Người vợ hiền của danh họa Bùi Xuân Phái

Thứ Ba, 28/08/2018, 10:42
Căn nhà 87 phố Thuốc Bắc quen thuộc đối với hầu hết những danh họa và văn nhân một thời, vẫn nguyên vẹn như mấy chục năm nay, giống như thời danh họa Bùi Xuân Phái còn sống. Cụ bà Nguyễn Thị Sính, người vợ hiền của danh họa Bùi Xuân Phái vẫn đang ở đó, cạnh tất cả mọi kỷ vật quen thuộc của ông để nhớ về ông mỗi ngày trong từng bữa ăn, giấc ngủ...

Bà nhanh nhẹn, minh mẫn và đầy lịch lãm ở tuổi bát thập với rất nhiều những câu chuyện kể về danh họa Bùi Xuân Phái...

Tôi đến thăm cụ bà Nguyễn Thị Sính vào một buổi sáng mùa thu Hà Nội. Đi cùng tôi là nhà giáo, nhà sưu tập tranh Nguyễn Bá Đạm, người được biết đến là nguyên mẫu của 242 bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái thời bấy giờ. Khác hẳn với không khí nhộn nhịp trên con phố Thuốc Bắc, chỉ cách vài mét bên trong con ngõ nhỏ là một căn nhà yên tĩnh với những vật dụng giản dị của ngày thường, nơi mà danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ nên những bức tranh để đời và có giá trị vào bậc nhất trong bộ sưu tập tranh của Việt Nam và thế giới.

Cụ Nguyễn Thị Sính, hiền thê của danh họa, khi nhìn thấy cụ Nguyễn Bá Đạm thì mừng vui khôn xiết. Hai cụ, hai người quen cũ lâu không gặp nhau đã nắm lấy tay nhau, đôi mắt rưng rưng như gặp lại cố nhân. Cụ Bá Đạm hỏi: "Đã lâu không gặp, chị có được mạnh khỏe không ạ?". Cụ bà Phái trả lời: "Dạ cám ơn cụ, tôi vẫn khỏe mạnh ạ. Mừng quá lâu lâu cụ mới lại chơi nhà!".

Những câu đối thoại của những người quen cũ từ thuở hàn vi cách đây đã vài chục năm có lẻ mới ấm áp và thân tình biết mấy. Cụ Sính đi đi lại lại tráng cốc, rót nước pha trà mời cố nhân. Dường như ấm chén lâu lâu mới lại dùng nên cụ chuẩn bị tráng kỹ để pha trà. Nhìn cách cụ làm, biết rằng cụ là người phụ nữ đảm đang tháo vát và quán xuyến. Cụ vừa làm, vừa nói chuyện, miệng lại cười tươi trong sự mừng vui vì có khách quý, là cụ Bá Đạm, tới thăm sau nhiều năm chưa gặp lại.

Cụ Đạm nhìn xung quanh căn nhà rồi chỉ cho tôi: "Kia là góc nhà quen thuộc mà ông Phái vẫn thường ngồi vẽ, mọi thứ vẫn thế, giống như mới hôm qua!". Cụ bà Phái khi nghe cụ Đạm nói chuyện, tay bèn dừng ấm trà nhìn phía tay cụ Bá Đạm chỉ: "Cụ dạy phải ạ. Góc phòng ngày xưa chỉ bé tẹo teo, đặt được một chiếc bàn cũ kỹ chật chội để anh em bạn bè ông Phái ngồi, nào có được khang trang như bây giờ!".

Men theo dòng hồi tưởng, cụ bà Nguyễn Thị Sính kể lại câu chuyện tình yêu của mình. Gương mặt phúc hậu và chung thủy của cụ ánh lên nét tươi vui khi nhắc lại chuyện cũ đã qua lâu lắm rồi. Nhà của danh họa Bùi Xuân Phái ở phố Thuốc Bắc. Nhà bà Sính ở phố Đinh Tiên Hoàng cùng chị gái. Lớn lên bà được bố mẹ gửi vào Huế, theo học ở Trường Nữ sinh Đồng Khánh. Nhưng học được một thời gian, buồn vắng người thân nên bà xin mẹ cho trở ra Hà Nội.

