“Lão tướng không quân” của nghệ thuật kịch hát dân tộc
- Người tiên phong sáng lập cải lương tuồng cổ
- Quy Nhơn đăng cai Liên hoan sân khấu tuồng toàn quốc
- NSND Đàm Liên: “Bà chúa” của sân khấu tuồng
Một thế kỷ đẫm mình cùng kịch hát dân tộc
"Cụ bây giờ yếu lắm, không thể trò chuyện được nhiều". Đó là câu đầu tiên mà bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, con gái của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang dặn dò khi mở cửa cho chúng tôi vào thăm ông. Nhìn người soạn giả gầy gò với bộ áo quần lụng thụng khó khăn xoay trở với cơ thể của chính mình, chúng tôi ngại ngần, chỉ sợ làm ông thêm mệt. Nhưng, thật kỳ lạ, vừa nhắc đến tuồng, ông đã cất giọng ca.
Trong tâm trí của người già, chuyện xưa, chuyện nay đã lộn xộn, khi mờ khi tỏ là điều tất nhiên, nhưng thói quen nghiêm khắc với nghề, với mình của soạn giả Mịch Quang thì vẫn không thay đổi. Ông cất lời ca, giọng khê nồng, yếu ớt. Ca rồi đề nghị được ca lại đến 3 lần, chỉ vì, như chính ông nhận định là mình ca trật nhịp. Dù vậy, cả 3 lần ông cất giọng ca, người nghe đều thấy không sai một từ nào.
Nhà nghiên cứu Mịch Quang và GS. Nguyễn Thuyết Phong. |
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán. Sinh ra và lớn lên giữa cái nôi của tuồng cổ, nghệ thuật tuồng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của ông và đa phần người dân nơi đây, Phụng Sơn, Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định. Làng Phụng Sơn quê ông làm nông nghiệp nhưng có cả quỹ cứu tế xã hội.
Nhờ quỹ này, làng trợ cấp cho gánh hát bội để gánh hát phục vụ nhân dân trong các lễ hội xuân kỳ thu tế, các ngày tết. Kép hát của gánh Phụng Sơn lại nổi tiếng khắp tỉnh. Thế nên, từ năm 5 tuổi, cậu bé Nguyễn Thế Khoán đã làm quen với những nhân vật nổi tiếng của sân khấu tuồng cổ: Tiết Cương, Trương Phi, Địch Thanh, Đổng Kim Lân...
Suốt thời niên thiếu, kể cả những tháng năm lên thành phố Quy Nhơn học, bộ môn nghệ thuật độc đáo này với ông vẫn là đam mê khó bỏ. Nhớ về khoảng thời gian này, soạn giả Mịch Quang kể: "Không đêm nào tôi không đi xem. Tối nào không phải học, làm bài thì tôi đi xem từ đầu, tối nào phải học, làm bài thì tôi xem giữa chừng... Do lúc bấy giờ chưa có tri thức gì về văn học, trong khi văn tuồng hát bộ quá nhiều chữ Hán, nên tôi chỉ có thể xem bộ tịch và nghe giọng hát".
Ông là tác giả của nhiều vở Tuồng nổi tiếng. |
Cũng vì mê tuồng nên ông chứng kiến khá nhiều sự kiện sau này trở thành giai thoại của sân khấu, giúp ông có cả vốn sống lẫn kiến thức để "đặt những viên gạch đầu tiên" về nghiên cứu lý luận của nghệ thuật tuồng - công trình lý luận nghiên cứu đầu tiên về kịch hát dân tộc: "Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng" (Nhà xuất bản Văn hóa, năm 1963). Cuốn sách đầu tay mang lại hiệu ứng tích cực, ông tiếp tục viết "Đào Tấn nhà soạn tuồng kiệt xuất".
Những trang viết đầu tiên cho tập sách "Đặc trưng nghệ thuật tuồng" cũng lần lượt hình thành trong khoảng thời gian này. Hàng loạt vở tuồng do ông biên soạn liên tiếp được công diễn, gặt hái nhiều thành công: "Chị Ngộ", "Má Tám", "Hộp truyền đơn"... Trong đó, vở "Má Tám" đạt giải A Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1965.
