Nghệ sĩ lộng ngôn trên mạng xã hội: “Rác” văn hóa cần loại bỏ

Thứ Ba, 22/06/2021, 15:45
Internet phát triển, vấn nạn rác văn hóa trên mạng xã hội vốn như “căn bệnh trầm kha”. Câu chuyện "đầu độc tâm hồn", hành vi ứng xử xấu xí ấy nay lại được lôi ra bàn tán nhiều hơn bao giờ hết. Đáng nói, những văn hóa lệch chuẩn đó lại xuất phát từ những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng.

Đây không đơn giản chỉ là chuyện tật xấu, sự cố vạ miệng của một vài người trong giới nghệ sĩ mà là văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của một bộ phận những “người của công chúng” hiện nay đang có vấn đề.

Những phát ngôn dậy sóng

Đã một thời, dư luận choáng váng trước phát biểu tưởng chừng ngô nghê, thô mà thật của một người mẫu từng được không ít bạn trẻ ngưỡng mộ: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn” hay “Yêu tôi cũng tốn lắm chứ”... Thực tế cho thấy, những phát ngôn gây sốc, chuyện tạo scandal, khoe da thịt hay nghệ sĩ “xô xát” trên mạng xã hội vốn đã xảy ra như cơm bữa. Tuy nhiên, khi những phát ngôn dậy sóng đến từ những nghệ sĩ kỳ cựu, vốn vẫn được nhiều người quý trọng bởi tài năng, đạo đức thì là điều đáng phải suy nghĩ.

Nghệ sĩ Đức Hải đã có những phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội.

Gần đây nhất là vụ việc của NSƯT Đức Hải bị miễn nhiệm chức Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Đây là hậu quả của những phát ngôn không đúng chuẩn mực trên mạng xã hội. Hồi đầu tháng 6, mạng xã hội lan truyền hình ảnh chụp màn hình phát ngôn, bình luận trên trang cá nhân có tick xanh của nghệ sĩ Đức Hải. Bài viết công kích người khác với một số từ ngữ thô tục. 

NSƯT Đức Hải vốn là một danh hài có tiếng, nhiều đóng góp cho nghệ thuật, được khán giả từ người lớn tuổi đến các em thiếu nhi yêu mến nhờ những vai diễn rất có duyên trên sân khấu hài. Ông từng du học ở Viện Hàn lâm sân khấu điện ảnh Saint Petersburg, Nga. Hơn nữa, nghệ sĩ Đức Hải còn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tham gia công tác giảng dạy. Không chỉ giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, sau khi du học ở Nga trở về, nghệ sĩ Đức Hải làm giảng viên Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Với bề dày kinh nghiệm sống và làm việc ở các lĩnh vực trên, đáng lý nghệ sĩ Đức Hải phải là tấm gương ứng xử cho lớp nghệ sĩ đàn em và khán giả. Nhưng, ở cái tuổi 45, nghệ sĩ Đức Hải lại có những lời lẽ thiếu văn minh. “NSƯT mà văng tục, chửi bậy một cách công khai trên Facebook như thế quả thật thất vọng”, một khán giả bình luận. Đến khi sự việc nổ ra tranh cãi, NSƯT Đức Hải lại khá vòng vo. 

Ban đầu, nam nghệ sĩ nói rằng Facebook của mình bị hack, sau đó lại đưa thông tin là do người con nuôi nghịch dại nên đã tự dùng nick của mình đăng những thông tin văng tục đó. Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn ra quyết định miễn nhiệm cũng là để làm sáng tỏ sự việc, tránh những ảnh hưởng không tốt đến nhà trường.

Cho đến nay, việc NSƯT Đức Hải có phát ngôn thô tục hay không, chưa ai biết, bản thân anh là người rõ nhất. Nhưng, có một điều không thể chối cãi là, sau tất cả những sự việc trên, nghệ sĩ Đức Hải bị mất uy tín trong lòng công chúng, mất đi một chức vụ cao quý của nghề giáo và thậm chí đứng trước làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng.

