Ngân hàng Trung Quốc chực vỡ nợ, thị trường lo lắng
- Ngân hàng Trung Quốc đang cạn kiệt USD?
- Một số ngân hàng Trung Quốc bị tố rửa tiền cho tội phạm ma túy quốc tế
Trong những ngày qua, thị trường tài chính của Trung Quốc và thế giới nóng lên trước những thông tin, cả chính thức và đồn đoán, về sự sụp đổ của công ty xử lý nợ quốc gia Trung Quốc China Huarong, một trong 4 công ty nhà nước xử lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc. Sự kiện bắt đầu từ ngày 31-3, China Huarong đã không thể công bố báo cáo thu nhập tài chính vào hạn chót này. Với nhiều tin tức rò rỉ không chính thức khác, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tin rằng China Huarong đang trong tình trạng tồi tệ về tài chính, một trạng thái đổ vỡ. Bản thân China Huarong không thừa nhận tình trạng đổ vỡ này, chỉ công nhận tình trạng đang tái cấu trúc.
Nhưng, đây là bất thường rất lớn với một công ty nhà nước lớn nhất về xử lý nợ của Trung Quốc. Cổ phiếu của Huarong đã bị đình chỉ trên sàn giao dịch Hong Kong từ ngày 1-4. Trái phiếu vĩnh viễn 4,5% của công ty đang định giá ở mức 60 cents/USD, theo dữ liệu của Bloomberg. Ở thị trường nước ngoài, trái phiếu đến hạn của công ty với mức lãi suất 3,7% giao dịch với mức thấp kỷ lục 69,9 nhân dân tệ (NDT) hồi đầu tuần này.
Ngân hàng quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc
China Huarong được thành lập năm 1999 để xử lý khối nợ xấu do khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Bản chất là nhà nước chi ngân sách để mua lại nợ xấu (còn gọi là tài sản xấu, mất khả năng thu hồi vốn) để tách khối nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại. Công ty quản lý nợ sẽ ôm khối nợ xấu đó rồi tìm cách thanh lý tài sản lấy lại tiền.
China Huarong từng là công ty quản lý nợ xấu lớn nhất của Trung Quốc trước khi rơi vào cảnh mắc nợ. |
China Huarong đóng gói tất cả các khoản nợ xấu, cổ phần thành một khối tài sản thống nhất, cổ phần hóa khối tài sản này và bán nó ra cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Lần IPO đầu tiên trên sàn chứng khoán Hong Kong, Huarong đã bán được 2,4 tỷ USD tài sản xấu này cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các tên tuổi như Goldman Sach, Blackrock, Quỹ đầu tư nhà nước của Malaysia,... Cùng với 3 ngân hàng quản lý nợ xấu khác của Trung Quốc, China Huarong đã hoán đổi các khoản nợ quá hạn lấy cổ phần tại hàng trăm doanh nghiệp nhà nước và quá trình này đã vực dậy nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc, trong đó có cả Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc.
Ông Lại Tiểu Dân tiếp quản vị trí Chủ tịch China Huarong vào năm 2012. Sau thời điểm này, công ty vươn xa hơn và đẩy mạnh sang lĩnh vực đầu tư, quỹ tín thác, bất động sản, trở thành công ty quốc doanh nắm giữ vị thế quan trọng trong ngành tài chính trị giá 54.000 tỷ USD của Trung Quốc. China Huarong đã thu về được hơn một nửa trong số 510 tỷ NDT khoản nợ khó đòi vào năm 2016. Ở thời kỳ hoàng kim, China Huarong điều hành tới 200 đơn vị trong và ngoài nước.
Điều trớ trêu là từ mục đích sinh ra để giải quyết rắc rối trong nền tài chính Trung Quốc, China Huarong ngày nay lại trở thành một rắc rối khó xử lý với với núi nợ khổng lồ sau hàng loạt bê bối tham nhũng của người đứng đầu. Năm 2017, Chủ tịch Lại Tiểu Dân tuyên bố China Huarong sẽ sớm niêm yết ở Trung Quốc đại lục. Thế nhưng, đợt IPO không diễn ra. Chủ tịch Lại Tiểu Dân bị bắt vào năm 2018, sau đó thú nhận hàng loạt tội danh. Ở Huarong, mọi thứ đã đổ vỡ. Lợi nhuận ròng giảm 95% từ năm 2017 đến 2019 xuống còn 1,4 tỷ NDT và tiếp tục giảm 92% trong nửa đầu năm 2020. Giá trị tài sản cũng giảm 165 tỷ NDT. Tập đoàn truyền thông Caixin thậm chí dự đoán China Huarong có khả năng sẽ phá sản.
