Nguyên mẫu những bức họa của Bùi Xuân Phái và Huỳnh Văn Gấm

Thứ Sáu, 30/06/2017, 18:00
Người mẫu và họa sĩ luôn là một "cặp bài trùng" để làm nên những tác phẩm hội họa trác tuyệt. Có những người mẫu may mắn đã đi vào tác phẩm hội họa và trở thành bất tử, như một sự ngẫu nhiên của tạo hóa và số phận. Tôi đã được gặp hai trong số rất nhiều mẫu vẽ của hai tác giả hội họa nổi tiếng của Việt Nam, họa sĩ Bùi Xuân Phái và Huỳnh Văn Gấm.

Họ là hai người mẫu đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng thật may mắn, vì họ vẫn nhớ lại tất cả những ký ức đẹp và nguyên vẹn về những bức vẽ chân dung họ, đã trở thành bất tử trong hội họa Việt Nam thế kỷ XX.

"Cô Liên" của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm

Căn nhà đầy sắc màu của họa sĩ Nguyễn Phương Liên khiến cho không gian trở nên ấm áp, xua tan sự cô đơn của một người phụ nữ đã trải qua nhiều nỗi mất mát ở cuộc đời. Bà vừa trở về từ một cuộc hội ngộ những người bạn cũ tại một địa chỉ ở ngoại thành Hà Nội. Vừa tất bật xếp dọn, bà vừa trò chuyện, tay năm tay mười nhanh nhẹn lo bữa cơm tối cho riêng mình.

Cô Nguyễn Phương Liên nguyên mẫu bức tranh "Cô Liên" tại nhà riêng.

Quan sát, tôi thấy phía bức tường chính của căn nhà được bà treo một bức tranh to và đầy quen thuộc vì sự nổi tiếng của nó trong mấy chục năm qua, bức tranh "Cô Liên" của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, một bức tranh đã để lại dấu ấn đậm nét trong hội họa Việt Nam thế kỷ XX.

Như đoán biết được ý nghĩ của tôi, bà kể lại: "Bức tranh này chỉ là bức được chụp lại thôi. Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm vẽ tôi năm 1962, khi đó tôi 17 tuổi. Ngẫu nhiên lắm. Hồi đó, tôi vừa học xong cấp 3, đang trong lúc rảnh rỗi thì lên cơ quan mẹ tôi chơi. Mẹ tôi là Lê Thanh Hương, là biên tập viên, sau này thì lên làm Giám đốc NXB Văn hóa (ở 40 Lò Đúc, sau này là NXB Văn hóa Thông tin).

Đang tha thẩn trong khuôn viên thì họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (lúc đó là Trưởng phòng Họa ảnh của NXB) đi qua, ông hỏi tôi: "Cháu ơi, cháu không có việc gì làm à, đang rảnh phải không?”. Tôi bảo: "Vâng, cháu đến đây chơi thôi ạ!". "Thế để bác xin với mẹ vào phòng bác vẽ một bức chân dung nhé!".

Hồi đó, ông chưa nổi tiếng, vì là người cùng cơ quan nên mẹ tôi đồng ý cho ông vẽ chân dung tôi. Phải mất 2 ngày ngồi làm mẫu mới xong bức họa ấy. Ban đầu ông vẽ bằng chất liệu sơn dầu, sau mới chuyển sang sơn mài.

Tôi vẫn nhớ, mới 17 tuổi đầu, còn trẻ con nên ông bảo tôi ngồi yên một chỗ là điều cực khó. Ngồi liên miên có khi tôi rất buồn ngủ nên phải chống cằm vào tay. Dĩ nhiên họa sĩ người ta chỉ cần người làm mẫu cho trí tưởng tượng bay lên, chứ cũng không nhất thiết phải quá giống. Tôi thấy về thần thái thì cực giống mình, song về gương mặt và dáng hình thì rõ ràng nó là của một người thiếu nữ Việt Nam nói chung.

Ban đầu khi vẽ xong, ông đặt tên bức họa là "Thiếu nữ Việt Nam". Sau này, bức tranh được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại, được vào sách, họa báo hình ảnh Việt Nam, lưu trữ vào Thư viện Quốc gia. Điều bất ngờ là trong quá trình Bảo tàng đã mua và dùng để triển lãm nơi này nơi kia, người làm tít đề tranh đã vô tình biết bức tranh này vẽ tôi và đề tên bức tranh là "Cô Liên".

