Nhà điêu khắc Lê Công Thành: Vui theo mây và vơ vẩn cùng trăng

Thứ Tư, 17/07/2019, 15:10
Đã 100 ngày kể từ khi nhà điêu khắc nổi tiếng rời bỏ cõi thế để đến miền cực lạc, quãng thời gian không dài nhưng cũng không phải là quá ngắn, vậy mà hình ảnh của ông cứ chập chờn ẩn hiện đâu đó quanh đây. Nửa như mơ, nửa như thực, tựa hồ bảng lảng như mây khói. Người ta vẫn thường âu yếm gọi ông là “người nhà trời”.

Sống hơn tám thập niên, “người nhà trời” xong công việc và sứ mệnh lại quay về trời, để lại những công trình điêu khắc lừng lững giữa đất trời sông núi từ địa đầu Tổ quốc cho đến ngàn khơi hướng ra biển cả.

Hậu thế bây giờ và mãi mãi về sau sẽ chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật hùng vĩ đó như bảo bối của bậc tiền nhân để lại cho muôn đời song hành cùng với thời gian.

1. Nắng tháng 7 nhảy nhót trên mặt đường loang loáng với nhiệt độ hầm hập hơn 40oC. Nắng bỏng da, cháy thịt, nắng như thiêu như đốt, nắng như ngọn lửa hoang dại, dữ dội. Đường phố Hà Nội buổi giữa trưa như hầm lò tưởng chừng có thể đốt cháy rụi được chiếc lá khô.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành bên vườn địa đàng.

Và trong căn phòng vừa đủ rộng trên tầng 3 nhà số 16 phố Quảng An, Tây Hồ, những người bạn của nhà điêu khắc Lê Công Thành đang tưởng nhớ đến ông. Căn phòng nhìn ra hồ Tây, mênh mang sóng nước dập dềnh làm dịu lại vẻ oi nồng, khô hạn.

 Vợ ông - hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Thái tiều tụy vì thương nhớ chồng, xúc động không nói lên lời, mở di ảnh của chồng được gói ghém trong một cái khăn quàng cổ của bà, lặng lẽ đặt trên bàn trang trọng kê giữa phòng.

Bên cạnh đấy là bức điêu khắc gỗ, trầm tích với màu thời gian. Người đàn bà có dáng vẻ kì lạ, không già, không trẻ. Không vui, không buồn. Không đẹp, không xấu. Nửa đăm chiêu, nửa suy xét, nửa kiêu mạn giang hồ, nửa chanh chua lọc lõi, nửa day dứt buồn thương  khiến cho người đối diện cứ tò mò ngắm nhìn mãi không dứt. Bức điêu khắc có tên: “Hồ Xuân Hương” - một tác phẩm của ông từ năm kháng chiến chống Mỹ.

Vợ ông lặng ngắm bức tượng gỗ, bà tưởng rằng bức tượng đã lưu lạc tận phương trời nào nay lại trở lại đây vào đúng giỗ 100 ngày của ông. Thì ra, cách đây hơn 30 năm, người bạn nhỏ của ông, Nguyễn Ngọc Quang lúc đó đang là một cậu bé tuổi mới lớn học chuyên toán nhưng lại thích nghệ thuật đến nhà ông và tò mò ngắm những bức tượng có sức quyến rũ đặc biệt. Cậu đã xin, ôm về rồi trân trọng cất giữ cho đến ngày hôm nay.

Bức tượng gỗ cao chừng hai sải tay, đây là một sự tình cờ của số phận như một lẽ tất nhiên nó phải thế. Bà chúa thơ nôm phải hiện hữu ở không gian này, vào thời điểm này, không thể khác được. Vì ở cõi nào đó ông muốn thế chăng hay có một bàn tay vô hình nào đó sắp xếp những điều tưởng như rất vô tình này. Tại sao lại vậy?! Trước hết hãy xem qua bản lí lịch trích ngang cực kì kì lạ của ông. 

