Nghệ thuật nude: Hậu trường vinh – nhục

Thứ Tư, 30/05/2018, 18:58
Nhiều cạm bẫy, thị phi mà cả nghệ sĩ và người mẫu nude phải đối mặt. Giữa lằn ranh ấy, mỗi người có một nguyên tắc riêng để ứng phó.

Sự việc người mẫu nude Kim Phượng và Huyền Phương tố họa sĩ body painting (vẽ trên cơ thể người) Ngô Lực hiếp dâm và sàm sỡ khiến giới nghệ thuật nude nổi sóng. Vụ việc này khiến công chúng hiểu hơn về hậu trường của mỗi bức ảnh khỏa thân tuyệt đẹp.

Nhiều cạm bẫy, thị phi mà cả nghệ sĩ và người mẫu phải đối mặt. Giữa lằn ranh ấy, mỗi người có một nguyên tắc riêng để ứng phó.

Nước mắt và thị phi của “nghề cho thuê đường cong”

Hiện nay, mức catse của người mẫu khỏa thân khoảng 800 nghìn đồng cho một buổi làm việc. Với người mẫu chuyên nghiệp, có nhan sắc và có tiếng thì số tiền có thể lên tới 2 triệu đồng. Cá biệt, có mẫu thu nhập cả ngàn đô. Ai cũng nghĩ làm nghề này đơn giản, lương cao. Chỉ cần chịu cởi là xong. Tuy nhiên, có đi tường tận vào hậu trường mới biết những góc khuất cay đắng lẫn giọt mồ hôi của loại hình nghệ thuật khắt khe nhất trong nhiếp ảnh.

Ngoài cạm bẫy trong nghề, những người mẫu nude như Kim Phượng còn vấp phải định kiến khắc nghiệt của xã hội.

Người mẫu Lại Thanh Hương chia sẻ, để có được những đường cong tuyệt mỹ, như ảo như thực trong bộ sách ảnh “Tạo tác” của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên, cô phải tạo nhiều tư thế khó theo góc ánh sáng, bố cục mà anh yêu cầu. Sau mỗi lần làm mẫu, thân thể cô đau nhức rã rời không dậy nổi nhiều ngày liền.

Người mẫu Hani Nguyễn thì cho biết, làm mẫu body painting thì phải giữ nguyên tư thế hàng tiếng đồng hồ để họa sĩ vẽ. Rồi phải mất thêm thời gian chờ màu vẽ khô. Trước khi vẽ và thực hiện chụp ảnh, cô phải nhịn uống nước để hạn chế đi vệ sinh nhằm tránh lem dính, trôi màu hoặc làm gián đoạn buổi chụp. Một số cô gái làm mẫu nude chuyên nghiệp phải uống thuốc làm chậm kỳ kinh để nhận nhiều show hơn vì khi chụp, họ không được phép dùng bất cứ thứ gì che chắn trên người.

Nổi tiếng với nhiều bộ ảnh khỏa thân như “Xuân thì”, “Miền cổ tích”..., nhiếp ảnh gia Thái Phiên kể rằng có cô mẫu phải chạy đi chạy lại mỏi nhừ cả chân để giúp ông chụp cảnh hoàng hôn trên biển. Lần khác, vừa xong kiểu ảnh nằm trên cây gỗ mục cho tác phẩm “Rừng mơ”, cô người mẫu suýt ngất khi phát hiện con bò cạp ngay dưới chân.

Có cô ngâm mình trong vũng nước đọng hàng giờ liền cho nghệ sĩ chụp. Đến khi lên bờ thì cả người đỏ lựng vì dị ứng. Có cô bị chồng sắp cưới hủy hôn, thu hồi thiệp cưới vì phát hiện ảnh khỏa thân trong album kỷ niệm thời thiếu nữ.

