Ngọn bút mãi vươn lên trời xanh

Thứ Ba, 12/03/2019, 17:51
Anh ngã xuống nơi đất lạ khi đứa con thơ mới 5 tuổi, khi người vợ trẻ còn bụng mang dạ chửa. Bàn tay thấm máu giữ chặt chiếc máy ảnh như lúc anh ngắm ống kính để ghi lại sự thật về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam. Tròn 40 năm ngày anh đi, hồi ức của người bạn thân và những loạt tư liệu quý đã làm sống lại cuộc đời Takano Isao, nhà báo Nhật Bản dũng cảm.

Máu thấm xứ Lạng chiều biên giới

Takano Isao là nhà báo quốc tế duy nhất hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979. Kỷ niệm 40 năm ngày mất của anh (7-3-1979 – 7-3-2019), người thân và đồng nghiệp trở về xứ Lạng, thắp nén hương trước bia tưởng niệm Takano do nhân dân xứ Lạng lập nên tại nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng. Thành phố lộng gió đã đổi khác rất nhiều. Những mái nhà khang trang, ga xe lửa hiện đại. Có ai ngờ rằng 40 năm trước, nơi đây từng diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt.

Tháng 3-1979, thị xã Lạng Sơn điêu tàn, đổ nát. Một cái cây cũng không còn đứng vững trước sự bắn phá dữ dội của quân xâm lược Trung Quốc. Ngày 7-3-1979, sau 2 ngày Trung Quốc tuyên bố rút quân, nhà báo Takano Isao và người bạn thân Goro Nakamura lên đường đến Lạng Sơn để ghi nhận, đưa tin. Lúc ấy, Takano là đặc phái viên tại Hà Nội của Báo Akahata (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản). Ông được phái cử đến Lạng Sơn với tư cách phóng viên đặc vụ.

Nhà báo Nakamura kể rằng khi hai ông và đoàn nhà báo Việt Nam lên xứ Lạng, quân chính quy Trung Quốc dù đã rút về nước nhưng bọn thám báo và đơn vị hỗ trợ vẫn còn trong thị xã. Ông Nông Văn Đuổng - một người dân tộc Tày - nhận nhiệm vụ đưa đoàn nhà báo đi thực tế. Pháo của Trung Quốc từ phía bên kia sông Kỳ Cùng vẫn bắn sang từng hồi. Ai cũng lo lắng nhưng Takano thì vẫn điềm tĩnh.

Khi cách thị xã tầm 4 cây số, hai chiếc xe Jeep chở đoàn nhà báo bị pháo kích. Ông Đuổng nằm đè lên người Takano vì sợ mảnh pháo. Thấy vậy, Takano bảo mọi người lúc nào cũng sợ như thế sao mà đi được. Có lúc xe bị pháo kích dữ quá, Nakamura nằm lăn bên vệ đường, đất đá phủ đầy người.

Những hình ảnh cuối cùng do nhà báo Takano chụp lại cùng tư liệu của người bạn Nakamura như tái hiện sống động cái buổi chiều 7-3 khốc liệt ấy. Hai chiếc xe tiến vào thị xã Lạng Sơn. Bên đường, súc vật chết ngổn ngang, hầu hết người dân đã sơ tán. Xe chở Nakamura đi trước nhưng xe bị vướng dây điện nên phải dừng lại. Xe chở Takano Isao vượt lên. Chạng vạng chiều, đoàn dừng lại trước tòa nhà Ủy ban thị xã Lạng Sơn đã đổ nát.

Chân dung nhà báo Takano Isao và bìa nhật ký “Lạng Sơn, ngày 7-3” của nhà báo Takano.

“Chúng tôi không ngờ rằng bên kia sông Kỳ Cùng, một toán lính Trung Quốc đang phục sẵn. Khi xe chúng tôi tiến vào thì loạt đạn vang lên đinh tai. Đại liên bên kia sông xả sang như mưa. Mọi người đều vội vàng tìm chỗ tránh, chiếc xe bị bắn nát. Tôi ở phía sau cũng bị vây bủa bởi đạn, phải núp vào gốc cây bên đường” – Nakamura nhớ lại.

Nhà báo Nakamaru không khỏi bàng hoàng khi nhắc lại: “Takano chết tại chỗ vì bị bắn vào thái dương. Nhưng mãi sau này tôi mới biết điều đó. Còn lúc ấy, một anh nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam chạy đến nói là Takano không sao, anh mau chạy trốn đi. Anh ấy không dám nói người bạn thân của tôi đã chết vì sợ tôi hoảng loạn”. Tầm 5 giờ chiều, tiếng súng có vẻ im ắng. Gốc cây nhà báo Nakamura núp lỗ chỗ vết đạn. Ông chạy nhanh vào bức tường đổ nát, trú ẩn cùng một người Việt.

