Người vợ tào khang của học giả Nguyễn Văn Vĩnh
- Học giả Nguyễn Văn Vĩnh: Những "điểm nhấn ấn tượng"
- Làm phim về học giả Nguyễn Văn Vĩnh: Công trình kể biết mấy mươi…
Để làm vợ một người uyên bác và đào hoa như cụ Vĩnh thật chẳng hề đơn giản, vậy mà bà vẫn điềm nhiên mặc cho dòng đời đầy biến động đẩy đưa, không ít những cơn lốc xoáy và thác ghềnh. Phải chăng, chính cái khí chất thanh tao, trang nhã của người con gái đất Tràng An đã hun đúc và tạo nặn ra bà, một điểm tựa hậu phương vững chắc, góp phần đáng kể vào sự nghiệp thăng hoa, dồi dào của học giả Nguyễn Văn Vĩnh?
1. Giờ thì bà đã yên nghỉ dưới lòng đất, quê hương chồng, làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, Thường Tín, Hà Nội, hơn 50 năm có lẻ. Bà đoàn viên cùng chồng và các con trong khu mộ của dòng họ. Theo gia phả của dòng tộc, học giả Nguyễn Văn Vĩnh có chính thức 3 bà vợ. Nhưng, như là duyên số, định mệnh đến một cách tự nhiên cụ bà Đinh Thị Tính, người vợ đầu của ông lại là người gắn bó keo sơn, đi cùng ông đoạn đường dài nhất, xa nhất và cũng đau đớn nhất.
Hai người vợ sau của ông, khi mất một thời gian, mộ phần và hài cốt đã bị thất lạc. Giờ chỉ còn bà nằm cùng ông và các con hòa vào những cơn gió mát của quê hương, êm đềm ngắm nhìn trời xanh, bồng bềnh mây trôi để gột rửa tất cả những phiền não khổ đau đã qua của một thời sương gió.
Kỹ sư Nguyễn Lân Bình, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và bà Đinh Thị Tính đã có một thời gian dài đau đáu với sự nghiệp đồ sộ của ông nội và dòng họ ông cha. Anh đã làm phim và hàng năm trời liên tục cập nhật những câu chuyện xung quanh dòng tộc của mình. Câu chuyện quá khứ hiện về qua lời kể của người cháu trai.
Bà Tính sinh năm 1881, là người Kẻ Chợ, khu 36 phố phường của Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình nhiều đời ở đất kinh kì nên cái nếp nhà thật là gia phong lễ tiết. Năm học giả Nguyễn Văn Vĩnh vừa tròn 18 tuổi, mẹ mất, cha sầu muộn vì thương nhớ vợ, để căn nhà bớt phần quạnh hiu, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định thành thân với cô gái Hà thành Đinh Thị Tính. Năm đó, Tính về nhà chồng, tuổi vừa 19, hơn chồng 1 tuổi.
Ảnh chụp gia đình, bà Đinh Thị Tính ngồi ở giữa, đầu vấn khăn. |
20 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển về tòa sứ tỉnh Bắc Giang, người vợ trẻ theo chồng như hình với bóng, những đứa con lần lượt ra đời. Cụ Vĩnh thật tốt duyên, vợ cả của cụ là một người đàn bà nền nã, trong quãng đời chung sống với chồng, đến khi chồng mất, hưởng dương 54 tuổi, bà sinh cho ông 10 người con, trong đó có 6 người con trai và 4 người con gái.
Cụ Vĩnh là một người có đam mê và hoài bão lớn, là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp 1906, chủ bút đầu tiên tờ báo xuất bản bằng chữ quốc ngữ Đăng Cổ Tùng báo - 1907. Sau này, cụ làm chủ bút 7 tờ báo, trong đó có 3 tờ báo xuất bản in ấn bằng tiếng Pháp. Bằng cái nhìn tân tiến đương thời, đả phá hủ tục phong kiến nhiêu khê và sự đàn áp của chế độ thực dân, cụ đã có không ít bài báo bình luận sắc sảo trên các tờ báo do mình ấn hành.
Cụ cũng là người tham gia từ đầu với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cùng với các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can... Làm vợ một người hoạt động sôi nổi như cụ Vĩnh hẳn bà Tính phải có trái tim rộng lượng, tấm lòng bao dung và trên hết là thần kinh thép. Đã bao lần gia đình đứng bên bờ vực phá sản vì cụ Vĩnh đặt hết vốn liếng gia tài vào sự nghiệp làm báo, mà chủ yếu là muốn tuyên truyền nhận thức cho nhân dân.
Khi cụ ông mải miết chăm lo cho sự nghiệp thì tại căn nhà ở số 39 Mã Mây, cụ bà ngày đêm chăm sóc một đàn con, dạy dỗ cho nên người. Trong nhà ngày ấy có cây đàn piano, thú chơi tao nhã, rất mực phong lưu của người Hà Nội cổ. Mấy cô con gái của cụ Vĩnh: Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Mười đều biết đánh đàn.
