Nghệ nhân Kim Đức – Phiêu diêu trong cõi ca trù
Vào những ngày đầu tháng 10/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tin này, dù rằng không còn sớm vì các nghệ nhân ca trù nức tiếng, đã đi qua cả hai thế kỷ thăng trầm gắn bó với âm nhạc dân gian truyền thống, tiếc thay, những nghệ sĩ tài ba và chân chính đã dần dần gửi hồn phiêu diêu miền cực lạc. Nghệ nhân chân truyền của bộ môn nghệ thuật ca trù này so với 16 tỉnh, thành phía Bắc xòe bàn tay, bấm ngón tay nay còn lại có mấy người.
Tại Thủ đô, cụ Kim Đức - người được coi là tiếng phách trạng nguyên nay đã ngoài 80, lặng lẽ khóc. Cuối cùng thì nghệ thuật đích thực, nguồn tài nguyên vô tận, kho tàng quý giá, bảo vật sống của ông cha cũng đã được tôn vinh. Cụ Đức hy vọng nhưng rồi cũng không ít… thất vọng.
1. Đêm đông, gió lạnh, trên lưng chừng núi rừng Yên Tử âm u huyền bí, sân chùa Hoa Viên hôm ấy ánh nến lung linh, đài sen nở rộ, các thiếu nữ thanh tân kiêu sa đài các uốn mình theo tiếng nhạc du dương, nhẹ nhàng lướt đôi chân, uyển chuyển thân hình yêu kiều diễm lệ khiến khách thập phương càng nhìn càng yêu, càng ngắm càng say. Trên tay các nàng là đài sen dịu dàng tỏa sáng. Ánh trăng chiếu rọi xuống sân chùa. Ánh nến hiu hiu sáng. Trăng - nến, mây - gió, đất - trời như hòa quyện.
Nhìn các thiếu nữ e ấp mảnh dẻ trong bộ trang phục cổ nhân khi xưa, say đắm múa lượn trong tiếng nhạc lại có cảm giác các tiên nữ từ đâu bay về đùa cùng đất, vui cùng trời khiến lòng người càng thêm mê hoặc. Cạnh đấy là một bà cụ da trắng ngần, khuôn mặt đôn hậu, tôn quý, cử chỉ khoan thai, nói năng rành rọt như một tiên bà độ lượng đang chỉ dẫn. Bà là nghệ nhân Kim Đức - người được coi là có tiếng phách trạng nguyên trong bộ môn âm nhạc dân gian ca trù đã có công phục dựng lại điệu múa bài bông.
Điệu múa trong cung đình Huế khi xưa, cái ngày mà cô bé Kim Đức được các đàn chị trong nghề chỉ dẫn, sau khi tập luyện đâu đấy đã đi biểu diễn ở khắp nơi. Đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi đi, tưởng chừng như điệu múa bị chìm vào quên lãng thì bà khôi phục bằng trí nhớ dẫn dắt chỉ bảo cho các thiếu nữ thanh tân, nhập hồn vào điệu múa.
Thế rồi, khi màn biểu diễn múa bài bông vừa kết thúc cũng là lúc mọi người đang háo hức chờ bà cụ hiền từ sẽ cho khán giả một phen no nê thỏa mãn của thanh âm ca từ, thứ âm nhạc dân tộc lắng đọng hồn thiêng chắt chiu của dân tộc. Bà mặc bộ nhung đen ngồi ở giữa sập gỗ, từ từ cất giọng, bàn tay cầm phách đưa lên đưa xuống nhẹ nhàng, động mà lại không động, tưởng tĩnh mà lại rất động, tưởng động mà lại rất tĩnh. Ma mị, quyến rũ, giọng hát liêu trai hòa với tiếng đàn đáy là những rộn ràng khi khoan, khi nhặt, lúc khẽ khàng như màn đêm hư ảo, thi thoảng róc rách tiếng mưa rơi, khi ào ào như thác đổ, lúc cuồng nhiệt dữ dội ầm ào như bão, khi lại êm đềm tựa như sương khói hồ thu bảng lảng của tay phách trạng nguyên có một không hai. Một bảo tàng sống bằng xương bằng thịt, một nghệ nhân chân truyền của dòng ca trù đến nay còn sót lại. May mắn thay cho những ai được tận mục sở thị thưởng thức giọng ca đào nương nức tiếng này, được một lần nghe bà cầm phách. Người nghe cứ như bị cuốn vào một cõi mộng ảo nào đấy.
