Nhà văn Vũ Trọng Phụng và câu chuyện về ngôi mộ giữa lòng Hà Nội

Thứ Bảy, 20/08/2016, 11:15
Nhà văn Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng văn học độc đáo trong nền văn học Việt Nam. Chỉ với 27 năm cuộc đời, 8 năm sáng tác (từ 1931 đến 1939) nhưng ông đã để lại trong kho tàng văn học Việt Nam một khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm 28 truyện ngắn, 9 tiểu thuyết, 8 phóng sự, 6 vở kịch, 2 tác phẩm dịch... Ông được đánh giá là một trong những cây bút sắc sảo của chủ nghĩa hiện thực phê phán.

Men theo con đường cạnh sông Tô Lịch, đến đình làng Nhân Chính, phải hỏi rất nhiều người lớn tuổi tôi mới tìm được đến ngôi nhà mà nhà văn Vũ Trọng Phụng từng sống và viết những năm cuối cuộc đời. Đó là một ngôi nhà cao tầng, tọa lạc trên diện tích hơn 500 mét vuông được chia làm hai khu, một khu mộ là nơi an tọa của nhà văn Vũ Trọng Phụng cùng mẹ, vợ, con gái và cháu ngoại.

Khu mộ khang trang, tĩnh lặng dưới những rặng cây xanh mát phủ bóng an bình. Khu bên cạnh là ngôi nhà 5 tầng. Tầng 1 là nơi lưu giữ những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng, những tầng trên là nơi sinh sống của các cháu, chắt, chít ngoại của nhà văn. Một phần khu nhà được chia ra để cho các cháu sinh viên thuê trọ, tăng thu nhập cho gia đình.

Bình thường, giới văn chương vẫn biết đến ông Nghiêm Xuân Sơn, người con rể của nhà văn Vũ Trọng Phụng, chồng của bà Vũ Mỵ Hằng, người con gái duy nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng, như gạch nối giữa cuộc đời và sự nghiệp nhà văn với độc giả, các học giả cũng như nhà nghiên cứu. Mặc dù ngày về làm rể, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã mất được 20 năm, nhưng qua lời kể của bà nội, của mẹ vợ, của vợ ông, thì ông là nhân chứng duy nhất còn lại.

Nhưng thật buồn vì lần này, khi đến gặp ông, tôi mới biết ông Nghiêm Xuân Sơn cũng đã vừa qua đời vài tháng nay do căn bệnh tai biến mạch máu não, hưởng thọ 80 tuổi.

Căn nhà vắng lặng đến chừng nghe được cả tiếng lá rơi và tiếng gió xạc xào qua từng rặng cây cao vút. Dù thảng hoặc, có những chiếc xe máy của những người thuê trọ ra vào ở cánh cổng không bao giờ khóa cửa, nhưng bên trong ngôi nhà có những tấm ảnh cũ đen trắng đã sờn mép, những cuốn sách cũ hàng chục năm giấy đã úa màu, xếp sắp cẩn thận trong những chiếc tủ kính đã két lại cùng thời gian, là không khí tĩnh lặng vì vắng người. Ngày ông Sơn mất, gia đình ông còn lại hai người con gái cùng các con cháu sống trong ngôi nhà này.

Chị Ngọc, con gái thứ được giao trách nhiệm trông nom lại gia tài sách của ông ngoại, thì đang chăm chồng ở bệnh viện. Bởi vậy, căn nhà được "vào cửa" tự do (dù có camera quan sát) vì thế càng vắng người, dường như chỉ những trang sách của nhà văn Vũ Trọng Phụng với những vang bóng của nó đến tận ngày hôm nay là có một sức sống mãnh liệt. Những "Số đỏ"; "Giông tố"; "Cạm bẫy người"; "Đời cạo giấy"; "Kĩ nghệ lấy Tây"; "Cơm thầy cơm cô"; "Dứt tình"; "Vỡ đê"; "Làm đĩ"; "Lấy nhau vì tình"; "Trúng số độc đắc"...

Hiệp, chắt ngoại gọi nhà văn Vũ Trọng Phụng là cụ, một lái tàu trẻ tuổi của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, xuống tiếp tôi. Hiệp là người duy nhất đi theo nghề của ông bà ngoại Nghiêm Xuân Sơn và Vũ Mỵ Hằng. Từ ngày ông mất, mọi thứ trong căn nhà vẫn được giữ nguyên như hồi xưa ông đã sắp đặt. Chỉ khác một điều, là ngày ấy, ông Sơn dán báo, bì các tông lên những tấm tủ kính lưu giữ các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng cùng những giấy tờ, bản thảo, tài liệu của ông. Thì nay con cháu bỏ những lớp giấy ấy đi để mọi người có thể chiêm ngưỡng được những tác phẩm qua các thời kỳ của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Ông Sơn là người kỹ lưỡng, thu thập hết tất cả các tài liệu, những bài báo to nhỏ viết về nhà văn Vũ Trọng Phụng và gia đình nhà văn. Các con cháu không ai theo nghề, cũng không ai có những đam mê văn chương, nên tất cả vẫn còn nguyên vẹn như hồi xưa lưu giữ.

