Người chắp bút chuyện đời nhà văn Nguyễn Tuân
- Những "cận vệ" của nhà văn Nguyễn Tuân
- Nhà văn Nguyễn Tuân: “Nhà tôi có gien giang hồ”
- Nhà văn Nguyễn Tuân như tôi được biết
- Nhà văn Nguyễn Tuân: Trăm năm vang bóng
- Cái "ngang" của Nguyễn Tuân
Nhà văn Ngọc Trai nay cũng đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, song, “món quà” là các câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Tuân trao gửi cho bà cùng những ký ức về ông, đã là một trong những phận sự để bà phải “giải mã” trong những tháng ngày nghỉ hưu đầy bận rộn này...
Từ một người yêu tác phẩm "Vang bóng một thời"
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai sinh ra và lớn lên tại Huế, hồi còn học ở Huế, bà đã thích tác phẩm "Vang bóng một thời" của nhà văn Nguyễn Tuân. Đến khi ra Hà Nội lập nghiệp, lấy chồng, sinh con, bà mới lại tiếp tục học Đại học Tổng hợp Văn và quyết tâm đến gặp Nguyễn Tuân để xin được làm khóa luận tác phẩm của ông.
Nhà văn Ngọc Trai kể lại: Khác với những hình dung ban đầu vì những đồn đại của mọi người về một nhà văn hơi... khó tính, thì Nguyễn Tuân lại vô cùng thân thiện với bà. Ông nói đầy chân tình: "Cô đừng có làm về tôi, trượt đấy, hay làm cái gì đó về Tố Hữu".
Sau đó, nhà văn Ngọc Trai làm khóa luận tốt nghiệp xuất sắc với tập thơ "Từ ấy" của nhà thơ Tố Hữu. Tuy nhiên, với niềm yêu thích văn Nguyễn Tuân, bà vẫn tiếp tục đến chơi thăm ông và gia đình ông. Bởi vì, không chỉ bà mà chồng nhà văn Ngọc Trai, ông Nguyễn Hồng Phong, thời kỳ ấy tham gia ban nghiên cứu sử địa Trung ương Đảng, thư ký của ông Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện Sử (khi ông Trần Huy Liệu mất thì ông lên thay làm Viện trưởng Viện Sử học), cũng có mối thân tình và thường giao lưu với nhà văn Nguyễn Tuân.
Nhà văn Ngọc Trai hồi đó mỗi lần đến gặp thường mang sổ theo cùng để ghi chép những câu chuyện về nhà văn Nguyễn Tuân. Bà cũng xin phép nhà văn được chép lại những câu chuyện, những hồi ức, những kỷ niệm về cuộc đời, sự nghiệp và gia đình của ông. Nhà văn Nguyễn Tuân đã đồng ý để bà làm "thư ký" với điều kiện, mỗi ghi chép, trao đổi đều phải đưa ông xem lại, chính xác thì mới được công bố.
Cuộc gặp gỡ cuối cùng của nhà văn Nguyễn Tuân và bạn bè. |
Bây giờ, gia tài nhà văn Ngọc Trai đang giữ hàng chục quyển sổ chép tay các câu chuyện, trao đổi của mình và nhà văn Nguyễn Tuân, có bút tích sửa chữa của nhà văn, những mẩu giấy nhắc việc, trao đổi, thư tay là các lịch gặp nói chuyện, các tấm hình của nhà văn thời trẻ... bà vẫn còn lưu giữ như một báu vật tinh thần. Và quan trọng hơn nữa, bà đã giúp hậu thế hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, quan niệm sáng tác, lối sống, cách đối nhân xử thế và những câu chuyện gia đình, tình yêu... của nhà văn phóng túng, ưa xê dịch và đầy tài hoa Nguyễn Tuân.
"Chùa Đàn" tác phẩm nổi tiếng dành cho một "cô đầu"
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân mê hát ả đào và say sưa bàn đèn. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai, trong một lần đã hỏi ông: "Đọc "Chiếc lư đồng mắt cua" và "Tàn đèn dầu lạc" tôi nghĩ bác cũng nghiện nặng lắm. Vì sao bác bỏ được?".
"Hình như đối với tôi, cái việc hút hay bỏ hút nó cũng đơn giản thôi. Tôi bỏ thuốc phiện thì cũng không gay go gì. Khoảng gần một tháng. Sáng đạp xe từ Hà Nội xuống Văn Điển, nhà một người bạn, uống rượu, rồi lăn ra ngủ một giấc, dậy, đạp xe về. Chiều lại uống nửa lít rượu và lại ngủ. Thế là nó quên đi. Lấy độc trị độc mà lại! Tôi cũng không thấy vật vã gì như người ta nói. Nhưng, từ bỏ ả phù dung thì đơn giản như tôi đã nói, nhưng từ bỏ bà Chu thì không đơn giản chút nào (bà Chu Thị Năm, một ả đào nổi tiếng thời bấy giờ. Nhà văn Nguyễn Tuân mê tiếng đàn giọng hát của bà và yêu luôn người. Kháng chiến bùng nổ, bà Năm ở lại Hà Nội và đã mất trong một trận càn, cùng xuân sắc và mối tình lớn dành cho nhà văn - PV). Vì đây là chuyện tình cảm không dễ một lúc mà dứt bỏ được.
