Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải: Bồi hồi ký ức những lần được chụp ảnh Bác Hồ

Thứ Ba, 12/05/2020, 21:30
Là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên của Báo Nhân dân, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trịnh Hải đã có may mắn được chụp ảnh Bác Hồ trong những dịp Bác tiếp khách trong nước, quốc tế và cho đến nay đó đều là những tư liệu quý giá được lưu giữ tại một số bảo tàng.

Trong tâm thức của người nghệ sĩ ở tuổi xấp xỉ 90 hôm nay không chỉ là những kỷ niệm trong những lần chụp ảnh Bác mà còn là những bài học từ một nhân cách vĩ đại.

Sung sức với nghề

Năm 2016, khi NSNA Trịnh Hải ra cuốn sách ảnh “Trịnh Hải - những góc nhìn” (Nhà xuất bản Thế giới), nhà văn hóa Hữu Ngọc đã đánh giá: “Cuốn sách có khả năng tồn tại với thời gian vì có 2 đặc điểm: Tính chân thật lịch sử và tính tư duy của một số ảnh. Trịnh Hải đã trở thành nhân chứng của lịch sử với những bức ảnh có thể là tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ thời chống Mỹ đến nay”.

Ảnh “Bác về thăm quê” nổi tiếng của nghệ sĩ Trịnh Hải.

Còn cố nhà báo Hữu Thọ thì nhận xét khá tỉ mỉ: “Những bức ảnh Bác Hồ với thanh niên, Bác Hồ chủ động ngồi bệt xuống sân để đông đảo cán bộ phụ nữ tham gia công tác chính quyền được chụp ảnh chung trước phòng họp, bức ảnh rừng đuốc trong đêm thanh niên Thủ đô vũ trang tuần hành mở đầu phong trào “3 sẵn sàng” hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và bức ảnh ghi lại lời nhắn “gửi nhà” cho dân phòng trước khi máy bay B-52 hủy diệt phố Khâm Thiên trong 12 ngày đêm cuối năm 1972... đã gợi cho tôi những hình ảnh về cuộc sống thời chiến đấu gian khổ và tình thương yêu nhau. Rồi những ảnh chân dung của anh đã gợi cho tôi những người thầy, người đồng nghiệp ở Báo Nhân dân cũng như trong làng báo và những nhà trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi người một sắc thái”.

Hôm nay, ngồi đối diện với người nghệ sĩ già và được chiêm ngưỡng thật thấu đáo những bức ảnh ấy, mới thấy đó là kết tinh của sự nhạy bén của bộ óc, mắt và tai, của ý thức và tiềm thức của vốn sống, trình độ văn hóa và kỹ thuật. Có thể nói đây là sản phẩm trí tuệ được lao động bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu của một nhà báo, một nghệ sĩ chân chính.

Quả thật đúng vậy, trong một lần đi tác nghiệp ở khu công nghiệp Cao-Xà-Lá (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khi loay hoay tìm chỗ đứng cao để lấy cảnh rộng, ông đã bị ngã gãy cả hai xương tay mà lại là tay phải. Khi ấy, phương tiện chữa trị còn thô sơ cho nên ông đã rất vất vả chịu đựng đau đớn mổ ghép xương 3 lần trong một năm, phải mang dị tật suốt đời. Có thời gian ông phải tập viết bằng tay trái. Người lạc quan nhất khi ấy cũng nghĩ rằng, ông có lẽ sẽ phải bỏ nghề. Nhưng, rồi điều diệu kỳ đã đến, nhờ quá trình luyện tập, ông tiếp tục làm nghề cho đến hôm nay.

Hiện nay, dù tuổi đã cao, lại có dị tật ở tay phải nhưng khi được hỏi về nghề ảnh, ông vẫn quả quyết: “Nghề này đã ngấm vào máu thịt rồi nên không dễ dàng từ bỏ được, trừ khi không đi được, không bước được mới thôi”.

Bác Hồ phát kẹo cho con em những người làm Báo Nhân Dân tại trụ sở 71 Hàng Trống (nghệ sĩ Trịnh Hải đeo cà-vạt đứng cạnh Bác). Ảnh: Nguyễn Kim Côn.

Bằng chứng là hiện nay ông cùng các thành viên của Câu lạc bộ nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội vẫn thường xuyên có những đợt sáng tác ở Hà Nội và một số địa phương khác. Năm 2019, ông vẫn đi sáng tác ở nơi sản xuất đông trùng hạ thảo trên đỉnh Tam Đảo rồi làng chài Hải Hòa, Lạch Bạng ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).

Thế nhưng, điều kiện địa hình, thời tiết không cản được sự say mê trong ông. Bởi ông quan niệm: “Có được những tác phẩm ưng ý là sướng lắm, chẳng khác những lần trong chiến tranh ác liệt vẫn không quản ngại vào tuyến lửa tác nghiệp”.

Xúc động những lần được gần Bác

Đối với mỗi người Việt Nam, được gặp Bác Hồ đã là một may mắn lớn trong cuộc đời. Vậy nhưng Trịnh Hải không những được tiếp cận mà còn được đi theo chụp ảnh Bác thì quả là một vinh dự không hề nhỏ. Tuy nhiên, đây là công việc không hề đơn giản đòi hỏi mỗi tấm ảnh chụp phải toát lên được phong thái, tầm vóc của vị lãnh tụ dân tộc. Cũng chính những lần được gần Bác, ông lại càng cảm nhận sâu sắc hơn về con người, tính cách, lối sống, cả những bài học mà Người dạy dỗ, chỉ bảo và ông luôn ghi nhớ suốt gần 90 năm cuộc đời, 70 năm làm nghề ảnh chuyên nghiệp của mình.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải.

