Ngày Chiến thắng trong ký ức xuyên thế hệ

Thứ Hai, 30/04/2018, 15:42
Nói về ngày chiến thắng 30-4 lịch sử, nhà văn Nam Hà vẫn vẹn nguyên những ký ức vỡ òa ngày chiến thắng. Còn nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú, anh khẳng định rằng, đó là một dấu son chói lọi của dân tộc, của cha ông ta, mà chắc chắn không có ngòi bút nào có thể lột tả một cách trọn vẹn...

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng có lẽ, những dư âm của nó để lại trong lòng người Việt Nam về sự quật cường trong chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược của những người con đã chiến đấu, hy sinh vì mỗi tấc đất của tổ quốc vẫn ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ và trở đi trở lại trong tác phẩm của các thế hệ nhà văn.

Nói về ngày chiến thắng 30-4 lịch sử, nhà văn Nam Hà vẫn vẹn nguyên những ký ức vỡ òa ngày chiến thắng. Còn nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú, anh khẳng định rằng, đó là một dấu son chói lọi của dân tộc, của cha ông ta, mà chắc chắn không có ngòi bút nào có thể lột tả một cách trọn vẹn...

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Nhà văn Nam Hà vẫn còn nhớ như in những ngày tháng Tư ấy. Sư đoàn 4 của ông từ Bình Dương qua cửa ngõ Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập. Đó là những ngày đêm không ngủ. Trong khí thế cả nước hướng về Sài Gòn, đoàn quân như vũ bão trong một niềm tin yêu và hạnh phúc trọn vẹn dành cho ngày chiến thắng. Nhà văn Nam Hà vẫn nhớ như in, ông và đồng đội, hòa lẫn trong dòng người dân đổ về Dinh Độc Lập. Người người không kể quen lạ, ôm chầm lấy nhau, nhảy múa, mừng vui, hạnh phúc. Rồi họ khóc thổn thức vì giấc mơ đoàn viên đã thành hiện thực. Ông ví von, nếu nước mắt là một kho báu, thì hôm ấy người ta sẵn sàng trút, xả cả kho báu ấy mà không tiếc.

Nhà văn Nam Hà bảo rằng, những người lính bước đi trong vinh quang, trong tiếng reo hò, trong niềm xúc động vì họ đã trả nợ được trần gian. Bản thân ông, còn có một hạnh phúc lớn hơn, là sau rất nhiều năm ông đi bộ đội, làm một nhà văn mặc áo lính, đến ngày giải phóng ông tròn 43 tuổi, mới cảm nhận được tâm hồn mình bay lên trong niềm vui ngày đoàn tụ. 

Nhà văn Nam Hà đi lấy tài liệu tại một đơn vị bộ đội.

Sau đó nhà văn Nam Hà trở ra Bắc, về lại Tạp chí Văn nghệ quân đội để viết lại một chặng đường dài chiến đấu của dân tộc. Ông trở về như một chiến binh anh hùng trong mắt rất nhiều người, với bài thơ "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!". Ông nói đùa rằng, tưởng lúc đó tuổi đã cao, khó tìm được cho mình một tổ ấm, nhưng rồi, người lính ấy đã tìm được một nửa của đời mình, là một cô giáo yêu thơ yêu văn kém ông 17 tuổi...

Bây giờ tuổi cao, nhà văn Nam Hà vẫn sống trong ngôi nhà quen thuộc bao nhiêu năm tại "Phố nhà binh" Lý Nam Đế, nơi ông đã viết nên những bộ tiểu thuyết sử thi hùng tráng. Ông cũng là người thuộc số ít, nếu không muốn nói là duy nhất, có số lượng tiểu thuyết sử thi áp đảo với liên bộ tiểu thuyết về 10 năm chiến tranh với hơn 4.000 trang: “Ngày rất dài”, “Trong vùng tam giác sắt” và “Đất miền Đông”.

Nhà văn Nam Hà kể lại rằng, trong đời bộ đội của mình ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu. Kháng chiến chống Pháp ông là một cán bộ chỉ huy, là thương binh. Kháng chiến chống Mỹ, ông vẫn là người lính trực tiếp tham gia các chiến dịch, vừa là người viết văn trực tiếp quan sát cuộc chiến tranh từ nhiều phía, nghiền ngẫm và phát hiện những vấn đề bí ẩn của cuộc chiến tranh từ vĩ mô đến vi mô.