Ngược dòng thời gian, năm 2017, cựu người mẫu Trang Trần khiến dư luận bức xúc khi dùng những lời lẽ thô tục, hỗn hào thóa mạ nghệ sĩ Xuân Hương trên trang mạng xã hội. Thậm chí, cô còn dọa đánh đàn chị trong nghề vì đã dám để lại dòng bình luận không hay dành cho cô. Câu chuyện này khiến công chúng khá bức xúc và lên án hành động kém văn minh trong cách ứng xử của Trang Trần.

Ca sĩ Duy Mạnh được biết đến là một trong những nghệ sĩ thường xuyên “văng tục” trên trang cá nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nam ca sĩ quá phóng túng trong việc sử dụng ngôn từ trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả trẻ. Thậm chí, Duy Mạnh cũng từng bị Sở Thông tin, Truyền thông TP Hồ Chí Minh phạt 7,5 triệu đồng do “phát ngôn không phù hợp thuần phong mỹ tục”. 

Người mẫu Hương Giang, ca sĩ Phương Thanh... cũng là những nghệ sĩ nổi tiếng giới showbiz cũng đã có những lần phải gặp các cơ quan quản lý để nộp phạt vì những phát ngôn thiếu chuẩn xác, không văn minh trên mạng xã hội.

Ứng xử của nghệ sĩ Việt đang “có vấn đề”

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn hóa “chợ búa” trên không gian mạng xã hội đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng. Trong khi đó, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. 

Nhiều người tham gia mạng xã hội nhưng không ý thức được hết những mặt trái của nó.

Bởi thế, hơn ai hết, họ nên là những người nắm rõ các chuẩn mực xã hội về văn hóa cũng như nên có lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực, hành xử văn minh. Đặc biệt là trên những kênh mạng xã hội, nơi giới trẻ có nhiều không gian tiếp xúc, học hỏi.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, cách ứng xử của nghệ sĩ Việt trên truyền thông, cụ thể là trên mạng xã hội trong thời gian qua đang có vấn đề. Đó là sự lệch chuẩn! Vị tiến sĩ Nghệ thuật học cho rằng, nghệ sĩ là một nghề cao thượng, nghề dẫn dắt vẻ đẹp của văn hóa nghệ thuật với công chúng. 

Nhưng, cách ứng xử trước truyền thông của nhiều nghệ sĩ gần đây thiếu đi sự tích cực, nếu không muốn nói là tiêu cực. Như trường hợp của nghệ sĩ Đức Hải, không ai chấp nhận việc một người làm văn hóa lại có hành động cắt một chiếc quần bò, đắp lên miệng rồi đăng lên mạng xã hội, hay chia sẻ những lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hóa.

Nghệ sĩ cũng không thể “vin” vào cái tình để lên tiếng đổ lỗi, quanh co cho những sai lầm của mình. Đã làm việc gì phải tự chịu trách nhiệm, luật pháp không chấp nhận những biện minh thiếu cơ sở, thiếu ý thức trách nhiệm cá nhân. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nghệ sĩ không nên chạy theo hư danh ảo, thích tô vẽ, đánh bóng để khi mặt trái của mình lộ ra thì việc trở tay không kịp là điều khó tránh khỏi”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái.