Từ trái qua: anh Đàm Quang Minh, NSƯT Kim Đức, NSND Xuân Hoạch. |
2. Nhà của cụ Kim Đức nằm ở bên kia sông, qua cây cầu nối thành phố với quận Long Biên. Hôm tôi đến bà có hai cô cháu gái đang tuổi sinh viên, may thay, gien nghệ thuật trội lại yêu thích nghệ thuật ca trù nên ngày ngày ngoài giờ học cắp cặp đến nhờ bà chỉ dạy. Cụ Kim Đức giờ đã yếu đi nhiều nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn, không những thế hàng chục năm trời bà mày mò soạn hẳn ra một giáo trình về bộ môn ca trù cung cấp cách tiếp cận khoa học và linh hoạt nhất cho những người yêu mến muốn tìm hiểu về bộ môn này. Tiếc thay, người thực lòng với nghề chẳng có được mấy ai.
Nhiều người tìm đến bà xin chỉ dạy về ca trù cũng chẳng qua chỉ là để đeo mác ca nương ca trù cho sang, cho oai. Hoặc vì một mục đích thực dụng gì đấy. Vốn người có “đôi mắt xanh” sắc sảo, chỉ cần thoáng nhìn qua bà cũng biết ngay đâu là thật giả lẫn lộn, với người có thực tâm bà sẵn sàng chỉ bảo cặn kẽ, truyền nghề, với người có dã tâm bà thẳng thừng từ chối. Với người nghệ nhân như bà chẳng tiền bạc, của nả nào có thể lay chuyển.
Nhiều người bảo, nghệ nhân Kim Đức nổi tiếng khó tính, để được bà nhận là học trò hẳn không dễ dàng. Vậy nên, cho đến giờ ngoài hai cô cháu gái, bà cũng chỉ có vài người học trò được bà yêu mến chỉ dẫn. Chẳng phải khe khắt gì mà chẳng qua là thành công chẳng có gì là dễ dàng, trong sâu từ tâm khảm những ký ức khi xưa cứ hiện hữu trở về.
Sinh ra trong một gia đình nức tiếng ca trù từ bà cô ruột đến bố bà là chủ giáo phường danh tiếng đất Khâm Thiên - ông Phó Đình Ổn, và người anh trai là kép đàn Phó Đình Kỳ. Những người ở thủ đô trong những thập niên 40 của thế kỷ trước không ai không biết đến khu phố Khâm Thiên, được coi là nơi hát ả đào có tiếng đất kinh kỳ. Những năm đó khu phố Khâm Thiên và Thái Hà là nơi mà tao nhân mặc khách thường lui tới nghe hát. Bố mẹ bà sinh ra 16 người con, nhưng chỉ có 4 người còn sống.
Bé Kim Đức từ thời thơ bé đã ngày ngày nghe tiếng đàn tiếng hát của bố, của anh, vốn chất giọng vàng trời ban lại say mê học hỏi nên cô bé học thuộc niêm luật và lề lối rất nhanh. Kim Đức sinh ra như để theo nghiệp ca hát. Tên gọi hai tiếng: "ca nương" khoác lên mình Kim Đức từ năm 7 tuổi. Sau này chiến tranh nổ ra, quân Nhật, quân Pháp, quân Mỹ sang xâm lược nước ta số phận đào nương bé nhỏ ấy cùng với bộ môn âm nhạc ca trù cũng biến thiên thăng giáng long đong cùng phận nước.