Người dân đất Hà Nội lúc đấy kháo nhau rằng trong mấy chị em, Nguyễn Thị Vân có năng khiếu âm nhạc nhất. Cô chơi dương cầm hay đến độ nghe cô dạo một bản nhạc, người nghe sẽ quên hết thời gian.
Từng có lần người ta muốn mai mối cô cho thái tử Vĩnh Thụy (tức vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn - Bảo Đại sau này). Chuyện đó không thành vì cụ Vĩnh thẳng thừng từ chối. Cụ Vĩnh bảo: Nếu để cô Vân thành thân với thái tử Vĩnh Thụy, chẳng phải ông công nhận triều đình nhà Nguyễn hay sao.
Cụ bà Tính nhất nhất nghe theo sự sắp đặt của chồng từ chuyện lớn chuyện bé, cả cái chuyện động trời, chuyện mà rất nhiều người phụ nữ đã không thể chịu đựng nổi và sẵn sàng tung hê, thì cụ bà lại bình tĩnh, nhẫn nhịn để trong ấm ngoài êm, gia đình không tan đàn xẻ nghé.
2. Đó là cái đận, bà Tính 32 tuổi, cái tuổi đã qua thời con gái xuân sắc, mà xưa nay vẫn ứng vào câu “gái 30 tuổi đã toan về già”. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh si mê người con gái dân tộc Tày tuổi vừa đôi mươi, ở vùng núi phía Bắc Tổ quốc. Bà Tính đã có 3 mặt con với cụ Vĩnh và đang hoài thai người con thứ tư ở trong bụng.
Cùng năm đấy, 1914, người phụ nữ dân tộc Tày đó cũng hạ sinh một cậu con trai, đặt tên là Nguyễn Nhược Pháp, chính là tác giả của bài thơ nổi tiếng “Em đi chùa Hương”. Lúc đó, bà Tính chẳng nổi cơn tam bành như bao người đàn bà ghen tuông khác. Bà chấp nhận sự thật hiển nhiên như một sự đã rồi và không có lựa chọn.
Thử tưởng tượng một người vợ đang bụng mang dạ chửa lại thấy chồng mình thân mật quấn quýt với người phụ nữ khác, ai chẳng hờn ghen, dằn vặt, hoặc nổi đóa. Nhưng bà Tính đã không làm vậy. Bằng tấm lòng bao dung hiếm có, bà cảm thông cho chồng và “tình địch”.
Cái tài của cụ Vĩnh làm cho đàn bà con gái cứ lăn xả vào, mụ mị yêu đương. Nhưng cụ Vĩnh là người đa tài, đa tình, chỉ sau khi Nhược Pháp ra đời ít lâu, cụ quen biết với một cô đầm Tây Suzanne. Hai người trai tài, gái sắc đã thành một đôi một cặp.
Tình yêu này đã dẫn đến kết cục rất đau thương cho mẹ Nguyễn Nhược Pháp. Nhược Pháp lúc đấy chưa đầy 2 tuổi. Bà Tính bằng sự yêu thương đã giang rộng vòng tay để đón Nhược Pháp về nuôi nấng, chăm sóc bồng ẵm như con đẻ. Bằng chứng là Nhược Pháp luôn được học những trường tốt nhất và sau này còn lập ra một tờ báo in của gia đình.
Người đàn bà thứ ba chính thức bước chân vào nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Bà Đinh Thị Tính hẳn rất buồn phiền. Bà không buồn sao được khi người chồng đầu gối tay ấp của mình phải san sẻ yêu thương với người phụ nữ khác, mà người này chỉ lớn hơn người con trai cả của mình có 1-2 tuổi. Đang ở tuổi trăng tròn, người vợ thứ ba Suzanne mang đến cho học giả Nguyễn Văn Vĩnh một sự thăng hoa dạt dào, lần lượt sinh cho ông 2 con trai và 1 con gái.
Kỹ sư Nguyễn Lân Bình - cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và bà Đinh Thị Tính. |
Bỏ qua tất cả, bà Tính vẫn cung cúc tận tụy đảm đang giúp chồng giữ lửa gia đình, cơm lành canh ngọt, mặc dầu hẳn sâu trong tâm bà không thể không buồn đau.
Những người chứng kiến câu chuyện về tình yêu của ông Vĩnh với bà vợ ba thì đều có ý ngăn cản. Họ cho rằng cuộc hôn phối này không được cân xứng. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh lúc này đã hơn Suzanne quá nhiều tuổi.
Nhưng ông đã thẳng thừng trả lời: “Các anh ở ngoài cuộc không thể biết nổi, đó là mối tình đầu tiên của tôi!”. Lời nói và hành động của ông cho thấy, hẳn ông dành tình cảm sâu đậm cho người vợ thứ ba này và điều đó ít nhiều cũng làm đau lòng người vợ thuở đầu tao khang gắn bó.
3. Thời điểm ông gặp bà ba, kinh tế gia đình bắt đầu đi xuống. Việc Nguyễn Văn Vĩnh nợ tiền ngân hàng Chính phủ Pháp để làm báo đã khiến gia cảnh dần khốn khó. Mọi chi tiêu bị thắt chặt tối đa chỉ vì người Pháp không muốn ông Vĩnh nói lên những vấn đề chính trị trên báo mà ông hay đề cập đến. Ông Vĩnh lại là một người có chí khí, hoài bão và không bao giờ để cho người Pháp dụ dỗ mua chuộc.