Khi chắc rằng loạt đạn đã ngớt hẳn, Nakamura dò dẫm đi trên đống đổ nát hoang tàn để tìm hang trú ẩn. Một người bạn của Thông tấn xã Việt Nam chụp cho ông bức ảnh. Không ai nói với ai, nhưng mọi người lo sợ đó sẽ là tấm ảnh cuối cùng của nhà báo người Nhật ấy. Vậy mà ông đến được hang đá an toàn trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. “Bữa cơm hôm đó lẫn đầy đất cát và ăn với một chút muối, nhưng tôi thấy nó ngon vô cùng. Một ngày mệt nhọc và tôi cũng đã bước qua lằn ranh của sự sống và cái chết” – Nakamura nói.

Gần nửa đêm, thi thể Takano mới được đưa ra khỏi khu vực bị phục kích. Nakamura sững sờ: “Trời ơi, anh ấy bị giết! Trung Quốc nói là ngày 5-3 sẽ rút quân nhưng sự thật thì sao? Ngày 7-3, Takano vẫn bị nhắm bắn trong khi nhìn vào ai cũng biết anh ấy là ký giả quốc tế. Anh ấy luôn mặc áo khoác nhiều túi, đeo máy ảnh nên ai cũng có thể nhận ra đó là nhà báo. Nước mắt tôi ứa trào và nghẹn đắng phẫn nộ”.

Nakamura mới nghe ông Nông Văn Đuổng thuật lại rằng ông đã dùng một khẩu AK bắn trả quân phục kích. Thấy vậy, Takano lao lên chụp ảnh. Và viên đạn của kẻ thù xuyên qua thái dương anh. Khi gục xuống, bàn tay ấy vẫn nắm chặt chiếc máy ảnh.

Ít phút trước khi bị bắn, Takano vẫn không ngừng quan sát, chụp hình xung quanh và ghi chép. Anh chụp cảnh xe jeep vào Lạng Sơn, quang cảnh hai bên đường, xe lửa trong nhà ga… Trên đường vào thị xã, khi trò chuyện với ông Đuổng, Takano bảo anh nhớ nhà lắm, nhớ vợ con ở Nhật lắm.

Bé Emi – con gái của Takano lúc đó mới 5 tuổi. Cái chết của nhà báo quả cảm Takano khiến dư luận quốc tế tiếc thương và làm dấy lên làn sóng phẫn nộ. Nhà nước Việt Nam truy tặng anh Huân chương hữu nghị. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có cuộc gặp gỡ, chia buồn với vợ con nhà báo Takano vào ngày 15-3-1979.

Nhà báo Goro Nakamura cho biết Takano là người bạn thân mà ông luôn ngưỡng mộ và học hỏi. Takano là người trân trọng sự thật, luôn đi đến cùng để tiệm cận chân lý. Anh không ngại dấn thân vào hiểm nguy. Bấy giờ, tin tức về chiến tranh biên giới phía Bắc của nhiều hãng tin trên thế giới thường một chiều vì chủ yếu lấy lại từ các hãng tin của Mỹ. Takano là một trong số những nhà báo nước ngoài dám xông pha vào chiến trận để ghi nhận trực tiếp cuộc chiến.

Nhà báo Takano và vợ con.

Nhờ những bản tin của Takano, nhiều góc khuất, sự thật của cuộc chiến mới được phơi bày, góp phần tố cáo hành động phi nghĩa của bên đã gây ra cuộc chiến năm 1979. Một số tờ báo Pháp cũng trích dẫn nguồn tin từ Takano. Những ghi nhận trung thực, nóng hổi ấy gây chấn động dư luận thế giới và làm dấy lên làn sóng phản đối chiến tranh, lan nhanh khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam” của cộng đồng quốc tế ưa chuộng hòa bình.

Nhiều năm nghiên cứu về nhà báo Takano Isao, PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Việt Nam học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Những bài viết của các nhà báo Nhật như ông Takano làm cho thế giới nhận thức đúng về bản chất cuộc chiến diễn ra ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Ông ấy là một người vô cùng dũng cảm. Trong khi thị xã Lạng Sơn lúc ấy tan hoang vì bom mìn, Takano vẫn đi giữa làn đạn pháo để đưa tin phản ánh cuộc chiến”.

Khi ông Nông Văn Đuổng hỏi Takano tại sao lại đi lấy tin ở nơi bom rơi đạn nổ thế này, anh không sợ chết sao, Takano bình thản đáp: “Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, chúng tôi phải đứng về phía chính nghĩa. Còn hy sinh là tất nhiên vì sự nghiệp” .

