Nhạc sĩ Dương Thụ: Không ai học được chữ ngờ

Chủ Nhật, 06/02/2011, 13:25
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Dương Thụ đã trở nên nổi tiếng. Bây giờ, ông ung dung sống với một đời sống vật chất đáng để nhiều người mơ ước, với một gia đình hạnh phúc. Nhưng, ở đằng sau những vinh quang, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã từng trải qua một đoạn đời khác, đoạn đời của những biến thiên mà chính ông nhiều khi cũng không lường trước được.

Bí mật ở đằng sau những vinh hoa đã được ông chia sẻ phần nào trong cuộc trò chuyện dưới đây.

Phóng viên (PV): Chuyện này xảy ra cũng đã hơn một năm, lúc ấy tôi đến dự cuộc triển lãm tranh của những trẻ em bị ung thư. Những bức tranh rất sinh động, màu sắc tươi sáng, nét vẽ hồn nhiên, không có cảm giác bức bối hay u uất nào cả. Nếu không có hàng chữ chú thích bên dưới, thì không ai hình dung nổi nhiều em vẽ khi đang cận kề với cái chết. Có em qua đời ngay khi đang vẽ. Bất giác, tôi liên tưởng đến những bài hát của ông, có một số bài qua chất giọng của ca sĩ Hồng Nhung, sao hồn nhiên, trong trẻo, thơ ngây đến thế. Rồi tôi tự hỏi, hay, phải chăng khi người ta (là nhạc sĩ) đã chạm vào tột cùng của sự mất mát, đớn đau mới vô vi và nhìn cuộc sống bằng con mắt hồn hậu, dịu êm và đẹp đến vậy?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Một liên hệ thật cảm động. Chắc tôi cũng có phần giống những em bé bị ung thư ấy. Còn cái chuyện vô vi, nói thế nào nhỉ, có thể nhận xét của bạn vừa đúng lại vừa… hơi quá với tôi. Chắc tôi không được như thế đâu.

Tôi không có may mắn như nhiều bạn đồng lứa, đến 50 tuổi vẫn còn lận đận, vẫn còn chưa hết khổ. Nếu người ngoài nhìn vào thì tôi đúng là một con người bất hạnh, nhưng nhiều khi tôi lại không thấy thế, vì cam phận, vì không nghĩ con người như tôi sinh ra lại có thể sống hạnh phúc. Tôi chẳng bao giờ so sánh để ganh tị với người khác. Người giàu có, người có địa vị xã hội với tôi là ở một thế giới khác, giống như một vùng nào đó trên Bắc Cực, nó xa lạ.

Những năm tháng khốn khó, tôi sống với những gì mình có, tiền bạc và danh phận nhỏ nhoi, tôi không thắc mắc gì cả. Đó chính là cách sống, cách hiểu của tôi từ năm 14, 15 tuổi, năm tôi bước vào đời để kiếm sống. Có lẽ vì thế bạn thấy những gì trong trẻo, ngây thơ trong các bài hát của tôi thì chắc chỉ là do bản tính tự nhiên, giời sinh đấy thôi. Chạm được vào tột cùng sự mất mát đau đớn, nếu không mang cái bản tính tích cực giời cho ấy, có thể tôi sẽ đánh mất sự ngây thơ, trong trẻo đấy.  

PV: Ông có phong thái lịch lãm, thanh tao, cả hào hoa nữa, điều này thể hiện trong các sáng tác của ông. Nhưng, đôi khi, đi ra ngoài quỹ đạo thì người ta  mới làm được những điều đột biến. Một người quy củ và nguyên tắc như ông liệu có bao giờ đi ra ngoài quỹ đạo không?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Một người chuyên nghiệp, một người có văn hóa thì phải quy củ và nguyên tắc, điều ấy là đương nhiên. Nhưng anh ta là con người, và hơn nữa nếu anh ta là người làm công việc sáng tạo, việc đi ra ngoài quỹ đạo chắc là vẫn có thể xảy ra.

