảng 92 triệu USD cho Trung Quốc vì nước này từng cho Maldives vay tiền để nâng cấp sân bay và cầu cống – ước tính số tiền vay này chiếm khoảng 10% toàn bộ ngân sách.

Câu hỏi đốt cháy tâm can những người có trách nhiệm là ở Nepal liệu tuyến đường sắt xuyên Hy Mã Lạp Sơn và các dự án cơ sở hạ tầng khác có thể xây dựng với các khoản vay tương tự hay không? Hay Chính phủ Nepal có thể lấy các khoản trợ cấp bảo đảm từ Trung Quốc. Các nhà kinh tế và lập kế hoạch ở Nepal tin rằng tuyến đường sắt sẽ mang lợi cho sự phát triển đất nước họ, bởi vì nó giúp Nepal thoát khỏi sự lệ thuộc vào nước đồng minh truyền thống Ấn Độ trong các hoạt động mậu dịch, nhiên liệu, lương thực và cung cấp y tế.

Trước đó vào năm 2015 từng diễn ra một sự phong tỏa tuyến mậu dịch giữa Nepal và Ấn Độ càng khiến giới chính trị gia Nepal có lý do lớn hơn nhằm đa dạng hóa các đối tác mậu dịch với tiểu quốc của họ, và quan trọng hơn là được kết nối với các tuyến mậu dịch toàn cầu. Sự kết nối lớn hơn với Trung Quốc cũng khiến người Nepal hy vọng sẽ tăng cường xuất khẩu các loại dược thảo và nông sản quý cho Trung Quốc vốn được người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt yêu chuộng.

Năm ngoái 2017, Nepal đã từ chối một dự án nhà máy thủy điện trị giá 2,5 tỷ USD do một công ty Trung Quốc xây dựng do quá trình bỏ thầu thiếu minh bạch. Nhưng khi ông K.P. Sharma Oli lên cầm quyền vào tháng 2-2018, Nepal lại đang đeo đuổi các chính sách thân thiện với Bắc Kinh.

Tháng 10-2018 vừa qua, Nepal đã khôi phục lại hợp đồng nhà máy thủy điện với Trung Quốc. Và dù Nepal vẫn đang tìm kiếm các bảo đảm từ Bắc Kinh trong việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên Hy Mã Lạp Sơn thì vẫn không rõ liệu Thủ tướng Oli có muốn sẵn sàng xây dựng nó hay không.

Trung Quốc đang cung cấp các khoản vay mềm để tài trợ thay thế cho tuyến đường sắt. Trung Quốc cũng ngọt ngào hơn trong một giao dịch vào tháng 9-2018 khi cho Nepal quyền tiếp cận 4 hải cảng của họ và ưu đãi này đang khiến Nepal cảm thấy họ có một cách khả thi thay thế các cảng biển của Ấn Độ.

Cho đến nay, Nepal và Trung Quốc không đi đến một thỏa thuận về ngân sách cho các dự án BRI và việc xây dựng chưa chắc sẽ được bắt đầu.

Hải Thanh (tổng hợp)
.
.