"Nhà giàu" tẩy chay tiền ảo
Ông cho rằng loại tài sản này mang tính đầu cơ và không tạo ra lợi nhuận hay cổ tức giống như cổ phiếu. Tỷ phú Bill Gates cũng tuyên bố, tiền ảo gây hại cho xã hội.
Tiền ảo bị coi là “bả độc”
Có cùng quan điểm, với tỷ phú Warren Buffett, Phó Chủ tịch Berkshire Charlie Munger cũng so sánh tiền ảo với chất độc. Cả ông Buffett và ông Muger đều gọi Bitcoin là “ảo ảnh”. Không chỉ có những nhà đầu tư huyền thoại gọi tiền ảo là "bả độc", ngay cả một trong những người giàu nhất thế giới, tỷ phú Bill Gates cũng gọi tiền ảo là loại hình đầu tư "ngu ngốc".
Để chứng minh điều này, Bill Gates cho biết, ông từng đầu tư số tài sản trên 91,8 tỷ USD của mình cho mọi loại hình kinh doanh trên thế giới, từ các hoạt động từ thiện, lĩnh vực công nghệ, thám hiểm vũ trụ, cho tới những công việc kỳ quái như dự án tạo ra thịt nhân tạo từ phòng thí nghiệm... nhưng có một lĩnh vực mà tỷ phú người Mỹ tuyệt nhiên không tham gia, cũng như không ủng hộ, đó là tiền ảo.
Trong một phỏng vấn mới đây cùng CNBC, Bill Gates thú nhận ông từng sở hữu một vài Bitcoin do được tặng. Nhưng sau đó đã bán chúng ngay lập tức. “Bitcoin là một trong những khoản đầu tư điên rồ nhất”, Bill Gates nói. Ông cũng khẳng định mình sẽ bỏ phiếu chống Bitcoin nếu như mình có thể.
Lý giải về nguyên nhân đưa ra những dự đoán không mấy tích cực về Bitcoin cũng như thị trường tiền ảo, tỷ phú người Mỹ khẳng định chúng thiếu đi giá trị nội tại. “Là một loại tài sản, nhưng bạn không thể sản xuất bất cứ thứ gì từ nó. Vì vậy bạn không nên mong đợi nó tiếp tục đi lên”, Bill Gates nói.
“Đó chỉ thuần túy là một loại đầu tư dựa trên “Thuyết kẻ ngốc hơn”. Có nghĩa là bạn có thể kiếm lợi từ việc đầu tư miễn là ngoài kia có một kẻ ngốc hơn bản thân bạn sẵn sàng đầu tư ở một giá cao hơn. Điều đó có nghĩa rằng bạn có thể kiếm tiền từ những cổ phiếu bị định giá quá cao so với giá trị thực tế miễn là có người nào đó ngốc nghếch sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được nó từ bạn.
Lường trước sự độc hại của tiền ảo có thể ảnh hưởng tới xã hội, Bill Gates thẳng thắn tuyên bố: tiền ảo là công nghệ “gây hại” cho xã hội. Thị trường tiền ảo là con đường dẫn đến “cái chết” một cách trực tiếp. Ông nhấn mạnh đến những mặt hàng cấm, những giao dịch ngầm có thể dễ dàng được thực hiện thông qua mua bán tiền ảo.
“Đặc điểm chính của tiền ảo đó là người dùng có thể giấu tên của họ. Qua đó mà khả năng tìm kiếm nạn rửa tiền, trốn thuế và thậm chí tài trợ khủng bố của chính phủ sẽ bị giảm đi khá nhiều”.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Ảnh: CNBC. |
Dòng ngầm tiền ảo
Điều Bill Gates lo ngại đã xảy ra khi thế giới ngầm trong giao dịch tiền ảo ngày càng phát triển. Lấy ví dụ tại Trung Quốc. Kể từ sau khi Chính phủ Trung Quốc quyết định đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo nội bộ của nước này vào tháng 12-2017, một hệ thống nền tảng giao dịch ngầm đã được hình thành để che mắt các nhà quản lý.
