Nghệ sĩ nhân dân Đào Bá Sơn: Bước qua bóng tối là ánh sáng

Thứ Ba, 08/01/2019, 09:44
Gần như cứ mỗi dịp gần Tết, tiết trời mưa lất phất, gió lạnh tê tái, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đào Bá Sơn tạm gác lại những công việc bộn bề của nghệ thuật điện ảnh để ra Hà Nội nơi ông đã sinh ra và lớn lên, để tận hưởng cái nồng nàn, dịu ngọt của một Hà Nội đẹp mơ mộng, đầy lãng mạn khi không khí vào xuân. Một vẻ rất riêng của miền Bắc vào đợt rét ngọt của những ngày cuối năm, những kí ức linh thiêng ùa về, hiện hữu.


Người chuyển hóa nỗi đau

Cách đây vừa tròn 19 năm, một vụ án rúng động dư luận, nạn nhân là một nữ người mẫu rất trẻ mới 20 tuổi con của một đạo diễn nổi tiếng. Kẻ thủ mưu là nam người mẫu vì ghen tuông đã giết chết cô gái cự tuyệt tình yêu của hắn bằng những nhát dao oan nghiệt. Mất con là một sự đau tột cùng, nhưng mất con trong trường hợp này còn đau xót hơn gấp bội, đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn đã phải vượt qua nỗi đau khủng khiếp đó như thế nào?! Tôi không biết. 

Nhưng những ai gặp ông đều có cảm giác sau cú sốc đó ông rất trầm, tâm sự chất chứa càng u uẩn nhiều hơn, và rồi vào một hôm như hôm nay dưới hạt mưa lây rây, lắng lòng nghe tiếng chuông chùa với mùi nhang khói, NSND Đào Bá Sơn ra Hà Nội, ông bảo ông không bao giờ quên đất trời Hà Nội khi chuẩn bị đón Tết, từ tuổi thơ cho đến khi trưởng thành mảnh đất thủ đô yêu dấu đã gắn bó với ông, hun đúc tạo nên ông với bao kí ức trong trẻo, ngọt ngào. 

Nghệ sĩ nhân dân Đào Bá Sơn.

Thời gian ghi tên kỉ niệm, thời gian lấp dần đi nỗi đau, thời gian lành dần những vết thương. Tưởng là như thế nhưng không hẳn. Với nhiều người nỗi đau vẫn hiển hiện theo thời gian, nhưng đã được chuyển hóa sang một trạng thái khác. NSND Đào Bá Sơn là thế. Ông đã biến nỗi đau thành tác phẩm. Sau này chủ đạo trong những thước phim của ông là thân phận phụ nữ với số phận thiệt thòi và bất hạnh, những người phụ nữ bị bạo hành gia đình, bị tù túng, bị kìm kẹp như những cánh cò trong đêm giông. 

Tôi hỏi ông tại sao ông lại có dũng khí khai thác sâu vào nỗi đau, thường thì đứng trước nỗi đau người ta hay lảng tránh nó. Ông trầm ngâm bảo: “Tôi cũng không biết tại sao nữa, nhưng những người đàn bà mà tôi chứng kiến sự khổ đầu tiên trong cuộc đời của tôi đó là mẹ tôi, rồi người kế tiếp là chị tôi. Đến khi lớn lên, cảm nhận được xung quanh mình rất nhiều nỗi đau của những người phụ nữ và kể cả những nỗi khổ đau của chính mình gây ra cho những người đàn bà thân yêu của mình. Khi nhận được kịch bản hay đề tài thì tôi thường có khuynh hướng khai thác sâu về nỗi khổ đau, những bất hạnh của họ. Bên cạnh đó bao giờ tôi cũng luôn thể hiện khát vọng sống, một khát vọng yêu thương, một khát vọng với tất cả những gì tốt đẹp, trong trẻo nhất. Tại sao lại vậy, tôi cũng không biết. Thông thường những nhân vật phụ nữ của tôi thì ít nhân vật nào trọn vẹn”.

Sau khi con gái mất, ông tìm đọc sách kinh Phật, lặng lẽ đến ngôi chùa nơi con gái và mẹ ông. Và khi nghiên cứu đạo Phật, ông phát hiện ra nhiều vấn đề, như một phao cứu sinh để bấu víu, để nương vào. Ông kể, đạo Phật đã cho ông trong việc nhận thức về cuộc sống, về các giá trị, trong đạo Phật sự nhân đạo, nhân ái, vị tha bao trùm lên tất cả. Và khi cảm nhận được điều đó ông tìm ra nhiều phương án để giải toả được nỗi khổ đau. 

Ông bảo: “Phương án ấy luôn luôn giúp mình sống tốt hơn, sống có thiện căn hơn và nó trang bị cho mình nhận thức khi nhìn một vấn đề. Anh sẽ nhân ái, hiểu biết cuộc sống hơn, sẽ độ lượng hơn và bớt hằn học, bớt ác độc, bớt ích kỉ với cuộc sống. Khi cái độc ác, nghiệt ngã bớt đi thì nhân ái sẽ tồn tại. Bằng bản lĩnh ông đã ghìm nỗi đau đớn tưởng chừng không thể vượt qua đó để làm điều lớn lao hơn, đó là những thước phim tài liệu chân thật đầy cảm xúc về thân phận người phụ nữ. Và, thật kì lạ, sau nỗi mất mát tưởng như không gì có thể bù đắp ấy, ông lại nhìn cuộc đời đầy nhân ái, ấm áp tình người.

