Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc - Một thế kỷ đồng hành cùng văn hóa Việt
- Nhà văn hóa bách niên Hữu Ngọc: Trong văn hóa không có biên giới
- Nhà văn hóa Hữu Ngọc - một đời lãng du giữa văn hóa Việt Nam
Ông đã đi qua, chứng kiến mốc son lịch sử quan trọng của đất nước trải dài cả trăm năm và với bề dày văn hoá đã đúc kết bằng sự chiêm nghiệm từ cách cảm cách nghĩ của một trí tuệ uyên bác, ông đã cho ra đời những cuốn sách có sức nặng và tầm vóc để xuất khẩu văn hoá ra thế giới. Giờ đây, mắt mờ, chân tay yếu, nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài, cần mẫn với những cuốn sách và bản thảo đang còn dang dở.
Dường như ở con người ông, công việc học tập, lao động là lẽ sống, phương châm sống và suốt cuộc đời, ông đã sống có ích cho mình và cho cộng đồng bằng sự dâng hiến hết mình như thế.
Kí ức tuổi thơ
Trong căn phòng đầy ắp sách và tranh, một số bức ảnh lưu lại khoảnh khắc của những giây phút đáng nhớ, trên giá sách là dăm bẩy pho tượng phật tĩnh lặng, bộ xa lông giản dị kê ở giữa phòng, ông ngồi đó đang thả hồn suy tưởng. Thời gian đã làm cho mắt ông thêm mờ, tai nghe cần phải trợ thính nhưng tư duy vẫn minh mẫn, khúc chiết và rành rẽ.
Ông chủ động vào đề khi kể câu chuyện về đời mình, ông bảo: “Vậy là tôi sống đến nay đã tròn một thế kỉ, đã đi qua những chặng quan trọng của lịch sử và chia ra làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thời kì Pháp thuộc và tàn dư buổi phong kiến đương thời. Giai đoạn thứ hai từ năm 1945 đến năm 1975 là giai đoạn đất nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Giai đoạn thứ ba từ năm 1975 cho đến nay là thời kì hậu chiến” xây dựng đất nước trong hòa bình, phát triển."
Theo dòng hồi tưởng, ông kể về con phố nơi ông sinh ra và lớn lên, phố Hàng Gai - một con phố nức tiếng của 36 phố phường Hà Nội. Ngày đó, con phố này có nhiều nhà nho sinh sống, một số những nhà trí thức yêu nước bị thực dân Pháp bắt bỏ tù, sau khi ra tù về mở lớp dạy học ở đây. Thật kì lạ, cả trăm tuổi nhưng bức tranh tuổi thơ lại hiện lên trong ông thật rõ nét.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc khi vào tuổi 100. |
Người đầu tiên ông nhắc đến chính là người mẹ đáng kính của mình. Mẹ là người có sức ảnh hưởng lớn đến ông. Ngày ấy chỉ có đàn ông được học chữ còn đàn bà thì thuần thục nữ công gia chánh bếp núc, thêu thùa. Nhưng mẹ dòng dõi con nhà nho nên ngoài sự đảm đang việc nhà lại thành thạo chữ nghĩa do hiếu học, tự học. Mẹ ông là một người phụ nữ thanh lịch của đất Tràng An.
Mẹ dịu dàng và đầy lòng trắc ẩn. Ngày ông còn thơ bé, mẹ vẫn thường âu yếm và dạy dỗ ông, trong nhà có một cái hộp nhỏ để hằng ngày bỏ những đồng tiền lẻ, đến chủ nhật hàng tuần thì mở hộp để phát chẩn cho tiền những người ăn xin. Hay vào mùa hè, tiết trời nắng nóng, trước cửa nhà ông có một bình nước vối để mọi người ai đi qua thì dừng chân lại uống nước miễn phí.