Bản thân tác giả là họa sĩ Huỳnh Văn Gấm khi có một triển lãm tại Nhật, mang bức tranh đi, có người đã chụp ảnh lại bức tranh và ông đã gửi tặng tôi với dòng chữ: "Thân tặng cháu bức tranh "Cô Liên" và ký sau bức ảnh, có nghĩa là ông đã công nhận cái tên giản dị ấy. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, chính sự tắc trách của một ai đó mà tên của mình lại có mặt trong nền mỹ thuật Việt Nam".

Bây giờ, "Cô Liên" 17 tuổi năm ấy, đã ở tuổi 72 với rất nhiều duyên nợ với hội họa. Sau thời điểm được họa sĩ Huỳnh Văn Gấm vẽ chân dung, bà được cha mình là cụ Nguyễn Hữu Bình, người từng bỏ dở sau khi học một năm tại trường Mỹ thuật Đông Dương cùng thời với họa sĩ Tạ Thúc Bình. Chính cụ cũng đã nhờ họa sĩ Tạ Thúc Bình kèm cặp để con gái thi đỗ vào học trường Trung cấp Mỹ thuật, sau đó học tiếp lên đại học rồi về công tác tại nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô. Trước khi về hưu, bà làm việc tại Công ty Mỹ thuật Trung ương. Công ty có nhiều xưởng làm các bức tranh sơn mài cung cấp cho Chính phủ làm quà tặng. Ngoài ra còn vẽ tranh cổ động vào những ngày lễ lớn trên toàn quốc...

Duyên nợ lớn nhất đối với "Cô Liên" đó là khi bà kết hôn với người chồng học cùng lớp mỹ thuật, họa sĩ Trương Hạnh, thì chồng bà sau này chính là Giám đốc NXB Mỹ Thuật, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, nơi mà họa sĩ Huỳnh Văn Gấm là giám đốc đầu tiên. Dịp kỷ niệm 40 năm NXB Mỹ thuật vừa qua, bà đã thay mặt chồng tới tham dự lễ kỷ niệm, vì ông đã mất nhiều năm nay. Trong tâm trạng ngậm ngùi, bà nhớ chồng, tiếc cho một thời đã xa của những người yêu dấu.

Họa sĩ Nguyễn Phương Liên chia sẻ rằng, nhiều người mẫu vẽ có những số phận trớ trêu, đau đớn hoặc trở thành những câu chuyện hấp dẫn đối với danh phận bức tranh, nhưng bản thân bà thì không có những đổi thay nhiều khi số phận đã đặt bà vào trong ngôi nhà của hội họa, ngoài sự ngợi ca vẻ đẹp thuần Việt và quý phái của hình ảnh cô gái trong bức tranh. Một vẻ đẹp rất Việt Nam và trở thành tâm điểm khi mang ra triển lãm ở nhiều nước trên thế giới. Bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì điều ấy.

Số phận đã cho bà trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm hội họa nổi tiếng của một người họa sĩ nổi tiếng, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm sau này là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức văn nghệ như: Chi hội phó Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, Trưởng ngành hội họa Nam Bộ, Ủy viên Ban thường vụ Hội Mĩ thuật khóa I, Tổng Biên tập Tạp chí Mĩ thuật, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông còn là Đại biểu Quốc hội từ Khóa 1 đến Khóa 3.

Nguyên mẫu hơn 200 bức tranh của Bùi Xuân Phái

Cụ giáo Nguyễn Bá Đạm sinh ra và lớn lên tại làng Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội. Thời còn trẻ, cụ là một người bạn thân thiết của những danh họa, nổi tiếng vào bậc nhất thế kỷ XX như "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái".

Cho đến nay, trong gia tài còn giữ lại, cụ vẫn lưu giữ những bức thư tay của các họa sĩ như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Đinh Minh, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Tiến Chung... Và điều đặc biệt hơn cả, là cụ rất thân thiết với họa sĩ Bùi Xuân Phái, chính danh họa đã có tới hơn 200 bức ký họa lớn nhỏ gương mặt cụ Nguyễn Bá Đạm. Cụ Đạm trở thành một gương mặt được "truy lùng" nhiều nhất trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Cụ Nguyễn Bá Đạm và bức ký họa chân dung do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tặng.

