Nhạc sĩ Hồng Đăng: “Tôi nào có biết hoa sữa…”
Quá tiếc, chúng ta đã để phí biết bao nhiêu tác phẩm
Tôi vẫn luôn nói với mọi người: Một tác phẩm có số phận của nó chứ không phải cứ hay là được sử dụng, không phải cứ tốt là được nổi tiếng. Đất nước ta đã có bao nhiêu nhạc sĩ tài danh, bao thế hệ nhạc sĩ đóng góp vào nền âm nhạc Việt Nam trải qua chiều dài của biến động lịch sử và cho đến hôm nay chúng ta đã thực sự khai thác hết chưa?
Phải nhìn nhận một cách công bằng là quá tiếc, chúng ta đã để phí phạm không biết bao nhiêu là tác phẩm văn học nghệ thuật. Ví dụ: Một nhạc sĩ sáng tác ra bài hát, khi ra thành bài hát phải có ca sĩ có giọng ca hay. Ca sĩ có giọng ca hay xong rồi lại phải hát thích hợp với bài hát. Hát thích hợp xong phải có dàn nhạc đệm, rồi lại phải có một sân khấu thì lúc đấy may ra tác phẩm mới có mức khởi đầu để đi lên trên con đường của mình. Vinh quang hay không là còn tùy thuộc nhiều yếu tố.
Ảnh minh họa: Internet. |
Có những người viết bài hát rất hay nhưng suốt cả cuộc đời không ai biết là tác giả của bài gì? Tại vì người hát không hay, bài hát vứt đi. Người hát hay nhưng dàn nhạc không ra gì cũng vứt đi. Dàn nhạc cũng hay nhưng lên sân khấu, sân khấu ọp ẹp thì rồi cũng lại vứt đi, cho nên phí phạm không biết bao nhiêu tác phẩm.
Tôi sáng tác hàng trăm hàng nghìn bài hát chứ không ít. Nhưng nhiều người bảo: Nhạc sĩ Hồng Đăng nghe tên quen quá, ơ ông ấy nổi tiếng bài gì ấy nhỉ? Bài gì nhiều người cũng không biết, may ra biết được bài “Biển hát chiều nay” với bài “Hoa sữa”. “Biển hát chiều nay” là nhờ có biển đảo mới biết nhiều hơn.
Để bài hát đến được với công chúng thời gian dài lắm nhất là với những nhạc sĩ không có điều kiện nắm trong tay một hệ thống biểu diễn nào. Bài hát phải nghe nhiều lần và được ca sĩ hát hay công chúng mới thích được.
Phận long đong của những bài hát nổi tiếng
Năm đó, nữ đạo diễn Đức Hoàn đặt tôi viết một nhạc phẩm cho phim: "Hà Nội mùa chim làm tổ" lúc tôi đi tìm chủ đề thì mãi không tìm ra tưởng là bế tắc rồi, sau đấy có một nhà thơ ở Hà Nội, bảo: "Anh Đăng ơi, có một loài hoa sữa ở Hà Nội ít người biết nhưng hay lắm anh xem thử thế nào, hoa có mùi thơm rất nồng nàn, rất quyến rũ mọc ở hồ Hale, với con đường Nguyễn Du”.
Nào tôi có biết đến hoa sữa là thế nào đâu, nghe đến đấy tôi lấy cái ý đấy viết ngay một bài hát cũng chỉ trong mấy phút là xong, lấy tên là "Hoa sữa". Vậy mà người ta xúc động: “Em vẫn từng đợi anh như hoa từng đợi nắng/ Như gió tìm rặng phi lao, như trời cao mong mây trắng”. Đấy là người con gái đợi người con trai. Rồi lại đến người con trai đợi người con gái.
"Anh vẫn từng đợi em trên những chặng đường quen, tiếng hát ai xao động, thoáng mùi hoa êm đềm”, mùi hoa đó khiến cho chàng trai và cô gái nhớ nhung về một thời đã qua để: “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, những bạn bè chung, những con đường nhỏ. Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm có lẽ nào anh lại quên em”.
Đến lúc ca sĩ hát thì cảm xúc chỉ đưa về một giới. Bộ phim nói về tình yêu của đôi trai gái rất đẹp nhưng không đến được với nhau, mỗi bên đều giữ ký ức về nhau và không thể nào quên được nhau nhưng khi hát người ta cắt mất một phía, đứng về lời là rất rõ về hai giới.
Sau khi bài hát lên phim, sinh viên chép bài hát ra cuốn sổ lưu niệm, và người xem thích thuộc hát truyền khẩu chứ không có ca sĩ nào hát trên sân khấu bài này cả. Bẵng đi chục năm sau mãi cho đến năm 1986, không hiểu bằng cách nào ca sĩ Nhã Phương có bài hát này trong TP Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Hồng Đăng và vợ. Ảnh: Phạm Nghĩa. |
Vào giữa và cuối của thập niên 80, hai chị em ca sĩ Bảo Yến, Nhã Phương làm mưa làm gió trong sân khấu Sài Gòn. Nhã Phương hát xong mới có hệ thống băng đĩa ghi bài hát này. Đĩa được phát hành bán chạy quay ngược trở lại ra Bắc thì ca sĩ miền Bắc, Thanh Hoa hát, rồi sau này là Hồng Nhung, Thanh Lam, Hồ Quỳnh Hương…
Bài “Hoa sữa” nhiều ca sĩ thể hiện nhưng mỗi một ca sĩ biểu diễn bằng một tình yêu riêng. Ngay như Hồng Nhung hát rất cảm xúc, Hồ Quỳnh Hương hát cũng rất hay, Thanh Lam hát thì có người không thích, nhưng nhiều người lại bảo rất thích, không ai hát được bằng Thanh Lam.
