Nghĩa tình bên sông, gắn kết cộng đồng

Chủ Nhật, 10/01/2021, 11:34
Trong gian khó, hoạn nạn, họ sát cánh bên nhau “chung lưng đấu cật”, coi nhau như anh em trong nhà để tương trợ, đỡ đần nhau vượt qua nguy nan. Lúc có việc hỷ, đại sự họ lại không quên mời nhau đến chung vui, gặp gỡ cho trọn vẹn ân tình. Nghĩa tình huynh đệ gắn bó keo sơn, máu thịt ấy còn gọi tục kết chạ (kết nghĩa) giữa hai làng bằng những khế ước, quy ước và lời thề sắt son được duy trì hàng trăm năm qua.


Tình huynh đệ - nghĩa thâm giao

Kinh Bắc - Bắc Giang từ lâu đã được biết đến với vai trò là một vùng phên giậu quan trọng bậc nhất của kinh đô Thăng Long - Hà Nội, một vùng non nước tráng lệ chứa đựng biết bao giá trị văn hóa vật chất và tinh thần độc đáo. Khu vực giáp sông Cầu đều là những vùng đất cổ có truyền thống đậm đặc, cộng đồng cố kết chặt chẽ. 

Với một đất nước thường xuyên có giặc ngoại xâm, con người đã hình thành những cách ứng xử kịp thời với cái đẹp do chính họ tạo ra. Truyền thống ấy cắt nghĩa nguồn cội sức mạnh nào làm cho các thế hệ người xứ Bắc sống chân thật, giản dị, chuộng nghĩa, yêu nước thương nòi, vừa rất tài hoa, nghệ sĩ, lại đằm thắm tình đời, sống lạc quan trong lao động sản xuất, sáng tạo, hướng thiện, vừa sẵn sàng hiên ngang đối mặt với mọi hiểm nguy và các thế lực xâm lược, đứng lên cầm vũ khí chiến đấu vì đại nghĩa dân tộc...

Người làng Kim Thượng đi đón “dân anh” Trâu Lỗ.

Kết chạ (kết nghĩa) giữa các làng, xã với nhau không nằm ngoài những ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn ấy. Mối tình kết nghĩa giữa làng Hương Câu và làng Phúc Linh, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa là một minh chứng tiêu biểu cho điều tốt đẹp đó. Thời gian trôi qua, cho dù "vật đổi sao dời" nhưng hai làng Hương - Phúc vẫn khắc sâu lời thề ước cũ của lớp lớp thế hệ tiền nhân - “Tình huynh đệ, nghĩa thâm giao/ Dưới dày có đất, trên cao có giời”. Đó là một mối tình thiêng liêng, trong sáng lâu đời. Điểm đặc biệt của mối tình ấy là dân hai làng coi nhau như anh em ruột, vì thế trai gái hai làng không được phép lấy nhau, lịch sử cũng chưa ghi nhận những trường hợp phá lệ để đi quá giới hạn của những điều thề ước năm xưa do các cụ hai bên đã vun đắp.

Dẫn tôi đi quanh làng, trưởng thôn Phúc Linh, Tạ Đăng Thùy kể: Không ai nhớ nguồn cơn cũng như việc kết chạ giữa Hương Câu - Phúc Linh có từ thuở nào. Chỉ biết rằng các cụ xưa đã có giao ước rất rõ ràng và con cháu hôm nay cứ thế thực hiện theo. Ông Thùy nêu ra những dẫn chứng cụ thể về những hành động đẹp của “những người anh em” trong quá khứ và hiện nay. 

Hiện hai làng Hương - Phúc đang sử dụng bản quy ước chung lập năm 1988 có tên "Mối tình Hương Phúc",  gồm 5 điều bắt buộc: Tình cảm hai làng luôn phải tuân theo sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền; Dân hai làng phải khiêm nhường, tôn kính lẫn nhau; Thương yêu, đùm bọc lẫn nhau không kể người già hay trẻ nhỏ; Thường xuyên quan tâm đến nhau về mặt tinh thần, thăm hỏi, chia sẻ lẫn nhau những lúc khó khăn hoạn nạn; Nếu muốn thay đổi hương ước chung cần phải có sự đồng thuận của cả hai bên.