Bà Tính nuôi nấng ôm ấp cưu mang một đàn con tần tảo và tận tụy. Nhưng rồi, sóng gió lại bất ngờ từ đâu ập đến. Hết buồn chuyện đào hoa của chồng đến việc làm ăn của gia đình đổ bể, người Pháp bắt đóng cửa tờ báo vì ông Vĩnh luôn có những luận điểm chống chế độ thực dân.
Sự việc lên đỉnh điểm khi xảy ra vụ Hà Thành đầu độc và lớp học ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa. Con đường hoạt động chính trị của học giả Nguyễn Văn Vĩnh bị người Pháp kiềm tỏa. Đã đi cùng chồng cả một thời tuổi trẻ đến khi cuộc sống ghập ghềnh sóng gió, bà Tính vẫn sẵn sàng cùng chồng san sẻ những tháng ngày cực khổ.
Năm 1932, ông Vĩnh bị viên Toàn quyền người Pháp đòi tịch biên toàn bộ gia tài vì sau nhiều lần thương thuyết không thành công. Cũng trong năm này, bà Tính bị một cú sốc lớn, người con gái mà bà hết mực thương yêu là Nguyễn Thị Nội mất, năm ấy mới 23 tuổi. Bà không ngờ cái chết của cô con gái báo hiệu hàng loạt tang thương đau buồn đang đổ ập xuống đôi vai bà.
Tình hình ngày càng trở nên phức tạp và cấp bách, nhà Toàn quyền Pháp cho ông Vĩnh 3 lựa chọn: chấm dứt toàn bộ việc viết; chấp nhận đi tù; hoặc sang Lào cùng với đội quân đào vàng để trả nợ.
Năm 1936, học giả Nguyễn Văn Vĩnh sang đất Lào đào vàng. Nhưng vốn là con người văn chương viết lách, ông đã viết phóng sự dài kì về việc đi tìm vàng và gửi về quê nhà để đăng báo. Mùa hè năm ấy, người ta thấy ông Vĩnh chết trên một con thuyền độc mộc tại dòng sông Sê Băng Hiêng, tên của một nhánh sông Sê Pôn, bên cạnh vẫn là những trang viết đang dang dở. Ông rời bỏ cõi thế khi bước vào tuổi 54. Tin ông mất được truyền về quê nhà. Người vợ ba Suzanne cùng 2 người con bà Tính đưa linh cữu của ông về an táng tại quê nhà.
Bà Tính luôn đau đáu trăn trở về cái chết đầy nghi vấn và đột ngột của chồng. Người Pháp giải thích ông chết vì bệnh kiết lị. Cho đến hôm nay, cái chết đột ngột của ông trên dòng sông nước bạn vẫn mang đầy ám ảnh và nghi vấn. Tại sao ông Vĩnh chết, toàn thân lại tím đen là một câu hỏi đến nay chưa có lời giải đáp.
55 tuổi, bà Tính trở thành người góa bụa nhưng những tháng ngày sau mới thật sự đau xót và tang thương cho bà. Sau khi ông mất được 2 năm, gia đình liên tiếp đội những cái tang trời giáng. Năm 1938, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, người con mà bà không dứt ruột đẻ ra nhưng có công nuôi dưỡng qua đời vào tuổi 24. Năm 1939, Nguyễn Hải - con trai cả của bà qua đời ở tuổi 38.
Năm 1940, Nguyễn Thị Vân - con gái ruột được vợ chồng bà hết sức cưng chiều qua đời ở tuổi 27. Năm 1942, Nguyễn Thị Loan - con gái bà cũng ra đi theo em, ở tuổi 35. Năm 1945, Nguyễn Thị Thu Hương - con gái út của bà vợ ba Suzanne và ông Vĩnh qua đời ở tuổi 17. Bà Tính có 5 người con gái ruột với ông Vĩnh thì chỉ trong thời gian ngắn mất 4.
Người đàn bà tần tảo sớm hôm yêu chồng thương con liên tiếp chịu đòn đau của số phận đổ ập xuống. Cảnh lá vàng tiễn biệt lá xanh thật đau buồn tang thương bi lụy. Thời gian dần trôi, cuộc sống gia đình tan đàn xẻ nghé mỗi người một phương. Dòng đời xô đẩy dồn dập khổ đau, bà cắn răng chịu khổ. Sau này, khi thân thể leo lét như ngọn đèn trước gió, bà về quê chồng tại làng Phượng Dực, xã Phượng Vũ, rồi nằm xuống mảnh đất này năm 1965, ở tuổi 84.
Đã qua hết tất cả mọi buồn vui đắng đót của cuộc đời, bà yên nghỉ trong lòng quê hương, xung quanh là những tình thân ruột rà máu mủ. Gió man mát vi vút từ cánh đồng thổi đến gột rửa tất cả khổ đau, thơm nồng hương lúa mới.