Ngoài sự gian khổ của nghề, các cô còn phải đối mặt với những mối đe dọa đến từ nghệ sĩ. Số nghệ sĩ rởm, mượn danh nghệ thuật để làm chuyện đồi bại không phải là ít. Chuyện bị sàm sỡ, lạm dụng tình dục, gạ tình thậm chí bị cưỡng hiếp như người mẫu Kim Phượng là thử thách các cô phải đối mặt.

Một người mẫu giấu tên cho biết: “Khi nhận lời chụp ảnh, tụi em thường không có hợp đồng rõ ràng với nghệ sĩ về bản quyền hình ảnh. Nên có bạn bị người ta lấy hình tung lên web đen. Có bạn thì bị người ta tống tình, dọa đem hình cho gia đình, người thân xem”.

Để tự bảo vệ bản thân, nhiều người mẫu chủ động nói không với chụp ảnh nude mà chỉ có một nam một nữ, từ chối chụp trong khách sạn.

Trước khi thực hiện ảnh nude, các cô chủ động tìm hiểu thông tin về nhiếp ảnh gia cũng như giao kèo hợp đồng rõ ràng. Đồng thời, một số nguyên tắc nghề nghiệp được các mẫu truyền tai nhau như: phải có bản lĩnh vững vàng để từ chối trước mọi cám dỗ, không nên có thái độ quá thân thiện hoặc đưa đẩy khi làm việc với nghệ sĩ, không nên tạo những tư thế nhạy cảm, khiêu khích... Người mẫu Lại Thanh Hương quả quyết: “Chụp gì thì chụp, tôi vẫn có giới hạn của mình chứ không phô ra hết mọi thứ”.

Nhưng điều đáng sợ và đáng buồn nhất đối với những cô gái đi theo nghiệp mẫu nude chính là con mắt khinh rẻ, dị nghị của người đời. Nhiều cô không chỉ đối diện với chuyện tình duyên đổ vỡ mà ngay cả người thân như cha mẹ cũng đòi từ mặt nếu biết chuyện. Thế nên, người ta vẫn gọi nghề mẫu nude là “nghề bí mật”, “nghề nhạy cảm” bởi hiếm người mẫu đủ can đảm công khai danh tính.

Không ít người suy nghĩ rằng những cô gái làm nghề này thường là loại con gái đẹp nhưng dễ dãi, ham tiền và ít hiểu biết mới không ngại cởi đồ trước mặt người khác hoặc để người khác giới vẽ lên cơ thể mình. Đồng  thời, họ cũng “vơ đũa cả nắm” rằng những người đàn ông dấn thân vào loại hình này cũng không đàng hoàng gì vì khác nào “mỡ để miệng mèo”.

Nếu tiếp xúc với những cô mẫu của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định hoặc Thái Phiên, họ sẽ bất ngờ vì đa phần trong số đó là những người phụ nữ có học thức, am hiểu nghệ thuật, yêu cái đẹp. Họ yêu vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban cho. Do đó, đa phần các người mẫu đến với Dương Quốc Định và Thái Phiên đều là tự nguyện chứ không có sự mời mọc. Và không phải chỉ những ai có cơ thể đẹp mới chụp nude.

Trong đời cầm máy, Thái Phiên đã chụp cho rất nhiều phụ nữ luống tuổi hoặc cơ thể có nhiều khiếm khuyết. Và khi chụp, ông chọn góc, ánh sáng hoặc thêm đạo cụ, trang phục để che khuyết điểm.

Nhiếp ảnh gia Thái Phiên hướng dẫn người mẫu tạo dáng.

Ông Đặng Quốc Việt, giảng viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, cũng là người chuyên chụp ảnh nude cho phụ nữ trung niên, lớn tuổi. Theo ông, mỗi độ tuổi, người phụ nữ có một nét đẹp riêng mà mẹ thiên nhiên đã nhào nặn.

