"Người đẹp dao kéo" có nên đại diện cho cái đẹp?

Thứ Ba, 06/04/2021, 10:28
Nghị định mới với nội dung mở cửa cho người đẹp can thiệp thẩm mỹ nhưng cũng là bài toán khó cho các cuộc thi hoa hậu trong thời gian tới. Vẫn còn đó những băn khoăn về sự công bằng giữa các thí sinh tham gia, còn đó những lo ngại về tình trạng tiêu cực tại các cuộc thi...

Nghị định số 144/2020/NÐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (Nghị định 144) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2021.

Trong đó, Nghị định số 144 xóa bỏ quy định về việc không tiếp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm cũng như cho phép công dân Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế mà không bắt buộc xin phép Cục Nghệ thuật Biểu diễn, không cần lọt Top 3 cuộc thi nhan sắc trong nước.

Những “phát súng đầu tiên”

Sau 1 năm yên ắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cuộc thi nhan sắc trong nước đã rục rịch trở lại. Trong đó, Ban tổ chức Miss World Vietnam 2021 vừa chính thức xác nhận sẽ chấp nhận thí sinh đã qua chỉnh sửa nhan sắc. Phía đại diện của Miss Universe Vietnam cũng khẳng định sẽ mở cửa cho thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ trong tương lai gần. Đây là một trong những cuộc thi đầu tiên của Việt Nam nói không với việc ràng buộc đối với thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ.

Thực tế, vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ luôn trở thành chủ đề “nóng” trong các cuộc thi sắc đẹp trong nước nhiều năm qua. Tiền lệ đã có không ít người đẹp nhận án phạt, thậm chí bị tước danh hiệu vì trót can thiệp thẩm mỹ. Còn nhớ, ngay trước đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016, người đẹp Nguyễn Thị Thành bị buộc rời khỏi cuộc thi vì ban tổ chức phát hiện cô đã bọc răng thẩm mỹ. Đến cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017, người đẹp đến từ Bắc Ninh cũng phải ngậm ngùi nộp phạt 55 triệu đồng và từ bỏ danh hiệu Á khôi 1. 

Cũng trong năm 2017, ồn ào Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh từng phẫu thuật nâng mũi khiến dư luận một phen bức xúc. Dù người đẹp 9x không bị tước danh hiệu nhưng scandal này khiến danh tiếng của Ngân Anh bị mất điểm trước công chúng. Ban tổ chức cuộc thi bị phạt 4 triệu đồng vì đã cho phép thí sinh không đạt yêu cầu dự thi.

Đến năm 2020, ông Lê Xuân Sơn - Trưởng Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2020 thẳng thắn thừa nhận, cuộc thi bị nhiều người coi là bảo thủ nhưng BTC vẫn kiên trì với vẻ đẹp tự nhiên. “Nhiều người khuyên chúng tôi nên nới rộng để không bị thiệt thòi so với các cuộc thi khác nhưng chúng tôi vẫn kiên trì và chỉ chấp thuận những điều rất nhỏ, ví như đôi chút xăm lông mày hay chỉnh sửa răng phải có hồ sơ y tế về bệnh lý. Tuy nhiên, chúng tôi không hoàn toàn tin vào hồ sơ y tế vì có thí sinh sửa 7 cái răng và có hồ sơ y tế rất đẹp nhưng chúng tôi điều tra đó là hồ sơ ngụy tạo”, ông Sơn nói.

Á khôi 1 Hoa khôi Du lịch Việt Nam Nguyễn Thị Thành bị tước danh hiệu sau lùm xùm về răng sứ.

Thực tế, so với các nước trên thế giới về đường đua sắc đẹp, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia cởi trói muộn vấn đề cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Venezuela là một trong những đất nước tiên phong trong việc ủng hộ công khai thí sinh can thiệp dao kéo. Theo điều tra xã hội, mỗi phụ nữ tiêu trung bình 20% thu nhập của họ vào chăm sóc sắc đẹp. Tại Caracas, số tiệm làm đẹp và spa còn nhiều hơn quầy bán thuốc y tế. Phụ nữ chẳng ngại ngùng gì khi trang điểm ở ga tàu điện ngầm, các cô gái 15 tuổi coi việc sửa ngực là món quà dành cho lứa tuổi của họ. 