Con gái duy nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng - bà Vũ Mỵ Hằng và chồng.

Nhà văn Nguyễn Thụy Kha, người có những ký ức về nhà văn Vũ Trọng Phụng đã từng chia sẻ: Hành trình đời sống trong suốt 27 năm của nhà văn Vũ Trọng Phụng khởi đầu từ căn nhà số 36 Hàng Gai, nơi ông sinh ra và đã sống trọn vẹn với tuổi ấu thơ trong căn nhà ấy. Thuở nhỏ ông  được gọi là "Cậu Tý" (có lẽ vì ông sinh năm Nhâm Tí), mồ côi cha từ ngày chưa đầy tuổi ta. Người mẹ góa đã tảo tần nuôi nấng đứa con trai độc nhất. Cậu Tý đã lớn lên từ những mũi chỉ đường kim nghề khâu vá thuê của mẹ.

Sau này, Vũ Trọng Phụng theo gia đình về ở số 107 Hàng Bạc, rồi sau đó chuyển sang số nhà 80 đối diện. Chính trong căn gác chưa hề được tân trang này, là nơi Vũ Trọng Phụng đã miệt mài năm tháng viết ra những tác phẩm trở thành cổ điển trong lịch sử văn xuôi Việt Nam. Từ căn nhà này, theo những buổi đi về, Vũ Trọng Phụng đã lang thang qua bao hè phố của những Hàng Bồ, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang, đã gặp gỡ, đã vui buồn với bao số phận, cảnh ngộ của con người, mở ra một lối riêng cho văn học hiện thực phê phán bên cạnh Tự Lực Văn Đoàn. Ông đã từng nói rõ: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời".

Trong nhiều tài liệu, các bạn văn chia sẻ, nhà văn Vũ Trọng Phụng là một trong số các nhà văn nghèo nhất. Ở nơi quê quán, ông không có một tấc đất cắm dùi. Nhà văn Ngô Tất Tố từng kể: Hồi ông làm báo Công dân, đó là hồi quẫn bách nhất trong đời ông, vì báo Công dân chỉ là một cơ quan của anh em nhà văn nghèo dúm rau, dúm bếp với nhau, khi trả tiền in rồi, trong két còn tiền thừa mới trả cho người cầm bút.

Thế nhưng Vũ Trọng Phụng cũng không tỏ ra mình cần tiền. Mỗi khi ở Gia Lâm sang nhà báo, ông cứ cặm cụi cuốc bộ đi, lại cuốc bộ về, hôm nào mỏi lắm mới đi một cuốc xe. Một điều quan trọng hơn nữa là đời ông luôn luôn túng thiếu nhưng không lúc nào ông tự đem sự túng thiếu của mình mà làm phiền lụy người nào, dù khi túng thiếu cực điểm cũng vậy".

Tuy nghèo khổ, nhưng tài văn chương của ông đã sớm được bộc lộ. Từ năm 18 tuổi, ông đã trở thành cây bút có tiếng trên nhiều tờ báo: Hà Thành ngọ báo, Nhật Tân, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Đông Dương tạp chí, Tao Đàn tạp chí. Ông là người từng trải cảnh đời, tình người đến mức nhiều khi cay nghiệt, lại là người sống rất trung hậu, tình nghĩa, đầy trách nhiệm.

Ông viết hàng loạt phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết "tình trường" nhưng ông lại rất ngây thơ về "tình riêng". Ông chịu ảnh hưởng của quan niệm đạo Khổng: "Nam nữ thụ thụ bất tương thân", nên khi đã đi hỏi vợ rồi mà ông vẫn chưa hề gặp gỡ trò chuyện với vợ chưa cưới.

Bà Vũ Mỵ Nương, vợ nhà văn Vũ Trọng Phụng, là con gái của một gia đình khá giả. Anh trai bà có một cửa hàng thuốc bắc trên phố cổ. Gia đình bà sống ở làng Giáp Nhất, quận 5 (nay là phường Trung Hòa – Nhân Chính – quận Cầu Giấy) vốn là một gia đình có của ăn của để. Là con gái gia đình khá giả, lại có nhan sắc, bà Vũ Mỵ Nương được nhiều người hỏi cưới. Nhưng vì mê tài văn chương của nhà văn – nhà báo nghèo Vũ Trọng Phụng, bà đã gắn bó cuộc đời mình với ông, dù bà biết ông phải rất chật vật mới nuôi được gia đình bằng những đồng nhuận bút còm cõi của mình.

Cuộc hôn nhân của bà Vũ Mỵ Nương và nhà văn Vũ Trọng Phụng không phải một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, nhưng lại được mẹ bà Vũ Mỵ Nương rất ủng hộ, vì mẹ vợ của nhà văn cũng rất ngưỡng mộ những tiểu thuyết, những bài phóng sự sắc sảo của ông.