Ông kể, cuộc sống có rất nhiều mảnh đời nghiệt ngã và ông muốn tiếp cận, ông cũng muốn đoàn làm phim tài liệu giống như ông nhìn tất cả những nỗi khổ đau ấy bằng con mắt thật nhân ái độ lượng, Ông nói: “Tôi luôn mong muốn họ xây dựng những nhân vật có những tích thật giống như trong cuộc đời họ tiếp cận những nhân vật đời thường qua bộ phim tài liệu trước khi họ làm phim truyện. Điều đó thật ý nghĩa. Anh hãy khổ đau với mọi người, anh hãy chứng kiến những giọt nước mắt...”.

Người đạo diễn thâm trầm nhớ về bộ phim tài liệu nổi tiếng của ông “Chục ngày bình yên” nói về ông ngoại nuôi hai đứa cháu. 

Đầu tiên là người vợ của ông bỏ ông ra đi và người đàn bà đó đã để lại hai đứa con gái. Hai cô con gái lớn lên tại làng quê nghèo xơ xác, tiêu điều ấy chỉ có mỗi nghề trồng lúa, không có tiền, hai cô theo lời rủ rê lên Sài Gòn để làm trong quán bia ôm. Rồi sau hai năm cô chị mang về cho ông một cháu bé, đến năm thứ ba cô em lại đưa về một bé trai. 

Ông ngoại sống với hai đứa cháu, rồi lúa mất mùa, ông phải đi theo người làng ra sân bay ở Vĩnh Long để hằng ngày đi đào đạn, đào cat tút, đào sắt trong bong ke để kiếm sống nuôi hai đứa cháu. Khi hỏi đứa bé hai tuổi: “Con muốn gì nhất?”, thằng bé hồn nhiên đáp: “Con muốn mẹ”. Hỏi cô bé 5 tuổi: “Mẹ con có hay về thăm con không?”, cô bé lắc đầu. 

Đạo diễn hỏi tiếp: “Con có nhớ mẹ?”, cô bé dùng 2 tay vặn tóc rồi khóc và im lặng. Hình ảnh xúc động đó được lưu trong máy 20 giây. NSND Đào Bá Sơn đầy tâm đắc về những sự rung động thật sự mãnh liệt khi chứng kiến biết bao số phận, bao cảnh ngộ của cuộc đời. 

Xuất thân từ diễn viên rồi đi làm đạo diễn, bước chân ông đã đi dọc ngang khắp mọi miền của Tổ quốc từ đỉnh núi phía Bắc giáp với Trung Quốc, đến đất mũi Cà Mau, xuống biển lên rừng, mỗi nơi là một phong tục tập quán về văn hoá với những lối sinh hoạt cộng đồng đa dạng Tất cả như được lưu vào qua lăng kính xanh của một đạo diễn lão luyện say nghề.

Những dấu mốc cuộc đời nghệ sĩ

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, xuất thân lớp điện ảnh khoá hai, cùng lớp với các nghệ sĩ Phương Thanh, Thanh Quý, Minh Châu, Bùi Bài Bình, Bùi Cường… Ra trường, Đào Bá Sơn công tác tại kịch đoàn điện ảnh, rồi Nhà hát kịch TW, tham gia những vở kịch đầu tiên của Đoàn kịch Công an và Đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ. 

Đạo diễn Đào Bá Sơn chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên trong phim “Long thành cầm giả ca”.

Trước đây với dáng vẻ to cao và rất “Tây” nên ông được giao đóng những vai người nước ngoài, như Trung uý Smith trong “Chom và Sa”, hay Thiếu tá Jean trong “Tự thú trước bình minh” của cố đạo diễn Phạm Kì Nam, vai Đại uý Snaider trong “Tình không biên giới”… Đóng nhiều nhân vật nước ngoài đến độ mọi người gọi NSND Đào Bá Sơn là “ông Tây”. Không chỉ đóng vai “ông Tây”, đạo diễn Đào Bá Sơn còn vào nhiều vai diễn với những cảnh ngộ và những câu chuyện khác nhau lưu lại nhiều dấu ấn. 

Thật đáng ngạc nhiên khi ông đã tham gia một khối lượng phim khổng lồ hơn trăm vai chính, và một số những bộ phim truyện nhựa đoạt giải thưởng cao như: “Long thành cầm giả ca”, “Biệt ly trắng”…

30 tuổi ông vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Nơi đó có vợ, con và mẹ ông. Ông bảo, từ ngày đó đến nay, 35 năm ông chưa ăn cái Tết nào ở Hà Nội, nhưng ông nhớ Hà Nội với thúng xôi ngô, gánh bún ốc, những quán cóc hàng trà đá ven đường. Năm tháng trôi qua Hà Nội đã thay đổi như một lẽ tất nhiên quy luật của cuộc sống. Hà Nội thủa xưa với những ngôi nhà thấp bé rêu phong yên bình, ngõ nhỏ, phố nhỏ đêm nằm lặng nghe sông Hồng rầm rì chảy. Nơi kí ức với người mẹ tần tảo. 