Thủa đó, trẻ em chơi Tết cũng vui và lạ lắm. Đó là sau khoảnh khắc đón giao thừa bước sang năm mới, mấy đứa trẻ lại tụ tập thành một nhóm. Mỗi đứa có một cái ống tre, trong ống tre là vài hào bạc lẻ lắc lên kêu lọc xọc. Chúng đến trước cửa mỗi nhà và hát: “Xúc xắc, xúc xẻ, nhà nào còn đèn còn lửa, mở cửa anh em tôi vào, bước lên tầng cao thấy con rồng ấp, bước xuống tầng thấp…”.
Vậy là người ở trong nhà mở ô cửa nhỏ cho bọn trẻ tiền. Bọn trẻ sau khi nhận được tiền, kéo nhau sang nhà khác lại hát, lại được cho tiền, cứ như vậy. Trẻ con như ông ngày đó háo hức mong chờ đến ngày Tết để được mặc áo mới, nhận những bao tiền bằng giấy đỏ. Tuổi thơ của ông trôi qua êm ấm, được nuôi dưỡng bằng tình yêu dịu ngọt, mát lành của người mẹ.
Những ngày đầu tham gia cách mạng
Rồi ông nhớ đến buổi đầu cơ duyên đến với kháng chiến. Đó là khi ông dạy học ở Huế, Chính phủ Lâm thời do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu vào thu ấn tín của vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn - Bảo Đại, trong phái đoàn ấy có nhà thơ Huy Cận, một người bạn của ông.
Gặp nhau ở Huế, nhà thơ Huy Cận nói với ông, chiến sự sắp nổ ra, cách mạng cần những người như ông về Hà Nội để dạy học ngoại ngữ. Vậy là chàng trai Hữu Ngọc lúc ấy đồng ý luôn, nhà thơ Huy Cận rút trong cặp ra một tờ giấy có đánh máy sẵn, sau đó ông lấy bút ghi thêm mấy dòng: “Người cầm giấy này là của Chính phủ lâm thời, vậy bất cứ ai đi qua trên các tuyến đường Bắc – Nam phải chở anh ra Hà Nội”. Cầm được tờ giấy của nhà thơ Huy Cận, người thanh niên trẻ lập tức ra ngoại ô Huế đứng đợi bắt xe, lúc đó có một chiếc ôtô từ trong Nam ra Bắc, ông đưa tờ giấy và họ đã cho đi nhờ. Vậy là ông tham gia cách mạng từ ngày đó.
Ra đến Hà Nội, ông bắt tay ngay vào công việc. Chính phủ lâm thời tuyển thầy dạy ngoại ngữ, có đến bốn mươi người dự thi gồm những tú tài nhưng chỉ chọn ra bốn người, ông đỗ đầu kì thi tuyển đó. Dạy học được một thời gian ở Hà Nội thì chiến sự bắt đầu nổ ra, người dân thủ đô đi sơ tán. Ông đi dạy học ở Nam Định, ngay tại địa danh này thì thực dân Pháp cũng đã chiếm đóng ở một số địa điểm, địch đánh ra, quân ta lại đánh vào.
Một hôm anh phụ trách tuyên truyền của Ủy ban thành phố Nam Định nói: “Mình và Pháp đụng độ thế này, giá có một tờ báo bằng tiếng Pháp để tuyên truyền thì hay quá”. Mọi người bảo nhau: “Ở đây có Hữu Ngọc thành thạo tiếng Pháp nên để cậu ấy làm Tổng biên tập đi”.
Ông kể: Thời kì đó, ai làm việc gì để giúp ích cho cách mạng thì cứ làm chứ không nề hà, từ chối. Vậy là, 27 tuổi, ông làm Tổng biên tập tờ báo lấy tên là “Tia sáng”, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Pháp của người Việt. Gọi là Tổng biên tập cho oai chứ thực chất tờ báo chỉ có một mình ông vừa kiêm viết bài, lại dàn báo lên trang, thêm một bác lớn tuổi làm công việc in báo.
Học trò của Hữu Ngọc lúc đó là những học sinh, mười sáu, mười bảy tuổi cứ tối đến là lại lấy báo rồi bò vào đồn bốt của Pháp nhét vào các khe hở, hoặc bỏ vào quán cafe. Chiến tranh nổ ra, cơ sở in ấn chuyển chỗ lúc chỗ này, mai lại ở chỗ khác.