Điều đặc biệt nữa là dân hai làng đều gọi nhau là anh chị và xưng em, dù tuổi tác có chênh nhau thế nào thì vẫn không thay đổi. Ví như một cụ già ở làng Hương Câu khi gặp một em bé ở làng Phúc Linh thì vẫn gọi em bé đó là anh và xưng em; ngược lại dân Phúc Linh cũng đáp nghĩa, đối đáp với dân Hương Câu tương tự. Còn khi được hỏi về chuyện trai giái hai làng không được lấy nhau, một cụ cao tuổi ở thôn Phúc Linh bảo: Xưa nay hai làng chưa có ai vi phạm, duy có một trường hợp xảy ra đã lâu, người con trai làng Hương Câu đi làm ăn xa quen và yêu một cô gái sống ở xã Bắc Lý nhưng gốc ở làng Phúc Linh, sau đó dân hai làng đã biết và can thiệp, đôi trẻ đã hiểu ra và sau đó nhận nhau như anh em với tình cảm trong sáng. 

Các cụ và chính đôi bạn trẻ cũng sợ những mối quan hệ riêng làm ảnh hưởng đến truyền thống sâu nặng giữa hai làng. Thi thoảng có nhóm thanh niên ở hai làng không biết nhau đã gây sự với nhau nhưng khi biết là người làng kết chạ thì lại “đổi giận làm lành, bắt tay, xin lỗi nhau. Trường hợp quá căng, không tự giải quyết được thì cán bộ thôn, người già trong làng phải đích thân sang làng chạ anh xin lỗi.

Hương Câu - Phúc Linh đã giao ước mỗi năm các bô lão và người đương chức gặp nhau một lần, ngoài ra mỗi khi làng nào có công việc lớn đều mời nhau đến dự. Ông Thùy nêu ra những dẫn chứng cụ thể về những hành động đẹp của nhau trong quá khứ. Cụ thể như gần đây nhất là năm 2015, làng Phúc Linh tu bổ chùa với sự góp sức đắc lực của dân làng Hương Câu.

“Tháng 9 năm đó, làng tôi cất nóc dựng chùa, từ sáng sớm “dân anh” làng Hương Câu huy động hơn 500 người đủ cả già trẻ gái trai cộng thêm 200 triệu đồng xuống hỗ trợ chúng tôi lợp ngói chùa. Chỉ ngót 2 tiếng đồng hồ, gần 5 vạn ngói được lợp xong, mọi người nhất quyết không chịu ở lại xơi cơm cho dù dân chúng tôi có níu kéo thế nào, chúng tôi xúc động, cảm kích lắm”. Như vậy, một lần nữa mối tình tri kỷ nghìn năm ấy lại được tôi luyện trong thử thách và càng thêm sắt son.

Trong trận lũ năm 1977, khi nước vừa rút khỏi cánh đồng Vao của làng Phúc Linh thì từ 4 giờ sáng “dân anh” Hương Câu huy động hàng chục con trâu, bò, các ông thì đi bừa, các bà cấy theo sau, chỉ một ngày đã cấy phủ kín cánh đồng. Đáp lại tình cảm đó, có năm lúa đồng Hương Câu chín rũ không kịp cắt, trời lại sắp có bão, thế là hàng trăm người dân Phúc Linh mang quang gánh, liềm, hái kéo lên giúp dân Hương Câu gặt lúa trước khi cơn bão về. 

Hay gần hơn (năm 2001) làng Hương Câu tôn tạo lại đình, buổi sáng, đại biểu làm lễ hạ giải thì khoảng 12 giờ trưa, “dân anh” Phúc Linh cho 2 xe công nông chở người và 50 đôi sảo cùng hơn 200 người đi xe đạp lên giúp. Hương Câu chưa kịp nổi trống huy động bà con làng mình đi làm thì dân Phúc Linh đã tề tựu trước sân đình. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ, 14 vạn ngói trên mái đình được hạ giải. Một tuần sau, dân anh Phúc Linh lại chở lên 7 vạn ngói và mang 27 triệu đồng giúp “người anh em” tôn tạo đình Hương Câu...