Bà gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái không phải do tình cờ, mà có người trong họ mối lái. Anh rể của bà Sính vốn có họ hàng  với Bùi Xuân Phái nên hai người quen biết nhau từ nhỏ. Rồi chuyện tình của họ cũng như là duyên phận của đất trời đã se duyên, bà kém ông 7 tuổi.

Những người biết đến gia đình của danh họa Bùi Xuân Phái, đều nhận xét rằng, nếu như có một điều gì tuyệt vời nhất khi nói về danh họa Bùi Xuân Phái, ngoài những tác phẩm nghệ thuật của ông đã nổi danh trên cả thế giới, thì đó là người vợ đảm đang, tháo vát cả một đời tận tụy bên cạnh ông, sinh cho ông 5 người con, mang lại cho ông nguồn sống và nguồn cảm hứng.

Danh họa Bùi Xuân Phái và vợ, bà Nguyễn Thị Sính thời còn trẻ.

Ngôi nhà nhỏ 87 Thuốc Bắc cả một đời Bùi Xuân Phái sinh sống tuy bé nhỏ chỉ hơn 20m2 nhưng trải rộng trong không gian ấy là sự đủ đầy bởi bao bọc xung quanh là tranh của Bùi Xuân Phái cùng những bức ảnh gia đình ông chưa bao giờ mờ phai cùng thời gian, năm tháng. Đó là nơi ông bà, các con, các cháu yêu thương sum vầy.

Bà bảo, bà lạc quan và vui sống bởi vì trong lòng bà lúc nào cũng có hình ảnh của ông. Bà chẳng có điều gì hối tiếc vì những năm tháng qua và bà phải sống khỏe mạnh để làm điểm tựa cho con cháu.

Nếu như người ta biết đến Bùi Xuân Phái với những bức tranh phố, thì có một mảng đề tài đặc biệt mà gần như suốt cuộc đời ông theo đuổi, đó là vẽ về người phụ nữ, người bạn đời của cuộc đời ông, bà Nguyễn Thị Sính. Ông vẽ người yêu, người vợ từ ngày mới bắt đầu yêu, đến khi lấy nhau, sinh con và cho đến khi bà đã "toan về già".

Bà Sính bảo, tiếc là bà không giữ lại được bức nào vì thời kỳ túng thiếu, bà đã bán dần đi, nghĩ rằng, rồi có lúc ông sẽ vẽ lại, nhưng rồi mọi thứ chỉ còn trong hoài niệm.

Bà Sính chia sẻ, thời ấy khổ lắm. 5 người con thơ dại, nhà lại chật, còn nghèo. Nhưng có lẽ vì bà là người rộng rãi với bạn bè của chồng, lại cũng là người tháo vát đảm đang nên cũng chiều lòng được nhiều văn nhân tới nhà chơi, làm bầu bạn với danh họa. Nơi đây là chỗ tụ họp của bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu văn nhân, họa sĩ nổi tiếng đến chuyện trò rôm rả.

Hồi ấy, bà là y tá tại khoa Mắt - Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Trước khi đi làm bà lúc nào cũng luôn chuẩn bị sẵn một cút rượu quốc lủi, đĩa lạc hoặc sang hơn thì làm một đĩa salat cà chua, dưa chuột để sẵn trên bàn cho chồng và các bạn nhâm nhi. Biết chồng có khách, dù có nghèo khó đến mấy, bà vẫn tươm tất ngày ngày cút rượu, đồ nhắm để ông và bạn bè ông thưởng thức.

Các tác phẩm của Bùi Xuân Phái ra đời trong những thời khắc như vậy, bên bạn bè, trong gia đình ấm áp, trong tiếng nói tiếng cười của những người con nhỏ. Nhà ông bà dù bé nhỏ, nhưng dường như ngày nào cũng có khách, có bạn bè đến chơi, rồi thì khách hàng của bà.