Đã có lúc người ca nương bé nhỏ ấy phải đi trồng cây, cuốc đất, làm đường, đi phu hồ, hay làm dép nhựa để sinh nhai, nhưng những âm thanh, giai điệu của ca trù cứ mãi bảng lảng trong đầu. Dù thời gian, không gian, dù trải qua bao lên thác xuống ghềnh số phận nhưng rồi bà vẫn không thể nào xa rời nghiệp tổ.
Đã có thời kỳ ca trù không được nhìn nhận đúng. Từ những năm 50 đến đầu những năm 70 người ta coi người hát ca trù như những ả đào lẳng lơ, kẻ đi nghe hát cũng chẳng qua là trêu hoa ghẹo nguyệt. Loại hình nghệ thuật này không dễ nghe, dễ hiểu lại bị coi là điều cấm kị, người đời dị nghị hiểu sai. Người ta coi ca trù là tàn dư của chế độ phong kiến cũ, các ca nương đào kép lần lượt phải rẽ bước sang ngang đi làm nghề này, nghề nọ cho qua ngày đoạn tháng.
Cùng với nghệ nhân Quách Thị Hồ, người được coi là "pho sử sống" của âm nhạc ca trù, nghệ nhân Kim Đức cũng phải từ bỏ vốn liếng của cha ông, giã từ nghiệp tổ để về Đài Tiếng nói Việt Nam thành ca sĩ hát chèo. Sau này bà được phong NSƯT cũng là do hát chèo.
Sự tìm tòi và không ngừng sáng tạo của bà đã đưa ca trù vào chèo để tiếng hát thêm mượt mà, sang trọng, tinh tế. Mãi đến gần cuối những năm 70 người ta mới bắt đầu khôi phục, "giải oan" cho loại hình âm nhạc này. Đó là năm 1976, một năm sau khi đất nước thống nhất, GS Trần Văn Khê từ Pháp về Hà Nội và tìm gặp các nghệ nhân ca trù. Tiếng hát của bà Quách Thị Hồ, người chị cả trong làng ca trù xuyên suốt hai thế kỷ được vị GS ghi lại và đem đi giới thiệu với thế giới.
Năm 1978 Hội đồng Âm nhạc Quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu quốc tế về âm nhạc đã trao tặng bà Quách Thị Hồ bằng danh dự công lao "Gìn giữ một di sản truyền thống quý báu của Việt Nam, một vốn quý của âm nhạc". Thế giới đã biết đến một loại hình âm nhạc vô cùng độc đáo - nghệ thuật ca trù - đã từng có thời kỳ phát triển rầm rộ và thịnh hành ở 16 tỉnh, thành phía bắc Việt Nam.
Thiệt thòi thay cho ca nương hay thiệt thay cho xã hội khi các nghệ nhân của loại hình âm nhạc này đã rời bỏ về cõi thế hoặc giả như nghệ nhân nào còn sống thì cũng đã về già, gom lại chút sức tàn truyền dạy chẳng còn được là bao. Biểu diễn trên các sân khấu thì cũng chỉ cầm chừng hy hữu. Thế rồi, số phận của người đào nương bao đời nay vốn vẫn vậy, tưởng là được yêu chiều nâng niu thật ra chỉ là nâng lên đặt xuống. Người ta tưởng trân quý đấy nhưng cũng chẳng qua là mắc bệnh đao to búa lớn, hình thức qua quýt gọi là. Câu chuyện nhỏ này cứ như có vị mặn ở đầu môi, cay cay nơi khóe mắt.