Những lời thề trăm năm

Cũng hơn 4 trăm năm qua, “Dẫu cho vật đổi sao dời/ Tử sinh vẫn giữ lấy lời tử sinh”, người dân hai làng Kim Thượng, xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội) và Trâu Lỗ, xã Mai Đình (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn nỗ lực dựng xây vun đắp tình cảm do cổ nhân truyền lại. Dân hai làng khắc sâu lời thề ước cũ, lớp lớp các thế hệ con cháu hai làng noi theo đến bây giờ và tận mãi về sau.

Gặp mặt đầu năm giữa hai làng Hương Câu và Phúc Linh.

Tìm về dòng chảy lịch sử của hơn 400 năm trước (năm 1592), tại thôn Kim Thượng (Sóc Sơn, Hà Nội) mở hội tế thần bằng một con trâu trắng to khỏe nhất để dâng lên thành hoàng làng, cầu được bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Buổi lễ diễn ra long trọng trong không gian linh thiêng, đang lúc lễ tế, bỗng dưng con trâu trắng làm vật tế lồng lên, trực chỉ hướng mặt trời mà chạy, rồi trâu vượt qua sông Cầu sang nằm phủ phục trước ngôi đền của làng Trâu Lỗ (Hiệp Hòa) - nơi thờ thần Trương Hống - Trương Hát (hai vị anh hùng dân tộc có công giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương xâm lược). 

Người dân làng Trâu Lỗ cho điều kỳ lạ đó là điềm thiêng, còn người dân Kim Thượng lại cho là điềm dữ nên đã đi chuộc trâu về, biết được trâu đang ở làng Trâu Lỗ, dân làng Kim Thượng bèn cử người chuẩn bị 100 quan tiền và lễ vật sang chuộc trâu.

Đến chuộc lại trâu, người làng Kim Thượng với cử chỉ lịch lãm, nho nhã, người dân làng Trâu Lỗ ứng xử lại một cách đầy thiện chí và khiêm nhường: “Dạ thưa quý anh, người là vàng, của là ngãi, chúng em đâu giám nhận tiền chuộc”. Từ câu chuyện con trâu trắng, ơn nghĩa hai làng bắt đầu nảy sinh và năm 1594, đã diễn ra buổi lễ kết nghĩa lịch sử giữa hai làng ở đền thờ Trâu Lỗ, hai làng chính thức trở thành huynh đệ tâm giao. Bản kết nghĩa tình gồm 2 tập sách dịch từ chữ Nôm với 5 điều cơ bản sau: Nam từ 15 tuổi trở lên mới được gánh góp việc của hai dân. Chỉ giao dịch việc công, không giao dịch việc tư. Hai làng không được kết hôn với nhau. Giúp nhau trên tình nghĩa vô tư, không suy bì thiệt hơn, không hoàn lại. 

Người đến cư trú từ 3 đời trở lên phải được dân đồng ý mới được gánh góp việc hai làng. Lời thề son sắt đó được người dân hai làng Kim Thượng và Trâu Lỗ đời đời ghi nhớ, tôn thờ suốt mấy thế kỷ. Lịch sử hai làng Kim Thượng - Trâu Lỗ còn kể lại, vào thời kỳ diễn ra nội chiến Lê-Mạc. Trai tráng hai làng Kim-Trâu lại gặp nhau nơi biên ải Cao Bằng với thân phận phu phen cực khổ và cũng chính ở nơi gian khó này tình nghĩa huynh đệ lại được thử thách, vun đắp thêm đầy, dân hai làng đã đoàn kết lại, đùm bọc yêu thương, nhường cơm sẻ áo cho nhau giữa chốn biên thùy.