Tôi nghĩ là phải viết một cái gì đó để trả món nợ tơ duyên này. Tôi quyết tâm ngồi viết "Chùa Đàn". Tôi cứ ngồi trên chiếc võng đay trong ngôi nhà của bà Chu ở Bần Yên Nhân, ngày ngày cứ đến bữa, mẹ bà Chu đưa cơm vào cho ăn còn tôi thì mải miết viết hết trang này đến trang khác, sau một tuần là xong "Chùa Đàn", xong cái phần chủ yếu, ấy là từ cuối năm 1945. Đến năm 1946, tôi thêm phần đầu và phần cuối để xuất bản. “Chùa Đàn” cũng là chuyện của tôi đấy thôi”.
Ông im lặng thật lâu, nhấp từng ngụm rượu nhỏ như để hồi tưởng lại cái xa xưa ấy. Bỗng như phát hiện ra một ý tưởng mới, ông ngồi chồm dậy và nói tiếp sôi nổi: “Nếu sau này tái bản "Chùa Đàn", tôi sẽ cho cái thằng đánh trống chầu chết. Chỉ thằng cầm chầu mới phải chết, chứ có chết đâu đến người đánh đàn. Mà, bà Chu chơi thế này có chết tôi không! Cái ngày bà cụ tôi mất, trong đám đưa ma có tới dăm bảy bà chủ nhà hát cô đầu đi đưa và bà Chu thì xin "Ông cho tôi cái khăn ngang".
Bút tích của nhà văn Nguyễn Tuân gửi nhà văn Ngọc Trai. |
Nhưng trường hợp này cũng chưa mệt bằng cái hồi kháng chiến. Tôi đã lên Việt Bắc rồi, không hiểu sao bà ấy vẫn tìm ra địa chỉ của mình, bà gửi người cầm ra Thanh Hóa đưa cho vợ tôi một cái khăn thêu và mấy chỉ vàng. Vợ tôi giữ cái khăn làm kỷ niệm rồi gửi lên Việt Bắc cho tôi, còn vàng thì bà nhà tôi đã nộp ngay cho tổ chức”.
Nhưng, nhà văn Ngọc Trai chia sẻ: Bà Nguyễn Tuân, quả thực là một người vợ tuyệt vời, không có bà, thì hẳn là không có một nhà văn Nguyễn Tuân bây giờ. Sinh cho ông bảy người con, chăm lo toàn bộ chu tất, mà vẫn nương tay với mọi đam mê của chồng, mà bà là con gái Hàng Bạc (Hà Nội) nức tiếng một vùng.
Nhà văn Nguyễn Tuân kể: “Biết chồng hút thuốc phiện và đi hát ả đào mê say như vậy, lúc đầu bà ấy cũng can ngăn, nhưng thấy tôi lì lợm quá không còn cách nào, bà ấy tìm cách đối phó. Hồi mẹ tôi mới làm cho cái nhà để mở hiệu sách, lấy cớ không muốn tôi la cà, bệ rạc, bà ấy sắm bàn đèn cho tôi hút ở nhà. Tôi cũng rủ bạn bè về nhà phá phách bà ấy quá lắm. Nhưng rồi cái tính phóng túng của tôi không để tôi ngồi nhà lâu, tôi lại lẳng lặng chuồn theo bạn bè đến nhà hát. Hút ở nhà hát nó có không khí hơn, bạn bè bù khú thoải mái hơn. Bà ấy đành bất lực.
Bà nhà tôi không bao giờ càu nhàu, làm ầm ĩ nhà cửa lên. Có lẽ vì thế mà sau này tôi càng thấy quý và nể bà ấy. Vợ tôi chỉ nói những câu châm biếm mát mẻ mà làm mình ngượng đến chết. Ngày bà cụ tôi mất có rất nhiều bà chủ nhà hát ở Khâm Thiên đi đưa ma, bà ấy chỉ và nói thầm với ông chú tôi: "Ông ấy báo hiếu cho bà cụ đấy!”. Nhưng ngẫm nghĩ là tại mình chuốc lấy cái nghiệp chướng ấy, nên tôi có ngượng, có đau, cũng đành bấm bụng mà chịu, chứ biết nói sao"...
Nếu chọn lại nghề sẽ làm... họa sĩ
Nhà văn Nguyễn Tuân chia sẻ: “Ai cũng cho rằng tôi là người sung sướng nhất. Nhưng giá mình không là nhà văn thì chắc có thể hưởng điều sung sướng đó một cách trọn vẹn. Cái nghiệp của mình cứ buộc mình phải nghĩ, nghĩ rồi lại nói ra mồm, lại viết ra giấy, thế là lại gây sự với đời. Mà lạ gì ở đời đã sinh sự thì sự sinh, cho nên không lúc nào mình được yên... Giá bây giờ cho mình chọn nghề lại, thì mình sẽ chọn nghề vẽ. Vẽ thì có thể biểu hiện tư tưởng của mình mà khó bị vạch vòi. Chỉ cần công chúng người thưởng thức hiểu được ngôn ngữ hội họa là họ hiểu được mình”.
