Nghệ sĩ nhân dân Đoàn Dũng: "Thác là thể phách, còn là tinh anh"

Thứ Hai, 24/09/2018, 15:00
Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đoàn Dũng, người nổi tiếng với các vai diễn trong "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Đường về quê mẹ", "Kẻ đốt đền", "Đề Thám"... đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 79 trong sự buồn đau, tiếc nuối của người thân, nhiều bạn bè, các thế hệ học trò cũng như những khán giả yêu quý ông!

Sau 3 tháng nhập viện điều trị bệnh nhiễm trùng thần kinh tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), một cây đại thụ thuộc thế hệ vàng của sân khấu - điện ảnh Việt Nam, Nghệ  sĩ nhân dân (NSND) Đoàn Dũng, người nổi tiếng với các vai diễn trong "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Đường về quê mẹ", "Kẻ đốt đền", "Đề Thám"... đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 79 trong sự buồn đau, tiếc nuối của người thân, nhiều bạn bè, các thế hệ học trò cũng như những khán giả yêu quý ông!

Những vai diễn cùng năm tháng

NSND Đoàn Dũng tên thật là Nguyễn Anh Dũng, sinh năm 1939 ở Hà Nội. Ông được nhà nước phong tặng các danh hiệu: Nghệ sĩ Ưu tú đợt một năm 1984, Nghệ sĩ Nhân dân đợt thứ tư năm 1997... Ông là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu I (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội)...

Ra trường, ông được điều về hoạt động tại Nhà hát kịch Việt Nam, sau đó trở thành Phó giám đốc nhà hát, rồi Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM từ năm 1996, đến năm 2000 thì về hưu. Tuy là được về hưu nhưng trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh và dạy học, ông vẫn tiếp tục cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời...

Nghệ sĩ nhân dân Đoàn Dũng trong phim "Dòng sông thơ ấu".

Một lần tôi được trực tiếp phỏng vấn ông, NSND Đoàn Dũng kể rằng thuở xưa, sém chút nữa thì ông thành một sĩ quan chuyên nghiệp. Năm 1958, sau khi tốt nghiệp trung học, ông thi vào Đại học Tổng hợp khoa Văn nhưng không đỗ, nên ông tình nguyện vào bộ đội pháo binh thuộc Trung đoàn 208. Hết thời gian tại ngũ, ông đứng trước hai lựa chọn: hoặc tiếp tục học sĩ quan pháo binh, hoặc thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh. Vì ông đã có máu văn nghệ, ca hát rồi diễn tuồng trong đoàn kịch Thanh niên của Thành Đoàn Hà Nội hồi trước, nên trong người luôn ước mơ theo học sân khấu điện ảnh.

Sau khi quyết định theo nghệ thuật, ông đã miệt mài ôn luyện bài vở quyết chí thi vào khóa đầu tiên của Trường Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam và đã đỗ vào học chung lớp với NSND Thế Anh, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Doãn Hoàng Giang... Và, tốt nghiệp khóa I, ông đã đỗ thủ khoa.

Để rồi trên sân khấu kịch có một NSND Đoàn Dũng với những vai diễn xuất sắc trong các vở kịch trên sân khấu như "Một đêm giông tố của Carazian", "Đêm đen", "Nhân chứng và lịch sử", "Người cha thô bạo", "Người cầm súng", "Những bông hoa anh túc", "Vụ án người đốt đền"... Và các bộ phim "Rừng O Thắm", "Tiếng gọi phía trước", "Cha và con", "Ngõ hẹp", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Tình yêu bên bờ vực thẳm", "Thủ lĩnh áo nâu", "Tây Sơn hào kiệt"...

Với NSND Đoàn Dũng, vai diễn "để đời" là phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm". Ông từng kể lại kỷ niệm về vai diễn ấy: Khi cả đoàn đang đi thì bỗng dưng trời nổi giông, có hẳn cả một "tường mây" trên nền trời. Đạo diễn Hải Ninh lệnh đoàn đứng lại để quay và yêu cầu nghệ sĩ Trà Giang diễn cảnh bế con chạy dưới bầu trời giông gió để lấy được cảnh hiếm hoi này. Nhưng hồi ấy, Trà Giang yếu lắm nên không chạy được.Vậy là Đoàn Dũng nhảy vào đóng thế. Cảnh này quay xa tít nên chỉ cần thấy có dáng người ôm con chạy trong giông tố chứ không quay cận cảnh nên đoạn phim đã thành công.