Nói đến đây, nhà nghiên cứu văn hoá dừng lời, giở quyển sổ tư liệu của mình lật ra một trang giấy rồi nói: “Báo Tia sáng là tờ báo khổ to có 6 trang mà bây giờ tôi chỉ còn giữ lại được một tờ. Mấy chục năm trôi qua rồi tôi vẫn trân trọng những gì thuộc về kỉ niệm của những ngày tham gia kháng chiến”. Kí ức khi xưa cứ nối nhau ùa về trong tâm trí của con người trăm tuổi: Từ Nam Định, ông lại về dạy học ở Yên Mô, Ninh Bình. Lúc này, chàng thanh niên trẻ Hữu Ngọc được tổ chức phân công kiêm nhiệm cả ba việc: Làm chủ tịch Văn hoá kháng chiến Nam Định, dạy học rồi làm báo.
Một mình viết bài được vài tháng thì có thêm một đồng chí, nhà thơ Trần Lê Vân, biết tiếng Pháp. Đồng chí này dạy học ở miền núi, lấy vợ người dân tộc Mường, hai vợ chồng trẻ được tăng cường cho tờ Tia sáng. Một hôm Hữu Ngọc và hai vợ chồng nhà thơ Trần Lê Vân đến một ngôi làng thì trời đã tối nên không vào được làng đành phải ở lại điếm canh ngoài đê. Gần đó, có ngôi miếu nhỏ thờ vị thần, cả ba người trải nilon xuống bệ ximăng trong ngôi miếu nằm ngủ đợi đến sáng. Trần Lê Vân nằm giữa, thanh niên Hữu Ngọc và vợ của nhà thơ mỗi người nằm một bên. Những ngày sau cả ba lại tiếp tục công việc viết báo tuyên truyền.
Ông nhớ đến kỉ niệm một lần suýt chết. Khi đạp xe đi từ nơi dạy học ở Yên Mô ra Nam Định, sau chiếc xe đạp buộc khoảng năm mươi tờ báo đến một ngôi làng thì lúc đó trời vừa sáng, chỉ có khoảng dăm bẩy người nông dân ra đồng làm ruộng. Đúng lúc đó, lính Pháp cũng đổ bộ vào làng. Vừa nhìn thấy thấp thoáng bóng bọn tây thì chàng thanh niên quay xe chạy. Ông bảo: “Lúc đó, tôi chờ đợi một viên đạn xuyên vào người nhưng cũng may là không thấy gì”.
Đang lúc quay xe chạy thì nghe đến cạch một cái, thì ra cái xe đạp bị tuột xích. Ông nhớ đến câu chuyện trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung năm nào, Lưu Bị và con ngựa Đích Lư. Ngựa Đích Lư là một con ngựa tốt nhưng đến lúc nguy cấp thì nó lại dở chứng, thì cái xe đạp của mình bị tuột xích cũng giống hệt như con ngựa Đích Lư. Nhưng xe và ngựa đều dở chứng trong thời khắc vô cùng nhạy cảm, đó là sự sống còn, khi con người ta đối diện với sự sống và cái chết.
Khi xe bị tuột xích ông nghe thấy tên lính Pháp quát to bằng tiếng Pháp: “Thằng kia ở đâu, đứng lại” nhưng bản năng sinh tồn mãnh liệt ở trong ông trỗi dậy, may thay ông cúi xuống sửa lại xích và nhanh chóng lên xe cắm đầu cắm cổ đạp thục mạng, không ngoái lại phía sau nữa. Ông nghe thấy tiếng bóp cò nhưng không nghe thấy tiếng súng nổ. Nếu lần ấy, viên đạn không bị hóc thì chắc đã không có nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc hôm nay.
