Nhà văn Ngô Thảo: Ung thư chưa phải là chết

Thứ Ba, 24/11/2015, 14:30
Nhiều lần chạm tay vào cõi chết, rồi anh dũng hiên ngang trở về, người con của đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị cho đến hôm nay vẫn ung dung và điềm nhiên sống. "Có đức mặc sức mà ăn" câu nói này thật đúng với ông, nhà văn Ngô Thảo từ nhiều năm nay đang được hưởng phúc "âm phù dương trợ" từ hành động "gieo nhân" của mình.

“Ai về đất mẹ Vĩnh Linh/ Quê tôi có dòng Bến Hải ân tình nặng sâu/ Tháng ngày kề sát hạt châu/ Núi sông hai miền vẫn liền nhau tâm tình/ Hò ơ hò là hò ơ khoan/ Quê ta vững một niềm tin/ Ngồi trên đầu sóng, chí thêm bền/ Đất sôi Nam Hồ, rực Tây lửa trút trên đầu thù/ Hò ơ hò là hò ơ dô/ Chiến công nở thắm đất Cù Bai/ Máy bay Mỹ cháy trên đầu ta/ Vĩnh Linh quê mẹ sáng ngời truyền thống vẻ vang…” bài thơ về vùng đất Vĩnh Linh, Quảng Trị nơi ông sinh ra và lớn lên cứ vang vọng trong ông trong những ngày cách đây 4 năm ông hay mình bị bạo bệnh, ung thư hành tá tràng. Người ta thường bảo khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau làn sương khói mong manh, con người ta sẽ chỉ nghĩ đến nơi chôn rau cắt rốn, quê hương xứ sở.

Nhà văn Ngô Thảo không ngoại lệ, nhưng là một người may mắn gần ông, tôi biết không chỉ khi hay mình bị lâm trọng bệnh ông nghĩ về quê hương bản quán của mình mà ngay cả khi sung sức nhất, no đủ nhất, người chiến sĩ cách mạng năm xưa ấy vẫn chưa bao giờ thôi nguôi khắc khoải về một thời ký ức bi tráng hào hùng đầy đau thương và nước mắt: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”.

Nhà văn Ngô Thảo sinh năm 1941, năm 13 tuổi, ông chứng kiến mùa hè năm 1954, cây cầu bắc ngang dòng sông Bến Hải chia cắt đôi bờ. Người ở bờ Bắc không sang bờ Nam, người bờ Nam cũng không qua bờ Bắc. Và, sau này ông biết đó chính là ngày 20-7-1954 lịch sử, theo Hiệp định Geneva, nước ta tạm chia hai miền, lấy Vĩ tuyến 17, chạy dọc theo sông Bến Hải làm đường ranh giới quân sự. Vĩnh Linh là huyện duy nhất của Quảng Trị được giải phóng nhưng bị chia cắt một phần bởi xã Vĩnh Liêm và mấy thôn thuộc xã Vĩnh Sơn thuộc bờ Nam sông.

Sau này, khi bước vào tuổi trưởng thành, cũng như bao bạn đồng trang lứa ông vào quân đội và trở thành người chiến sĩ cách mạng. Tuy là anh lính chiến cầm súng nhưng trái tim đa cảm và tâm hồn văn chương lãng mạn bồng bềnh, người chiến sĩ đó đã khóc rất nhiều cho những người đồng đội của mình vừa mới hôm qua còn ở bên nhau, chia từng miếng cơm manh áo, vẫn nghe từng câu nói và hơi thở của bạn thì chỉ ngày mai thôi đã phải tự tay chôn cất đồng đội. Máu đã đổ và nhuộm đỏ đất trời, ở nơi đó mỗi bờ cây ngọn cỏ, mỗi tấc đất  đều thấm máu của những người lính trẻ, họ đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này.

Hoàng Minh Tường, nhà văn Ngô Thảo cùng 2 nhà báo.

 Chàng thanh niên Ngô Thảo lần cầm bút đầu tiên không phải là một bài thơ tình sướt mướt gửi cho người con gái chốn quê nhà mà là bài điếu văn ai oán, sâu nặng ân tình cho những người đồng đội vừa ngã xuống. Trong hành trang của người lính Ngô Thảo luôn có một cuốn sổ, một cây bút, hàng ngày sau giờ hành quân ông luôn tranh thủ viết nhật ký về những sự việc tiếp diễn và cảm nhận riêng. Trang giấy của người chiến sĩ được viết trong bom rơi đạn lạc,  khi cận kề và chứng kiến cái chết, để rồi từ trong chiến tranh bước ra, ông cảm nhận rõ về sự mất mát hay sinh ly tử biệt nên không hề sợ hãi nếu một lần nữa phải đụng độ hay chạm vào nó.