Sinh trưởng trong một gia đình cách mạng ở Quảng Nam, tiếp nối truyền thống gia đình, 17 tuổi ông xung phong đi bộ đội. 20 tuổi ông làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân ở Liên khu V. Năm 1955, khi vừa tròn 23 tuổi, ông tập kết ra Bắc làm hoạ sĩ báo Quân đội Nhân dân. Sau đấy ông được cơ quan cử đi học tại Trường Mỹ thuật Việt Nam khoá Tô Ngọc Vân. Rồi trong môi trường nghệ thuật ấy, như duyên nợ ông dấn thân vào chuyên ngành điêu khắc.

Những năm tháng sau này ông với công việc giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đã đào tạo ra những nhà điêu khắc hiện đại. Được chứng kiến, kinh qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, bằng cách cảm, cách nghĩ và sự tài hoa đã tạo nặn nên một điêu khắc Lê Công Thành độc đáo, bản ngã, sáng tạo.

Chặng đường sáng tạo điêu khắc của ông chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu ông dựng  tượng: “Bình ngô Đại Cáo (Nguyễn Trãi) - thạch cao năm 1972; “Tượng Bác Hồ”, “Cuộn chỉ”, “Tây Nguyên” đất nung năm 1981; “Trên cao nguyên” đẽo gỗ;  “Đánh đàn” chất liệu gò đồng (1982)...

Sự việc bắt đầu làm thay đổi khuynh hướng sáng tác của ông từ một sự kiện rất lạ.      Đó là mùa hè năm 1986  khi xây dựng tượng đài Chiến thắng Núi Thành tại quê hương của ông. Tượng đài uy nghiêm và lừng lững trên đồi cao 43m ở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tiếp giáp với đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A. Nơi đây trong thời kì kháng chiến có vị trí chiến lược quan trọng, đã diễn ra trận đầu đánh Mỹ của quân và dân Quảng Nam.

Vào ngày 25-5-1965, tiểu đoàn 70 tỉnh đội Quảng Nam đã tấn công đánh tan quân đội Mỹ, mở đầu cho phong trào “Tìm Mỹ mà đánh” trên toàn miền Nam, được Đảng và Bác Hồ khen tặng 8 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.

Tượng đài chính là hình ảnh thể hiện chiến tích lẫy lừng của quân dân Quảng Nam trong trận đầu đánh Mỹ và khi dốc hết tâm trí vào chỉ huy công trình xây dựng đồ sộ này thì nhà điêu khắc Lê Công Thành bị ngã trên giàn giáo xuống, chấn thương nghiêm trọng. Sau đó, rất ít người còn nhìn thấy bóng dáng nhà điêu khắc.

Sau cú ngã bất ngờ ấy, ông ở ẩn hai mươi năm, không tiếp xúc gặp gỡ bất kì ai trừ vợ con và bạn bè cực kì thân thiết. 

Hai mươi năm mai danh ẩn tích, như tiên ông đắc đạo tu luyện, ông xuất hiện trở lại với hình hài thật kì khôi. Vóc dáng nhỏ bé giấu trong bộ quần áo lụng thụng, đôi giày thể thao buộc dây, mái tóc bạc trắng, đôi mắt tinh anh luôn có thần lực phát sáng trên khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Và, như người sau cơn mê ngủ rất lâu làm ông bừng dậy, từ đây ông tạo nặn và tạc tượng ở vùng cấm địa mà trước đấy chả mấy khi ông động tay vào.

Sự trở lại này ông đắm đuối lao vào sáng tác những vẻ đẹp no đủ tròn trịa, gợi cảm của phụ nữ. Những hình khối thật mãn nhãn, đúng ra là vùng địa đàng, vùng yêu.

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Thái bên di ảnh của chồng và bức điêu khắc gỗ Hồ Xuân Hương.

Qua những tác phẩm điêu khắc nằm ở vị trí đắc địa như những tượng ngoài trời có kích thước lớn bằng chất liệu đá, đặt ở Công viên Hòn Dấu – Hải Phòng, tượng “Âu Cơ”  đặt tại Công viên biển Đà Nẵng và tượng đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, ông được mệnh danh là “Vị thần cai quản phái đẹp”.