Nguy cơ tác động đến thị trường
Theo đánh giá của Bloomberg, sự sụp đổ của China Huarong sẽ khiến các trái phiếu trị giá vài chục tỷ USD của công ty này (vốn được đảm bảo bằng tài sản là nợ xấu của công ty) trở thành trái phiếu rác. Không chỉ vậy, China Huarong đang nợ 23,2 tỷ USD trái phiếu trên khắp các thị trường chứng khoán Hong Kong, New York đến London. Số phận của 23,2 tỷ USD trái phiếu này đang lơ lửng trên đầu các nhà đầu tư mạo hiểm, vì khả năng biến tiền chết (từ nợ xấu và cổ phần của doanh nghiệp làm ăn kém) thành tiền sống để trả nợ là hết sức khó khăn. Hỗn loạn từ China Huarong đã lan sang thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường nợ và vốn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Lại Tiểu Dân tại một hội nghị ở Hong Kong, năm 2016. |
Các chuyên gia cho rằng sự sụp đổ và quy mô sụp đổ của China Huarong có thể lớn chưa từng có trên thị trường tài chính châu Á. Owen Gallimore, trưởng bộ phận chiến lược tín dụng tại ANZ Banking Group, cho biết: "Việc một doanh nghiệp nhà nước như China Huarong vỡ nợ là chưa từng có. Nếu xảy ra, vụ việc này sẽ đánh dấu một thời điểm mang tính bước ngoặt đối với thị trường tín dụng Trung Quốc và châu Á”. Điều này khiến giới tài chính liên tưởng tới vụ sụp đổ của Lehman Brother hồi năm 2008 tại Mỹ, vụ phá sản đã kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngay sau đó. Câu hỏi là nếu sự sụp đổ của Lehman Brothers đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng toàn cầu thì hậu quả sự sụp đổ của China Huarong sẽ là gì?
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù rủi ro là rất lớn nhưng China Huarong không có nguy cơ cao dẫn đến sự sụp đổ thị trường và rủi ro tổng thể đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn ở mức thấp vì thị trường vẫn tin tưởng vào sự hỗ trợ từ Chính phủ Bắc Kinh.
Cho đến nay, các nhà quản lý Trung Quốc vẫn cố gắng xoa dịu những lo lắng của nhà đầu tư. Phát biểu tại một cuộc họp báo khi được hỏi về tình hình của China Huarong, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc đã phát biểu: “Đánh giá từ tình hình hiện tại, điều kiện hoạt động của các công ty quản lý tài sản tài chính là ổn định. Các chỉ số hoạt động chính và các chỉ số quản lý đều nằm trong phạm vi hợp lý”. Huarong Securities cũng cho biết vào cuối tuần rằng đã hoàn trả đầy đủ 2,5 tỷ NDT (384,5 triệu USD) trái phiếu thứ cấp đến hạn vào ngày 18-4, đồng thời nói thêm rằng đã đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ mua lại của mình trên nhiều trái phiếu theo lịch trình, không để xảy ra tình trạng vỡ nợ. China Huarong cũng đã chuẩn bị đủ tiền để hoàn trả toàn bộ khoản tiền 452 triệu USD đến hạn vào ngày 27-4.
Sau các phát biểu chính thức này, trái phiếu của China Huarong đã vực dậy từ mức đáy dù vẫn thấp hơn nhiều so với tháng trước do những lo lắng vẫn chưa thể tiêu tan về tương lai của công ty. Bắc Kinh sẽ hỗ trợ China Huarong đến mức nào hiện là câu hỏi đang được các thị trường tài chính quan tâm. Giới phân tích cho rằng các nhà chức trách sẽ không bỏ mặc China Huarong vì sự sụp đổ của một doanh nghiệp ở tầm cỡ này sẽ đẩy nền kinh tế vào rủi ro và ảnh hưởng đến cả tương lai tài chính của các doanh nghiệp nhà nước khác.
