Nhà văn bác học U. Ecco: “Chúng ta đang mất trí nhớ đáng báo động!”

Thứ Tư, 13/11/2013, 08:50

Giáo sư Umberto Ecco (81 tuổi) người Italia là nhà văn kiêm triết gia nổi tiếng, được giới học giả toàn cầu tôn vinh bằng danh hiệu đầy trọng vọng là "nhà văn bác học", bởi những đầu sách của ông tuy khó hiểu với bạn đọc năm châu nhưng vẫn thuộc dạng bán chạy nhất. Hiện U. Ecco là Giáo sư Trưởng khoa Semiotic kiêm Chủ tịch Viện Nhân văn thuộc Trường đại học Tổng hợp Bologna. Semiotic là bộ môn khoa học phân tích và giải đáp các mã số sinh ra từ hệ thống ký hiệu, được khám phá trong ngôn ngữ, âm nhạc, kiến trúc…

Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi của "nhà văn bác học" đăng trên tờ La Repubblica, nhật báo có lượng phát hành lớn nhất Italia nhân dịp ông vừa xuất hiện trên diễn đàn LHQ ở New York (Mỹ), với bản tham luận "Chống lại sự mất trí nhớ" nhằm giới thiệu tự điển bách khoa kỹ thuật số EncycloMedia do U. Rcco cùng Nhà xuất bản EM Publishers của Anh đồng sáng lập, cho phép tìm kiếm những vấn đề không tồn tại trong tự điển mở trực tuyến Wikipedia hiện nay.

- Thật tội nghiệp cho việc sử dụng tài nguyên trí nhớ của chúng ta - "nhà văn bác học" mở đầu buổi phỏng vấn với lời cảnh báo - Nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang ở mức đáng báo động. Do vậy chúng tôi quyết định tạo ra tự điển bách khoa toàn thư kỹ thuật số mới EncycloMedia, cho phép lọc dữ liệu để tìm mối liên hệ giữa các sự kiện nhất định không tồn tại trong cuốn tự điển thông dụng Wikipedia.

- Vậy có tệ lắm không thưa giáo sư, khi một nhà nghiên cứu bắt buộc phải tra tự điển mở nhằm biết được ngày cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon nhậm chức?

- Trên nguyên tắc chẳng có gì đáng chê trách cả. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh, rằng một người có học không cần phải nhớ chính xác ngày sinh của Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte, trong khi chỉ bỏ ra vài phút tra cứu là tìm thấy tư liệu ngay. Điều tệ hơn là sự thiếu hiểu biết đầy đủ, ví như người ấy không chắc chắn với trí nhớ của mình rằng R. Nixon làm Tổng thống Mỹ trước hay sau J. Kennedy.

- Theo giáo sư chúng ta bị mất trí nhớ căn bản, hay chỉ những phần "ỷ lại" vào thông tin trên mạng Internet?

- Cả hai! Bằng chứng là sinh viên đại học Italia bây giờ hầu như không hề biết đến danh xưng của Alcide De Gasperi, vị Thủ tướng đã đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện sau Thế chiến II và tham gia sáng lập Liên minh châu Âu (EU).

- Những vấn đề liên quan đến việc mất trí nhớ có ảnh hưởng ra sao, thưa giáo sư?

- Ở đây tôi đơn cử vài ví dụ điển hình. Nếu như trùm Quốc xã Đức Adolf Hitler đã đọc tiểu thuyết sử thi "Chiến tranh và Hòa bình" của Lev Tolstoy, ắt sẽ hiểu được chuyện xâm lăng nước Nga là điều không thể; hay như cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đọc những câu chuyện về cuộc chinh phạt của các thế lực ngoại bang trong lịch sử ở Afghanistan, sẽ có sự lựa chọn khác khiến nước ông không bị sa lầy tại đây...

Đầu sách "Storia delle terre e dei luoghi leggendari" (Câu chuyện về những vùng đất và địa danh huyền thoại).

- Xin hỏi giáo sư về cuốn tự điển kỹ thuật số mới do ngài sáng lập. Phải chăng EncycloMedia có thể bổ sung cho Wikipedia cũng như các tự điển bách khoa toàn thư trực tuyến khác?

- Lẽ dĩ nhiên! Vấn đề nổi cộm của mạng Internet hiện nay do lượng thông tin quá đồ sộ lại dàn trải, trong khi các nguồn khai thác thường không rõ ràng. Tự điển mở EncycloMedia sẽ bổ khuyết bằng cách cho phép tìm ra những mối liên hệ cụ thể, thường không hiển thị trong khi truy cập vào các tự điển trực tuyến khác. Ví dụ như một người muốn tìm kiếm tư liệu về nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven, nhưng không biết lúc sinh thời nhạc sĩ có nghĩ tới Napoleon khi viết Bản giao hưởng số 3 "Eroica" hay không, thì tự điển EncycloMedia sẽ làm thỏa mãn thắc mắc này.

- Đủ loại thông tin đang được lan truyền thậm chí ngay cả trên các trang mạng xã hội. Riêng tiểu thuyết gia hàng đầu nước Mỹ hiện thời Jonathan Franzen lại cho đó là điều bất lợi. Ý kiến của giáo sư về chuyện này ra sao?

- Bản thân tôi không bao giờ vào Facebook, Twitter, LinkedIn cũng như các mạng xã hội phổ cập khác, đơn giản để tránh sự phân tâm trí nhớ không đáng có.

- Giáo sư vừa xuất hiện trên diễn đàn LHQ, tổ chức quốc tế hàng đầu chuyên với những vấn đề rối ren trầm kha của thế giới. Phải chăng đó cũng là hệ quả từ sự dư thừa thông tin thiếu chính xác dẫn đến những tranh chấp xung đột trên toàn cầu?

- Trong thực tế luôn tồn tại những dấu hiệu của tình trạng hỗn loạn do thông tin sai lệch, mang tính phiến diện như việc ngụy tạo vũ khí hủy diệt ở Iraq dưới thời cố Tổng thống Saddam Hussein, hay chính quyền Syria “đang tâm” sử dụng vũ khí hóa học tàn sát người dân của mình...

- Trước đây giáo sư tự nhận mình là người "lạc quan bi đát". Hiện giờ quan điểm của ngài vẫn vậy hay đã ngả theo chiều hướng bi quan hơn?

- Cá nhân tôi luôn cố trở thành người không bi quan thái quá, mà lạc quan trong trạng huống xung đột bi kịch của thế giới hiện đại. Thảm cảnh hiện thời là hệ quả tất yếu mà người đời đã đánh mất, dù vô tình hay hữu ý lượng trí nhớ căn bản mà tổ tiên truyền lại.

- Xin cám ơn giáo sư về buổi trao đổi thú vị và bổ ích này

Trần Hồng (theo La Repubblica)
.
.