Soạn giả, nhà nghiên cứu Mịch Quang cho biết, các vở tuồng ông viết thành công đến đâu không khó để nhận biết. Phương tiện dễ "đo đếm" chính xác nhất sau mỗi buổi diễn là những tràng vỗ tay cổ vũ từ hàng ghế khán giả. Động lực với người nghệ sĩ sáng tạo như ông có khi chỉ là chia sẻ vội của một cậu lái xe sau đêm diễn, đại ý: Cháu vốn không thích tuồng, cứ tưởng tuồng khó xem, không ngờ vở của bác hay quá. Xem xong, cháu lại thích tuồng...
Quốc nhạc thương đàn rộn tiếng vang
Với các công trình nghiên cứu, người soạn giả lão làng chia sẻ rằng, phải mãi sau này, ông mới biết, kết quả nghiên cứu của mình được công nhận không chỉ ở trong nước mà tận... trời Tây. Theo nhiều kênh khác nhau, sách vào miền Nam, sang cả Pháp, Liên Xô cũ.
Từ kết quả nghiên cứu của ông, GS.TS. Trần Văn Khê đã thay đổi một số cách dịch, cách hiểu về thuật ngữ liên quan đến nghệ thuật tuồng. Cũng chính từ các kết quả nghiên cứu này một nhịp cầu nối mới đã hình thành, đưa tên tuổi của soạn giả Mịch Quang đến với nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trên thế giới, giúp họ trở thành bạn bè. Riêng với GS.TS. Trần Văn Khê, có thể đó còn hơn cả tình bạn.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang say sưa ca cho con gái Ngọc Khuê nghe ngay trên giường bệnh. |
Trong "Lá thư từ Đại Tây Dương" gửi về Việt Nam cho soạn giả Mịch Quang năm 1999, GS. Trần Văn Khê đã tâm sự, ông vô cùng tâm đắc với cách nhận xét, phân tích dân ca, nhạc cổ Việt Nam của soạn giả vì "thái độ quý trọng cổ mà không nệ cổ, mở rộng tầm hiểu biết để tiếp thu cái hay bên ngoài mà không "vọng ngoại".
Vượt qua không gian, thời gian, sự xa cách về mặt địa lý, các công trình nghiên cứu đã đưa 2 nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc thành những người bạn tri kỷ. Như chính GS. Trần Văn Khê viết trong bài thơ gửi tặng soạn giả Mịch Quang lúc sinh thời: "Tạ tình tri kỷ, bạn văn chương/ Nghiên cứu, đôi ta, chọn đúng đường/ Vọng ngoại, mình chê, nhiều kẻ ghét/ Vốn nhà, ta giữ, lắm người thương/ Dân ca luôn hát cao hơi vọng/ Quốc nhạc thương đàn rộn tiếng vang/ Với nhạc Việt Nam, ta vẫn trọn/ Một lòng chung thủy của tình lang".
Thực tế, công việc nghiên cứu còn mang đến cho soạn giả nhiều mối lương duyên không ngờ. GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong từng kể lại rằng, từ năm 1973, tại Paris, ông đã mừng hơn bắt được vàng khi gặp được cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật tuồng của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang. Cái tên Mịch Quang bắt đầu được học giả ở nước ngoài lưu tâm từ ấy.
Năm 1991, tạp chí Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh đăng bài tiểu luận "Cấu trúc động mở, đặc thù quán triệt âm nhạc dân tộc Kinh" của nhà nghiên cứu Mịch Quang. GS.TS. nhạc sĩ Nguyễn Thuyết Phong khi ấy đang là GS. Đại học Kent, bang Ohio, Chủ tịch Hội Âm nhạc cổ truyền Việt Nam tại Mỹ, về nước tìm hiểu kịch hát dân tộc. Ông đã xin phép soạn giả dịch bài tiểu luận sang tiếng Anh, đăng trên tạp chí Nhạc - Việt, cơ quan ngôn luận của Hội.
Tiểu luận này được GS. Nguyễn Thuyết Phong tự hào gọi là "một bản giao hưởng dân tộc tuyệt vời". Trong đó, ông đặc biệt tâm đắc với khái niệm "cấu trúc động" mà soạn giả đề cập khi nói về âm nhạc Việt Nam. Giáo sư còn cho rằng chính "cấu trúc động" này đã khiến nhà nghiên cứu Mịch Quang vô tình bắt kịp trào lưu dân tộc nhạc học rất hiện đại của thế giới. Sau này, bài tiểu luận "Cấu trúc động mở, đặc thù quán triệt âm nhạc dân tộc Kinh" còn được GS.TS. Terry Miller, Đại học Kent, Mỹ ví von như "một tiểu luận khai phóng trí tuệ".