Làm nghệ thuật thời ấy còn thô sơ chứ không phải cái gì cũng tiện nghi, hiện đại như bây giờ, lại trong thời kỳ chiến tranh, nên đôi khi, diễn viên phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Không dưới vài ba lần, Đoàn Dũng đi đóng phim mà may mắn thoát chết, nhìn mảnh đạn xoẹt qua đầu mình xé rách cả thân cây ngay bên cạnh. Hồi làm phim "Biển lửa" (Đạo diễn Phạm Ky âNam), xe của đoàn diễn viên đi sau và nhìn thấy xe đi trước cách mình cỡ hơn chục mét bị ném bom cháy trụi. Cũng có những người trong đoàn làm phim gặp tai nạn vì chiến tranh khói lửa… ngẫm mà xót xa. Cũng chính vì thế, thế hệ của ông, diễn bằng chính nước mắt, bằng xương máu của thực tế chứ không phải bằng những lý thuyết suông. Hay như hồi đi làm phim "Độ dốc" của Lê Đăng Thực, có cảnh NSND Đoàn Dũng phải cởi trần lội xuống suối trong trời rét căm căm, diễn xong, chạy lên đứng trước đèn sưởi mấy nghìn wát mà hơi từ cơ thể mình bốc lên ngùn ngụt.

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ: Đoàn Dũng là một trong những người học khoá đầu tiên Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 1960-1964, dưới sự hướng dẫn của những người thầy vô cùng đáng kính là thầy Đình Quang, thầy Nguyễn Đình Nghi, thầy Ngô Y Linh. Trưởng thành từ hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh nhưng ở điện ảnh, Đoàn Dũng có phần nổi trội hơn bởi lối diễn xuất bình dị và nồng nhiệt. Nhân vật điện ảnh mà Đoàn Dũng để lại nhiều ấn tượng là "anh Núi" trong "Đường về quê mẹ" và nhân vật có tính chất danh nhân lịch sử - cụ Đề Thám.

Cuộc đời NSND Đoàn Dũng không hẳn đã suôn sẻ, cũng có lúc ông gặp khó khăn trong điều kiện chung về đời sống của người dân Hà Nội khi chiến tranh. Thời bao cấp, từng có những lúc, ông mang cả xô chậu quần áo ra giặt ở những máy nước công cộng vỉa hè. Hay có những lần ông ngồi ăn một chiếc bánh mì, chấm thêm chút đường hoặc với một chút sữa và uống loại trà rẻ mà người ta gọi là "trà cám" một cách ngon lành! Anh em đồng nghiệp rất yêu mến Đoàn Dũng vì tính tình rất bộc trực của ông. Thậm chí, NSƯT Lê Chức vẫn nói vui rằng "lòng dạ ông Dũng để cả ngoài áo sơ mi". Kể cả khi không bằng lòng với ai trong một công việc nào đó nhưng trách nhiệm và cách ứng xử của Đoàn Dũng khiến mọi người phải nể trọng".

"Đoàn Dũng say mê với nghề đến mức có lúc quên cả gia đình. Ông sẵn sàng tỏ thái độ nếu thấy đồng nghiệp khác làm nghề một cách sai trái. Lần gặp gần nhất, Đoàn Dũng còn rủ Thế Anh cùng dự Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) vào tháng 10 tới. Nào ngờ, căn bệnh quái ác tiến triển nhanh quá. Ông ra đi khi còn nhiều dự định ấp ủ" - NSND Thế Anh – một đồng nghiệp cùng thời với NSND Đoàn Dũng tiếc nuối.

Một người thầy tâm huyết

NSƯT Mỹ Uyên, một trong những thế hệ học trò của Đoàn Dũng chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi biết thầy khi đang học lớp diễn xuất quần chúng ở Nhà văn hóa quận 3, thầy Dũng được mời về dạy. Thầy nghiêm lắm, luôn đòi hỏi tiểu phẩm phải hoàn thiện và rất ít khi hài lòng. Nhưng cũng chính vì bị thầy chê quá nên đứa nào cũng phải cố gắng, phấn đấu gấp 4, gấp 5 lần chỉ mong được một lần thầy không chê, chứ chưa dám nghĩ tới được khen. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi khá lên và quen làm việc trong môi trường khắc nghiệt, luôn ý thức làm sao diễn cho hay hơn cái mình đang có. Tôi nhớ mãi lần đi dự liên hoan ở Huế. Gặp thầy, tôi mừng quá muốn chạy lại ôm thầy nhưng thầy xua tay:"Tránh xa tôi ra, tôi đang làm giám khảo, không tiếp xúc với ai hết". Lúc đầu tôi tưởng thầy đùa nhưng khi thấy thầy nghiêm túc thật thì mình không dám gần. Thầy bảo, đó là nguyên tắc của thầy. Thầy luôn là người rôm rả nói chuyện và làm không khí nóng lên trong các chuyến đi. Chỉ khi làm nghề thì thầy nghiêm khắc và khó thôi".

Nghệ sĩ nhân dân Đoàn Dũng.

Nhiều người yêu quý và quen biết với NSND Đoàn Dũng đều cho rằng, ông là người mạnh mẽ, nghĩa khí, tâm huyết, đôi khi hơi xù xì, chắc nịch. Ông quan niệm nghệ thuật là phải biết yêu và phải biết ghét, cả hai đối cực ấy đều phải đến kiệt cùng, lấy mẫu chuẩn đầu tiên là phải có tâm huyết. Từ một thanh niên thủ đô hoạt động sân khấu sôi nổi từ những năm 1957-1958 đến một trong những học viên xuất sắc đầu tiên của trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, được phong tặng NSND cho đến tận những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, NSND Đoàn Dũng đã minh chứng rõ nét quan niệm nghệ thuật nhất quán của mình qua các vai diễn phong phú, đa diện.