Cụ Nguyễn Bá Đạm kể lại: "Tôi quen Bùi Xuân Phái vào một buổi tối mùa đông năm 1962 trên căn gác nhà họa sĩ Nguyễn Dung ở phố Quán Thánh. Nghe tiếng ông từ lâu, nay tôi mới được gặp. Thân ông gầy, dáng cao, vầng trán hói, mái tóc thưa và đen, má hơi hóp, đôi mắt trong xanh tỏ ra thông minh và có nghị lực. Ông quen nói to, giọng vang và ấm.

Qua sự giới thiệu của ông Dung, tôi và ông trở thành quen biết. Ông rút trong túi áo ra một chiếc bút máy, vạch vài ba nét đã thấy hình tôi hiện lên trang giấy. Vẽ xong, ông tặng ngay tôi, mặc dầu mới quen biết buổi đầu. Thầm ơn ông, tôi có hỏi thăm địa chỉ. Cách vài ngày sau, tôi có tới thăm ông ở bên trong số 87 phố Thuốc Bắc, một gian nhà không được rộng, tiếp tôi ở trên gác xép, nếu đứng thẳng người thì dễ chạm đầu nên phải cúi lom khom. Diện tích vừa đủ trải một chiếc chiếu rộng, gần chỗ nằm kê một chiếc tủ con đựng đồ lặt vặt. Mấy chồng báo cũ sắp xếp xung quanh.

Trên tường treo vài bức tranh sơn dầu không khung. Một chiếc đèn thắp bóng 75W xoay ngang mọi chiều để chiếu sáng. Hộp rửa bút là chiếc hộp sắt, ngổn ngang mấy tuýp sơn dầu đang dùng dở dang. Trong hộp thuốc vẽ bê bết màu sơn. Gần ông tôi thấy dễ mến vì ông ăn nói có duyên, là con người lịch thiệp, những câu chuyện ông thường nói đùa mang chất châm biếm, hài hước rất tế nhị. Vui câu chuyện, ông cười một cách sảng khoái, tiếng cười giòn giã rất khó quên.

Ông hồn nhiên phóng khoáng nhưng rất nhạy bén với tình hình xã hội và đời sống thực tế bên ngoài. Ông ghét nhất là thói đạo đức giả hoặc câu chuyện làm quà hay kiểu đãi bôi vuốt đuôi. Mỗi khi tôi xem tranh, ông lại lật chiếc chiếu đang nằm lấy ra những bức họa bằng bột màu hoặc mực nho. Có lẽ sức nặng trên con người ông nén xuống đã làm cho những bức tranh được phẳng phiu hơn. Ông đặt bức tranh trên miếng carton cứng, dùng 4 chiếc cặp sắt kẹp vào 4 góc, muốn thay đổi, ông lại tháo ra và lồng vào bức khác. Xem xong tôi dè dặt không dám khen chê, sợ không đúng ý, vì khi đó tôi mới bắt đầu làm quen với hội họa.

Nhiều lần qua lại, tôi với ông trở nên thân thiết và tôi cũng học hỏi ở ông được nhiều điều hay. Tôi thường đến thăm ông vào buổi tối thì chuyện trò mới được lâu hơn, có khi ông vừa vẽ vừa tiếp chuyện. Cuộc sống của ông thời kỳ ấy rất chật vật, cũng may được người vợ đảm. Sự nghiệp của ông cũng do người vợ đóng góp đôi phần.

Khoảng năm 1964, Hội Mỹ thuật có trợ cấp cho ông mỗi tháng 80 đồng, và trong số 700 hội viên chỉ có độ mươi người được hưởng lương như vậy.  Ngoài ra ông phải làm thêm, trình bày bìa sách, vẽ minh họa cho Báo Văn nghệ, thỉnh thoảng ông nhận công việc trang trí cho sân khấu kịch hoặc chèo nên Trần Huyền Trân và Trần Hoạt thường đến với ông để bàn công việc. Tháng thu nhập cũng thêm được dăm bảy chục.