Ở trong nước, các sáng tạo nghệ thuật, đóng góp về mặt nghiên cứu của soạn giả Mịch Quang cũng đã được ghi nhận bằng rất nhiều giải thưởng qua các kỳ liên hoan, hội diễn và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Trong đó, công trình "Đặc trưng nghệ thuật tuồng" xuất bản năm 1995 đạt giải A của Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam năm 1996. Cuốn sách được đánh giá là "nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về nghệ thuật tuồng, góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng khoa sân khấu học truyền thống Việt Nam".
Cuốn "Khơi nguồn mỹ học dân tộc" cũng đoạt giải A của Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam năm 2004. Với những đóng góp giá trị cho văn học, nghệ thuật nước nhà, cả 2 cuốn sách đã vượt qua 3 đợt bỏ phiếu của 3 Hội đồng bình chọn Giải thưởng Hồ Chí Minh, đưa nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang trở thành một trong số các văn nghệ sĩ vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016.
Vĩ thanh
Mặc dù được khán giả, độc giả, giới học thuật trong và ngoài nước đánh giá cao về các thành tựu lao động sáng tác, nghiên cứu nhưng những ngày tháng 3-2017, thời điểm chúng tôi gặp nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, bản thân ông và người thân cũng không thống kê được ông đã sáng tác bao nhiêu kịch bản, viết bao nhiêu bài tiểu luận, thực hiện bao nhiêu công trình nghiên cứu về nghệ thuật tuồng cổ nói riêng, kịch hát dân tộc, mỹ học dân tộc nói chung.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, con gái của soạn giả cũng tâm sự rất thật rằng, cụ bà mất sớm, con cái ở xa, không ai theo nghề của bố, càng không hiểu hết giá trị những công trình mà người cha kính yêu đang theo đuổi. 5 chị em trong gia đình chỉ biết rằng ông luôn dành trọn tâm sức của mình cho công việc sáng tác, nghiên cứu, một đời ông không biết đến gì khác ngoài nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là tuồng.
Nếu nói vui theo cách tự trào của ông lúc còn minh mẫn là không cái gì ông không biết, chỉ có điều vợ ông mới là người làm tất cả mà thôi. Khi vợ mất, các con trưởng thành, về hưu, ông vẫn giữ thói quen cũ, sống lặng lẽ, thanh bạch và miệt mài nghiên cứu. Những sáng tác, công trình của ông, dù được đánh giá cao nhưng không phải là nguồn kinh tế chủ lực để chăm lo cho gia đình.
Một ví dụ cụ thể nhất là cuốn sách "Khơi nguồn mỹ học dân tộc", một trong hai công trình vượt qua các vòng xét chọn Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016, nhuận bút ông mang về những cuốn sách được in và để dành tặng bạn bè. Con cái trong gia đình chỉ biết, gia tài ông nâng niu trân quý là sách, các sáng tác, công trình nghiên cứu. Nhưng sau này, tuổi cao sức yếu, tai nạn và bệnh tật khiến ông không thể tiếp tục sống lẻ bóng, các con phải dứt khoát yêu cầu ông ra Hà Nội.
Những đợt chuyển nhà kế tiếp nhau khiến tài liệu, sách báo của ông thất lạc dần. Lúc tỉnh táo và minh mẫn, người soạn giả già bảo rằng ông còn một số công trình chưa xuất bản. Nhưng thời điểm chúng tôi ghé thăm, bà Ngọc Khuê cho biết, những công trình ấy đã không còn lưu giữ được. Việc chăm lo cho người cha già yếu, bệnh tật triền miên đã chiếm trọn thời gian. Bà chỉ mong sao cha tỉnh táo và khỏe mạnh.
Từ khi có giấy báo chuẩn bị nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông cứ nhắc con gái nhớ để ý ngày diễn ra lễ trao giải. Với một người dành cả đời cho văn học nghệ thuật, đẫm mình qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc như ông, giải thưởng mang tên Bác không chỉ là sự động viên mà cao hơn, còn là cả sự tự hào...
Điều đáng tiếc là, khi chúng tôi đặt bút viết bài báo này, vì nhiều lý do, lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2016 vẫn tiếp tục bị tạm hoãn và ban tổ chức vẫn chưa công bố thời điểm tổ chức chính thức. Nhớ lại giọng ca khê nồng mà yếu ớt của ông trong buổi gặp, chúng tôi cũng nhận ra, dường như, chưa bao giờ mình lại mong lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh được tổ chức sớm ngày nào tốt ngày ấy như thế.