Các mẫu nhân vật của ông đáp ứng qua từng thời kỳ, đủ bộ công, nông, binh: Đại đội trưởng trong phim "Biển lửa", Chủ nhiệm Hợp tác xã trong phim "Bức tường không xây", công nhân lái máy kéo trong phim "Độ đốc"; đủ loại thân phận, số kiếp: người cha dằn vặt trong phim "Cha và con gái", gã họa sĩ lấy tiền của vợ cả nuôi vợ bé trong phim "Đứa con kẻ tử thù", tên trùm "Sex tour" trong phim "Chuyện tình thời Sida"...

Điểm đặc sắc của Đoàn Dũng là niềm đam mê được sống, được hóa thân vào nhiều cuộc đời khác nhau với tư cách một nghệ sĩ điện ảnh. Ý thức trách nhiệm cao đẩy ông tới sự rèn luyện không ngừng từ trong tới ngoài con người diễn viên của mình để phấn đấu sao cho "một phân vuông trên cơ thể người nghệ sĩ cũng là sáng tạo".

Tất cả điều đó khiến cho các nhân vật của ông đều chứng tỏ một điều, ông là một diễn viên có bản lĩnh nghề nghiệp, có cá tính diễn sắc sảo, có hồn và thăng hoa. Năng lực phân thân của ông đã tạo được những nhân vật đậm nét ở cả hai đối cực tính cách: tên tay sai ác ôn Vệ trong phim "Vĩ tuyến mười bảy ngày và đêm" và người anh hùng nông dân Yên Thế - Hoàng Hoa Thám trong phim "Thủ lĩnh áo nâu"...

NSND Đoàn Dũng đã có những chia sẻ chân tình về nghề diễn, về sân khấu và cả những thay đổi của mình từ Nam vào Bắc. Hồi ông đang làm Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam cùng tiếng tăm nổi như cồn, thì  ông lại khăn gói đưa vợ con vào TP.HCM sinh sống và lập nghiệp. Nhiều người ngạc nhiên về sự chuyển dịch này. Vì khi quyết chí ra đi, có nghĩa là ông bỏ hết tất cả công danh, địa vị, nhà cửa, để đến một nơi bắt đầu từ số không mà đi lên. Nói là không có lý do là không đúng, thậm chí có hàng chục lý do. Nhưng, ông khẳng định, một phần lớn là vì tính ông là người ưa chuyển dịch, thích khám phá một vùng đất mới. Nửa đời trên đất Bắc, ông muốn nửa đời còn lại sẽ sống ở miền Nam để có cái mà nhớ, mà hoài niệm.

Vào TP HCM, việc đầu tiên là ông đã phải khai phá một mảnh đất còn hoang sơ, gánh vác một nhiệm vụ nặng nề trên vai mà nếu không vì yêu nghề thì chẳng ai dốc tâm để làm. Đó chính là công việc đào tạo thế hệ diễn viên kế cận. Ông làm giảng viên từ năm 1988 đến năm 1995, khi Trường Sân khấu 2 và Điện ảnh được sáp nhập làm một thành Trường Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM thì ông mới nắm giữ chức hiệu trưởng, từ năm 1996 (đến 2000 thì về hưu). Điều khiến ông ấm lòng là rất nhiều thế hệ học trò của ông nay đã thành danh, họ đã là những nghệ sĩ ngôi sao trong làng giải trí Việt như Lý Hùng, Ngọc Hiệp, Quyền Linh, Thanh Mai, Thiệu Ánh Dương...

NSND Đoàn Dũng từng chia sẻ: "Nghĩ đi nghĩ lại tôi vẫn thấy rằng, bởi vì nghiệp diễn đã ngấm vào máu nên làm nghề dạy học được truyền đạt cho học trò những gì cả đời mình đã tích lũy được, thì đó cũng là việc đáng làm nhất. Nhìn các thế hệ học trò giờ đã là các nghệ sĩ trẻ thành đạt, thậm chí nổi danh hơn thầy, vì các em có một thời cơ thuận lợi để phát triển nghề nghiệp, thì có nghĩa là sự ra đi của mình, niềm tâm huyết của mình đã được đặt đúng chỗ. Tôi vẫn thường nói với các thế hệ học trò của tôi rằng: Nghệ thuật mãi mãi là thánh đường. Để hội nhập với thế giới thì sân khấu cũng như điện ảnh phải trên đường chấn hưng và phát triển. Trình độ khán giả hôm nay ngày càng cao chỉ chấp nhận những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ về nội dung tư tưởng và nghệ thuật".

Thời gian sinh sống ở TP HCM, NSND Đoàn Dũng nói rằng chưa bao giờ nguôi quên Hà Nội trong trái tim mình. Mấy chục năm rời xa Hà Nội, nhưng chưa một ngày ông quên Hà Nội bởi điều gì gắn với tuổi thơ thì luôn còn mãi. Giờ đây thì ông đã có thể phiêu du trên mọi vùng đất với sự hóa thân vào đất trời.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.