Năm 1964, trước khi lên đường vào chiến trường Nam Trung Bộ, đồng chí Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói với nhà văn Nam Hà: “Vào trong ấy trước hết là viết ngắn, viết nhanh, phục vụ kịp thời, nhưng nhớ phải tích lũy để sau này viết dài về chiến tranh”.

Ông đã viết liên bộ tiểu thuyết sử thi về 10 năm chiến tranh (1965-1975) với tinh thần của một người tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh. Khi đó, nhân vật được hư cấu theo nguyên mẫu. Người viết hoàn toàn có thể khám phá những bí ẩn giấu sau những sự kiện lịch sử, sự kiện chiến tranh với sự trung thực và khách quan. Mối quan hệ giữa sự kiện lịch sử, sự kiện chiến tranh với nhân vật là mối quan hệ hữu cơ, tác động và chi phối lẫn nhau, trong đó nhân vật giữ vai trò quyết định.

Tác phẩm của nhà văn Nam Hà.

Có cả một thời tuổi xuân với chiến trường Nam Trung Bộ, nhà văn Nam Hà đã đi thực tế và đã tái hiện cuộc chiến đấu của quân dân Khu 6 trong giai đoạn Chiến tranh Cục bộ, giai đoạn mà cả thế giới đều lo lắng, hồi hộp không biết Việt Nam có đứng vững trước sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ hay không.

Hai bộ tiểu thuyết “Trong vùng tam giác sắt” và “Đất miền Đông” ông đã đi thực tế sáng tác, sống cùng những người lính, đến gặp từng nhân vật trong chiến tranh và viết trong hơn mười năm trời mới hoàn thành. Đối với nhà văn Nam Hà, ngày hòa bình, ông không trở ra Bắc ngay, mà vẫn nặng lòng với mảnh đất miền Đông.

Đối với ông ngày đó mừng rơi nước mắt nhưng lại đầy cảm hứng cho những trang viết để lại cho thế hệ sau. Với ông, đó là những trang viết nhuộm máu của đồng đội đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, là sự nén lại nỗi đau vì bị giày xéo của những người dân vô tội, là những cảm xúc mãnh liệt tuôn trào để tái hiện lại một thời hào hùng của dân tộc ta, một thời mà lời hiệu triệu lên đường đã trở thành một tiêu chí dẫn đường để những người lính làm nên tượng đài vinh quang cho đất nước. 

Dấu mốc chói lọi trong điểm nhìn của những nhà văn trẻ

Nhà văn Nguyễn Đình Tú đã cho ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh "Bên dòng sầu diện", "Hoang tâm" và "Xác phàm", thuộc thế hệ các nhà văn lớn lên khi đất nước đã hòa bình. Trong cái nhìn của người viết thế hệ sau, đối với anh, ngày 30-4-1975 hiện lên trong suy cảm là một ngày chói lọi vinh quang mà cả dân tộc òa vỡ trong cảm xúc.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Cảm xúc ấy, vẫn truyền đến những thế hệ người viết trẻ ngày nay bởi vì ánh sáng của nó quá vĩ đại, quá lớn lao. Anh cho rằng, ngày thống nhất non sông về một mối đã trở thành một điểm tựa, một dấu mốc quan trọng để hế hệ trẻ viết về chiến tranh như anh hướng về. Nó là niềm tự hào của bất cứ người dân Việt Nam nào. Bởi vì không có gì đau khổ bằng việc phải sống trong một đất nước chia cắt, chiến tranh và li biệt.

Trong những trang viết của mình, Nguyễn Đình Tú nỗ lực thể hiện niềm vui, niềm tự hào và cả lòng biết ơn những ngày tháng ấy. Dù lớn lên khi đất nước đã hòa bình, song những điều mà thế hệ cha anh đã trải qua trong những trang sách vẫn lấp lánh và nhà văn Nguyễn Đình Tú khẳng định, anh cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Điều đó được thể hiện trong các tác phẩm của anh trong thời gian qua

Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ, dù không được chứng kiến là người trong cuộc như nhà văn Nam Hà hoặc các nhà văn thế hệ trước đã ra trận chiến đấu và trực tiếp được đứng trong niềm vinh quang của ngày chiến thắng, dù không được nằm gai, nếm mật, mưa dầm, cơm vắt, không được tham dự và chứng kiến cuộc chiến đầy gian khổ, hi sinh, rất đỗi tự hào của cha ông, nhưng đối với nhà văn Nguyễn Đình Tú, viết về chiến tranh là một mảng đề tài anh mong muốn theo đuổi vì trước hết, đó là một mảng đề tài khó, đã có những đỉnh cao và để viết khác, viết có dấu ấn đối với một người thế hệ sau là cả một sự nỗ lực mà anh luôn muốn vượt qua để chiến thắng chính bản thân mình.