Số người mẫu dễ dãi, muốn khoe “hàng” để nổi tiếng, kiếm đại gia đương nhiên không phải ít. Nhưng, những bức ảnh của họ đều thuộc kiểu khiêu dâm, dung tục chứ không phải là nghệ thuật nude. Xem những bộ “khỏa thân vì môi trường” của Ngọc Quyên, “nude để thiền” của Thái Nhã Vân, “cô gái và cụ già bên lò gạch” của 2 hotgirl..., người ta chỉ thấy sự uốn éo tởm lợm, khó chịu, khác hẳn với những bức nghệ thuật nude thanh thoát, gợi nhiều ý niệm, nghĩ suy về cái đẹp.

Theo giảng viên Đặng Quốc Việt, sự hoen ố ở đây phần nhiều xuất phát từ ý thức người thể hiện, họ không hiểu gì về nude art mà cứ nghĩ “cởi đồ ra là nude”. Một tác phẩm nghệ thuật phải được nuôi dưỡng từ trong ý thức, tác giả mới đem ra và người mẫu được chọn lựa để đặt vào nhân vật có sẵn trong đầu tác giả. “Ranh giới giữa phản cảm và gợi cảm không hề mong manh. Nó rõ ràng với những người am hiểu nghệ thuật.

Cho nên không thể vì một vài lùm xùm chuyện hậu trường, sự thiếu hụt ý thức của những “con sâu” mà công chúng có cái nhìn lệch lạc, định kiến về loại hình nghệ thuật chân chính này. Nghệ thuật nude không xấu, chỉ là người ta lợi dụng nó để làm điều xấu. Những người mẫu nude không có gì phải hổ thẹn khi họ hết lòng cống hiến cho nghệ thuật. Họ đáng được trân trọng” - ông khẳng định.

Cây ngay đâu sợ chết đứng

Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định nổi tiếng với các bức ảnh nude và body painting mê hoặc. Tác phẩm của ông gặt hái vô số giải thưởng quốc tế. Sự minh bạch, cái tâm trong sáng và thái độ làm nghề nghiêm túc là yếu tố làm nên những tác phẩm tuyệt đẹp ấy. Người mẫu và nghệ sĩ tôn trọng nhau, thấu hiểu nhau sẽ giúp nghệ thuật thăng hoa.

Sự minh bạch, tôn trọng nhau và thái độ làm việc nghiêm túc là những nguyên tắc làm nên những bức ảnh nude, body painting tuyệt đẹp của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định.

Người ta thường cho rằng ở nghề này, hễ có cô người mẫu nào tự tìm đến là nghệ sĩ như bắt được vàng. Thế nhưng, với nhiếp ảnh gia như Dương Quốc Định, ông nổi tiếng khó tính để chọn lựa người ưng ý. Theo ông, ngoài ngoại hình, người mẫu còn phải có kiến thức, am hiểu về nghệ thuật nude. Cuộc “sát hạch” tuyển mẫu của Dương Quốc Định nhiều khi kéo dài cả năm trời. Ông làm bạn với họ, tìm hiểu nhân thân, con người, tính cách và sự hiểu biết của họ rồi mới quyết định có cho họ làm mẫu không.

“Tôi muốn biết mục đích của các cô khi tìm đến mình, các cô chụp ảnh vì mục đích gì, các cô có hiểu về công việc tôi đang làm? Dù chụp vì nhu cầu riêng của cô ấy nhưng tôi vẫn không thay đổi cách làm việc. Những cô không đạt tiêu chuẩn thường là những cô không có nhận thức về nude art, chụp hình cốt để khoe thân, câu like. Tai hại hơn, có cô còn nghĩ càng xấu càng bậy, càng khoe nhiều thì càng nổi tiếng. Người như thế, có cho tôi tiền nhiều cỡ nào, tôi cũng không chụp” - ông cho hay.

Vì khó tính nên 20 năm làm nghề, số người mẫu của Dương Quốc Định chỉ vỏn vẹn 10 cô. Cô thứ 11, ông tìm đỏ mắt vẫn chưa ra.