“Cách chính quyền Bắc Kinh xử lý khủng hoảng China Huarong sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc”, nhà phân tích Wu Qiong của hãng BOC International Holdings (Hong Kong) nhận định. “Nếu Huarong vỡ nợ, các nhà đầu tư sẽ đánh giá lại khả năng hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc dành cho doanh nghiệp nhà nước. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu nước ngoài”, ông Wu dự báo.
Cuộc đua tìm kiếm giải pháp
Tờ Bloomberg dẫn một số nguồn tin thân cận cho biết China Huarong đã đề xuất kế hoạch tái cơ cấu quy mô lớn. Kế hoạch này sẽ bao gồm việc giảm bớt các hoạt động kinh doanh không cốt lõi và thua lỗ. Đề xuất này có thể sẽ được chính phủ chấp thuận và lý giải tại sao công ty trì hoãn công bố báo cáo tài chính.
Việc xử lý vấn đề nợ của China Huarong có thể ảnh hưởng tới thị trường tín dụng toàn châu Á. |
Trong khi đó, Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra một khả năng khác, đó là cân nhắc đề xuất chuyển cổ phần China Huarong và 3 công ty quản lý nợ xấu khác để thành lập một tập đoàn mới theo mô hình tại các ngân hàng quốc doanh với sở hữu cổ phần của nhà nước. Một số quan chức nhìn nhận việc thành lập một tập đoàn mới là bước tiến để tách bạch vai trò điều hành và vai trò cổ đông của nhà nước. Việc này đồng thời giúp tinh gọn cơ chế kiểm soát và tạo ra văn hóa quản trị chuyên nghiệp hơn ở China Huarong và các công ty tương tự.
Các đơn vị có thẩm quyền đồng thời cũng đã thảo luận khả năng đưa thêm các nhà đầu tư bên ngoài vào để giảm cổ phần chi phối của Bộ Tài chính. Hiện tại, các nhà điều hành vẫn đang đợi hướng dẫn và định hướng của cơ quan quản lý cấp cao liên quan đến đề xuất trên và giải quyết các vướng mắc liên quan đến nợ xấu của China Huarong.
Với việc lãnh đạo cấp cao Trung Quốc chưa đưa ra chỉ thị rõ ràng, các cơ quan quản lý đang tranh cãi về việc xử lý khủng hoảng tại Huarong. Quỹ đầu tư 1.000 tỷ USD China Investment Corp (CIC) từ chối nhận cổ phần kiểm soát China Huarong từ Bộ Tài chính. Các quan chức CIC nói họ không đủ nguồn lực để xử lý các vấn đề của China Huarong. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn đang thảo luận việc có nên đề xuất tiếp nhận hơn 100 tỷ NDT (15,5 tỷ USD) mua lại tài sản xấu từ China Huarong hay không. Bộ Tài chính Trung Quốc - cơ quan sở hữu 57% cổ phần Huarong - chưa cam kết tái cấp vốn cho công ty này.
Dù vậy, Ủy ban Điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc cũng đã hỗ trợ China Huarong khi yêu cầu các ngân hàng nhà nước cấp vốn để công ty này trả nợ 2,5 tỷ USD vào cuối tháng 8. China Huarong đã cam kết sẽ công bố kết quả kinh doanh năm 2020 vào thời điểm đó.
Dù lời giải cho bài toán China Huarong hiện chưa ngã ngũ, có một điều chắc chắn rằng, câu chuyện của China Huarong được xem là một cơ hội để Trung Quốc nhìn lại cách xử lý các công ty quản lý nợ xấu và rộng hơn là các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang gánh khoản nợ tương đương 4,1 nghìn tỷ USD và ngày càng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang phải vật lộn để duy trì mối quan hệ với các chủ nợ. Tổng cộng, các doan nghiệp này đã gia hạn kỷ lục 79,5 tỷ NDT trái phiếu địa phương vào năm 2020, nâng tỷ lệ thất bại trong thanh toán trong nước lên 57% từ mức chỉ 8,5% một năm trước đó, theo Fitch Ratings. Con số này đã tăng lên 72% trong quý đầu tiên của năm 2021.
"Cơn địa chấn" từ China Huarong và các vấn đề về nợ mới chỉ bắt đầu ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của Trung Quốc. Xử lý “cơn địa chấn” này sẽ không tránh khỏi gây ra một số tác động đến hệ thống tài chính nhưng về lâu dài nó có thể kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề tài chính của các doanh nghiệp nhà nước.