Hy sinh vì chân lý và khát vọng hòa bình

Sinh năm 1943 tại thành phố Kobe, nhà báo Takano là người am hiểu sâu sắc về đất nước Việt Nam khi ông đã dành 12 năm gắn bó. Ông Nguyễn Công Tánh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP Hồ Chí Minh từng có nhiều kỷ niệm với Takano. Ông kể rằng Takano từng dạy ông tiếng Nhật và ông dạy cho anh tiếng Việt. Ông ngạc nhiên vì sức học vượt trội và khả năng tiếp thu của Takano rất nhanh. Takano giỏi tiếng Việt đến nỗi nhiều người nhầm anh là người Việt Nam.

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Nhật Bản, anh vào làm việc tại một xưởng điện và gia nhập Đảng Cộng sản Nhật Bản. 5 năm sau, Takano được cử sang Việt Nam học Khoa Tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1967- 1971). Là người yêu chuộng hòa bình, anh cực lực phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, gây hấn giết hại đồng bào của Pol Pot... và luôn ủng hộ Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Takano cũng không đứng ngoài cuộc. Anh tham gia đưa tin với tư cách đặc phái viên tờ báo Akahata.

Takano còn được biết đến với tư cách dịch giả văn học. Ông đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam như truyện ngắn “Mẹ vắng nhà” của nhà văn Nguyễn Thi, tiểu thuyết “Áo trắng” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng sang tiếng Nhật. Tác phẩm “Mẹ vắng nhà” phát hành tại Nhật Bản vào năm 1972. Tập sách được đông đảo người dân xứ hoa anh đào đón nhận nồng nhiệt và đã tái bản 10 lần (lần gần nhất vào năm 2016).

Bia tưởng niệm Takano tại nghĩa trang Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn mang hình ngọn bút hướng lên trời xanh.

Sự hy sinh anh dũng của Takano khiến giới văn nghệ sĩ trong nước nghiêng mình kính phục và xúc động. Nhìn cảnh gia đình anh nén chặt nỗi đau,  nhìn cô bé Emi ngây thơ ôm con búp bê và nhoẻn miệng cười bên quan tài cha, nhà thơ Anh Ngọc không kìm được lòng mình, ông viết ngay bài thơ “Gửi cháu Emi Takano”: “Emi Takano/ Ai nỡ trách khi cháu còn quá bé/ Chưa hiểu được nỗi gì trong mắt mẹ/ Sấm sét và mây đen/ (…) Bố đã đi từ Hirosima đến Lạng Sơn/ Với chiếc mũ tai bèo trắng đã sờn/ Trên mái đầu trai trẻ/ Chỉ vài phút nữa thôi, có thể/ Bố sẽ không đi đến được tuổi già/ Điều ấy có sao đâu/ (…) Khi bố Takano đặt tay vào nút bấm/ Thì bọn chúng đặt tay vào cò súng/ Hai tiếng nổ vang lên/ Dữ dội và dịu êm/ Hai tiếng nổ…/ Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên/ Duy cái tiếng khẽ khàng kia còn lại/ Tiếng bền bỉ của ngón tay bấm máy/ Lẫn vào trong nhịp đập trái tim….”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương  cũng đã sáng tác bài hát “Takano – nhân chứng quả cảm”- như một khúc mặc niệm nao lòng mà hào hùng. “Xin hát về người con của đất nước tuyết trắng Fuji hùng vĩ/ Anh đã đến quê tôi trong những ngày lửa khói/ Tâm hồn anh tươi thắm như hoa anh đào mới nở/ Vinh quang thuộc về anh, người chiến sĩ đã hy sinh vì chân lý…”.

Tại nơi anh ngã xuống, nhân dân Lạng Sơn dựng một tấm bia tưởng niệm hình ngọn bút vươn lên trời xanh. Hài cốt được vợ anh mang về chôn cất ở chân núi Zaou, tỉnh Miyagi.  Sau này bia tưởng niệm được chuyển về nghĩa trang Hoàng Đồng bên cạnh nhiều ngôi mộ của các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Nhiều người dân vẫn đến thắp nén hương, đặt hoa tưởng nhớ đến người phóng viên nước Nhật quả cảm.

Takano chính là một trong những sợi chỉ đỏ thắt chặt tình hữu nghị không chỉ giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản, mà toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình, chân lý trên thế giới cùng chống lại các thế lực bạo tàn.

Nhân dịp tưởng nhớ 40 năm ngày Takano hy sinh và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật, cuốn nhật ký “Lạng Sơn ngày 7-3” của nhà báo Takano sẽ được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam. Đồng thời, từ ngày 5 đến 9-3, những người bạn một thời của Takano cũng sẽ cùng giao lưu, trò chuyện với sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Dự kiến tháng 6 tới, cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của Takano sẽ được Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành nhằm giúp độc giả Việt Nam có cái nhìn rõ hơn về cuộc chiến, về nhà báo quả cảm của xứ sở mặt trời mọc.

Mai Quỳnh Nga
.
.