Quá khứ và hiện tại
Tờ báo mỗi tháng ra một số và kéo dài được ba năm đến khi Hữu Ngọc bước sang tuổi 30. Tuy đứt đoạn công việc báo chí nhưng sau này, nhà nghiên cứu văn hoá rất có duyên với công việc viết báo, từ làm phóng viên báo Ảnh Việt Nam, cho đến khi làm Giám đốc Nhà xuất bản ngoại văn, và kể cả cho tới lúc về hưu thì ông vẫn viết báo hàng tuần đều đặn cho các ấn phẩm báo chí phát hành. Số lượng bài báo của ông nhiều lên đến cả nghìn bài và trong những cuốn sách viết về văn hoá Việt thì ông đã lấy phần nhiều các bài báo của mình để tập hợp thành sách.
Sống trong không gian và chiều sâu của lịch sử trải dài xuyên suốt cả thế kỉ, ông đã chắt lọc và đúc kết viết nên những chiêm nghiệm văn hoá sâu sắc qua cái nhìn tân thời lí thú. Hàng trăm quyển sách đồ sộ ra đời, trong đó gói ghém những phần văn hoá của người Việt qua nhiều chặng đường của lịch sử. Sự thông thạo ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức cũng giúp cho ông dịch sách và xuất khẩu văn hoá ra quốc tế được thuận lợi.
Niềm vui hạnh phúc của vợ chồng nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc. |
Một nữ nhà văn người Mỹ đã từng nhận định về ông: “Thị lực của Hữu Ngọc rất yếu nhưng cái nhìn nội tâm của ông lại rất sâu sắc, đôi lúc hóm hỉnh khi phác hoạ một chân dung, kể lại một sự việc, nêu lên hay thể hiện một vấn đề. Mong các bạn đọc thích thú tìm thấy ở những người cùng thời một bức tranh lịch sử gần trăm năm với những âm hưởng lan toả cho đến ngày nay”.
Quả thật, với sự hiểu biết sâu sắc của ông về văn hoá Việt, sự thẩm thấu này được nuôi dưỡng ngay từ thời thơ bé trong một gia đình truyền thống nề nếp nho gia. Ông may mắn có một người mẹ mà theo ông là: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” đã có sức ảnh hưởng lớn đến ông và ngay cả cho đến giờ, khi vào tuổi gần đất xa trời ông vẫn hoài niệm thương nhớ khôn nguôi về người mẹ của mình. Ông lớn lên từ câu hát ru à…ơi…, của người mẹ.
Hấp thụ nền tảng đạo đức từ tấm lòng trắc ẩn của mẹ mình nên đứa con có hiếu ấy ngay kể cả đến giờ khi vào trăm tuổi vẫn ngày ngày cần mẫn dạy học ngoại ngữ tại nhà, miễn phí cho sinh viên và những ai có nhu cầu cần học. Chẳng nề hà đến sức khoẻ, bất chấp cả tuổi tác, ông vẫn tận tâm chỉ bảo để mong các bạn ấy một ngày kia cũng sẽ xuất khẩu văn hoá ra thế giới như mình, biết đâu đấy!.
Đang nói chuyện với ông thì vợ ông - người vợ tao khang gắn bó từ thủa nào nay lưng đã còng, tóc bạc trắng bước vào. Bà 90 tuổi nhưng vẫn âu yếm với ông lắm, hai người ríu rít như đôi chim. Bà bảo: “Ông không biết nóng là gì, chưa từng thấy ông bật quạt bao giờ. Cả ngày cũng chả chịu uống lấy một ngụm nước, ăn thì ít làm tôi cứ phải nhắc luôn đấy”. Ô
ng hóm hỉnh bảo: “Giờ tôi già cả rồi, yếu rồi, như ngọn đèn trước gió bà lo cho được ngày nào thì biết thêm ngày ấy. Còn đọc được sách nào, nghiên cứu được thêm cái gì, viết được thêm ý gì thì viết, đến khi nào trời kêu thì dạ, đất gọi thì đi”.
Bà cười nhỏ nhẹ nói: “Ông đi thì tôi biết sống với ai, nên ông vẫn còn phải ở đây để còn bầu bạn cùng tôi nữa chứ!”. Ngoài kia, qua khung cửa sổ là một màu xanh bát ngát của cây cối và mây trời, màu xanh hi vọng.