Nga tìm lối thoát kinh tế

Thứ Năm, 26/12/2019, 22:20
Các nhà quan sát cho rằng sự phát triển kinh tế của Nga được tổng kết trong chu kỳ 10 năm: Những năm 1990, Nga trải qua một sự sụp đổ kinh tế toàn diện và mức sống người dân giảm đáng kể. Trong 10 năm đầu thế kỷ 21, nền kinh tế đã phục hồi phần nào và mức sống của người dân đã cao hơn thời kỳ Liên Xô do hơn một nửa hoạt động đầu tư được chuyển thành hoạt động tiêu dùng.

Trong 10 năm tiếp theo, việc nền kinh tế mất đà tăng trưởng, nhu cầu tiêu dùng thấp đã khiến nền kinh tế gần như trì trệ. Một hướng phát triển thực sự hiệu quả là điều cần có với nước Nga vào lúc này.

Chu kỳ này, theo các nhà quan sát, được thể hiện rõ hơn cả trong chỉ số tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoan 2000-2009, mức tăng trưởng trung bình hằng năm của nền kinh tế Nga đạt 5%; trong giai đoạn 2010-2019, mức tăng trưởng trung bình hằng năm sụt giảm còn 1,8%, trong đó năm 2015 và 2016 đều trải qua suy thoái. Sau năm 2015, mức tăng trưởng trung bình hằng năm của Nga giảm xuống còn 0,4%.

Đến giữa năm 2019, thu nhập bình quân hằng tháng của người Nga chỉ đạt 658 USD.

Vì những nguyên nhân nói trên, Nga đã chuyển từ một điểm đến đầu tư tốt nhất thế giới trong giai đoạn 2000-2009 thành một nước có rủi ro cao và thiếu sức hấp dẫn. Nếu so sánh 10 năm cuối thế kỷ 20 và 10 năm đầu thế kỷ 21, sẽ thấy dòng vốn Nga đầu tư ra nước ngoài 118 tỷ USD, còn trong giai đoạn 2010-2019 là 586 tỷ USD.

Một hiện tượng quan trọng khác là cổ tức mà các công ty niêm yết của Nga trả cho các cổ đông đang tăng lên. Năm 2018, hơn 40 tỷ USD được dùng chi trả cho cổ tức, tương đương 80% vốn lưu động ròng của các công ty này. Năm 2019, một số công ty thậm chí sẵn sàng dùng toàn bộ vốn lưu động ròng của họ để chia cổ tức.

Điều này có nghĩa là ngày càng ít doanh nhân Nga tin rằng họ có cơ hội đầu tư tốt hơn ở trong nước, cũng không muốn đầu tư thêm tiền cho ngay cả doanh nghiệp hiện tại của mình, chứ chưa nói đến việc phát triển các dự án mới. Điều đó cũng có nghĩa là cho dù chính phủ sử dụng một phần quỹ dự trữ để kích thích đầu tư thì cũng rất khó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Sức sống của khu vực tư nhân giảm cũng như việc chính phủ tập trung vào các quỹ dự trữ dẫn đến thu nhập của người dân Nga tăng trưởng không bền vững. Trong giai đoạn 2000-2008, thu nhập hằng tháng của người dân Nga tăng từ 84 USD lên 744USD nhưng đến giữa năm 2019, thu nhập bình quân hằng tháng vẫn chỉ là 658 USD.

Ngoài ra, tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh trên tổng thu nhập khả dụng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm, chỉ còn 5,9%, trong khi thu nhập từ lương hưu, phúc lợi và trợ cấp chiếm đến 19,4% tổng thu nhập.

Một hiện tượng đáng chú ý khác trong thập kỷ qua là sự di dời ra nước ngoài của giới thượng lưu Nga. Trong giai đoạn 2000-2009, khi nền kinh tế Nga bắt đầu hồi phục, số người Nga di cư ra nước ngoài đã giảm còn 46.000 người vào năm 2011, trong khi thời kỳ cao điểm nhất vào năm 1993 lên tới 137.000 người.

Tuy nhiên, kể từ sau 2012, tình hình đã có sự đảo ngược. Năm 2012, có 123.000 người Nga di cư ra nước ngoài, và năm 2017 đã lên tới 377.000 người. Hơn 3 triệu công dân Nga có giấy phép cư trú tại các nước liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, người Nga còn sở hữu 2,7 triệu nhà ở hoặc căn hộ ở châu Âu.

Một hướng phát triển thực sự hiệu quả là điều cần có với nước Nga lúc này.

Đến năm 2013, tài sản của các doanh nhân Nga trên toàn thế giới đã vượt qua GDP cả năm của nước Nga và con số này không ngừng tăng lên. Điều này có nghĩa là khi nền kinh tế Nga lâm vào tình trạng trì trệ, đầu tư của Nga ở châu Âu và các khu vực khác lại tăng nhanh. Hơn nữa, người Nga không còn mua những dinh thự như trước đây mà hoạt động sôi nổi trong các lĩnh vực như bán lẻ như mua Hãng Dia ở Tây Ban Nha hay Holland & Barrett ở Anh; trong lĩnh vực thể thao như mua Câu lạc bộ Chelsea của Anh, Monaco của Pháp hay đội bóng rổ Brooklin Nets của giải NBA của Mỹ; trong lĩnh vực sản xuất năng lượng như RWE ở Đức và các chuỗi khách sạn và dịch vụ viễn thông ở nhiều nước châu Âu khác...

Những hạng mục đầu tư này sẽ nhanh chóng tăng lên trong thập kỷ tới khi các quy định về chính sách trong nước Nga ngày càng trở nên khó dự đoán và thị trường Nga cũng ngày càng thiếu sức hấp dẫn.

Nhiều người trẻ tài năng của Nga hiện nay đều quan tâm đến Thung lũng Silicon và các trường đại học hàng đầu ở châu Âu. Không thể đo đếm được tổn thất từ hiện tượng chảy máu chất xám này đối với nền kinh tế Nga. Điều này khiến Nga đang rơi vào vòng tuần hoàn ác tính.

Tóm lại, lý do chính cho sự kém hiệu quả của nền kinh tế Nga trong giai đoạn 2010-2019 là do các động lực tăng trưởng của thập kỷ trước đã cạn kiệt. Nước Nga cần nhanh chóng đưa ra các chính sách kích thích kinh tế như giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thuế và thành lập các khu công nghiệp tự do.

Tuy nhiên, Chính phủ Nga lại lựa chọn tăng quỹ dự trữ thay vì nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy lợi ích của người dân và để kinh tế của người dân trở nên độc lập... khiến cho tính khó đoán định của nền kinh tế càng tăng lên. Đây sẽ là những thách thức lớn với nước Nga trong thời gian tới.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.