Còn tôi ư? Cũng có thể có nhưng ít lắm, điều này chỉ xảy ra lúc tôi sáng tác. Trong nghệ thuật, quy củ và nguyên tắc có thể giết chết sáng tạo, nhưng sức ép của nó có thể tạo nên sự đột biến. Lò xo càng nén thì sức bật càng mạnh. Mọi sáng tạo đều bắt đầu từ sự "phá phách" của những người rất hiểu "quy củ và nguyên tắc".

PV: Từ những năm giữa của thập niên 90, ông nổi lên như một hiện tượng âm nhạc, được rất nhiều người yêu thích. Những bài hát bắt đầu được phổ biến ngày càng rộng rãi khi ông đã đi quá nửa đời người. Ông có ngạc nhiên không? Hay ông đón chờ điều đó và nghĩ: "Cuộc sống rất công bằng. Cái gì đến ắt phải đến"?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Cuộc sống chẳng có chuyện "rất công bằng" như ý nghĩ của ai đó. Vì thế mới sinh ra đau khổ, mới có đấu tranh. Nếu cứ chờ "cái gì đến ắt phải đến" có thể nó sẽ không bao giờ đến. Nhưng cứ nhăm nhăm đi tìm sự công bằng, bạn cũng có thể thất vọng đấy. Tôi không nằm ở hai điều kể trên vì tôi không mơ đến sự công bằng cho mình. Tôi không có giấc mơ ấy. Vì cuộc sống lúc đó đã dạy cho tôi rằng, những người như tôi thì chẳng nên mơ làm gì. "Xa xăm một quãng đời, xa xăm một vùng xanh khơi", bạn đã nghe bài hát ấy của tôi chưa, nó buồn, nó biết có những điều chỉ để mà hát thôi.

Năm 1993, tôi quay về Hà Nội làm chương trình đầu tiên và cũng có thể là cuối cùng của đời mình tại Nhà hát Lớn cùng với anh Phú Quang (34 tình khúc Dương Thụ - Phú Quang) và tôi ở lại làm tiếp “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” với Hội Nhạc sĩ (tôi làm biên tập và tổng đạo diễn) như một cố gắng cuối cùng. Năm ấy tôi quyết định rút lui khỏi hoạt động âm nhạc, mua một mảnh đất ở núi Chè, huyện Tiên Du, Bắc Ninh và về sống ở đấy.

Ba năm sau, Hồng Nhung, rồi Thanh Lam, Mỹ Linh lần lượt "khui" những bài của tôi ra hát, không hiểu sao nó lại trở thành top, hit thời đó: “Cho em một ngày”, “Vẫn hát lời tình yêu”, “Bài hát ru cho anh”, “Bay vào ngày xanh”, “Đánh thức tầm xuân”, “Bóng tối ly cà phê”, “Mặt trời êm dịu” v.v... cộng với “Tiếng sóng biển” và “Hơi thở mùa xuân” được biết đến từ những năm trước. Tôi vui, trở lại TP HCM và nối lại việc làm show và  làm album cùng với Bảo Chấn.

Album "Nghe mưa" 1 & 2, cùng show xuyên Việt "Nghe mưa" đã trở thành một sự kiện. Tôi bỗng nổi tiếng như cồn, đi đâu cũng có fan hâm mộ, đi đâu cũng được xin chữ ký cứ y như ca sĩ ngôi sao vậy. Tôi thật sự ngạc nhiên, và nhiều người, nhất là bạn bè âm nhạc, họ cũng ngạc nhiên không kém (họ nổi tiếng thì có lý, còn tôi ư? Chẳng khi nào nghe thấy bài của tôi trên đài phát thanh và trên truyền hình, chẳng thấy báo chí nào nói về tôi cả, chẳng biết thằng cha này bây giờ viết cái gì, mà viết như thế, ai hát, ai nghe?).