Ngày ông còn sống, bạn bè vẫn thường thăm ông ở tầng 3, khu tập thể Vĩnh Hồ. Đó quả thật là một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ. Trước đây ông chỉ có một căn hộ, sau đó nhờ tài năng điêu khắc, ông có số tiền kha khá rồi dần dà mua thêm những căn liền kề bên cạnh.

Bốn căn hộ cạnh nhau, lại cơi nới thêm với tổng diện tích 200m². Một nửa diện tích để gia đình ở và nửa còn lại ông dành riêng 2 căn phòng để trưng bày triển lãm những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tâm đắc của mình. Ở đây ta như lạc vào thế giới của cái đẹp, hay nói đúng hơn trong con mắt ông vẻ đẹp của người phụ nữ được nâng niu, yêu chiều.

Tấm áo khoác cởi bỏ, bên trong là những gì lấp lánh, chứa chan yêu thương. Đôi bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa, nhào nặn và cho ra một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đích thực. Những vô vàn hình khối, kiểu dáng khiến người ta ngắm không chán mắt, thèm thuồng muốn chiếm hữu.

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Thái kể: Vào một ngày mùa đông giá rét, trên căn hộ tầng 3 nơi vợ chồng ông ở đón một cô gái người Úc. Qua một người bạn giới thiệu, cô tìm được đến đây để chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của ông. Ánh mắt cô gái trầm trồ thán phục và cô ngỏ ý muốn mua một tác phẩm điêu khắc, nhưng đến khi nhà điêu khắc nói giá thì cô không đủ tiền mua. Ông nhìn trong đôi mắt của cô có chút gì bối rối và rồi ông quyết định không bán, tặng luôn bức tượng cho cô.

Cô gái tóc vàng, có đôi mắt màu xanh lơ đó mỗi lần sang Việt Nam là lại chạy đến ngay đến “vườn địa đàng” để tắm mình trong bầu không khí nghệ thuật đê mê, quyến rũ, rủ rì say sưa trò chuyện với ân nhân.

2.Trở lại bức tượng gỗ “Hồ Xuân Hương” đang hiển hiện ngay trước mắt, hoạ sĩ Kim Thái như trầm lắng, miền kí ức xa xưa vang vọng trở về như mới ngày hôm qua. Đó là năm 1972, Mỹ ném bom B52 Hà Nội, gia đình hoạ sĩ Lê Công Thành cùng với đoàn người gồm thầy cô giáo và học sinh của Trường Mỹ thuật đi sơ tán tới Đoan Hùng, Phú Thọ. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, treo nồi niêu, lỉnh kỉnh xoong chảo, một bọc dăm ba bộ áo quần, đằng sau yên xe là cô con gái nhỏ của vợ chồng ông.

Cứ thế ông đạp xe trên con đường gập ghềnh đá sỏi, xen lẫn ổ trâu, ổ bò để đến vùng an toàn. Ở đây, gia đình ông được người dân địa phương cho ăn và dành chỗ cho ngủ. Trong kháng chiến tuy thiếu thốn về vật chất nhưng mọi người sống yêu thương, ấm áp nghĩa tình.

Trên vùng đồi là những rừng cây bạch đàn xanh lá xào xạc, người dân địa phương đi cưa những cây bạch đàn về, gỗ phần ngọn của cây để gửi xuống nhà máy giấy gần đấy để sản xuất giấy, còn phần gốc thì cho những thầy giáo Trường Mỹ thuật.

Tượng “Mẹ Âu Cơ” ở cửa biển Đà Nẵng.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành lấy tấm gỗ cây bạch đàn ngồi ở sân chăm chú đẽo gọt hình tượng “Hồ Xuân Hương”. Không biết có phải ngay từ khi ấy, ông đã lờ mờ cảm thấy bà chúa thơ Nôm, nhà thơ nữ đặc biệt này có điều gì đó rất tương đồng với những sáng tác sau này của ông để mở ra cái gọi là: “vườn địa đàng” hay không?!