Ông kể, đối với mẹ, giao thừa thiêng liêng lắm và bữa cơm cuối năm phải có đầy đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, canh măng, đĩa bóng xào, giò, chả… và quan trọng hơn cả là lễ cúng giao thừa. Khi vào Sài Gòn bà vẫn giữ thói quen đón Tết như ngày ở thủ đô. Bao giờ sáng ngày mồng 1 mẹ nấu một nồi thật to với tất cả các loại lá thơm, hoa bưởi, hoa ngâu để cho con cháu tắm. 

Sau này có nhiều lúc ông muốn ra Hà Nội để đón Tết nhưng các con đã lớn, nghĩ đến mẹ già nên không nỡ xa trong đêm giao thừa. Giờ thì chia tay vợ cũng đã lâu, ông sống cùng cậu con trai trong khu tập thể tại thành phố Hồ Chí Minh, mẹ cũng đã mất, nghĩ đến bàn thờ giao thừa ngày Tết trống trải nên ông không nỡ đi. Ông chỉ ra Hà Nội vào dịp gần Tết.

Nhắc đến mẹ, lòng ông lại dâng lên đầy cảm xúc, ông kể: “Tôi nhớ một câu chuyện trong cuốn sách đại ý, ngài An Nan lúc ấy là một ông già 80 tuổi hỏi Đức Phật: “Người ta đi đường nên đi như thế nào?”. Người ta không ai nghĩ rằng một vị uyên bác như ngài An Nan lại hỏi một người trí tuệ như Đức Phật câu hỏi đó, người ta nghĩ đó chỉ là câu hỏi của trẻ con học lớp mẫu giáo. Đức Phật nói rằng: “Đi đường nhìn phía trước mà đi”. Một câu thật là giản dị. Mãi sau này tôi mới hiểu được cái chân lý đó là hãy nhìn phía trước, đi đường đừng có luôn luôn ngoái lại phía sau. Ngoái lại phía sau thấy sự khổ đau thì bao giờ mới dứt được nó. Còn đấy là niềm vui là hạnh phúc thì rồi anh mới thoát khỏi nó bởi sự tự phụ, sự ngạo mạn ở phía sau mình những thành quả đạt được. Phải biết quên nó đi và tập trung cho phía trước. Mẹ tôi là người như thế, luôn luôn nhìn phía trước. Mẹ lạc quan lắm. Khi mẹ sắp mất, mẹ gọi tôi lại, cho tôi một pho tượng Phật Di Lặc, mãi cho đến lúc ấy tôi mới hiểu hoá ra mẹ tôi tìm được ở nơi đấy có bốn từ “từ, bi, hỷ, xả” và tôi hiểu mẹ tôi đã xả đi tất cả khổ đau và bất hạnh của bà”.

Người đạo diễn trầm ngâm nhìn vào khoảng không gian mênh mông gió, mưa vẫn lắc rắc rơi, những mầm non xanh tươi vội vã nhú mầm đem sức sống mới, ông bảo: “Bạn biết không, với mẹ, tôi là một người đặc biệt, vì trong những lần nói chuyện với dì tôi, mẹ tôi luôn luôn tự hào về con của mình, và trong mẹ luôn có một niềm tin. Ngày đó, thấy mẹ chiều tôi, chị gái tôi bảo: “Bà ơi, bà chiều Sơn quá thì nó hư hỏng”, mẹ tôi bảo: “Cảm ơn chị, nó có thể hư chứ hỏng thì không bao giờ. “Và tôi lớn lên bằng niềm tin của mẹ. Niềm tin ghê gớm lắm, mẹ mình khẳng định mình không bao giờ hỏng…”.

Nhìn người đạo diễn với những tầng tầng lớp lớp của khổ đau đã qua, cơn mưa của ánh sáng trí tuệ đạo Phật đã gột rửa tất cả, tôi hiểu sự lạc quan của mẹ ông đã thổi hồn nuôi dưỡng ông bằng niềm tin kiên định bất di bất dịch rằng người con mà bà trông chờ và hi vọng sẽ không bao giờ hỏng.

Mặc dù như ông nói: “Đời ông đầy những khổ đau, đầy những bất trắc và thậm chí rất nhiều oan trái, với bài học của đức Phật dậy, mẹ tôi và tôi sau này cũng vậy, phải từ, bi, hỉ, xả, phải nhìn phía trước mà đi cho bớt vấp ngã…”. Bất giác tôi nhìn về trước, con đường hôm nay cũng như mọi ngày nhưng lại xuất hiện tiếng chim lảnh lót và nụ đào tươi thắm, báo hiệu mùa xuân về.

Trần Mỹ Hiền
.
.