Làm việc mệt nhọc hoặc thức khuya, ông thường dùng đến cà phê, đôi lúc cũng uống rượu nhưng là lúc gặp bạn vui chơi hoặc thù tạc chạm chén như với Nguyễn Sáng và Dương Bích Liên. Rượu ông quen dùng là rượu "quốc lủi". Quán rượu ông thường lui tới ở phố Hàng Mành. Tại đây ông thường gặp Văn Cao và một số bè bạn. Rượu ngà ngà, ông lững thững đến chơi với Trần Văn Lưu là nhà nhiếp ảnh ở phố Hàng Bông. Ở đấy lại chạm trán với Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Trần Lê Văn... Đôi lúc rủng rỉnh, ông la cà đi ăn quà sáng ở phố Hàng Giầy và chợ Hàng Da ăn bún thang hoặc rẽ ra phố Lương Văn Can ăn sủi cảo.

Ông ham vẽ lắm. Khi vẽ ông không bao giờ phải chọn đề tài, thích gì vẽ nấy, phố cổ, nông thôn, cảnh rừng, cảnh biển, diễn chèo, chân dung, tĩnh vật. Ông ngồi đâu vẽ đấy, một mảnh giấy con con, một tờ báo cũ, thậm chí có khi là vỏ bao diêm, vỏ bao thuốc lá, nắp hộp mứt, nắp hộp kẹo, chỉ cần quyệt vài ba nét đã trở thành tranh. Rất nhiều bức tranh ông vẽ tôi ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Cũng có nhiều bức, ông vẽ tỉ mẩn lắm, nét ra nét, màu ra màu, dù không quá cầu kỳ, nhưng nhìn là ra tôi. Bộ sưu tập của tôi đã tản mát, nhiều nhà sưu tầm mua lại, nhưng những bức yêu thích nhất của Phái vẽ, tôi vẫn còn lưu giữ như một cách giữ lại những ký ức đẹp đẽ một thời của mình. Trong hơn mấy chục năm trời thâm giao ấy, tôi đã đếm được 242 bức chân dung của Phái vẽ tôi, thường là vẽ trên những giấy nhỏ hoặc bao thuốc lá.

Năm 1967, Phái đã vẽ một bức chân dung tôi bằng bút chì theo trí nhớ. Đây là bức chân dung được vẽ rất đặc biệt, làm đậm một số chi tiết trên gương mặt như mắt, mũi... Tôi vẫn giữ nó hơn 50 năm nay được giới sưu tầm tranh hỏi mua nhiều lần với giá cao, nhưng tôi không bán. Quen thân với Bùi Xuân Phái, tôi học hỏi được nhiều điều để sau này, khi làm một người sưu tập tranh và đồ cổ tôi cũng có những cơ duyên.

Bùi Xuân Phái cho rằng, đã là họa sĩ thì phải sáng tạo, phải luôn tìm ra cái mới, không nên dựa vào mẫu. Cho nên tranh của ông không giống một ai, không cần phải ký tên mà mọi người vẫn nhận ra được. Nét bút phóng khoáng. Gam màu lạnh mà trông vẫn ấm, màu nóng mà như tươi mát...

Khi cuộc sống trở nên khấm khá hơn thì ông lại bị bệnh trọng, ông bị ung thư nhưng gia đình đã giấu không cho ông biết. Trước khi Phái mất, tôi có lại thăm, thấy ông ngả người trên chiếc ghế bành, đôi mắt lim dim, lúc nhắm lúc mở. Thấy tôi, ông choàng dậy gật đầu chào, coi có vẻ mệt mỏi. Nhìn kỹ sắc thái lúc này đã thấy sút hẳn. Không hỏi nhiều làm phiền ông, tôi giữ ý rút lui về sớm hơn mọi ngày. Phái rút trong chiếc cặp da bức ảnh chân dung cỡ 9x12, ông ghi mấy chữ: "Thân tặng cụ Đạm một bức ảnh rất xưa".

Cầm tấm ảnh tôi không nhận ra vì lúc đó ông là một thanh niên đẹp trai, mới 21 tuổi, đang học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Trong mấy ngày liền, thời tiết oi bức. Chiều tối ngày 23/6, cơn dông ập đến, người ông thấy khó thở. Gia đình đưa đi cấp cứu nhưng không qua được căn bệnh hiểm nghèo. Ông đã mất vào lúc 2h40” ngày 24-6-1988 trong niềm thương nhớ của bao nhiêu người trân quý ông...".

Thiên Kim – Mỹ Hiền
.
.