Từ trong bản chất, tôi không phải là người của công chúng. Tôi làm nhạc vì sở thích tự nhiên. Thầy giáo dạy văn đã phê vào học bạ năm cuối cấp 3 của tôi: "Có khả năng trở thành nhà lý luận, phê bình văn học". Tôi vẽ rất tốt, cô giáo dạy tôi vẽ là họa sĩ Nguyễn Thị Khang nghĩ rằng tôi sẽ trở thành họa sĩ giỏi.

PV: Nhưng số phận đã buộc ông phải trở thành một nhạc sĩ…

Nhạc sĩ Dương Thụ:  Đúng là tôi chỉ thích nhạc thôi. Với nó, tôi được sống thật sự, sống đủ đầy. Nhưng tôi không hề nghĩ mình sẽ trở thành người làm nhạc như bây giờ. Học nhạc, viết nhạc từ rất sớm, viết vì muốn viết, vì rung động chứ chẳng vì mục đích gì cả. Nhạc tôi là cuốn sách nội tâm tôi, một thứ "nhật ký" bằng âm thanh. Tôi không viết cho công chúng, cũng chẳng viết cho ai cả.

Trước năm 1980, tôi viết rất nhiều rồi quên đi, chẳng lưu giữ một bản thảo nào, chẳng gửi cho đài đóm hoặc đoàn văn công nào cả, chẳng nhờ ai diễn, hoặc dàn dựng, cũng chẳng hát trong những buổi "tao ngộ" trong giới văn nghệ. Viết xong, sửa chữa cho thật hoàn hảo rồi tự đàn hát một mình, thế là đủ. Nhưng những người trong giới thì biết, các anh Đàm Linh, Nguyễn Xinh, Chu Minh và ba người bạn "nối khố" âm nhạc của tôi là Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến. Quá đủ rồi, còn mong gì hơn.

PV: Cuộc đời luôn có những điều bất ngờ…

Nhạc sĩ Dương Thụ: Bước ngoặt xảy ra vào năm 1977 khi tôi chuyển vào TP HCM sinh sống. Một cuộc đời khác, một môi trường xã hội khác và tôi bắt đầu hành nghề nhạc để kiếm tiền, nhưng chủ yếu là đi dàn dựng chương trình cho các tụ điểm và các đoàn văn công. Viết nhạc vẫn là chuyện riêng tư, vô mục đích. Nhưng một khi không "tháp ngà" nữa thì việc sáng tác nhạc bị "bại lộ"…

Thế là về cuối đời việc viết nhạc hóa ra lại không chỉ cho mình như ý nghĩ ban đầu, hóa ra cũng  có người nghe, hóa ra âm nhạc không chỉ cho tôi sống những giây phút tôi nhất mà nó còn là chiếc cầu nối tôi với mọi người, nó giúp tôi thấy mình trong nhiều người, một sức mạnh mới, một niềm tin yêu mới mẻ. Hóa ra điều chẳng bao giờ nghĩ rằng nó sẽ đến, thì nó vẫn đến. Đến không phải bởi một cái gì cả. Đơn giản là do may mắn.

Nếu tôi không gặp Lệ Quyên của những năm 80, nếu tôi không tìm ra Hồng Nhung khi đi tuyển diễn viên ca cho Nhà hát Tuổi Trẻ, nếu tôi không làm giám khảo cuộc Liên hoan nhạc nhẹ toàn quốc năm 1993 để phát hiện ra Mỹ Linh, Quốc Trung, nếu tôi không phải là bạn của Trương Ngọc Ninh để Ninh gửi gắm Anh Quân cho tôi và ở TP HCM, nếu tôi không gặp được Bảo Chấn, thì tôi vẫn là tôi, vẫn lạc lõng và cô độc như thế. Và các bạn sẽ không thể biết đến một Dương Thụ như bây giờ.