Ngoài hợp đồng ràng buộc rõ ràng, điều quan trọng nhất giúp Dương Quốc Định tránh được lùm xùm và nghi kỵ không hay với người mẫu chính là việc mỗi lần chụp ảnh, ông đều có ê-kíp hỗ trợ. Đó là người lo ánh sáng, đạo cụ, là học trò và người thân của ông. Nếu chụp ngoài trời, để an toàn, ông sẽ chọn nơi kín đáo nhưng vẫn có học trò phụ giúp. Khi mẫu đã hiểu về nghệ thuật nude, hiểu về việc họ làm, họ sẽ an nhiên tự tại và không xấu hổ khi trút bỏ xiêm y trước mặt nhiều người vì họ biết mình và mọi người đang toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật.

Dương Quốc Định khuyến khích người mẫu trò chuyện với những người đang có mặt để hiểu nhau hơn và tạo cảm giác thân thiện, an toàn cho mẫu. Do cách làm việc như vậy nên nhiều người mẫu coi học trò và các thành viên trong gia đình ông như bạn bè, người thân.

Ông cho hay: “Người mẫu của tôi luôn yêu cầu phải rõ mặt. Chuyện thấy mặt khi làm mẫu nude nhiều người cho là nhạy cảm nhưng sự nhạy cảm sẽ được phá vỡ khi bản thân người đó nhìn nhận một cách đúng đắn và không ngại ngùng công khai mặt của mình khi tác phẩm được công bố. Những bức ảnh của họ luôn thể hiện được thần thái thoát tục. Tâm lý và nhận thức của người mẫu và nhiếp ảnh gia ra sao thì họ sẽ cho ra tác phẩm như vậy”. 

Cũng như Dương Quốc Định, Đặng Quốc Việt thực hiện các bộ ảnh nude với một ê-kíp hùng hậu ở studio. “Tôi không bao giờ sáng tác ở khách sạn vì không gian không phù hợp với nghệ thuật, nó dễ gợi tới ý nghĩ dung tục. Thử nghĩ xem, đưa một người con gái vào khách sạn và nếu chỉ có một nam một nữ làm việc thì có gì đó không ổn, không nghiêm túc. Rõ ràng anh còn e ngại, xấu hổ với việc anh làm. Khác gì anh đang tự thú nhận mình chụp ảnh nude là công việc mờ ám, phải lén lút” - ông nói.

Nhiếp ảnh gia Thái Phiên thì đề ra nguyên tắc giữ khoảng cách với mẫu. Nếu cần sửa dáng, bố cục, ông truyền đạt bằng lời nói hoặc thị phạm ở khoảng cách xa, hạn chế đụng chạm vào mẫu. Nếu không bố trí được người thứ ba đi cùng chuyến tác nghiệp thì Thái Phiên cố gắng tập trung cao độ, tĩnh tâm như Đường Tăng để bắt mọi khoảnh khắc đẹp khi một mình đối diện mẫu. 

Dương Quốc Định thừa nhận mình và các nhiếp ảnh gia khác đều có ít nhiều rung động trước mẫu vì ai cũng là đàn ông. Nhưng rung động của người làm nghệ thuật hoàn toàn khác kẻ phàm phu tục tử. Đó là rung động của một người yêu cái đẹp nhìn ngắm bông hoa ven đường. “Yêu hoa, nâng niu hoa nhưng tôi không hề có ý định chiếm hữu nó cho riêng mình. Vì tôi biết nếu ngắt đóa hoa cho riêng mình, hoa sẽ héo. Chưa kể nó mang đến điều tiếng không tốt cho mình nên tôi chỉ đứng từ xa mà ngưỡng vọng và dùng nghệ thuật tôn vinh nét đẹp đó” - Dương Quốc Định tâm sự.

Mai Quỳnh Nga
.
.