Cũng bên sông Cầu còn ghi nhận nhiều làng quê kết nghĩa khác. Đó là vào năm 1703, các cụ làng Yên Viên, xã Vân Hà (Việt Yên) lên kinh đô rước sắc phong do nhà vua ban, khi đến chợ Trục, thôn Đống Gạo nay gọi là thôn Ngũ Xá thuộc huyện Yên Phong (Bắc Ninh) thì gặp lúc trời tối, mua to gió lớn. Dân làng Đống Gạo khi đó đã mang long đình, kiệu đình làng mình ra đón và cưu mang dân làng Yên Viên. Sắc phong của làng Yên Viên được để lên kiệu đưa vào đình làng Đống Gạo tạm cất giữ. Các cụ làng Yên Viên được người làng Đống Gạo đón tiếp và nghỉ lại tới hôm sau mới chia tay. Ghi nhớ, cảm kích trước hành động nghĩa cử đó, năm sau (1704) khi Đống Gạo tu bổ chùa, dân làng Yên Viên đã công đức 4 trụ cột cái.

Từ đó trở đi, dân hai làng coi nhau như anh em. Ngày mồng 4 tháng 8 âm lịch hằng năm, dân Yên Viên mang lễ vật sang Đống Gạo gặp dân anh. Ngày 16 tháng Giêng, dân Đống Gạo lại sang đáp lễ với Yên Viên. Hai bên có giao ước đi lại kết nghĩa, trong đó quy định một số nội dung như: Khi làng Đống Gạo qua sông sang làng Yên Viên cũng như làng Yên Viên sang Đống Gạo hai bên không được thu tiền đò. Hai làng đi chợ qua lại không được thu tiền thuế bán hàng. 

Hai bên phải coi nhau như ruột thịt. Bản giao ước giữa hai làng được các bậc kỳ lão, trưởng thôn ký vào ngày 10-2 niên hiệu Chính Hòa thứ 26 (1731). Đó là những câu chuyện của lịch sử, còn ngày nay, giữa hai làng vẫn coi nhau như anh em, hằng năm tết đến xuân sang, đặc biệt vào ngày hội làng, hai bên lại cùng nhau tổ chức lễ đón rước “dân anh” đến làm lễ tế tại đền thờ làng mình, để được cùng nhau hàn huyên, chuyện trò, vui vẻ đồng thời ôn lại truyền thống lịch sử kết nghĩa anh-em giữa hai làng, đồng thời giáo dục các thế hệ hôm nay phải biết gìn giữ, tô thắm truyền thống tốt đẹp đó của cha ông mình.

Không chỉ ở cấp thôn, làng, với ý nghĩa tốt đẹp và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái truyền thống của người Việt Nam, tục kết nghĩa đã được mở rộng ra cấp xã. Tiêu biểu như, tháng 8-1971, tại tỉnh Bắc Ninh xảy ra trận lụt lịch sử gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu, gia súc, nhà cửa,... Một số xã tại Bắc Giang đã đối đãi ân tình và tương trợ đối với dân vùng lụt sơ tán về. Lúc ấy Đảng bộ và nhân dân xã Cao Xá (huyện Tân Yên) đã mở rộng vòng tay đón tiếp, hỗ trợ, cưu mang giúp đỡ nhiều gia đình từ Đình Bảng sơ tán đến địa phương mình. Tương tự, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) đón đồng bào Châu Khê về tránh lũ. Thị trấn Nhã Nam đón nhân dân Tương Giang. 

Nhân dân xã Cao Xá, thị trấn Cao Thượng và thị trấn Nhã Nam đã gieo thêm hàng chục mẫu mạ, huy động xã viên xuống cấy lúa, trồng khoai giúp nhân dân vùng lụt sau khi nước rút. Mối tình ấy được đơm hoa kết trái bằng việc, tháng 9-1971, nhân dân Cao Xá kết nghĩa anh em với Đình Bảng, Cao Thượng kết nghĩa với Châu Khê và Nhã Nam kết nghĩa với Tương Giang. Ngày nay mối tình này vẫn được duy trì, với việc lãnh đạo và nhân dân các địa phương thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau hằng năm và trong cuộc sống lúc vui buồn đều có nhau.

Đông Khánh
.
.