Năm 1936, nhà văn Vũ Trọng Phụng kết hôn với bà Vũ Mỵ Nương. Đó cũng là năm đánh dấu đỉnh cao trong sự nghiệp của ông với “Số đỏ”, “Giông tố” và “Làm đĩ”. Theo lời ông Nghiêm Xuân Sơn thời còn sống kể lại, nhà văn Vũ Trọng Phụng là người có sức làm việc phi thường.

Vì muốn có tiền cưới vợ, ông đã cật lực làm việc ngày đêm và cho ra đời 3 bộ tiểu thuyết nổi tiếng này. Tiền tổ chức đám cưới của ông, một đám cưới rất linh đình, có mặt gia đình, họ hàng và các bạn bè văn chương của ông, chính là lấy từ khoản tiền nhuận bút ấy.

Gia đình gồm con rể và các cháu, chắt, chít của nhà văn Vũ Trọng Phụng trước mộ ông.

Sau khi kết hôn, cuộc sống của gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng ngày càng khó khăn, nhất là khi con gái của ông – Vũ Mỵ Hằng chào đời. Nhà văn phải nuôi mẹ già, nuôi vợ và con gái, nên ngày đêm ăn uống kham khổ, làm việc đến mức lao lực, sức khỏe ngày càng hao mòn. Thương con gái và con rể, mẹ vợ đã cho vợ chồng ông về sống cùng trong chái nhà nhỏ ở làng Giáp Nhất.

Đây cũng là nơi chứng kiến sự ra đời những tác phẩm cuối cùng của nhà văn và chứng kiến những ngày cuối đời ốm đau bệnh tật của ông. Vì lao lực để kiếm cái ăn nuôi cả gia đình, vì phải ăn uống kham khổ, Vũ Trọng Phụng đã mất khi mới 27 tuổi vì bệnh lao phổi.

Nhà văn Ngọc Giao kể lại: Cảnh nhà Vũ Trọng Phụng luôn luôn túng thiếu. Đến nỗi ông phải nói với nhà in Tân Dân cho Vũ Trọng Phụng nhận sửa morat lấy thêm món tiền nhỏ sinh sống, thuốc thang. Những năm sau đó, Vũ Trọng Phụng đã bệnh, người rất yếu rồi. Ông còng lưng, gập người chữa bản morat. Nhưng ông vẫn sửa rất cẩn thận, và có khi còn đề nghị tác giả thay cả đoạn văn dài... Nhà văn lớn của lịch sử văn học Việt Nam thời ấy đã vì cơm áo vợ con mà làm cái công việc này để một tháng nhận thêm mười đồng.

Sau này có lần được nhà văn Lan Khai mời đi ăn cơm Tây, Vũ Trọng Phụng đã nói: "Nếu mỗi ngày tôi được ăn hai miếng bít-tết như thế này thì chắc tôi không đến nỗi ho lao". Sau khi nhà văn Vũ Trọng Phụng mất, vợ ông – bà Vũ Mỵ Nương đã ở vậy nuôi mẹ chồng và cô con gái nhỏ mới được 1 tuổi - Vũ Mỵ Hằng.

Có lần bà Vũ Mỵ Hằng kể lại: "Nhớ một lần được bà nội tôi cho cái bánh, tôi hỏi bà: "Lúc bố cháu còn sống bà có mua phở cho bố không?". Bà bảo: "Bà nghèo lắm. Bố cháu ăn bánh đúc mà viết truyện đó thôi! Bố tôi đã mất vì thiếu dinh dưỡng. Mẹ tôi cũng là người thiệt thòi vì bà chỉ sống thật sự bên cạnh chồng có hai tháng vì bố tôi thường đi thực tế để sáng tác".

Nhà văn Vũ Trọng Phụng sống long đong, khi qua đời, cũng nhiều phen đổi dời. Ông mất năm 1939, được chôn cất ở nghĩa trang Hợp Thiện, rồi nghĩa trang Quán Dền. Mãi đến năm 1988, con gái Vũ Mỵ Hằng mới đưa ông về quy thổ vĩnh viễn tại mảnh vườn nhà mẹ vợ nhà văn tại làng Giáp Nhất hiện nay. Tên của ông cũng đã được đặt tên cho con đường cách nơi ông yên nghỉ chỉ chừng 1 km.

Hồi còn sống, ông Nghiêm Xuân Sơn từng nói, gia đình bên vợ dường như có số đoản mệnh. Nhà văn Vũ Trọng Phụng mất khi mới 27 tuổi. Vợ ông Sơn, bà Vũ Mỵ Nương cũng qua đời khi còn rất trẻ. Sau đó, ông Sơn còn phải chứng kiến sự ra đi của một người con trai và một người con gái.

Cả cuộc đời ông, dường như được sống để toàn tâm toàn ý lo cho trách nhiệm với gia đình họ Vũ. Và trước khi ra đi vào mấy tháng trước đây, ông vẫn đầy lo lắng vì khi ông mất đi, sẽ không có người chăm lo cho gia tài văn học đồ sộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.