“Hầu hết phụ nữ ở đây đều muốn giải phẫu thẩm mỹ để đẹp hơn”, bác sĩ Bello, chủ một viện “dao kéo” cho biết trên The Seattle Times. Trên Daily Mail, Alexander Velasquez - Giám đốc Trung tâm đào tạo Belankazar tuyên bố: “Tôi không tin rằng Venezuela có những phụ nữ đẹp nhất thế giới nhưng chúng tôi biết cách tạo ra những phụ nữ đẹp và hoàn hảo”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Venezuela có trong tay 7 chiếc vương miện Miss Universe, 6 lần đại thắng tại Miss World, 8 màn vinh danh tại Miss International.

Quốc gia vạn đảo Indonesia những năm gần đây đều tạo được tiếng tăm tại đấu trường nhan sắc thế giới. Theo giới chuyên môn, thành tích này phần nhiều nằm ở việc cởi mở với việc “dao kéo”. Theo quy định của Ban tổ chức cuộc thi Puteri Indonesia, Top 3 thí sinh đạt giải cao nhất phải ký hợp đồng rõ ràng với ban tổ chức và nhan sắc họ sẽ được trùng tu theo thời gian để phù hợp với tiêu chí của Big 5.

Liệu có là bước tiến mới?

Natalie Glebova - Hoa hậu Hoàn vũ 2005 từng tuyên bố trước lo ngại phẫu thuật thẩm mỹ là cơ hội cho các cô gái dễ dàng đăng quang hoa hậu: “Vận động viên thể thao được đánh giá về tốc độ, sức mạnh, độ bền, trong khi thi nhan sắc là hoàn toàn chủ quan. Một thí sinh quyết định thay đổi ngoại hình không có nghĩa là cô ấy có lợi thế hoàn toàn”.

Thực tế ở Việt Nam, nỗi lo này vẫn thường trực đối với dư luận trong nhiều năm qua. Đặc biệt khi mỗi năm có hàng loạt cuộc thi “ao làng” được tổ chức, cộng thêm việc nới lỏng quy định sẽ làm giảm chất lượng, đánh đồng các hoa hậu trong nước. Nếu việc tổ chức dễ dàng, không giới hạn số lượng thì có thể sẽ thêm cả chục cuộc thi với quy mô “ao làng”, chỉ cần gắn với một địa danh hoặc hoạt động văn hóa, ngành nghề nào đó với các mục tiêu thực dụng gắn liền lợi ích của doanh nghiệp, đơn vị tổ chức. Chưa kể, thực trạng này dấy lên lo ngại tình trạng lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ tràn lan, đặc biệt với những cô gái mới mười tám, đôi mươi.

Tại hội thảo về hoạt động tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức năm 2017, ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ VH-TT&DL lo ngại, mở rộng cho phép thí sinh đã phẫu thuật thẩm mỹ dự thi có thể khiến các cuộc thi người đẹp sẽ thành cuộc thi tay nghề của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Bảo Hoàng - Phó Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, việc các cuộc thi đồng ý cho các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham gia không phải là đang cổ súy mọi người phải đi phẫu thuật thẩm mỹ hay chuộng vẻ đẹp nhân tạo. Đây là hai việc không liên quan đến nhau. Mỗi người đều có quyền sở hữu và chịu trách nhiệm đối với cơ thể của chính mình. Trong thời buổi hiện nay, việc mọi người quyết định muốn bản thân đẹp lên đã là một việc hiển nhiên. Vì thế, các cuộc thi sắc đẹp có chấp nhận việc này hay không cũng chỉ là một phần trong dòng chảy dư luận.

Bà Thúy Nga - Tổng Giám đốc Công ty Elite Vietnam.

Theo khảo sát, phần đông ủng hộ quyết định này của cơ quan quản lý. Bởi, so với những cuộc thi trong nước, đấu trường quốc tế ngày càng hướng đến vẻ đẹp toàn diện hơn như nụ cười rạng rỡ với những đường nét hoàn hảo trên gương mặt hay body nuột nà, nóng bỏng nên thay đổi cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ là phù hợp theo xu hướng quốc tế. Bà Thúy Nga - Tổng Giám đốc Công ty Elite Việt Nam cho rằng, việc cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ được dự thi theo tôi là một bước tiến theo kịp xu hướng thế giới của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề rất cần những giám khảo có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhan sắc tham gia.