Một cán bộ ngân hàng người Trung Quốc (giấu tên), đang sống tại Canada cho biết, là một trong những nhà kinh doanh ngầm kiểu này, ông đã mua tiền ảo ở thị trường khác và bán chúng với giá cao hơn cho các nhà đầu tư Trung Quốc, những người không thể tiếp cận chúng sau lệnh cấm của Bắc Kinh.
Vào tháng 1-2018, khi nhu cầu săn lùng tiền ảo đạt cao điểm, đẩy giá trị đồng tiền ảo tăng phi mã đến 20 lần trong năm 2017. Kiểu giao dịch này khiến các quỹ tiền ảo và các nhà giao dịch trên máy tính cũng thi nhau đổ xô vào thị trường màu mỡ này.
John DeCleene, Trợ lý giám đốc quỹ điều hành đầu tư các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và tiền ảo tại hãng quản lý đầu tư Overseas Chinese Investment Management (OCIM), cho biết, thị trường tiền ảo phát triển đồng nghĩa với việc đồng tiền ảo trở nên khó đoán hơn. Điều này buộc một vài chính phủ phải sử dụng các biện pháp can thiệp để hạn chế giao dịch.
Mặc dù vậy, bất chấp lệnh cấm giao dịch tiền ảo của Chính phủ Trung Quốc, các thương nhân đã nhanh chóng tìm ra những phương thức kinh doanh mới. Ban đầu, chỉ giới hạn trong các nhóm kín trên ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat và những cuộc họp tại các quán bar, nơi người mua tiền ảo tiềm năng có thể gặp gỡ người bán.
Tuy nhiên, sau đó họ xuất hiện ngày càng nhiều trên các sàn giao dịch song song như Coincola, với website được thừa hưởng từ những nền tảng giao dịch trước đây của Trung Quốc là Huobi, OKCoin và thậm chí cả những trang bán lẻ như Taobao cũng trở thành trung tâm giao dịch trực tiếp (hay còn gọi là hình thức mua bán thẳng mà không cần qua trung gian - OTC) của loại tiền này.
Cách giao dịch thứ hai là trên các sàn chứng khoán, khi các thương gia mua vào với giá rẻ trên những sàn giao dịch ít được biết đến hơn và bán lại để kiếm lời tại những nơi có tính thanh khoản cao và được sử dụng rộng rãi hơn. Ngoài ra còn một lựa chọn khác đó là chuyển khoản qua ngân hàng giữa người mua và người bán. Những giao dịch này thường "gần như là không thể truy soát" vì sẽ rất khó để chứng minh rằng việc chuyển khoản có liên quan đến giao dịch tiền ảo.
Ngoài Bitcoin, một loại tiền ảo phổ biến, để tránh bị phát hiện, các nhà đầu tư còn đổ xô đi mua các dạng tiền mã hóa khác như Ethereum, Ripple, Bitcoin Cash hay LiteCoin. Điều này khiến dịch vụ quản lý khai thác tiền ảo ra đời như một giải pháp tối ưu cho các nhà đầu tư. Thuật ngữ này trong giới gọi là "chăn trâu thuê" hay "gửi trâu", tức nhà đầu tư sẽ gửi máy tập trung tại các phòng, trung tâm với đầy đủ điều kiện giúp máy "đào" vận hành trơn tru nhất.
Giới chức nhiều quốc gia đang sử dụng các phần mềm để theo dõi người dân giao dịch tiền ảo trái phép. Lợi dụng điều này, bọn tống tiền trực tuyến cũng bắt đầu với những loại tiền ảo. Lo ngại an ninh, nhiều quốc gia dù trước kia không cấm tiền ảo, nay đã nghĩ lại.
Hàn Quốc là điển hình, dù luôn nhạy bén về công nghệ, Hàn Quốc có thể sắp tung những đòn chí mạng khiến thị trường tiền kỹ thuật số sụp đổ. Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc cho biết quốc gia này đang cân nhắc đóng cửa các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số.