“Mặc dù những sự việc trên đã được cơ quan có trách nhiệm xử lý, đưa ra phương án giải quyết kịp thời. Nhưng, từ đó bất kỳ nghệ sĩ tử tế nào cũng phải tự ý thức về nghề nghiệp của mình. Nghệ sĩ chân chính phải tuân thủ trách nhiệm công dân và chuẩn mực nghề nghiệp trong việc ứng xử với công chúng. Họ không phải là công dân bình thường mà là công dân nghệ sĩ nên càng phải tuân thủ luật pháp, ứng xử văn hóa hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhìn nhận.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thừa nhận, những phát ngôn gây sốc, không cẩn trọng, gây chia rẽ, tạo xung đột trên mạng xã hội của một số nghệ sĩ khiến cho hình ảnh người nghệ sĩ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, thừa nhận văn, nghệ sĩ cần có sự tự do để sáng tác nhưng cần có biên độ nhất định. “Không có tự do nào vượt lên trên những giá trị đạo đức, luân lý và lợi ích chung của dân tộc. Vì thế, thiện và mỹ luôn gắn bó biện chứng với nhau. Do đó, nghệ sĩ cần ý thức trách nhiệm xã hội của mình thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, sau đó là những hành xử trong cuộc sống”.

Cần xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Thực tế phản ánh, showbiz Việt có không ít “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhưng, điều đó không có nghĩa có thể phủ nhận những đóng góp tích cực của nghệ sĩ đối với nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Ở góc độ khách quan, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, không riêng nghệ sĩ, cách ứng xử của khán giả, những người thưởng thức nghệ thuật cũng đang có vấn đề. “Không ít khán giả có thái độ không đúng, không tốt khi thần tượng thì mê đắm nhưng khi chê thì thật khủng khiếp. Họ theo hiệu ứng đám đông mà vùi dập từ cực đoan này đến cực đoan kia, phủ nhận sạch trơn”,  PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái phân tích.

Tuy nhiên, sau tất cả những ồn ào về rác văn hóa của nghệ sĩ trên mạng xã hội, cũng không phải nghiễm nhiên họ bị lên án, bị tẩy chay dữ dội. Bản thân nghệ sĩ - những đại sứ của cái đẹp, là người sáng tạo và truyền tải giá trị chân - thiện - mỹ đến cộng đồng cần tự “làm sạch” mình”.

Vẫn biết nghệ sĩ thường có cái tôi cá tính, sống thiên về tình cảm nhưng cần phải đặt đúng chỗ và được kiểm soát bởi suy nghĩ có văn hóa. Đặt trong bối cảnh thái độ ứng xử của giới nghệ sĩ ngày càng có nhiều tranh cãi, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đề xuất: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn nên tổ chức những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyên môn; về văn hóa nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại và trách nhiệm của nghệ sĩ từ góc độ pháp luật. Để từ đó, nghệ sĩ có thể hình thành một lối văn hóa ứng xử chuẩn mực với công chúng, pháp luật. Hơn hết, nghệ sĩ có thể hiểu rõ hơn về thân phận, trách nhiệm rất vinh quang nhưng rất nhọc nhằn, thậm chí cay đắng”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta cần hướng đến những giải pháp bền vững, trong đó nhận thức về văn hóa, giá trị của văn hóa, đạo đức chính là yếu tố để mỗi người có thể đề kháng với những biểu hiện lệch chuẩn. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội sẽ giúp hạn chế những bất thường, lệch chuẩn. Như vậy, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, hình thành dư luận xã hội ủng hộ cái tốt, lên án cái xấu, có thêm những bài học làm gương... sẽ giúp định hướng cách sử dụng mạng xã hội cũng như lối sống cho giới trẻ.

Mạng xã hội ảo nhưng hệ quả là thật. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lo ngại: “Nếu chúng ta không kiên quyết, những ồn ào về thái độ ứng xử xấu xí như vậy sẽ chẳng bao giờ giảm đi hay chấm dứt. Nhưng, điều tôi sợ hãi hơn cả là có không ít những người trẻ không có khát vọng làm người. Họ ném cuộc đời họ vào vô định. Lỗi đó thuộc về những người lớn. Nếu chúng ta không có một xã hội ngập tràn nhân văn, chúng ta sẽ có những con người vô cảm, độc ác. Và, những kẻ mang danh nghệ sĩ như vậy cứ tiếp tục sinh ra”.

Thảo Dung
.
.