Theo Nguyễn Đình Tú, những nhà văn thế hệ trước là người trong cuộc nên họ viết mang tính hiện thực rất cao, họ đươc chứng kiến một cơn mưa rừng Trường Sơn, được tham gia các trận đánh, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, họ nhớ và kể lại, tái hiện lại hiện thực chứ không thoát khỏi hiện thực.

Tác phẩm của Nguyễn Đình Tú.

Nhưng những người viết trẻ có một thuận lợi hơn các nhà văn thế hệ trước là họ có độ lùi về thời gian để cảm nhận về mọi thứ, cảm nhận về các bên, bên ta, bên địch để có cái nhìn trung hòa và toàn diện hơn về cuộc chiến. Tuy nhiên, lớp trẻ vì không có thực tế chiến đấu nên sẽ có hạn chế về hiện thực chiến tranh. Để có cái nhìn tổng thể, họ sẽ phải đi thực tế đến các mảnh đất chiến tranh, gặp nhân chứng, đọc lại lịch sử chiến tranh cũng như tham khảo những cuốn sách viết về chiến tranh của cha ông, từ đó tìm cho mình một điểm nhìn phù hợp để tái hiện trên trang viết dưới nhiều chiều hơn.

Nguyễn Đình Tú cho rằng, để có một điểm nhìn mới và có gì đó để những nhà văn đã có những đỉnh cao về tác phẩm viết về chiến tranh sẽ đọc, cảm nhận và ghi nhận tác phẩm của mình, anh cố gắng viết mới đi, không thiên về tả thực mà cố gắng để kết nối những dòng cảm xúc. Anh để cho người trong cuộc nói về nỗi đau còn lại sau hòa bình, những người lính chưa tìm thấy mộ, những người lính vô danh và cả công cuộc đi tìm đồng đội, đi tìm người thân sau chiến tranh của những người cha, người mẹ, của anh em bạn bè trong sự mỏi mòn đau đớn suốt chiều dài đất nước.

Không thể nào quên

Chiến thắng 30-4 lịch sử đã thống nhất giang sơn về một mối. Có một thế hệ nhà văn như nhà văn Nam Hà đã ở trong đỉnh cao của vinh quang khi trực tiếp được cùng đoàn quân chiến đấu và tiến về Sài Gòn trong ngày giải phóng. Đó là những giây phút không thể nào quên trong cuộc đời làm văn, làm báo, làm người lính của ông. Ông hiện tại đã già yếu vì trải qua nhiều lần tai biến, trên cơ thể ông vẫn còn nhiều vết thương của chiến tranh nhưng khi nhắc lại những giây phút làm nên lịch sử của dân tộc, đôi mắt ông chực tuôn trào dòng nước mắt hạnh phúc.

Đã hơn 40 năm trôi qua, ông đã lãng quên nhiều thứ trong quá khứ, nhưng ông chưa bao giờ quên những cái ôm chặt, những nụ cười viên mãn của hạnh phúc. Trong cuộc trò chuyện, ông rơm rớm nước mắt khi nhắc về những tháng ngày xưa cũ. Ông bảo rằng, ông đã có tất cả sau những năm tháng sống và chiến đấu ở chiến trường.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, song đối với những nhà văn đã đi qua một thời chiến trận như ông thì câu chuyện chiến tranh chắc chắn sẽ không thể phai mờ trong ký ức, để “Ta sung sướng được làm người con của đất nước/ Đất nước/ Ta hát mãi bài ca đất nước/ Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc/ Cho mắt ta nhìn tận trời/ Và cho chân ta đi tới cuối đất/ Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất/ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi, Việt Nam ơi!" (Trích bài thơ "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!" của nhà văn Nam Hà).

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.