Ông Phái được dành riêng một góc để vừa vẽ vừa tiếp khách. Khi hết chỗ thì các ông dịch ra ngoài sân để vừa chuyện trò vừa vẽ vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện thế sự. Để cải thiện đời sống, bà Sính ngoài thời gian làm việc tại bệnh viện còn nhận tiêm cho bệnh nhân tại nhà để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Không chỉ tiêm cho khách, trong gia đình, từ ông Phái cho đến các con, cứ ốm đau sụt sùi thì bà là bác sĩ gia đình phục vụ tận nơi, chưa có người con nào phải vào bệnh viện để tiêm hay thăm khám.

Chính sự đảm đang tháo vát, một tay bà lo lắng mọi sự trong gia đình, từ cơm ăn nước uống, đến việc học hành chăm bẵm các con để chồng mình yên tâm ngồi vào bàn sáng tác. Ngay cả khi cuộc sống khó khăn nhất, bà vẫn không để ông phải lo lắng đến mọi thứ, thậm chí, bà còn động viên ông đủ điều khi tranh của ông vẽ không có người mua, chủ yếu chỉ để tặng bạn bè.

Vợ chồng danh họa Bùi Xuân Phái và hai con.

Ông Phái là người yêu con vô cùng nhưng chưa bao giờ phải đụng tay chân vào những việc gia đình, con cái. Bà Sính tuy vất vả và phải xăm xắn việc nhà, nhưng chưa bao giờ bà than phiền điều gì, ngược lại, bà chiều chuộng ông lắm. Bà để ông ung dung tự tại và vui vẻ với công việc của mình, với bạn bè văn nhân, thỉnh thoảng ông có tiền nhuận bút in minh họa trên các báo đưa cho bà, nhưng tiền cũng chỉ đủ mua mồi nhậu và cút rượu để ông mời bạn. Một mình bà lo gánh vác chuyện con cái, đời sống gia đình, thu xếp ổn thỏa mọi chuyện nội ngoại.

Bà kể lại, vì ông chưa bao giờ phải lo chuyện cơm nước nên có lần đi sơ tán, bà đã vo gạo sẵn, đánh dấu vào thành nồi, dặn ông ở nhà khi nào châm xong bếp dầu, đổ nước vào theo vết đánh dấu sẵn rồi đun lên, đảo gạo rồi khi nào nước cạn, thì bắt dầu hãm lửa để hâm hẩm trong nồi cho chín hẳn...". Ông gật đầu bảo bà cứ yên tâm, nhưng rồi về đến nhà, bà ngửi thấy mùi khét cháy, hóa ra, ông nấu cơm nhưng quên không cho nước vào!

Mọi câu chuyện về chồng, bây giờ đối với bà Sính đều đáng giá và là những kỷ niệm đẹp không bao giờ có thể nguôi quên. Bà thương ông vô cùng vì nỗi khát khao với hội họa của ông là quá lớn. Ông có nhiều mơ ước cho sự nghiệp của mình nhưng mãi đến năm 1984, khi triển lãm đầu tiên của Bùi Xuân Phái khai mạc, thì tất cả số tranh ông có, đều không đủ cung cấp cho các nhà sưu tập.

Kể từ đó, cuộc sống của gia đình ông bà và 5 người con, mới khấm khá lên. Và có lẽ chính bởi đức hy sinh, tấm lòng bao dung của một người vợ, người mẹ như bà Sính thì hội họa Việt Nam mới có được một danh họa Bùi Xuân Phái bất tử.

Bà Sính bảo rằng, đôi khi nghĩ lại, chỉ thương ông vì ông chưa được hưởng thụ nhiều sự sung sướng ở đời thì đã gặp phải những tai ương. Khi trở thành một tên tuổi trong làng hội họa, trước ngày lên đường sang Pháp để du ngoạn theo một lời mời, thì ông đổ bệnh, phải điều trị. Ông được báo tin bị ung thư và một thời gian sau đã ra đi trong sự tiếc nuối của gia đình, bạn bè và những người yêu hội họa.

