Người dân đi… trộm nước như đi hội

Thứ Ba, 23/08/2016, 11:15
Nhiều năm qua rất đông người ở ấp 1B, xã Vĩnh Lộc A, TP HCM vẫn chưa được tiếp cận được nguồn nước sạch. Cực chẳng đã, nhiều hộ dân đã phải sử dụng nước nhiễm phèn hoặc phải mua nước với giá cao để sinh hoạt, thậm chí phải trộm... nước.

Đi trộm nước như đi... hội

Khi nguồn nước mặt trên các sông, kênh, rạch ở các quận, huyện ngoại thành bị ô nhiễm nặng và không thể sử dụng thì người dân chuyển sang khai thác nước ngầm từ các giếng khoan. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng đang bị ô nhiễm nặng.

Qua phân tích của ngành y tế thành phố, hơn 100 mẫu nước đang được các hộ dân sử dụng tại khu vực vùng ven TP HCM đều bị nhiễm vi sinh vật với nồng độ rất cao. Vậy mà hàng ngàn người dân ở các quận, huyện ngoại thành hằng ngày vẫn phải khai thác và sử dụng nguồn nước ô nhiễm này. Lo sợ dịch bệnh, nhiều hộ gia đình phải cắn răng chi hàng triệu đồng mỗi tháng để mua nước sạch, trong khi thu nhập của bà con thì hạn chế.

Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở tổ 11, ấp  1B, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cực chẳng đã phải hùa nhau đục trộm ống cấp nước của Công ty Cấp nước thành phố. Mặc dù sống ngay cạnh đường ống cấp nước, nhưng gần 150 hộ dân nơi đây suốt 3 năm qua đã phải đi làm cái việc họ chẳng hề muốn - trộm nước nước sinh hoạt. Việc làm của những người dân này không chỉ làm thiệt hại cho cơ quan chức năng mà còn làm ảnh hưởng tới những hộ dân khác.

Ông Lê Văn Đò (Tám Đò), một thổ dân ngụ tại ấp 1B, cho biết, trước đây toàn bộ dân khu vực này sử dụng nước giếng khoan, nhưng mấy năm gần đây nguồn nước này bị ô nhiễm nặng không thể sử dụng được nữa. Mỗi lần họp dân, vấn đề nước sinh hoạt của bà con đều được đưa ra bàn thảo, nhưng mãi chẳng thấy giải pháp. Chính quyền địa phương, công ty cấp nước chỉ hứa và hứa.

Anh Nguyễn Văn Bảo, tổ 11, ấp 1B, Vĩnh Lộc A, than thở, nước ngầm phèn quá không thể sử dụng được. Đến cả mấy cái thau đựng nước cũng bị mục, nói chi tới con người. Nhiều người dân nơi đây, đặc biệt là trẻ em bị mắc bệnh ngoài da do sử dụng nước nhiễm phèn. Nước trộm về, bà con sử dụng rất tiết kiệm, chỉ dùng để ăn uống. Nước giếng ngầm được bơm lên ở một số gia đình có mùi hôi tanh, để lâu có váng, cặn đóng từng lớp.

Người dân đã đục đường ống, trộm nước tại vị trí cầu kênh 3, thuộc xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh. Công ty Cấp nước nhiều lần gia cố, bịt đường ống, nhưng bịt xong người dân lại đục. Mỗi lần như vậy, lượng nước thất thoát rất lớn. Bất đắc dĩ, Công ty Cấp nước phải lắp van để sau mỗi lần lấy nước bà con tự đóng van lại, tránh thất thoát.

Hằng ngày, từ 3-4 giờ sáng người dân nơi đây "nô nức" kéo nhau đi trộm nước. Chiều về, nhiều người còn tranh thủ vừa chở nước, vừa tắm rửa tại chỗ. Vào những ngày cuối tuần, không khí trộm nước vui như... hội. Nhiều gia đình, chủ yếu là công nhân thuê trọ, tranh thủ ngày nghỉ đem quần áo, mặc cả tuần, lên cầu giặt giũ.