PV: Ông vẫn thường nhận mình là có dáng vẻ của một ông giáo, nhưng tôi lại thấy ông  trông giống như một nhà nghiên cứu khoa học, một công chức văn phòng hơn là một nghệ sĩ lãng tử. Hình như sự biểu lộ nghệ sĩ nhất của ông chính là được thăng hoa, được dồn đẩy bộc lộ trong tác phẩm?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Giống một công chức văn phòng à? Một nhận xét thật bất ngờ. Chắc lúc nào tôi phải bình tĩnh soi gương lại xem. Tôi biết mình trong con mắt người khác có rất nhiều nhận dạng: huấn luyện viên thể thao, người bán thuốc tây, đại diện cho một hãng buôn, thầy tu v.v... nhưng cũng giống như bạn, không ai nhận dạng tôi là một nghệ sĩ.

Các cụ nhà ta vẫn nói "trông mặt mà bắt hình dong". Hình dong tôi như thế làm sao mà nghệ sĩ được. Để khỏi phải xấu hổ, tôi xin thanh minh với bạn trước rằng, quả thực tôi 100% không phải là nghệ sĩ. Tôi là người làm nghề nhạc. Tôi nhớ ra rằng khi viết tác phẩm tôi cũng chẳng có chút gì là nghệ sĩ như bạn nghĩ cả. "Thăng hoa, dồn đẩy bộc lộ" là cái gì đẹp quá, nghệ sĩ quá, chắc là tôi không có đâu.

Ở nước ta có rất nhiều nghệ sĩ, và một số đạt đến mức lãng tử. Họ thường tụ tập ở các quán rượu, các quán cà phê vỉa hè. Trông họ là biết ngay: Duyên dáng, độc đáo, lập dị, "bụi bặm" và cao quý. Nghe họ cũng biết ngay: Có người thì nói năng rất "văn - triết" sâu xa bay bổng, có người thì ngược lại, văng tục, nói năng búa bổ (theo cách nói bây giờ là "cực sốc"). Tôi mà ngồi cùng với họ thấy mình "đuối" hẳn và tự nhiên thấy mình lạc lõng. Những chỗ có đông đảo nghệ sĩ như thế là rất "nguy hiểm" với mình. Biết vậy, tôi thường tìm cách né tránh đấy.

PV: Lật giở cuốn sách "Dương Thụ -café mưa", thấy trong một bài phỏng vấn có một câu được nhấn mạnh bằng cách in đậm, đó là "một gia đình hạnh phúc". Thường thì người ta nói đến một gia đình hạnh phúc là người ta đang hạnh phúc thật sự, muốn tâm sự chia vui để mọi người cùng biết, hoặc là che giấu đi một điều gì đó?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi sống xa gia đình từ thuở bé, tự mình kiếm sống để lấy tiền ăn học. Tôi nhớ có lần tôi bị sốt nằm ở nhà trọ, cũng đã đỡ rồi, thấy chị tôi đến thăm, tôi cố run lên, rên rỉ như một kẻ sắp chết để được chị thương (nếu biết sắp khỏi rồi thì ai thương). 17,18 tuổi đã viết những bài hát ru vì tôi sống xa mẹ, không được mẹ ru bao giờ.  Bây giờ tôi hiểu đấy là "giấc mơ gia đình yêu thương". 

Tôi đã nhiều lần lập gia đình và cũng nhiều lần tan vỡ. Từ 16 năm nay, tôi đã có gia đình mới. Cái giấc mơ từ bé đã có trong đời thực, vấn đề là ta phải giữ gìn nó như thế nào. Nói về hạnh phúc gia đình không phải là để khoe và cũng chẳng phải che giấu điều gì. Chỉ có điều, với nhiều người, gia đình không phải là nỗi ám ảnh của họ. Cái mà tôi mơ thì họ có thừa thãi. Cái tôi có và tôi nghĩ là lớn thì với họ chưa phải là cái họ đáng để ý. Có phải thế không, bạn?

Rồi đôi mắt người nhạc sĩ nhìn vào khoảng không gian vô định, tôi mong những điều tốt đẹp và bất ngờ sẽ đến với ông, chẳng phải cuộc đời ông luôn có những bất ngờ đấy thôi. Biết đâu đấy!
Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.