“Từ lâu, các cuộc thi có uy tín trên thế giới như Miss World, Miss Universe, Miss International đều chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham gia bình đẳng với những thí sinh khác. Song, ban giám khảo của họ đều là những chuyên gia cực kỳ uy tín và có kinh nghiệm trong việc đánh giá nhan sắc, tố chất tiềm ẩn của thí sinh để đưa ra kết quả chấm, làm sao mà việc phẫu thuật thẩm mỹ không ảnh hưởng đến kết quả chấm, đặc biệt là những thí sinh vào top 3. Tôi cho đây sẽ là một bước tiến rất lớn trong lĩnh vực tổ chức các cuộc thi hoa hậu nhưng đòi hỏi sự chuyên nghiệp lớn để có thể tiến kịp với xu hướng thế giới”, bà Thúy Nga nói.

Bà Phạm Kim Dung cùng Top 3 Miss World Vietnam 2019.

Đồng quan điểm, bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch cuộc thi Miss World Vietnam nhận định, đây là một thay đổi hợp thời, “rộng cửa” cho các cô gái đến gần với các cuộc thi hơn. Các cuộc thi nhan sắc quốc tế ngày càng hướng đến vẻ đẹp toàn diện hơn như nụ cười rạng rỡ với những đường nét hoàn hảo trên gương mặt hay những body nuột nà, nóng bỏng.

Cởi mở nhưng không thể đánh đồng

Với tiêu chí rõ ràng của các cuộc thi hoa hậu sắp tới là tìm kiếm đại diện đi thi quốc tế cùng sự đổi mới táo bạo từ năm nay, khán giả đang háo hức chờ đợi một mùa nhan sắc mang rất nhiều màu sắc thú vị. Tuy nhiên, bà Thúy Nga cũng lưu ý rằng, việc cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ không có nghĩa là đánh đồng những thí sinh chỉ chỉnh sửa những khiếm khuyết rất nhỏ như nhấn mí, sửa răng, nâng mũi với những thí sinh chỉnh sửa dao kéo, phẫu thuật sẽ thay đổi nhan sắc rất nhiều. Vì thế mà rất cần đến sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm của những ban giám khảo.

“Hoa hậu khác với người mẫu, người đạt danh hiệu cao hoặc cao nhất phải hội tụ đủ nhan sắc, trình độ, kỹ năng, đủ sức thuyết phục ban giám khảo tin vào sự tỏa sáng của mình và những đóng góp sau này cho xã hội. Vì vậy, nếu thí sinh chỉ nghĩ đến việc thẩm mỹ sao cho thật đẹp thì theo tôi đó là tư duy chưa đúng, chưa đủ”, Trưởng Ban giám khảo Miss Charm 2021 nhìn nhận.

Theo bà Thúy Nga, qua trao đổi, làm việc với ban tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu trên thế giới, trong đó có cả Venezuela, bà rút ra được một cơ chế hoạt động khá hiệu quả. Theo đó, các cuộc thi hoa hậu quốc tế, ban giám khảo, ban tổ chức không đưa ra quy định cụ thể “cấm” hay “khuyến khích” thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Tức là thí sinh có thể phẫu thuật thẩm mỹ mà không phạm quy. Thế nhưng, ban giám khảo tự có “luật ngầm” đối với những thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ quá nhiều, làm thay đổi nhiều phần trên khuôn mặt, cơ thể... thì hầu như sẽ không thể vào top cao, ngoại trừ thí sinh rất xuất sắc.

Nghị định mới với nội dung mở cửa cho người đẹp can thiệp thẩm mỹ nhưng cũng là bài toán khó cho các cuộc thi hoa hậu trong thời gian tới. Vẫn còn đó những băn khoăn về sự công bằng giữa các thí sinh tham gia, còn đó những lo ngại về tình trạng tiêu cực tại các cuộc thi. Song, xét cho cùng những cuộc thi nhan sắc cũng chỉ một trong rất nhiều hoạt động giải trí. Một cuộc thi nhan sắc uy tín sẽ tồn tại dài lâu, một hoa hậu có nhan sắc, trí tuệ và sự nhân ái mới là bông hoa đẹp nhất, ý nghĩa nhất.

Thảo Dung
.
.