Vậy mà đối với ông, nghề văn không những là một nghề nghiêm túc như những nghề khác, mà ông còn hết sức trân trọng tự hào về thiên chức nhà văn. Hơn nữa ông còn coi đó là một nghiệp. Bởi vậy mà dù viết bút ký, tùy bút, truyện ngắn, truyện vừa đối với Nguyễn Tuân đều là sự tự thể hiện, tiểu luận đối với ông cũng vẫn là một sự tự thể hiện. Ông viết phóng khoáng đến mức nhiều lúc không còn ranh giới giữa phê bình và bút ký, tùy bút. Vì những gì ông viết ra đều là tâm huyết của ông. Thường ông chỉ viết về những gì tâm đắc nhất. Có khi tác phẩm phê bình chỉ là một cái cớ, nhân tác phẩm đó mà ông nói về một kỷ niệm, một ý tưởng của ông về cuộc sống, về hiện thực. Ông chỉ viết phê bình khi mà trong đầu, trong tim đã đầy ắp những cảm xúc và suy tư không viết ra không được.
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Tuân. |
Nguyễn Tuân viết phê bình, tiếu luận, chân dung văn học... cũng là đi tìm cái đồng tâm, đồng điệu, tìm tri âm tri kỷ, cho nên khi viết ông như nhập thân vào đối tượng phê bình. Ông không đọc tác phẩm một cách thờ ơ, không đứng ngoài để nhìn mà ông vào trong tác phẩm, nhập tâm vào tác giả, vào nhân vật, cùng xúc động với niềm vui, nỗi buồn của tác giả. Có những cuốn sách Nguyễn Tuân viết một mạch trong thời gian rất ngắn, nhưng lại có những trang sách ông phải nhào nặn, vất vả chữa đi chữa lại đôi ba lần, nhất là về sau này khi biết có nhiều người hay soi mói trang viết của mình thì ông càng thận trọng.
Ông có nhiều ý định sáng tác rất tâm đắc thú vị, hài hước nhưng rồi vì cân nhắc, thận trọng ông đành tặc lưỡi buông xuôi, bảo rằng "lười quá", thế là bỏ luôn không viết nữa. Điều ấy làm ông day dứt và thỉnh thoảng lại nói những lời tiếc nuối thật đau lòng. Trong di cảo của ông dễ dàng tìm thấy những trang bản thảo 4, 5 thứ mực: bản viết đầu tiên bằng mực đen hay mực tím, rồi sau đó là các dấu ngoặc ra ngoặc vào ngoài lề với các thứ mực xanh, mực đỏ...
Cuộc gặp cuối cùng của nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Ngọc Trai
Đó là vào tháng 7-1987, nhân kết thúc cuộc triển lãm của hai họa sĩ Huế: Bửu Chỉ và Hoàng Đăng Nhuận tại trụ sở Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, 19 Hàng Buồm, nhà văn Nguyễn Tuân gợi ý với Ngọc Trai tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật với một số anh chị em người Huế. Đêm vui đó diễn ra tại nhà Ngọc Trai ở số 6 Lý Thường Kiệt (nay là Quán Huế).
Ông đến bằng xích lô và kể: "Hôm qua mình đi khám ở Việt Xô, bác sĩ bắt phải nhập viện ngay. Do có buổi hẹn hôm nay nên mình xin khất đến thứ hai mới vào. Tay bác sĩ căn dặn: “Tim anh có vấn đề: anh phải cẩn thận, giữ đừng để xúc động mạnh", một lời khuyên đối với nhà văn như vậy có kỳ cục không? Nhà văn mà không được xúc động thì là nhà văn kiểu gì!". Sáng hôm sau ông nhập viện, và 40 tiếng đồng hồ sau ông đi vào cõi vĩnh hằng.
Nhà văn Nguyễn Tuân khẳng định với nhà văn Ngọc Trai rằng, ông không thích viết hồi ký, nhưng tình cờ, những câu chuyện kể của ông mà nhà văn Ngọc Trai chắp bút, lại chính là những dòng hồi ký của nhà văn Nguyễn Tuân, bởi ở đây, ông nói thẳng nói thật, kể lại những câu chuyện ngoài trang viết. Những câu chuyện đời thường, những cuộc trà dư tửu hậu với bè bạn, với gia đình, với làng văn.
Sự khôn khéo thông minh và cầu thị của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai, đã đưa cho người đọc khám phá được một thế giới đầy bí ẩn của nhà văn ưa xê dịch nổi tiếng với những tác phẩm đã sống mãi cùng văn học Việt Nam đương đại như "Vang bóng một thời", "Chiếc lư đồng mắt cua", "Sông Đà", "Chùa Đàn"…
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai hiện đang giữ nhiều tư liệu quý về nhà văn Nguyễn Tuân và bà vẫn đang chuẩn bị tư liệu để có thể in một cuốn sách dày dặn đầy đủ về những điều mà nhà văn Nguyễn Tuân chia sẻ với bà lúc sinh thời.