Sau ngày thống nhất đất nước, đã nhiều lần hàng tuần hay cả tháng trời, ông đích thân lặn lội trên những cung đường đi tìm mộ đồng đội, mộ của những nhà văn mà ông trân quý đã nằm lại chiến trường xưa. Bao nhiêu hài cốt ông quy tập về, đốt nén hương thơm, lầm rầm khấn nguyện, những linh hồn nhẹ như gió bay đi muôn phương giờ tụ lại về quê hương bản quán. Ngày 30-4 năm nào cũng vậy, dân tình kéo nhau đi nghỉ mát thì ông lại một mình trở về chiến trường một thời đạn bom khói lửa ấy để thăm những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này.

Nghĩa trang liệt sĩ, những ngôi mộ có tên hay anh hùng liệt sĩ vô danh lại được dịp chuyện trò cùng nhà văn Ngô Thảo. Có lẽ, người lính chiến trường năm xưa chưa bao giờ nguôi ngoai ký ức dữ dội đau thương và tàn khốc, để sau này khi đất nước mở cửa, văn hóa hội nhập và giao lưu, những cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Mỹ và nhà văn Việt Nam, ông không bài xích nhưng lẳng lặng tránh xa. 

Sau này khi công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ngôi nhà hữu hảo lôi kéo toàn những cây bút văn chương đình đám. Ông như quyển nhật ký của các nhà văn, vì cứ nhìn thấy Ngô Thảo là lại thấy giấy bút. Ông có thói quen ghi chép cẩn thận những sự việc, từng câu nói của những bậc cao nhân tiền bối. Trong tập nhật ký cuốn sổ công tác cá nhân, Ngô Thảo đích thân ghi chép tỉ mỉ cẩn thận những câu chuyện, câu thoại của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà thơ Thu Bồn, Nguyễn Khải…

Thời gian một đi không trở lại, những người bạn văn, những người anh em nghệ sĩ, và cả những đồng đội cũ của ông từng người một đều lần lượt theo gió về trời, chỉ còn lại số ít người còn ở lại trong đó có ông.

Tết năm Tân Mão, ở Singapore chữa bệnh, điều trị hóa trị, xạ trị chữa ung thư, Ngô Thảo lặng lẽ ngồi bên bàn làm việc tại một căn phòng thuê ở xứ người, ông cầm bút viết lời tựa cho cuốn sách: "Dĩ vãng phía trước". Có một sự thôi thúc mãnh liệt khiến ông bỏ qua cơn đau của tật bệnh đang ngày đêm hành hạ và cái chết rình rập, chực chờ để hoàn thành tâm nguyện cho ra cuốn sách về những người yêu thương. Cuốn sách mà ở trên giường bệnh, ông đã nghĩ đây sẽ là cuốn sách cuối cùng.

Người chiến sĩ không buông cây súng khi cận kề cái chết thì nhà văn quyết không bỏ cây bút dù ở hơi thở cuối cùng. Ông vẫn hì hụi, miệt mài trên cánh đồng chữ ngay kể cả lúc thần chết sẵn sàng ập đến gõ cửa lôi đi. Vợ ông cùng các con biết rõ tâm nguyện của ông đều ủng hộ hết mình.

Cũng may nhờ có các con, tiềm lực kinh tế vững vàng, nên ông không chút bận tâm đến viện phí khi chữa bệnh hiểm nghèo nơi xứ người. 5 tỉ đồng để chữa dứt điểm hẳn căn bệnh ung thư  là con số không nhỏ. Với người nghèo chắc thật khó mà thu xếp được. May mắn thay, ông đã thoát được lưỡi hái của tử thần, đó là phúc đức mà ông được hưởng. Nhiều người vẫn tin rằng, ông sống thiện lương và rất đỗi có tâm với cả người còn sống và những người đã khuất nên ông được "âm phù dương trợ" mà thoát được cảnh sinh ly tử biệt.

Qua ba lần điều trị chạy hóa chất để đẩy lùi căn bệnh ung thư, ông sụt hơn chục ký, tóc lưa thưa, làn da xanh ốm. Ngày ông về thăm lại cơ quan cũ, nơi ông từng có thời gian gắn bó hàng chục năm với Tạp chí Sân khấu, 51 Trần Hưng Đạo, mọi người chạy ùa ra, ơ, ông đây, vẫn là Ngô Thảo xởi lởi chu đáo, trông dung mạo rõ ràng bệnh tình của ông đã thuyên giảm. Mọi người mừng quýnh, thăm hỏi tíu tít.

Ngày ở sân 51 Trần Hưng Đạo, ngôi nhà chung cho các văn nhân nghệ sĩ thuộc các ngành nghệ thuật khác nhau, ông được nhiều người trân trọng yêu quý, từ anh lái xe cho đến bác bảo vệ, chị em nhân viên văn phòng…Bởi ông là người trọng tình, trọng nghĩa chứ không trọng tiền hay trọng quyền. Chức tước, quan trường với ông là phù du hư ảo, nên mấy nhiệm kỳ làm Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đến lúc về hưu, ông thảnh thơi nhẹ nhàng, càng có nhiều thời gian để cho bạn bè  nghệ sĩ.