Và quả nhiên sau này đúng là như thế. Hồi đó, tuy chiến tranh gian khổ nhưng cũng thật lãng mạn, những em học sinh Trường Mỹ thuật thường vào rừng để hái những bông hoa chuối dại màu đỏ tươi về cắm vào những chiếc giỏ đan bằng mây tre để ở ngoài sân nhà. Nhà điêu khắc ngồi giữa một rừng hoa lá, thả hồn bay bổng, mơ mộng sáng tạo.

Và, hôm nay kỉ niệm ngày nhà điêu khắc tài ba Lê Công Thành tạ thế, người bạn tri âm của ông, anh Ngọc Quang đã đặt bức tượng gỗ “Hồ Xuân Hương” để cùng gia đình, bè bạn trong nước và quốc tế tưởng nhớ tới ông.

Ngoài ra, ngay sau khi nhà điêu khắc vừa nằm xuống, những người bạn của ông đã kịp thời mời gọi những kiến trúc sư đưa được những mẫu tượng của ông phóng tác to lên vào vùng thiên nhiên bao la của đất trời như là một cách tri âm với ông. Mới đây nhất, một tác phẩm của ông được khánh thành đứng giữa không gian rộng dài ở Tam Cốc, Ninh Bình, hiển hiện với tên “Tiên Việt”. Nhiều địa danh khác như Tam Đảo - Vĩnh Phúc, những nhà kiến trúc vẫn đang hăm hở, tạo dựng  một số mẫu tượng điêu khắc của ông.

Bức điêu khắc đá “Tiên Việt” của nhà điêu khắc Lê Công Thành được dựng ở Tam Cốc (Ninh Bình) sau khi ông mất 100 ngày.

Nhắc đến nhà điêu khắc tài ba, nhà văn Ngô Thảo bùi ngùi nói: “Đó là người anh cả của chúng tôi, là người nghệ sĩ lớn, luôn luôn quan tâm đến điều lớn lao của đất nước, của dân tộc, và đau đáu mong đất nước bình yên, đất nước phát triển. Những tác phẩm của ông đóng góp cho nghệ thuật chắc sẽ còn mãi với tương lai.

Hiện nay có một số tác phẩm nghệ thuật của ông đã được dàn dựng, khánh thành rồi và chúng tôi hy vọng trong tương lai những vị trí đẹp có sự hiện diện của những tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành. Ông mất đi nhưng chúng tôi luôn nghĩ ông vẫn hiện diện trong tác phẩm nghệ thuật của mình, hiện diện trong những điều người nói...”.

Ông Nguyễn Ngọc Quang là người đưa ý tưởng dựng bức “Tiên Việt” của nhà điêu khắc Lê Công Thành ở Tam Cốc (Ninh Bình).

Quả thật, trong sáng tác điêu khắc của mình, ông có nhiều công trình điêu khắc rực rỡ gây ấn tượng mạnh mang đậm dấu ấn cá nhân. Bức tượng “Mẹ Âu Cơ” ở vị trí đắc địa nằm giữa công viên Biển Đông trên bãi biển Phạm Văn Đồng ở cửa biển Đà Nẵng.

Bức tượng bằng đá trắng khá lạ mắt, khiến mọi người đi qua đây không khỏi tò mò, thú vị. Bức tượng bí ẩn mang ý nghĩa hướng về nguồn cội sâu sắc với hình mẹ Âu Cơ, nhân vật huyền thoại có thể được coi là người phụ nữ đầu tiên hiện diện trong lịch sử dân tộc và trong tâm linh người Việt.

Bức tượng lộng lẫy, kì bí, quyến rũ được dựng lên năm 2007 chỉ trong vòng hơn một tháng. Giờ thì đã hơn chục năm sau khi khánh thành tượng đài “Mẹ Âu Cơ”, ông đã ra đi, có thể ở một nơi nào đó trong hư vô, nhẹ bẫng, vui vẻ bên tượng đài lồng lộng giữa đất trời, biển cả.

Mỹ Trân
.
.