Năm 1984, những nghệ nhân tên tuổi mà đến nay hầu hết đã vắng bóng, bà Quách Thị Hồ, bà Phó Thị Kim Đức, ông Phó Đình Kỳ, ông Chu Văn Du, bà Nguyễn Thị Phúc… cùng một số nghệ nhân kỳ cựu khác được người ta trân trọng mời ghi hình tư liệu ở đình Lỗ Khê. Bà Kim Đức cùng nhiều nghệ nhân khác không sao quên được cái buổi ghi hình ấy, các bậc tài danh lừng lững trong nghệ thuật âm nhạc dân gian sau khi để người ta nâng lên đặt xuống kỳ công ghi hình, ai nấy ra về không được một hào thù lao nào, cũng chẳng mời giữ lại liên hoan bữa cơm nhỏ mà tay không ra về. Tủi phận, thương thay cái kiếp đàn nghiệp hát.
Nhóm ca trù Kim Đức. |
3. Xuân năm nay, nhóm ca trù Kim Đức (do nghệ nhân Kim Đức làm Trưởng đoàn) ra mắt đĩa CD ca trù của NSƯT Đoàn Thanh Bình, người học trò ưu tú của nghệ nhân Kim Đức. Chị Bình năm nay đã ngoài 50, vừa vướng bận công việc ở Nhà hát chèo Trung ương lại bận bịu với đám con cháu, nhưng vẫn kiên trì cần mẫn 6 năm cắp phách theo học nghệ nhân Kim Đức. Chị Bình nổi danh trong làng chèo đến khi bước sang ca trù bỡ ngỡ, nhưng sự nhiệt huyết say mê có thừa nên chị hát được cả những điệu khó trong ca trù như: "Thét nhạc", "Bắc phản", "Gặp Xuân" của Tản Đà, hay "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị.
Ngày học trò cưng của mình lần đầu sau 6 năm theo học đã trình làng biểu diễn trước công chúng. Công chúng hôm đấy không đông lắm, khoảng 20 người trong căn phòng ấm cúng trên một biệt thự ở gần Hồ Tây, khách mời là những người say sưa với nghệ thuật ca trù. Sau khi nghe chị Bình biểu diễn, tiếng vỗ tay, những cái gật hài lòng thích thú nhưng rồi mọi người lại co kéo, nì nèo bằng được cụ Kim Đức cho chúng con, cái đám khách tham lam này được mở mày mở mặt khi nghe giọng hát của cụ.
Nể nang quá, nghệ nhân Kim Đức trước đấy không lâu vừa trải qua cuộc phẫu thuật vẫn khẽ khàng đặt người lên sập gỗ cất giọng ma mị liêu trai. Cụ hát, khán phòng im lặng như tờ, chỉ có tiếng hát của nghệ nhân Kim Đức hòa với tiếng đàn đáy của NSND Xuân Hoạch, tiếng trống chầu rền vang, tiếng phách nặng ròn tan gãy gọn khúc triết. Khi bài hát vừa kết thúc mọi người nín lặng, dường như cảm xúc đã dẫn dắt mọi người đi quá xa.
Chợt, lúc sau, một tiếng rành rẽ vang lên: "Nghe cụ hát thế này thì Thanh Bình dù 10 năm nữa luyện tập vẫn mãi mãi chỉ là cái bóng của cụ mà thôi". Mọi người nhìn lại, thì ra là nhạc sĩ Ngọc Đại. Ông nhạc sĩ ngạo nghễ vẫn thường bạo miệng như thế, nhưng xem ra ông nói không phải không có lý.
Lòng chợt lo, mai đây, khi nào, bao giờ mới bắt gặp được vốn "di sản quý báu của ông cha". Ai sẽ là người kế nghiệp?! Cụ Kim Đức lại vừa bật mí, mỉa mai cái gọi là âm nhạc nâng cao của các trường nghệ thuật khi người ta cho mời cụ vào để nói chuyện một vài buổi.
Cụ bảo: "Âm nhạc bác học mà chỉ tổng kết trong ngày một ngày hai, học hành tập tọng được được vài ba buổi kiến thức sơ đẳng còn chưa thể biết, chưa thể hiểu mà đòi nâng cao, thì không hiểu, dựa vào đâu, kiến thức nào để mà nâng cao cái gì?!"