Sau khi bài “Hoa sữa” được một số ca sĩ trình bày thành công, nhiều địa phương trồng hoa sữa, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột, TP Hồ Chí Minh… Một số người gọi điện cho tôi nói: "Tội của bác to lắm, người ta yêu hoa sữa quá nên trồng chật kín trên các con đường ở khắp các tỉnh, thành". Hoa sữa trồng ít hương thơm dễ chịu, trồng nhiều thì ngào ngạt, sực nức mùi quá người dân sống ở gần đấy rất khổ.
Dù sao, người nhạc sĩ như chúng tôi cứ sáng tác bằng tất cả khả năng của mình, và nhất là sự đóng góp của mình đem đến một tình yêu thương tha thiết đối với tất cả giai điệu đi với cuộc đời. Nghề âm nhạc có những đặc thù nếu không biết thì tôi tin có nhiều bài hát hay bị lãng quên. Những bài hát trụ lại của nhạc sĩ chưa chắc đã phải là bài hát tâm đắc nhất của nhạc sĩ đó.
Bài “Chiếc khăn Piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho phát ở Đài tiếng nói, Đài Truyền hình mãi nhưng không ai để ý, đến khi Tùng Dương hát, thế là tự nhiên làm mưa làm gió lên. Vậy đấy, âm nhạc thật kỳ lạ, lại phải đúng ca sĩ đang hot, đúng thời điểm cần tôn vinh một giá trị cũ kỹ trên một sân khấu mới lạ, tự nhiên bài hát thay da đổi thịt. Cho nên cái hiệu ứng ca khúc phụ thuộc vào nhiều thứ ngoài tầm kiểm soát của nhạc sĩ.
Bài “Lênh đênh” của tôi cũng có số phận long đong, trắc trở như vậy. Từ mấy chục trước, tôi đã viết “Lênh đênh” cho bộ phim nhựa “Đời hát rong”. Đó là bài hát cuối cùng tôi viết ca khúc dành cho phim. Phim chiếu rạp mọi người xem phim xong, nghe bài hát xong cũng chưa thấy ai nói gì. Cả chục năm sau Tam ca 3A, hai chị em Minh Anh - Minh Ánh hát trên VTV, một số công chúng biết đến bài hát.
Ngọc Bảo thích bài này nên đã hát, ông có một lượng công chúng Việt kiều ở hải ngoại. VTV làm chương trình “Con đường âm nhạc”, ca sĩ Thanh Lam thích bài hát này nên đã tự bỏ tiền ra thu và dựng năm 2009, VTC làm chương trình bài hát đưa ra và công chúng mới biết bài hát này nhiều hơn. Rồi thì sau lúc đấy các phòng trà, quán karaoke họ để bài này trong danh mục bài hát.
Âm nhạc chia ra hai khối: khối thanh nhạc là nhạc để hát, và khối khí nhạc là nhạc không lời. Bao nhiêu năm nay âm nhạc để tiếp cận với công chúng có rất ít kênh. Lượng bài hát tôi viết phải đến cả ngàn bài, trong đó có rất nhiều bài về khí nhạc có giá trị, nhưng không được giới thiệu, tiếp cận nhiều với công chúng. Nhiều nhạc sĩ khác cũng thế thôi. Dù sao, so với các đồng nghiệp của mình tôi may mắn còn có công chúng biết đến, có không ít nhạc sĩ tài năng lắm nhưng chưa bao giờ gặp may cả. Chả ai biết họ là ai vì họ có được ca sĩ nào giới thiệu bài hát của mình đâu…
Ảnh minh họa: Internet. |
Tại sao tôi lại thôi không viết nhạc cho phim?
Năm 1986, trong số các nhạc sĩ, tôi may mắn là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh. Lúc đấy tôi sáng tác cho điện ảnh gần 30 nhạc phim. Quãng thời gian sau con số lên đến 60, 70 phim thì tôi ngừng không viết nữa. Đã có một thời gian rất khó khăn cho các nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho phim, đó là nhiều khi nhạc sĩ phải bỏ thêm tiền để thu nhạc.
Trong công việc tôi là người cầu toàn, không thể qua loa đại khái, không thể chỉ làm một ca khúc, một bản nhạc chỉ để cho có. Để một bản nhạc hay hoặc một ca khúc hay thì cần trau chuốt từng ly từng tí như viết một bản nhạc cho phim làm nghiêm túc thì tốn rất nhiều kinh phí. Nhạc phim chủ yếu là nhạc không lời, thỉnh thoảng mới có phim có bài hát.
Để viết nhạc không lời cho phim mà dày dặn thì đòi hỏi cả một dàn nhạc. Tiền đó ai trả nổi, sau này kinh phí cứ teo tóp dần. Sau này tôi ít viết nhạc phim vì tiền họ trả không đủ để thu nhạc, mà tôi thì cũng không có lực để ứng mãi ra được.