Cụ Nguyễn Bá Đạm ngồi uống chén trà chiều, nghe cụ Sính kể chuyện chồng, cụ Đạm cũng góp thêm những chi tiết mà cụ nhớ: "Chị Sính nhớ không, tôi thường đến thăm ông vào buổi tối thì chuyện trò mới được lâu hơn, có khi ông vừa vẽ, vừa tiếp chuyện. Làm việc mệt nhọc hoặc thức khuya, ông thường dùng đến cà phê, đôi lúc cũng uống rượu nhưng là lúc gặp bạn vui chơi hoặc thù tạc chạm chén như với Nguyễn Sáng và Dương Bích Liên. Rượu ông quen dùng là rượu quốc lủi.

Quán rượu ông thường lui tới ở phố Hàng Mành.Tại đây chúng tôi gặp Văn Cao và một số bè bạn. Rượu ngà ngà, ông Phái lững thững đến chơi với Trần Văn Lưu là nhà nhiếp ảnh ở phố Hàng Bông. Ở đấy lại chạm trán với Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Trần Lê Văn... Đôi lúc rủng rỉnh, ông la cà đi ăn quà sáng ở phố Hàng Giầy và chợ Hàng Da ăn bún thang hoặc rẽ ra phố Lương Văn Can ăn sủi cảo... vui đáo để!".

Như được sống lại không khí của những năm xa xưa, bà Sính bảo rằng, chưa bao giờ trong cuộc đời, kể từ ngày ông ra đi, bà không nhớ đến ông. Căn phòng quen thuộc, gắn bó đến nỗi, giờ đây con cái bà đã phương trưởng và nhà cao cửa rộng, song bà vẫn thích ở lại căn nhà ấm áp này để được sống cùng những kỷ niệm và ký ức những ngày bên ông. Thật sự, đã là số phận thì không ai tránh được, ông ra đi quá sớm, bà một mình lo toan và gánh vác trách nhiệm thay ông.

Bà không lo nghĩ về trách nhiệm mà chỉ tiếc vì không có ông đồng hành trong chặng đường trưởng thành của các con, cháu. Tiếc là sau những tháng ngày vất vả ngược xuôi, miệt mài bên toan vẽ, ông không được chứng kiến những đổi thay của phố phường, bầu bạn và không được tận hưởng những niềm vui khi các bức tranh của ông được cả thế giới tìm đến.

Bà đã nuốt nước mắt vào trong sau khi ông ra đi, chỉ biết cố gắng và nỗ lực hết sức để nuôi con, chăm gia đình để các con không bị thiếu hụt điều gì. Các con của bà đều nhìn vào tấm gương của ông để sống và cư xử. Họ đều là những người con yêu kính gia đình và có trách nhiệm cùng nhau yêu thương và chăm sóc mẹ. Điều hạnh phúc nhất đối với bà, là bà vẫn tự lo được mọi thứ cho mình. Những ngày còn khỏe mạnh, sáng sáng bà vẫn thường đi bộ cùng những người bạn già vòng quanh hồ Gươm.

Bây giờ, khi lưng đau, chân yếu, bà không đi bộ được nữa nhưng vẫn thức dậy rất sớm, lúc 5 giờ 30 phút sáng. Bà cùng một bà hàng xóm ra đầu ngõ ngồi hàng nước chuyện trò, ngắm phố xá vào ban mai. Khi đường đã đông người qua lại, bà mới vào nhà chuẩn bị ăn sáng, uống trà.

Cuộc sống đối với bà êm đềm và giản đơn như vậy. Bà bảo cho đến ngày hôm nay, bà chưa phải phiền lòng vì một điều gì hay vì ai cả. Điều này, có được, dường như vong linh ông phù hộ, ông luôn ở bên cạnh mấy mẹ con để dẫn đường chỉ lối. Đối với cụ bà Nguyễn Thị Sính, điều này thực sự là tất cả những gì ý nghĩa nhất mà bà nhận được trong cuộc sống này. Và bà chỉ cần có thế...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.