NSNA Trịnh Hải kể, một lần đang công tác ở Vinh, ông được đi theo Bác thăm quê nhà Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) và đã chụp được bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ về thăm quê”. Đây là thời điểm cuối năm 1961, là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong đời Người được về nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Từ căn nhà tuổi ấu thơ ở làng Sen (Kim Liên), khi Bác bước sang nhà bên thì dân làng kéo đến rất đông. Và đó chính là cơ hội lớn đối với một nhà báo, một NSNA được chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc đó.

Cũng trong dịp Bác về Nghệ An, Tỉnh ủy tổ chức một cuộc họp mặt để các vị lão thành cách mạng được gặp Bác. Trịnh Hải cầm máy ảnh đứng trên bục sau lưng Bác nên quan sát hết toàn bộ hội trường lúc đó đã chật kín. Bỗng Bác hướng về phía một cán bộ trẻ ngồi hàng ghế đầu nói: “Chú có thấy cụ già đứng thập thò mãi ở cửa không? Chú còn trẻ phải ra xin lỗi rồi mời cụ ấy vào”.

Thế là những cán bộ còn trẻ có lẽ là cán bộ cấp tỉnh ngồi hai hàng ghế đầu lặng lẽ đi ra ngoài để các cụ được mời lên ghế trên ngồi. Bác giáo dục giới trẻ thật là đơn giản và sâu sắc về đạo lý tôn trọng người cao tuổi. Bác nói chuyện và làm thỏa mãn một số ý kiến thắc mắc của các cụ đến cả tiếng đồng hồ mới kết thúc.

Nhìn những bức ảnh mà NSNA Trịnh Hải chụp Bác trong một thần thái xuất thần, toát lên một vị lãnh tụ thiên tài nhưng lại rất đỗi bình dị, tôi đã mạnh dạn hỏi ông: “Bác Hồ có khi nào khen những bức hình này?”.

Bác chủ động ngồi xuống sân để các đại biểu dự Hội nghị phụ nữ toàn miền Bắc tham gia công tác chính quyền (1960) đều có mặt trong ảnh chụp chung với Bác. Ảnh: Trịnh Hải.

NSNA Trịnh Hải đáp: “Bác vốn dĩ là người suy nghĩ rất thấu đáo, Bác không bao giờ khen như thế. Như hồi tôi còn công tác, nếu có ý kiến về ảnh đăng báo thì Bác thường trao đổi với tổng biên tập. Ngày ấy Báo Nhân dân mới từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội được in bằng máy in Trung Quốc, với lợi thế tự gấp, tự xén nhưng lại có nhược điểm là chỉ in rõ chữ thôi còn ảnh thì rất tồi. Một lần, khi tôi đang làm việc ở Phòng Bí thư (nay là Ban Thư ký biên tập) thấy Bác gửi trả lại Tổng Biên tập Hoàng Tùng một tờ Báo Nhân dân có bức ảnh không nhìn thấy gì, chỉ có một màu tối đen. Bác dùng bút bi đánh dấu hỏi bên rìa ảnh kèm câu: “Cái zì đây?” (Bình thường, Bác hay viết chữ z thay cho d, gi; f thay cho ph).

Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác rất quan tâm đến những người làm Báo Nhân dân. Bác thường gửi quà cho những người làm báo Đảng. Có lần Bác gửi thuốc lá thơm. Có năm Bác gửi cho xoài, rồi có năm lại gửi nước mắm Nghệ.

Về sau, Bác bảo đồng chí Tổng Biên tập Hoàng Tùng giữ lại nhuận bút bài báo “Nói mà nghe” để cuối năm âm lịch, Bác góp thêm tiền vào liên hoan tất niên. Là người chụp ảnh Bác nhưng NSNA Trịnh Hải cũng đã có vinh dự được có mặt chung trong tấm hình duy nhất với Bác. Đó là bức ảnh của ông Nguyễn Kim Côn (phóng viên ở Phủ Chủ tịch) chụp Bác đến thăm Báo Nhân dân ngày 18/1/1957.

Đó là khoảnh khắc Bác phát kẹo cho con cán bộ Báo Nhân dân vẫn theo bố mẹ đến cơ quan, còn Trịnh Hải đứng cạnh Bác, hôm ấy ông thắt cà-vạt vì đó cũng đúng dịp nhà có đám cưới. Bức ảnh quý này hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và NSNA Trịnh Hải cũng đã đến tận nơi nhờ phóng từ phim gốc để treo trong phòng làm việc bé nhỏ của mình.

Trong căn phòng ấm áp tại tư gia ở phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), NSNA Trịnh Hải say sưa về những lần chụp Bác và những câu chuyện đằng sau những bức hình.

Có thể nói cuộc đời cầm máy đã giành được không ít giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế về nhiều mảng đề tài khác nhau nhưng được chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời của người nghệ sĩ gốc quê lụa Trịnh Hải. Chính trong khoảng thời gian được gần gũi Người, ông đã học được nhiều đức tính quý báu của Bác để rồi ông luôn nhắc nhở bản thân phải luôn cố gắng rèn giũa, kiên trì và bền bỉ với công việc.

Ngô Khiêm
.
.