Ông có cách xưng hô với đám con cháu là các nhà báo trẻ với danh xưng ngồ ngộ. Ông hay xưng là "ta" và gọi người khác là "nhà ngươi". Ngô Thảo cũng có cái duyên riêng, dễ đốn tim người đối diện, khiến cho các nhà báo trẻ chết mê, ai nấy khi đã kết thân với ông, để rồi sau đó có dịp kể về ông  cũng một điều kính trọng, ngưỡng mộ, yêu quý.

Ngô Thảo là người trân trọng người tài, ông quảng giao, nhiều bè bạn. Không chỉ có những người bạn chiến đấu, vào sinh ra tử mà bạn văn nghệ sĩ trong ngành sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, thi ca… Ông cũng thuộc tuýp người thoáng quá thể, nhiệt tình dư sức, và suy nghĩ rằng tất cả những người nghèo ở khắp nơi đều là họ hàng ta, những nghệ sĩ giỏi mọi miền đều là bạn bè ta nên lúc nào cũng thấy ông cầm ngân khố đi từ thiện. May mắn là ông có những người con làm ăn kinh tế giỏi, Công ty BHD là của con gái và con rể, tiềm lực kinh tế vững vàng nên ông chỉ cầm tiền của nhà mà chia lộc phân phát khắp nơi.

Có lần tôi cùng ông đến tặng quà và tiền cho một nghệ sĩ cải lương có hoàn cảnh khó khăn mà ông vô tình đọc thấy ở trên báo. Thấy ông thoáng nên chị ấy được dịp hơn tháng sau điện thoại lại nhắn ông giúp ít tiền cho con chị mua xe máy. Lại có lúc mấy chú cháu đang ăn cơm ở tiệm thì thấy ông dúi tiền dưới gầm bàn cho một chị người dân tộc đang làm luận án tiến sĩ văn học. Hoặc có lần, mấy phóng viên nghịch ngợm táy máy vào điện thoại của ông thì vô tình đọc được dòng chữ của một cô gái viết gửi cho ông rất thống thiết: "Chú ơi, chú giúp con không thì con chết, con cần tiền để đi học…".

Cuốn sách được làm trong những ngày nhà văn Ngô Thảo trên giường bệnh.

Mấy đứa bọn tôi chả lạ gì cô gái đó cả, cô đó điệu đà, chưng diện đủ các kiểu, là nhân viên của một nhà xuất bản, nhưng thấy ông hay thương người nên vòi vĩnh đấy thôi. Thế là lập tức mấy phóng viên tụi tôi lên tiếng. Chẳng ngờ, ông nổi xung: "Người ta ở quê ra, lương ba cọc ba đồng, sống không đủ giờ lại đi học thêm này nọ, không giúp nó, nó túng quẫn rồi làm liều thì trách nhiệm về ai…".

Ông là nhà từ thiện trong giới văn nghệ sĩ. Ông hay thăm và giúp đỡ những nghệ sĩ nghèo, từ thiện kín đáo đi từ tâm rộng lượng bao dung giàu lòng trắc ẩn, nhân ái chứ không khua chiêng gõ trống như một số người làm từ thiện thích nổi tiếng lấy danh. Ông chu đáo với mọi người, ai cũng như ai không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp.

Chiến tranh đã qua đi 40 năm, đất nước thống nhất, người chiến sĩ cách mạng, nhà văn quân đội ấy vẫn chưa bao giờ thôi nguôi ngoai khắc khoải với trang sử hào hùng và bi tráng của dân tộc. Ông sống đúng với lương tâm, với sự nghiệp, có trách nhiệm với người đang sống và không hổ thẹn với cả những đồng đội đã hy sinh. Mảnh sân 51 Trần Hưng Đạo, ngôi nhà chung cho văn học nghệ thuật, ông đã chứng kiến bao người đã ra đi, sự ra đi không hề báo trước của cặp vợ chồng tài danh Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, nhà viết kịch Thế Lữ, Xuân Trình, nhà thơ Huy Cận, NSƯT Vũ Hà…

Và cả những người bạn cũng bị căn bệnh ung thư giống ông, họ đã để gió cuốn đi và trở về miền cát bụi. Nhà thơ Thu Bồn khi nằm trên giường bệnh, chiến đấu với căn bệnh ung thư, Ngô Thảo luôn túc trực kề cận, nhà thơ Phạm Tiến Duật với căn bệnh ung thư vòm họng, NSND Trọng Khôi ung thư đại tràng, là người của giới sân khấu, ông sâu xa buồn khi hay tin danh hài Văn Hiệp, NSND Nguyễn Anh Dũng (nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam) qua đời vì căn bệnh ung thư.

Và ông trong số hiếm hoi ít ỏi đã may mắn thoát được lưỡi hái của tử thần. Có nghĩa gì đâu, đời người như một giấc mộng. "Trời gọi thì thưa, đất gọi thì đi”, thoát chết trong gang tấc, nhà văn Ngô Thảo bản lĩnh sống, giờ ông đã bay qua đám mây mù u ám và đang ngao du khắp góc bể chân trời.

Trần Mỹ Hiền
.
.