Hiện nay cảnh đó không còn nữa. "Giờ thi thoảng mới có người đi lấy nước. Lúc trước đông lắm, mỗi người trên xe 4-5 can nhựa 20 lít, có khi có cả xe bồn, xếp hàng chờ nhau. Từ đầu tháng tới giờ, nhiều hộ dân đã có nước sạch để sử dụng. Không có nước mới phải ra ngoài đó lấy nước xài, chứ Công ty Cấp nước họ đâu có cho. Chúng tôi kêu riết, lại thêm chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, nên công ty đã lắp đặt đường ống nước tới từng nhà. Tuy chi phí có cao nhưng chúng tôi rất phấn khởi, không phải kéo nhau đi trộm nước của Nhà nước nữa...". Bà Lan nhà ở gần cầu kênh 3 cho biết.

Công ty cấp nước lắp vòi nước để người dân sử dụng tiết kiệm, tránh thất thoát.

Có nước nhờ mẹ Việt Nam Anh hùng

Không chỉ có tổ 11 mà tổ 12, ấp 1B, cũng từng phải trải qua những ngày làm kẻ trộm bất đắc dĩ.

Ông Nguyễn Văn Mỏng, tổ trưởng tổ 12, ấp 1B cho biết, thực trạng này hiện đã giảm nhiều. Chỉ còn một số ít hộ dân chưa có nước sạch để sử dụng vì nằm quá xa đường ống cấp nước. Cũng có hộ gia đình chưa có hộ khẩu, tạm trú tạm vắng hoặc đăng ký sau tháng 6-2013, nên hồ sơ chưa được duyệt. Tổ đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương, mong được giúp đỡ, giải quyết nhưng do vướng một vài thủ tục nên vẫn phải… chờ.

May mắn hơn nhiều hộ dân ở tổ 11, hơn một năm nay, chính xác là vào những ngày giáp tết 2014, bà con ở tổ 12 đã có nước sạch sử dụng, vì tổ 12, ấp 1B có Mẹ Việt Nam Anh hùng  Nguyễn Thị Á. Nhiều bà con nói vui, nhờ có Mẹ Á mà chúng tôi có nước sạch để dùng. Mẹ già rồi đâu có đi chở nước được nên người ta mới đưa nước vào tận nhà mẹ nên bà con xung quanh được "thơm" lây.

Tình trạng trộm nước kéo dài liên tục suốt 3 năm. Theo một cán bộ Phòng kinh doanh thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn thì sau khi các hộ dân  hoàn tất việc nộp hồ sơ, công ty sẽ gắn đồng hồ nước trong quý 3 - 2016 này. Xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn cho biết, sau khi xã Vĩnh Lộc A hoàn tất hồ sơ, hỗ trợ chi phí lắp đặt đường ống, đơn vị sẽ tiến hành lắp đặt đồng hồ miễn phí cho người dân nơi đây.

Chính quyền địa phương cũng biết tình trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, biết người dân phải đi trộm nước nhưng họ lực bất tòng tâm vì nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, chính quyền xã Vĩnh Lộc A đã phối hợp với đơn vị cấp nước triển khai dự án  ADB của Công ty Cấp nước Sài Gòn tại các tuyến đường liên ấp và các tuyến đường nhỏ trong khu vực, Phối hợp với đơn vị cấp nước mở rộng mạng lưới bằng hình thức xã hội hóa (người dân hỗ trợ kinh phí lắp đặt đường ống nước, xí nghiệp nước cung cấp đồng hồ miễn phí cho người dân) cung cấp nước cho hơn 100 hộ dân thuộc ấp 1B.

Kết hợp với Công ty dịch vụ Công ích huyện Bình chánh, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã đi khảo sát các vị trí lắp đặt bồn nước, đồng thời đã tiếp nhận 10 bồn chứa, do Chi cục phát triển nông thôn cung cấp cho 10 hộ nghèo trong xã. Bên cạnh, chính quyền xã còn kiến nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đưa nước tới ủng hộ dân…

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cũng thừa nhận việc đường ống nước sạch đã đi đến khu dân cư, tuy nhiên vì còn nhiều vướng mắc nên chưa hoàn thiện đồng hồ và ống dẫn nước đến từng hộ dân. Việc triển khai đồng hồ cấp nước dường như cứ chậm lại.

Giữa tháng 5 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã ra tối hậu thư với Tổng Giám đốc SAWACO: "Cuối năm nay, 100% người dân thành phố phải có nước sạch dùng, và chỉ mua với một giá như nhau". Tuy nhiên, tiến độ lắp đặt đường ống và đồng hồ nước cho dân vẫn rất chậm trễ. Hàng trăm ngàn hộ dân tại các khu vực vùng ven vẫn đang trong tình trạng khát nước sạch.

Đức Hà
.
.